Monday 15 August 2016

THỔ NHĨ KỲ GỬI TỐI HẬU THƯ CHO HOA KỲ (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 13/08/2016

Hôm thứ Năm 11 tháng Tám, 2016 hãng thông tấn Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều hãng thông tấn khác loan tin Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan gửi tối hậu thư cho Mỹ đòi giải giao cho Thổ ông đạo Fethullah Gulen.

Thật ra việc Thổ đòi giải giao ông Gulen không phải là việc mới, có mới chăng là cách đòi: đòi bằng “tối hậu thư”.

Ông Erdogan nói, “Hoa Kỳ phải lựa chọn hoặc (đồng minh với) Thổ, hoặc (ủng hộ) FETO.”
FETO là tên một phong trào cải cách chính trị, bài trừ tham nhũng do ông đạo Gulen chủ xướng từ nhiều năm trước. Sau những va chạm với Tổng Thống Erdogan, ông Gulen tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ từ những năm cuối của thế kỷ trước.

Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan

Ông Fethullah Gulen

Erdogan buộc tội Gulen là lãnh đạo cuộc đảo chính bất thành hôm 15 tháng Bảy 2016; và hôm thứ Tư mùng 10 tháng Tám, Erdogan nói trước một đám đông tại thủ phủ Ankara của Thổ, “Sớm hay muộn thì Hoa Kỳ cũng vẫn phải lựa chọn -giữa tổ chức 'khủng bố' FETO hoặc nước Thổ Dân Chủ.”

Ngoại trưởng Thổ -ông Mevlut Cavusoglu- nói hiện tại Thổ vẫn cộng tác với Hoa Kỳ trong những phi vụ cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik để tấn công quân IS trên lãnh thổ Syria.

Căn cứ không quân Incirlik tạo tiện nghi cho không quân Hoa Kỳ tấn công quân IS trên chiến trường Syria

Nhưng Tổng Thống Erdogan vẫn quyết liệt đòi Hoa Kỳ giải giao ông Gulen hiện đang cư trú tại tiểu bang Pennsylvania. Erdogan nói, “Những kẻ tôn thờ nhà tu hổ mang này, cuối cùng cũng chỉ thất vọng mà thôi.”

Hai nhân vật Erdogan và Gulen đã từng cộng tác mật thiết với nhau từ nhiều năm trước, nhưng trở thành thù nghịch vì Gulen đòi truy tố Erdogan về tội tham nhũng, trong lúc Erdogan chỉ trích ngược lại là Gulen tạo ra hai nước Thổ trên cùng một lãnh thổ.

Mặc dù, vì yếu hơn, ông Gulen đã cam nhận kiếp sống lưu vong, nhưng ảnh hưởng của những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo vẫn tạo ra cuộc đảo chính 15 tháng Bảy 2016, giết 265 người, gây thương tích cho 1,440, và chính phủ hiện đang giam giữ trên 1,700 quân nhân và viên chức nổi loạn, những người đang bị giam là 40% tổng số sĩ quan và viên chức cao cấp Thổ, hưởng ứng lý thuyết cách mạng xã hội của ông đạo Gulen.

Binh sĩ nổi loạn đầu hàng thường dân chống đảo chính

Trục trặc trong liên hệ với Hoa Kỳ, Erdogan quay sang tìm Nga; ông đã gặp Tổng Thống Vladimir V. Putin hôm thứ Ba 9 tháng Tám, và hai vị tổng thống này đã nỗ lực hàn gắn những đổ vỡ xảy ra từ 9 tháng trước, khi không quân Thổ bắn hạ chiếc khu trục phản lực Su-24 của Nga ngày 24 tháng 11/2016 trên không phận biên giới Thổ-Syria.

Nhưng có thể việc thay đổi đồng minh cũng không dễ dàng, vì cả Nga lẫn Thổ cùng không phổ biến một tuyên cáo nào quan trọng sau cuộc gặp gỡ của hai vị nguyên thủ tại thành phố St. Petersburg.

Ngoài trở ngại do việc Hoa Kỳ che chở ông đạo Gulen, liên hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Ankara còn trục trặc vì Hoa Kỳ yểm trợ người Kurds sinh sống trên lãnh thổ Turkey; con số này khá đông, có thể lên đến 30% tổng số cư dân Thổ.

Lập quốc từ năm 1923, thỉnh thoảng chính phủ Thổ lại để xảy ra những vụ tàn sát người Kurds, hai vụ tàn sát lớn nhất được ghi nhận là tại Dersim và Zilan.

Cuộc gặp gỡ tại thành phố St. Petersburg.

Vụ đảo chánh bất thành đang làm giao tình Mỹ-Thổ trở thành căng thẳng hơn, nhất là với thái độ không nhượng bộ của Tổng Thống Obama. Một mặt, ông phủ nhận những luận điệu cho là Hoa Kỳ nhúng tay vào, giúp đỡ lực lượng đảo chánh, mặt khác, ông khẳng định lập trường ủng hộ chính phủ Thổ.

“Mọi dư luận đồn đãi là Hoa Kỳ được thông báo trước về cuộc đảo chánh đều hoàn toàn sai lầm,” Obama khẳng định. "Lập trường của Hoa Kỳ trước sau vẫn ủng hộ chính phủ dân cử của Thổ."

Khẳng định lập trường vô can của Hoa Kỳ, nhưng Obama vẫn yêu cầu chính phủ Thổ chừng mực hơn, đừng quá đáng trong việc trừng phạt những người can dự vào cuộc đảo chánh, vì dân chúng đã quá khiếp sợ. Ông nói, “Không chỉ riêng nhân viên chính phủ, mà thường dân cũng khiếp sợ đảo chánh; thử hình dung một nhóm quân nhân Mỹ sử dụng khu trục cơ F16 và pháo binh bắn vào công thự cơ sở của chính phủ, gây ra cảnh tàn phá, chết chóc. Trước viễn tượng đó, thường dân sẽ khiếp sợ, và sợ là phải."
Chỉ ba ngày sau ngày đảo chánh, liên hệ giữa Thổ và Hoa Kỳ được nối lại.

Obama nói, “Trong lúc chính phủ Thổ tái lập sinh hoạt bình thường trong nước họ, chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động tại căn cứ không quân Incirlik, tấn công quân ISIL với mức độ khả quan mà chúng ta đang đạt được trước đó. Sự cộng tác giữa chúng ta với quân lực Thổ không bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chánh."

Vấn đề gai góc vẫn là ông đạo Gulen; chính phủ Thổ chính thức yêu cầu Hoa Kỳ giải giao Gulen về Thổ cho họ xét xử. Hôm thứ Ba 19 tháng Bảy, 2016, hai vị tổng thống Mỹ và Thổ đã điện đàm với nhau về vấn đề này.

Phát ngôn viên Bạch Cung Josh Earnest nói ông Obama đề nghị ông Erdogan thực hiện cuộc điều tra theo đúng những nguyên tắc pháp lý ấn định trong hiến pháp Thổ. Hơn nữa, việc giải giao đòi hỏi những thủ tục chính trị và luật pháp rất phức tạp; luật sư của Bộ Tư Pháp cần nghiên cứu xem tội trạng -nếu ông Gulen có tội- có đúng với những điều ghi trong thỏa ước giải giao ký kết giữa Hoa Kỳ và Thổ hay không.

Chót hết, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry còn có quyền không đồng ý cho giải giao vì lý do nhân đạo.

Ba chữ "tối hậu thư" chỉ định lá thư đưa ra đòi hỏi cuối cùng mà đối phương phải chấp nhận; không chấp nhận điều đòi hỏi có nghĩa là chấp nhận hậu quả của thái độ khước bỏ. Có thể ví tối hậu thư của Tổng Thống Erdogan giống như lời đe của một cô gái đẹp bảo người tình, “Anh không chiều em, em đi lấy người khác.”

Kim Trọng Obama không chiều Kiều Nữ Erdogan, để mặc nàng ôm đàn sang thuyền Putin; nàng đã đi, nhưng nàng cũng đã trở lại, ... trong bẽ bàng.

Những thắt buộc trong tình đồng minh giữa hai nước phức tạp hơn chén cơm lành, tô canh ngọt trong cuộc sống lứa đôi, và giải quyết những yếu tố nhiêu khê ràng buộc hai quốc gia vào với nhau lại không phải là việc chỉ một người có thể quyết định.

Làm núng không xong, ông Erdogan chỉ còn nước bẽ bàng ngồi đó ê mặt với bức thư tối hậu không nặng hơn tờ giấy mỏng ông viết tối hậu thư.




No comments:

Post a Comment

View My Stats