Thursday, 4 August 2016

TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN DƯƠNG NGHIỄM MẬU (Phạm Xuân Nguyên)





Phạm Xuân Nguyên 
Cập nhật lần cuối 03/08/2016

Tưởng nhớ nhà văn
DƯƠNG NGHIỄM MẬU
(1936 - 2016)
Phạm Xuân Nguyên

Bất ngờ và đau đớn khi được tin anh mất – anh Phí Ích Nghiễm, một người con của xứ Hà Đông quê lụa sống ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi, lấy tên mình ghép với hai chữ đầu tên quê nội ngoại thành bút danh nhà văn Dương Nghiễm Mậu.

Nhớ anh, lần gặp đầu ở nhà riêng tại Sài Gòn sau vụ bốn tập truyện ngắn của anh được công ty Phương Nam và Nxb Văn Nghệ in lại bị “đánh”, tôi có bài viết trên báo Thể Thao & Văn Hóa về bốn tập này cũng bị “đánh”, câu đầu tiên anh hỏi : ông có bị sao không, tôi đọc báo Nhân Dân phê bài ông viết về tôi mà tôi lo cho ông.

Nhớ anh, những lần anh ra Hà Nội đều gọi cho tôi, hai anh em ngồi vỉa hè uống cốc cà phê hay chè chén, nói chuyện lung tung. Nhớ ngày 16 tháng 9/2008, tôi đã chở anh đến viếng mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng gặp gỡ anh Nghiêm Xuân Sơn, người con rể của tác giả Số đỏ đồng tuế với anh. Buổi tối ấy tôi đã đưa anh đến gặp gỡ các bạn văn chương nghệ thuật tại nhà của vợ chồng Peter Zinoman - Nguyệt Cầm (có nhà văn Nguyên Ngọc, Lê Minh Khuê, đạo diễn Trần Quốc Trọng, vợ chồng Jason Picard - Thanh Lưu).

Từ trái sang, đứng : Nguyệt Cầm, Dương Nghiễm Mậu, Peter Zinoman, Nguyên Ngọc, Trần Quốc Trọng, Jason Picard, Thanh Lưu ;
ngồi : Lê Minh Khuê, Phạm Xuân Nguyên. Ảnh chụp năm 2008, nguồn : PXN

Nhớ anh, khi gặp nhau ở Sài Gòn uống bia, hỏi anh câu chuyện văn chương quanh nhóm Sáng tạo của Mai Thảo, rồi sau này đọc một bài viết kỹ càng của anh mới hiểu hơn đời sống văn học Sài Gòn thời đã qua.

Nhớ anh, nét bút đề tặng sách còn như mới hôm qua.

Nhớ anh, với mối quan hệ đặc biệt thân tình với Jason Picard, một nghiên cứu sinh người Mỹ về lịch sử hiện đại Việt Nam nay đã thành tiến sĩ. Anh và tôi đã cùng lo cùng mừng cho Jason, và chàng “Sơn Mỹ” rể Việt Nam này cùng với vợ đã rất yêu quý trân trọng anh. Anh mất đi, Jason và Thanh Lưu sẽ rất đau buồn và hụt hẫng.

Nhớ anh, nhớ nhiều, anh Nghiễm ạ. Cầu chúc cho anh ở phía trời kia vẫn ngó về phía trời này để vẫn sẻ chia những hệ lụy trầm luân của kiếp người và kiếp cầm bút như anh đã từng trăn trở lâu nay trên các trang viết của mình.

Tưởng nhớ nhà văn Dương Nghiễm Mậu, tôi đưa lại đây bài viết năm 2007 đã đăng báo TT&VH và sau đó đăng lại trên trang Talawas với cả “sa-pô” của trang này.
Phạm Xuân Nguyên

*
Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu

Việc một số tác phẩm của hai nhà văn miền Nam trước 1975, Dương Nghiễm Mậu và Lê Xuyên, vừa được Công ti văn hoá Phương Nam và Nxb Văn nghệ TPHCM tái bản đang gây nhiều dư luận. Sớm nhất có lẽ là bài viết Đọc sách Dương Nghiễm Mậu – Thú vật hoá con người và lưu manh hoá hình tượng văn học cổ điển của dân tộc của Lê Ánh Đào trên tuần báo Văn nghệ TPHCM, tiếp đến là bài trả lời phỏng vấn Góp phần khơi thông một dòng văn học vẫn âm thầm chảy của bà Phan Thị Lệ, Giám đốc Công ti Phương Nam trên báo Tuổi trẻ và bài phản hồi Có phải là ‘Khơi thông dòng văn học” ? của Bích Châu trên báo Sài Gòn Giải phóng và bài Lịch sử không thể lập lờ của Trương Sinh trên báo Công an Nhân dân. Gần đây nhất, trong bài Đâu là tiêu chí của người xuất bản, trên Sài Gòn Giải phóng, nhà văn Vũ Hạnh đưa ra các nhận định : “ những quyển sách này không chỉ là các sản phẩm văn hóa mà vốn là những vũ khí độc hại về mặt tinh thần ”, “… nhiều quyển sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động ”, và việc tái bản “ những vũ khí độc hại ” này “ là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước.” Ông cũng cho biết, “ rất nhiều người đã thực sự giật mình ” khi đọc ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về Dương Nghiễm Mậu trên tờ Thể thao -Văn hoá ngày 13.4.2007. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bản đầy đủ bài viết của Phạm Xuân Nguyên (Talawas)


Văn chương dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, do nhiều hoàn cảnh lịch sử và lý do khác nhau, đã không thuần nhất và thống nhất. Có một thực tế đã trở thành lịch sử là trong giai đoạn 1954-1975 đất nước bị chia thành hai miền lãnh thổ với hai thể chế khác nhau và dưới hai thể chế trên hai miền lãnh thổ ấy đã tồn tại hai nền văn chương khác biệt về ý nghĩa chính trị. Nhưng ở những tác giả và tác phẩm tiêu biểu, ở bên này hay bên kia, đó đều là văn chương đúng nghĩa, tức là có giá trị nhân bản, nhân văn đối với con người. Tôn trọng lịch sử thì phải thừa nhận một thực tế khách quan là văn chương Việt Nam thế kỷ XX có các bộ phận khác nhau, và để hình dung bức tranh đầy đủ về văn chương dân tộc thì phải có sự tổng hợp, thống nhất các giá trị văn chương đích thực từ các bộ phận cấu thành ấy. Độ lùi thời gian và hoàn cảnh chính trị xã hội hiện thời của đất nước đã tạo điều kiện cho việc này. Trên tinh thần đó, “Tủ sách văn học miền Nam trước 1975” do Nhà xuất bản Văn nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện là một ý tưởng và công việc cần thiết và hợp thời, trên cả hai phương diện chính trị và văn chương, đáng được trân trọng và ủng hộ. Lựa chọn in lại những tác phẩm có giá trị văn chương của các nhà văn nhà thơ từng sáng tác ở Sài Gòn giai đoạn 1954–1975 là nhìn văn học ở tư cách văn học dưới con mắt lịch sử. Hơn thế, đó còn là đưa trả lại cho văn chương nước nhà những giá trị xứng đáng của nó và đem lại cho độc giả văn chương những tác phẩm họ cần biết, cần đọc để hiểu đầy đủ, toàn diện hơn nền văn chương dân tộc thế kỷ XX. Có thời ném đá đi và có thời lượm đá về.

Bốn tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu (Đôi mắt trên trờiCũng đànhNhan sắcTiếng sáo người em út) vừa được ra mắt ở Nhà xuất bản Văn nghệ là trên tinh thần này. Đọc nó, độc giả sẽ được phát hiện một nhà văn xuất sắc với một lối viết hiện đại, thấm đầy chất hiện sinh, đi sâu vào thân phận con người, phơi bày những cảnh ngộ làm người trong một thế giới nhiều bất trắc, phi lý. Do đó đọc ông không thể đọc theo kiểu ngoại quan mà phải bằng con mắt nội quan.

Đọc văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những trăn trở, hoài nghi, lo âu, dằn vặt trước những hoàn cảnh có thể biến con người thành chuột, hạ cấp nhân tính thành thú tính (Những chuột), trước sự bạo hành của cái ác có thể khiến con người dửng dưng với nỗi đau của đồng loại (Lấy máu). Tính biểu tượng của truyện Những chuột buộc người đọc từ hoảng sợ đến thức tỉnh.

Đọc văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những day dứt lựa chọn của người trí thức, người sĩ phu trước một hiện tại lịch sử : xuất xử hay hành tàng, hành động hay không hành động, hành động vì cái gì, hành động theo hướng nào. Cả tập Nhan sắc gần như có thể nói là được viết cho đường hướng tư tưởng này, bằng những truyện dã sử và giả sử. Từ Hải, Kinh Kha, Hồ Quý Ly, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ, Phạm Thái khi trở thành nhân vật của Dương Nghiễm Mậu đã được nhà văn đặt vào những tình thế lựa chọn, và họ đã phải lựa chọn theo cách của con người hiện đại muốn ở họ. Họ phải lựa chọn để không ngừng đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. “Phải sống. Sống không phải là nương theo những điều đã được định sẵn. Sống là tìm kiếm, lựa chọn, đương đầu...”, do đó, mỗi người phảii tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Đọc văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những tình cảm bình thường, giản dị, mà chân thành, xúc động, đưa đến những đồng cảm, sẻ chia giữa những con người cùng ở trong một tình thế sống (Lời chúc cho kẻ phản bội). Văn đó không hề hạ thấp con người, ngược lại, nó buộc mỗi người phải bận tâm với chính mình trong tư cách con người.

Truyện Dương Nghiễm Mậu như nhẹ nhàng nhưng thực ra rất trĩu nặng những suy tư, triết lý về nhân sinh, cuộc đời mà người đọc phải tự mình chiêm nghiệm hiểu ra. Như câu chuyện của người em nói về cái chết của người cha với người anh đi xa trở lại nhà trong truyện Tiếng sáo người em út. Tiễn cha rời cõi sống nhưng người em thổi sáo vui vì cả cuộc đời người cha sống không làm điều gì quấy, không có gì ân hận, khi nhắm mắt được nhẹ lòng. An nhiên tự tại, phải chăng đó là cái cách sống dễ nhất mà cũng khó nhất, cho nên trong câu chuyện của hai anh em sự đi ra khỏi nhà hay về ở lại thành ra một chủ đề ẩn ngầm của truyện. Đi để rồi được cái gì, và có thanh thản được không ? Và như thế là một câu chuyện tưởng như rất đỗi bình thường, nhỏ nhặt về một cái chết dưới ngòi bút Dương Nghiễm Mậu đã bật lên thành một vấn đề lớn của cái sống : sự lựa chọn. Xin hãy hiểu sự lựa chọn đây theo ý nghĩa của triết học hiện sinh mà chắc nhà văn có chịu ảnh hưởng và hẳn là có tâm đắc. Đơn giản và trong trẻo như người em út trong truyện này thực chất là những thắc mắc trước các vấn đề không hề đơn giản của thân phận con người. Người em chỉ đùa người anh là sẽ đi khỏi nhà sau khi cha chết vì không còn gì níu kéo lại nữa. Nhưng cuối truyện người em đã vẫn ở lại. Còn người anh suốt truyện luôn nói đã trở về, không đi nữa, nhưng kết truyện người đọc cảm giác là anh lại đi. Đó là hai sự lựa chọn, vừa hiện thực vừa hiện sinh. Tiêu biểu cho lối truyện này của Dương Nghiễm Mậu là truyện Niềm đau nhức của khoảng trống, một truyện như được viết ra theo luận đề triết học hiện sinh về lựa chọn và tự do. Một người có cái bướu trên cổ thấy thừa ra vô ích nên tự cắt đi, nhưng khi cắt đi anh thành một sự không thực, nhưng đấy là hành động lựa chọn của anh. Ở chỗ cái bướu bị cắt chỉ còn lại khoảng trống và niềm đau nhức của khoảng trống cho anh được quyền “từ khước đám đông, thức giác niềm đối kháng với một bộ mặt vô hình nhìn xuống đời sống”.

Văn Dương Nghiễm Mậu được viết theo kiểu tẩy xóa không gian, thời gian, đến cả tên tuổi, lý lịch nhân vật, câu chuyện trong truyện của ông có thể ở đây hay ở kia, thời xưa hay thời nay, nhưng nó là hiện sinh, là tình thế lựa chọn, là câu hỏi đi tìm câu trả lời, là quá trình “nội soi” như một nhà nghiên cứu đã phân tích. Được viết ra cách nay xa thì non nửa thế kỷ, gần thì cũng ba chục năm, những truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu vẫn tươi mới về giọng điệu, vẫn sắc bén trong câu chữ, lời văn, vẫn thâm trầm ý tưởng, để khiến đọc vào người đọc phải đối diện với chính mình, phải bị lột trần trong tâm tưởng, từ đó có một khoái cảm tự phân tích, tự nhận thức để thấy ra thân phận và kiếp sống mình. Nếu tính tuổi tác nhà văn khi viết những truyện này (ông sinh 1936) thì mới thấy nhà văn này đã nghiệm sinh từ rất sớm, và nghiệm sinh rất sâu.

Trong nền văn chương Sài Gòn trước 1975, Dương Nghiễm Mậu có vị trí khá đặc biệt nhờ ở văn tài của ông. Ông viết không ồn ào thị trường, không thời sự nhất thời, nhưng lặn sâu vào bề trong con người và bề sâu ngôn ngữ, và ma lực ngòi bút ông khiến ai đã đọc thì không thôi ám ảnh. Văn nghiệp Dương Nghiễm Mậu, ngoài truyện ngắn, còn có mảng tiểu thuyết gồm nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm cũng rất đáng chú ý. Tuy nhiên vì nhiều lý do, khó có thể chọn lọc để in lại hết. Còn in lại truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu là lựa chọn chính xác. Từ đây có thể hy vọng tủ sách này của Nhà xuất bản Văn nghệ và Công ty văn hoá Phương Nam sẽ tiếp tục cho ra những cuốn khác có giá trị văn chương của các tác giả khác. Văn chương dân tộc Việt Nam thế kỷ XX đang cần được kiểm kê đầy đủ, ngõ hầu một bộ văn học sử thế kỷ này sẽ được viết ra trung thực với lịch sử.

Hà Nội 12/4/2007
Phần lớn bài viết đã đăng trên Thể thao & Văn hóa ngày 13/4/2007,
bản đăng lại trên talawas là bản đầy đủ.

NGUỒN : FB Phạm Xuân Nguyên 03.08.2016






No comments:

Post a Comment

View My Stats