Monday 8 August 2016

TRƯNG CẦU DÂN Ý THÁI LAN : TẬP ĐOÀN QUÂN SỰ THẮNG LỚN (RFI)





Đăng ngày 08-08-2016

Cử tri Thái Lan hôm qua 07/08/2016, với một đa số rất lớn, hơn 60%, đã tán đồng dự thảo Hiến Pháp mới mà chính quyền quân sự đã cho soạn thảo và đưa ra trưng cầu dân ý. Kết quả này gây ngạc nhiên không ít vì rất nhiều người chờ đợi là tỷ lệ người bỏ phiếu chống cao hơn.

 Thông tín viên RFI, Arnaud Dubus tại Bangkok phân tích kết quả :

Arnaud Dubus : Dự thảo Hiến pháp được 62% người bỏ phiếu chấp thuận, tức là một đa số ủng hộ rộng rãi. Tuy vậy, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tương đối thấp : 55%, tức là thấp hơn 2% so với cuộc trưng cầu dân ý về Hiến Pháp cách đây 9 năm.
Điều đáng chú ý là kết quả theo vùng miền : Tỷ lệ tán đồng rất cao ở miền Trung và miền Nam Thái Lan, có đến khoảng 70% phiếu thuận. Miền Nam là một vùng có truyền thống bảo thủ, còn miền Trung nhìn chung ít lưu ý đến chính trị. Ở miền Bắc, phe chấp thuận ít hơn ở hai vùng kia, chỉ khoảng 58%. Đặc biệt nhất – và điều này rất quan trọng - dự thảo Hiến Pháp đã 51% cử tri đi bầu bác bỏ ở vùng Đông Bắc.
Khi nhìn vào các phương tiện mà giới quân đội đã sử dụng để thuyết phục người dân tán đồng dự thảo Hiến Pháp, với hàng trăm ngàn tình nguyện viên được cử đến các ngôi làng để thuyết phục người dân bỏ phiếu thuận, tỷ lệ phiếu chống này ở miền Đông Bắc Thái Lan mang đầy ý nghĩa.
Chúng ta không nên quên rằng Đông Bắc là vùng của phe Áo Đỏ luôn đòi công bằng kinh tế và xã hội, và ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị lật đổ vào năm 2006.

RFI : Một cách cụ thể, tình hình sẽ diễn biến ra sao với việc dự thảo Hiến Pháp được chấp nhận ?
Arnaud Dubus : Hiến Pháp này sẽ bắt đầu có hiệu lực. Trước mắt, Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp sẽ phải soạn ra các đạo luật cơ sở, và việc này sẽ kéo dài đến giữa năm sau. Tiếp theo đó là tổ chức bầu cử, có lẽ vào cuối năm 2017, hay chậm nhất là vào đầu năm 2018.
Để giải thích về ý nghĩa kết quả cuộc bỏ phiếu hôm qua, theo tôi có thể nêu lên hai yếu tố. Trước tiên hết là người Thái Lan đã bỏ phiếu cho sự ổn định. Câu trả lời « thuận » phản ánh sự lựa chọn một xã hội về bề mặt thì yên ổn, và không thấy có xung đột, tranh chấp.
Điều thứ hai là chiến thắng của câu trả lời thuận đã mang lại một tính chính đáng nhất định cho tập đoàn quân sự đương quyền. Cho đến nay, tập đoàn này không có bất kỳ một sự chính đáng nào vì đã lên nắm quyền bằng vũ lực vào tháng Năm năm 2014, và lật đổ một chính phủ dân cử. Với kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, tập đoàn quân sự đang cầm quyền đã có thể nói là họ được hậu thuẫn của đa số dân chúng.

RFI : Các đặc điểm của bản Hiến Pháp mới tại Thái Lan là gì ?.
Arnaud Dubus : Đó là một bản Hiến Pháp nhằm thành lập một chế độ gia trưởng và độc đoán, gần giống với thể chế mà Thái Lan đã có trong những năm 1980 khi Tướng Prem Tinsulanonda làm thủ tướng.
Thượng Nghị Viện gồm 250 thành viên hoàn toàn do chính quyền bổ nhiệm với nhiệm kỳ năm năm. Thượng Viện cùng với Quốc Hội bỏ phiếu chọn thủ tướng chính phủ. Và một điều rất quan trọng là thủ tướng chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu dân cử, nhân vật này có thể là một công chức hay thậm chí là một cựu sĩ quan quân đội.
Điều đó có nghĩa rằng nếu tìm được hậu thuẫn của 251 dân biểu, chính quyền quân sự hiện thời có thể, nhờ quyền kiểm soát Thượng Viện, quyết định ai sẽ là thủ tướng chính phủ. Và tất nhiên mọi người đều nghĩ đến tướng Prayuth Chan-ocha, lãnh đạo tập đoàn quân sự, hay nhân vật số hai trong tập đoàn là tướng Prawit Wongsuwan.

RFI : Trên thực tế, quân đội Thái Lan đang chơi trò gì ? Mục tiêu của họ ra sao ?
Arnaud Dubus : Mục tiêu của quân đội là làm thế nào điều hành được đất nước, hoặc trực tiếp bằng cách đưa một viên tướng lên làm thủ tướng, hoặc gián tiếp thông qua Thượng Viện.
Họ muốn tiếp tục nắm quyền trong những năm tới đây, trước hết là để giám sát tiến trình nối ngôi vua. Quốc vương Bhumibol Adulyadej hiện đã 88 tuổi và bệnh rất nặng. Người kế vị là thái tử Vajiralongkorn lại không được lòng dân. Vì không biết được thái tử sẽ hành động như thế nào sau khi lên ngội, Quân Đội Thái Lan chủ trương giành quyền kiểm soát các vị trí trọng yếu của đất nước trong thời gian đầu khi tân vương mới lên ngôi.
Lý do thứ hai là giới tướng lãnh muốn bảo đảm sao cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra - bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và hiện sống lưu vong - không thể quay trở lại chính trường Thái Lan.
Đừng quên rằng những cuộc biểu tình đầu tiên dẫn đến cuộc đảo chính năm 2014, đã bắt nguồn từ một đạo luật ân xá, một khi được thông qua, sẽ cho phép ông Thaksin trở về Thái Lan và xóa bỏ bản án nhắm vào ông về tội lạm dụng quyền hành.



-----------------------

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016-08-07

Hôm nay ngày 7/8/2016, đã có gần 50 triệu cử tri ở Thái Lan đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý để thông qua bản Hiến pháp mới do quân đội Thái Lan soạn thảo để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử. Đây là một hoạt động chính trị rộng rãi của cử tri Thái Lan lần đầu tiên được tái lập lại, kể từ tháng 5/2014 sau khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính quân sự, lật đổ chính quyền dân sự của bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của cựu Thủ tướng Thacksin Shinawatra.

Nội dung bản Hiến pháp mới gây nhiều tranh cãi

Từ sáng, tại các địa điểm bầu cử trên toàn quốc đã mở cửa cho người dân tham gia bỏ phiếu từ 8h00 sáng và kết thúc vào lúc 4h00 chiều cùng ngày. Theo thông báo của Ủy ban bầu cử Thái Lan, thì kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chưa chính thức vào lúc 9h00 tối cùng ngày.
Các kết quả thăm dò dư luận trước ngày tổ chức trưng cầu dân ý cho biết, đa số các cử tri vẫn chưa có lựa chọn cho mình. Theo truyền thông Thái Lan và nước ngoài, nội dung của bản Dự thảo Hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo là vấn đề được gây tranh cãi, người ta cho rằng thiếu tính dân chủ. Trước ngày tổ chức trưng cầu dân ý, không khí ở các địa phương ở Thái Lan tương đối căng thẳng và hầu hết mọi người dân đều không muốn nêu ý kiến.

Từ tỉnh Sakorn Nakhon, ông Phan Quốc Lợi, một người Thái gốc Việt - Tổng Thư ký Hội Người Việt Nam toàn Thái Lan cho biết:
“Cuộc trưng cầu dân ý lần này có liên quan đến chính trị, nên nói thật người Việt mình ở đây không nên dính dáng vào, chính vì thế nên tôi cũng không có ý kiến gì. Bởi vì mọi cái mình nói ra thì, hay cũng không có lợi, không hay cũng không có lợi cho mình. Ở đây chính phủ thay đổi luôn luôn, nên nói ra là không có lợi cho mình.”

Bản Dự thảo Hiến pháp mới được thông qua lần này do một Ủy ban của quân đội soạn thảo.

Tại cuộc trưng cầu dân ý lần này, các cử tri Thái Lan sẽ lựa chọn: đồng ý hay không đồng ý cho 2 câu hỏi in sẵn trong lá phiếu. Đó là: họ có đồng ý với bản dự thảo Hiến Pháp mới hay không? Và họ có đồng ý để cho các thành viên Thượng viện được chỉ định sẵn cùng với các Đại biểu quốc hội, để bầu chọn một Thủ tướng mới cho một Chính phủ nhiệm kỳ 5 năm trong thời gian chuyển tiếp từ chế độ do quân đội cầm quyền sang chính quyền dân sự?

Bà Natnithcha Srijew, một cử tri ở Bangkok nói với RFA:
"Tôi thấy rằng đây là điều tốt sau khi đọc một số điều khoản chính trong bản Dự thảo Hiến pháp, theo tôi đây là điều tốt cho người dân như chúng tôi. Tuy nhiên bản Hiến pháp này có nhiều điểm bất lợi cho các chính trị gia, vì thế họ phản đối mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng họ không tán thành có phải vì họ mất nhiều quyền lợi của cá nhân hay không? Tôi thì mừng khi có bản Hiến pháp mới và tôi đã đi bỏ phiếu ủng hộ."

Tương lai Thái Lan phụ thuộc vào kết quả trưng cầu dân ý?

Các nhà nghiên cứu và phân tích chính trị đều cho rằng, nếu bản Hiến pháp mới này được thông qua, sẽ mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử tự do vào năm 2017 như lới hứa của lãnh đạo quân đội và mọi hoạt động của chính quyền mới sẽ phải vận hành dựa trên các chính sách do lãnh đạo quân đội vạch sẵn trong 5 năm đầu tiên. Đây được coi là vấn đề mấu chốt nhằm giải quyết và chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đã kéo dài hơn 10 năm qua. Đó là, sẽ không để cho một đảng chính trị được nắm đa số ghế trong Quốc hội và quân đội có quyền tham gia giám sát hoạt động của chính quyền. Điều này đồng nghĩa với việc bầu thủ tướng mới sẽ dựa vào ý chí của lãnh đạo quân đội.

Bà Thúy Hà, một nhà nghiên cứu tại Viện Đại học Chulalongkorn, Bangkok Thái Lan đánh giá:
“Nói thật, tôi cũng không mấy quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị, còn việc trưng cầu dân ý thì tôi nghĩ mỗi người, mỗi công dân đã có sẵn quyết định của mình rồi. Tất cả các nhận định ở Thái Lan hay quốc tế thì chỉ là các chiêu trò, những bài vở họ chơi với nhau thôi. Vì thế mình cũng hãy bình tĩnh và tôi cũng không muốn bình luận hay nhận xét gì cả.”

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lần này sẽ được cho là rất quan trọng đối với tương lai của Thái Lan và nền chính trị dân chủ của nước này, đồng thời sẽ là phép thử đối với tính chính danh của chính quyền quân sự ở Thái Lan hiện nay.
Trước ngày trưng cầu Hiến pháp mới, Thủ tướng Prayuth Chan O Cha nói với báo giới rằng, ông sẽ không từ chức kể cả trường hợp cử tri Thái Lan bác bỏ bản Dự thảo Hiến pháp mới lần này, và cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2017 sẽ vẫn không thay đổi.

Nhìn chung, qua theo dõi của chúng tôi, số lượng cử tri Thái Lan hôm nay đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lần này rất đông và những cử tri chúng tôi được tiếp xúc, có nhiều ý kiến tin rằng bản Hiến pháp mới sẽ được thông qua.
Tin cho biết, cuộc trưng cầu dân ý hôm nay không xảy ra bất kỳ sự cố nào đáng kể.

Kể từ năm 2005, nền chính trị Thái Lan đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, với các mâu thuẫn chính trị sâu sắc, là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc biểu tình dài ngày mang lại nhiều xáo trộn xã hội và thiệt hại về kinh tế. Cuộc khủng hoảng này diễn ra trong bối cảnh dân chúng ở các tỉnh miền Bắc, Đông Bắc và nhiều khu vực khác, đa số là tầng lớp dân nghèo hết sức ủng hộ lực lượng chính trị của cựu Thủ tướng Thacksin Shinawatra. Và có đến 4 đời thủ tướng thuộc phe của cựu Thủ tướng Thacksin Shinawatra đã bị lật đổ hoặc bị ép phải từ chức trong giai đoạn này.







No comments:

Post a Comment

View My Stats