Monday, 8 August 2016

NGA & THỔ NHĨ KỲ LẠI CẦN CÓ NHAU (Anh Vũ - RFI)





Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 08-08-2016 

Nhật báo la Croix dành sự quan tâm nhiều đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang có nhiều biến động chính trị nội bộ cũng như đối ngoại. Sự kiện được la Croix chú ý là chuyến công du của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga vào ngày mai 09/08/2016. Trong bài viết : « Đối mặt với phương Tây, Erdogan và Putin xích lại gần nhau », tờ báo ghi nhận : « cuộc hội ngộ được mong chờ vào ngày mai tại Saint-Petersbourg để lãnh đạo Kremlin không chỉ lật sang trang mới của một cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài, mà còn dùng Ankara như một lá bài cho cuộc đọ sức với các nước châu Âu và Mỹ ».

Cách đây không lâu, hơn 9 tháng, khi xảy ra vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay ném bom Nga trên vùng biên giới Thổ - Syria, tổng thống Vladimir Putin đã tức giận gọi hành động đó của Ankara là « nhát dao đâm sau lưng » vào nước Nga. Còn giờ đây câu chuyện này được sang trang mới nhanh chóng.

La Croix trích dẫn báo Nga Vedomosti bình luận về chuyến đi này : « Cuộc gặp này trước tiên là một tín hiệu bắn đến phương Tây rằng Matxcơva và Ankara vẫn là đối tác chính của nhau. Những cãi cọ vừa qua chỉ là sự xung khắc của lãnh đạo chứ không phải là bất đồng căn bản trong chính sách đối ngoại ».

Theo La Croix, bình luận trên đã ám chỉ cuộc gặp của hai vị tổng thống có tính cách ngạo mạn và tính toán, cùng chung một cái nhìn xem thường các nền dân chủ phương Tây.

Sau vụ chiếc máy bay ném bom Nga bị bắn hạ, mặc dù tổng thống Recep Erdogan đã gửi thư xin lỗi Putin, bất đồng về vấn đề Syria vẫn còn nguyên giữa lãnh đạo 2 nước. Tuy vậy, trước đó Putin và Erdogan vẫn giữ liên hệ. Cho đến lúc này, mỗi bên đều cần đến nhau để phục vụ quan hệ của mỗi nước với Liên Hiệp Châu Âu.

Tờ báo phân tích thêm, sau vụ đảo chính bất thành, không một lãnh đạo châu Âu nào tiếp cận với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả các cuộc điện thoại cũng hiếm hoi. Trái lại, chỉ có Vladimir Putin là người đầu tiên gọi cho ông Recep Erdogan. Lãnh đạo Nga không lên án hành động của Erdogan sau đảo chính, trong khi phương Tây đánh giá làn sóng trả đũa vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là thô bạo, phi dân chủ…

Ông Putin đã bày tỏ thiện cảm và chỉ đề nghị ông Erdogan bảo đảm an ninh cho du khách Nga, một dấu hiệu Nga muốn bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vì sau vị máy bay rơi, Kremlin đã kêu gọi công dân không đến Thổ Nhĩ Kỳ , điểm đến ưa thích của hơn 3 triệu người Nga mỗi năm. Hậu quả đã thấy liền : Quý đầu năm 2016, du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm 87%.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Maxime Ioussine , « lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chơi lá bài Nga để giảm áp lực từ Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu », đã trở nên căng thẳng từ sau vụ đảo chính hụt. Còn ông Vladimir Putin cũng biết điều đó, ông « sử dụng việc xích lại với Ankara như là một đòn bẩy mới cho ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông và nơi khác ».

Châu Âu đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào vòng tay của Nga ?
Xã luận của La Coix với tiêu đề « Không đụng đến được » đặt câu hỏi : « Liệu có phải đợi đến khi ông Recep Tayyip Erdogan tái lập án tử hình thì các nước Liên Hiệp Châu Âu mới có phản ứng với chế độ Ankara ? »

Tờ báo cũng nhắc lại tình trạng dân chủ đang xuống cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua. Còn vụ đảo chính hụt vừa qua đã giúp cho tổng thống Erdogan không ngừng củng cố thêm quyền lực và trở nên vững vàng hơn trên trường quốc tế.

Tình hình này khiến ngoại giao châu Âu không khỏi lúng túng. Là thành viên của Nato, Thổ Nhĩ Kỳ có thể lấy căn cứ quân sự Mỹ Incirlik trên đất mình, một bàn đạp của Mỹ tấn công Daech, làm công cụ gây áp lực với phương Tây. Mặt khác thỏa thuận theo sáng kiến của thủ tướng Đức Angela Merkel mua lại sự «yên bình của người nhập cư » bằng cái giá 6 tỷ euro trả cho Ankara, đang trở thành vũ khí mặc cả bắt bí đáng sợ trong tay Erdogan.

Theo la Croix, « sau những hậu quả tai họa của « mùa xuân Ả Rập », người ta hiểu là châu Âu đã tỏ ra thận trọng với một trong số hiếm hoi các nước còn giữ được ổn định trong khu vực đầy máu lửa này là Thổ Nhĩ Kỳ ». Và xã luận tờ báo kêu gọi : « có lẽ châu Âu cần phải khẩn cấp có những phản ứng thống nhất dựa trên những giá trị chung , bỏ qua những toan tính chính trị thực dụng thiển cận. Nếu không sẽ có nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng tay của nước Nga mà ông Putin chỉ cần có thế »..

Quyền lực mềm theo kiểu Nga
Chuyển sang nhật báo le Monde, trang Địa chính trị của tờ báo có bài phỏng vấn mang tiêu đề : « Hơn cả quyền lực mềm, Matxcơva đã triển khai ảnh hưởng chính trị ».
Bài phỏng vấn được thực hiện với bà Cécile Vaissié, giáo sư nghiên cứu về Nga, Liên Xô và hậu Xô Viết thuộc Đại học Rennes-II của Pháp.
Quyền lực mềm, ngày nay là một công cụ ngoại giao không còn là mới, nhưng qua bài phỏng vấn, nhà nghiên cứu chính trị Nga đã cho thấy một phiên bản quyền lực mềm khác, theo kiểu Nga.
Tất cả các nước lớn ngày nay đều muốn tìm cách phát triển chính sách hấp dẫn nước khác. Hoa Kỳ, Pháp hay Trung Quốc đều cũng đã có rất nhiều cách thức hữu hiệu để phát triển quyền lực mềm của mình.
Nhưng theo giáo sư Vaisssié, nước Nga không có được các thế mạnh như các nước trên, họ không có nhiều phim ảnh để xuất khẩu, không có Coca-Cola, Apple hay Microsoft như nước Mỹ. Để bù đắp vào sự thiếu hụt đó, Matxcơva đã phát triển một chính sách gây ảnh hưởng còn hơn cả quyền lực mềm, mục tiêu nhắm tới là giới chính trị và kinh tế.
Đối tượng đầu tiên của chính sách ảnh hưởng của Nga là Liên Hiệp Châu Âu. Kremlin muốn đối thoại riêng rẽ với các nước trong Liên Hiệp, chủ yếu nhằm vào các thành viên có trọng lượng trong EU. Trong đó phải kể đến Pháp, một đất nước vốn không có tâm lý « bài Nga », mà ngược lại từ hàng thế kỷ nay, dân chúng và tầng lớp ưu tú Pháp lại rất « thiện cảm với Nga ».
Bên cạnh việc phát triển các cơ sở Nga, các hiệp hội để phát triển quan hệ văn hóa, kinh tế giữa hai nước, gần đây Nga tiếp cận gây ảnh các giới chính trị Pháp, những người có tư tưởng chống đối ảnh hưởng của Mỹ vào châu Âu, hay phản đối Liên Hiệp Châu Âu. Đó là ở các đảng cực hữu hoặc một số đảng cực tả vẫn còn bị mê hoặc bởi Liên Xô cũ. Matxcơva sẵn sàng chi tiền để thành lập các hiệp hội giao lưu, truyền thông, tổ chức hội thảo hay thuê người viết bài cho các trang báo quốc tế của Nga như Spoutnik.
Thậm chí, theo chuyên gia Vaissé, đã có những dấu hiệu cho thấy Nga còn có ý định « mua » các nhà chính trị Pháp, thông qua các hoạt động tài trợ, hỗ trợ tài chính cho các cuộc vận động chính trị của họ.
Cách làm đó không khác gì Liên Bang Xô Viết, thông qua cơ quan tình báo KGB từng cung cấp tài chính cho hàng chục đảng Cộng Sản trên thế giới, trong đó có đảng Cộng Sản Pháp.
Gần đây vụ vay nợ lòng vòng 9 triệu của đảng cực hữu Pháp – Mặt Trận Quốc Gia - với ngân hàng Nga chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều đảng cực tả hay cực hữu khác ở châu Âu như ở Đức cũng bị nghi ngờ dính vào những vụ khuất tất tài chính với Nga.

10 năm để biết thật giả của tấm huy chương Olympic
Thế vận hội Olympic 2016 vừa khai cuộc được ít ngày, các cuộc tranh tài đỉnh cao đang điễn ra sôi động tại Rio. Các báo ra hôm nay đầu giành khá nhiều dung lượng để phản ánh thành tích của các vận động viên và các cuộc thi đấu tại Brazil để có được những tấm huy chương Olympic cao quý.
Tuy nhiên nhật báo Le Monde đến với chủ đề này với bài viết đáng chú ý mang tiêu đề : « Những tấm huy chương tạm bợ » để nói về thực trạng đáng lo ngại hiện này trong các cuộc so tài thể thao đỉnh cao: đó là vấn nạn sử dụng doping.
Bài viết có cái nhìn khá bi quan, theo đó, chắc hẳn cần phải đợi 10 năm sau khi có kết quả phân tích mẫu xét nghiệm doping lấy được tại Rio thì lúc đó người ta mới dám chắc những tấm huy chương của Thế vận hội Rio 2016 có phải là thật hay không.
Le Monde dẫn chứng : Hai tuần trước khai mạc Thế vận hội Olympic Rrio 2016, Ủy Ban Olympic Quốc Tế đã thông báo 45 trường hợp vận động viên dương tính với doping sau khi phân tích mẫu lấy trong kỳ Olympic Luân Đôn 2012 và Bắc Kinh 2008, trong đó có rất nhiều trường hợp giành huy chương… Chưa rõ các trường hợp này có bị rút huy chương hay không nhưng rõ ràng là với nạn doping ngày nay, thành tích thực sự của thể thao đã mất độ tin cậy và giá trị các tấm huy chương cũng không có gì bảo đảm.

Pháp : Một mùa hè cảnh giác cao độ
Nước Pháp đang ở giữa mùa hè, một mùa hè bao trùm không khi lo ngại an ninh. Người ta có thể cảm nhận cái không khi nặng nề đó qua tựa lớn trang nhất báo Le Monde : « Khủng bố : Các hội nguy hiểm bị hủy ».
Le Monde cho biết do lo sợ không bảo đảm an ninh trong lúc đe dọa khủng bố gia tăng từ sau hai vụ tấn công khủng bố ở Nice và Saint-Etienne du Rouvray, hàng loạt các hoạt động lễ hội mùa hè theo truyền thống ở nước Pháp đã buộc phải hủy bỏ.
Trang nhất nhật báo Le Parisien đăng bức ảnh lớn cho thấy các cảnh sát ôm súng đi giữa một bãi tắm, cùng hàng tựa: « Mùa hè dưới tình trạng khẩn cấp ». Theo tờ báo, tất cả các địa điểm du lịch ở nước Pháp đều được tăng cường giám sát.
Như vậy là hè năm nay, người đi nghỉ hè ở Pháp luôn phải canh cánh nỗi lo khủng bố, còn lực lượng giữ gìn trật tự không thể có một mùa hè nghỉ ngơi mà họ còn phải căng hết sức bảo đảm an toàn cho người khác.






No comments:

Post a Comment

View My Stats