Saturday 13 August 2016

TẠI SAO SỢ ? (Lê Phan)





Lê Phan
August 13, 2016

Hôm Thứ Năm vừa qua, chính phủ Úc đã chặn sơ khởi việc hai công ty Trung Cộng và Hồng Kông mua đủ số cổ phần để kiểm soát mạng lưới điện lớn nhất nước, dẫn lý do an ninh.
Trước đó tân chính phủ Anh của Thủ Tướng Theresa May quyết định hoãn lại việc thực thi dự án điện hạt nhân Hinkley Point mà trong đó tập đoàn điện hạt nhân Trung Cộng có 33% cổ phần. Trong khi đó, chính phủ Hoa Kỳ và Úc chặn không cho Hoa Vi tham gia các hợp đồng về thông tin và quốc phòng. Câu hỏi đặt ra là tại sao các chính phủ Tây phương lại sợ đầu tư Trung Cộng đến thế?

Trung Cộng đang vung tiền ra đầu tư trên khắp thế giới, điều đó hẳn là ai cũng biết.
Lấy thí dụ Anh Quốc, hiện nay có ba công ty đầu tư công của Trung Cộng đang bỏ những số vốn khổng lồ vào Anh. Tập đoàn Safe sở hữu 1% cổ phần của tập đoàn dầu khí BP, công ty đầu tư Trung Quốc (China Investment Corp) sở hữu 9% cổ phần của công ty cấp nước Thames Water, người cung cấp nước chính của thủ đô Luân Đôn, và 1% của Diageo, chủ nhân của bia Guinness và rượu whisky Johnnie Walker. Nhưng các công ty Trung Cộng còn sở hữu một lô các công ty khác trong đó có AIM (cung cấp máy cho kỹ nghệ hàng không), Repsol Nuevas Energias UK (nhiên liệu tái tạo), Specialist Machine Developments (xe vận tải kỹ nghệ), Travelfusion (Kỹ thuật) và MG (xe hơi). Hơn thế, BP đã đồng ý một hợp đồng 6.5 tỷ bảng Anh để cung cấp khí đốt hóa lỏng cho tập đoàn Huadian Corp, Rolls-Royce, công ty nay chuyên làm động cơ phi cơ cho Airbus và Boeing ký một hợp đồng 1.6 tỷ bảng Anh cung cấp đầu máy Trent 700 cho tập đoàn hàng không HNA của Trung Cộng. Ngoài ra, ngân hàng xây dựng Trung Quốc, một trong những ngân hàng quốc doanh hàng đầu, đang cung cấp 6 tỷ bảng Anh để tài trợ cho nghiên cứu về y tế tái tạo và kỹ sư tế bào ở Viện đại học Oxford trong khi công ty xe hơi Aston Martin ký hợp đồng 50 triệu bảng Anh với China Equity để phát triển xe hơn RapidE không thải khí độc. Đến ngay một biểu tượng quan trọng nhất của thủ đô Luân Đôn, công ty sản xuất xe taxi Black Cab đã bị tập đoàn Geely mua mất.

Dĩ nhiên đây không phải lần đầu tiên một quốc gia Á Châu phát triển tung tiền ra đầu tư trên thế giới. Đã có thời câu chuyện quan trọng là đầu tư Nhật Bản. Ở Anh quốc và Âu Châu gần đây câu chuyện chuyển sang đầu tư Ấn Độ.

Nhưng chưa bao giờ có những chuyện như đang xảy ra với Trung Cộng.

Điều đáng ghi nhận đầu tiên là thái độ phải nói là “trịch thượng” của chính quyền Bắc Kinh đối với các quốc gia mà họ muốn đầu tư vào.

Chính phủ Anh, vốn có một nền ngoại giao cổ kính và bảo thủ mặc dầu rất nhạy bén đã sửng sốt khi hôm 8 tháng 8 vừa qua, Đại Sứ Lưu Tiểu Minh của Trung Cộng ở Triều đình ở Điện St. James, nơi thiết triều đón các đại sứ của Nữ Hoàng Elizabeth II, đã viết một bức thư trên tờ Financial Times, bày tỏ việc Bắc Kinh không thích sự việc là chính phủ Anh đang xét lại kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point ở miền tây nam nước Anh, cũng như ngầm ý xét lại sự việc là các công ty Trung Cộng sẽ sở hữu, xây dựng, điều hành và kiểm soát thêm một nhà máy điện hạt nhân nữa tên là Bradwell ở Essex, một ‘home county’ tức một trong những quận bao quanh thủ đô Luân Đôn.

Một nhà bình luận trên tờ Financial Times chỉ ra sự “kỳ lạ” của bức thư này. Ông Nick Butler hỏi “Có ai điều đình ngoại giao về một vấn đề nghiêm trọng qua báo chí không? Họ phải làm việc kín đáo để tìm ra lý do của vấn đề, nếu có, và rồi lặng lẽ tìm một giải pháp chứ? Đưa ra những lời đe dọa là rất thiếu ngoại giao. Thực vậy, bức thư này đọc nghe như được viết bởi một công ty tiếp thị được chỉ thị cho phải gây áp lực đối với các vị bộ trưởng. Người ta tự hỏi liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào nếu đại sứ Anh ở đó viết một bài đòi hỏi là Hồng Kông phải được quyền chọn lãnh tụ?”

Ông Butler viết tiếp: “Bài báo nói một cách cao siêu về chữ tín, nhưng làm sao có niềm tin khi GCHQ, cơ quan tình báo Anh tương đương với NSA của Hoa Kỳ, phải chi tiền để bảo đảm là các công ty Trung Cộng làm việc ở Anh hoạt động hợp pháp và ngay cả tiền để chống lại gián điệp internet chống lại các công ty và định chế của Anh?” Vả lại “Tại sao các nhà kinh doanh Anh và ngoại quốc đến thăm Bắc Kinh phải giữ chằm chằm smartphone và computer bên mình để ngăn cản chúng bị là nạn nhân của ‘tin tặc.’”

Nhưng Anh Quốc không phải là quốc gia duy nhất ngần ngại hay từ chối đầu tư Trung Cộng. Đầu năm nay, Bộ Trưởng Tài Chánh Úc Scott Morrison, chặn việc bán S Kidman & Co cho một tổ hợp Trung Cộng. Công ty này là một công ty địa ốc khổng lồ, sở hữu một số đất đai lên đến 1.3% đất nước và triển vọng bán này đã gây lo ngại cho về mức độ của đầu tư Trung Cộng vào Úc. Một lần trước khi Trung Cộng cũng tìm cách mua công ty này cũng đã bị chặn vì một số đất của Kidman nằm ngay kế bên một địa điểm thử hạt nhân. Huawei cũng bị cấm không được đấu thầu tham gia dự án 38 tỷ đô la Úc để cung cấp broadband thật nhanh cho toàn nước Úc. Và như vừa nhắc đến ở trên, hôm đầu tuần, cũng chính ông Scott ra lệnh cấm một tập đoàn Trung Cộng và một tập đoàn Hồng Kông mua cổ phần kiểm soát của công ty mạng lưới diện lớn nhất nước.

Hoa Kỳ cũng đã có những nghi ngờ không kém về đầu tư Trung Cộng, mà chính là vì những lo sợ tiềm năng tình báo internet. Hwawei và công ty sản xuất điện thoại khác của Trung Cộng ZTE bị một tiểu ban của Quốc Hội Hoa Kỳ coi là một đe dọa cho an ninh quốc gia và do đó chặn không cho tham dự các hợp đồng cho quân đội và Ngũ Giác Đài.

Mà không phải những lo sợ này là viển vông. Hôm Thứ Năm vừa qua, báo chí loan tin là tập đoàn điện hạt nhân Trung Cộng vốn có 33% cổ phần trong dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point đã bị chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc tội gián điệp hạt nhân theo cáo trạng của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Trong một cáo trạng dài 17 trang, chính phủ Hoa Kỳ nói là kỹ sư hạt nhân Allen Ho, một nhân viên của China General Nuclear Power Company(CGNPC), và chính công ty này đã âm mưu bất hợp pháp để phát triển vật liệu hạt nhân ở Trung Cộng không được sự chấp thuận của Hoa Kỳ và “với chủ đích để dành lợi điểm cho nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Phụ tá Bộ Trưởng Tư Pháp John P. Carlin của Hoa Kỳ cho biết “Allen Ho, dưới sự điều động của công ty điện hạt nhân quốc doanh của Trung Quốc bị cáo buộc là đã làm quen và mua chuộc các chuyên gia Hoa Kỳ cung cấp trợ giúp trong việc phát triển và sản xuất những loại vật liệu hạt nhân đặc biệt ở Trung Quốc.” Ông Carlin thêm “Ông ta đã làm vậy mà không ghi tên với Bộ Tư Pháp là ông là một đại diện của một quốc gia khác và giấy phép từ Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ.” Ông Carlin khẳng định “Đưa ra tòa những ai tìm cách luồn lách luật pháp Hoa Kỳ bằng cách lấy những kỹ thuật hạt nhân tế nhị cho các quốc gia ngoại quốc là ưu tiên hàng đầu của Ban An Ninh Quốc Gia.”

Theo luật pháp Hoa Kỳ, âm mưu hoạt động hay tham gia vào việc phát triển vật liệu hạt nhân bên ngoài Hoa Kỳ có bản án tối đa là tù chung thân và phạt vạ 250,000 đô la. Âm mưu hành động đại diện cho một quốc gia khác ở Hoa Kỳ có bản án tối đa 10 năm. Phó giám đốc FBI phụ trách an ninh quốc gia Michael Steinbach, nói “Hoa Kỳ sẽ sử dụng mọi khí cụ pháp lý để chặn những ai ăn cắp kỹ thuật và chuyên môn hạt nhân của Hoa Kỳ.” Nghe đâu ông Ho chào đời ở Trung Cộng và đã nhập tịch Hoa kỳ nhưng ở hai nơi. Tập đoàn CGNPC là công ty điện hạt nhân lớn nhất Hoa lục, sở hữu bởi ủy ban kiểm soát tài sản công của chính quyền Bắc Kinh.

Và đó là lý do bà May ngần ngại. Đã từng là bộ trưởng nội vụ lâu đời của Anh, bà hiểu rõ những đe dọa của Trung Cộng. Đầu tư vào Hinkley Point sẽ giúp cho tập đoàn CGNCP cơ hội tìm hiểu kỹ thuật của EDF, công ty điện lực bán quốc doanh của nước Pháp, quốc gia duy nhất còn lại trong Liên Hiệp Âu Châu vẫn còn khả năng điện hạt nhân.

Ngay đến nước Đức cũng đang lo ngại về Trung Cộng. Tờ Financial Times kể lại là năm nay ở Hội chợ kỹ nghệ Hannover Messe nổi tiếng, một robot đã là ngôi sao của hội chợ. Tên là Iiwa, nó có thể rót bia và pha cà phê. Bà Angela Merkel và ông Barack Obama, hai khách danh dự của ngày khai mạc, đã kinh ngạc. Bà thủ tướng Đức hỏi “Nó có vắt chanh được cho ly trà không?” Iiwa, tên tắt có nghĩa là phụ tá hoạt động kỹ nghệ thông minh, được sản xuất bởi Kuka, công ty kỹ sư có nhiều sáng tạo nhất nước Đức từ lâu nay rồi. Chưa đầy một tháng sau, công ty sản xuất đồ gia dụng Midea đòi mua Kuka với giá 4.5 tỷ euro, giá tiền cao nhất mà một công ty Trung Cộng mua một công ty Đức. Ý tưởng là Trung Cộng sẽ sở hữu công ty có khả năng kỹ thuật cao nhất nước đã là một điều làm Đức bực tức và có thể sẽ bị chặn.

Nhưng đánh cắp hay mua để rồi đánh cắp tài sản trí tuệ cũng còn chưa đáng sợ bằng điều mà chính ngay một viên chức của chính quyền Hà Nội mới “khám phá” ra. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn của Hà Nội nói chính quyền đang xét lại các kỹ thuật Trung Cộng và các dụng cụ sau cuộc tấn công hôm tháng 7 vào hệ thống điện toán của hai phi trường lớn nhất nước và công ty hàng không nhà nước. Ông Tuấn nói là các công ty telecom quan trọng của Việt Nam đều sử dụng kỹ thuật Trung Cộng nâng thêm đe dọa bị đột nhập.




No comments:

Post a Comment

View My Stats