Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-08-10
2016-08-10
Theo
trào lưu chống tự do thương mại và toàn cầu hóa, Hoa Kỳ có thể lui về chế độ bảo
hộ mậu dịch để bảo vệ việc làm của công nhân Mỹ, như người ta đang chứng kiến
trong cuộ tranh cử năm nay. Nếu trường hợp đó xảy ra, kinh tế thế giới sẽ ra
sao, nhất là đối với các quốc gia quá lệ thuộc vào xuất khẩu?
Bảo
vệ công việc làm của dân Mỹ
Nguyên
Lam: Thưa
chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tiếp theo chương trình tuần trước, kỳ này
chúng ta tìm hiểu thêm về trào lưu chống tự do thương mại và toàn cầu hóa trên
chính trường Hoa Kỳ vào mùa tổng tuyển cử năm nay. Sau Đại hội của hai đảng Cộng
Hòa và Dân Chủ, các ứng viên chính thức của hai đảng đều trình bày rõ hơn
chương trình hành động nếu đắc cử Tổng thống vào Tháng 11 này.
Riêng
về ngoại thương, cả hai ứng cử viên là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều
có chung lập trường là thứ nhất, thương thuyết lại Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc
Mỹ gọi là NAFTA với hai bạn hàng lớn nhất là Canada và Mexico; thứ hai ông
Trump đòi rút khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Hoa Kỳ đã ký kết
với 11 quốc gia trong khi bà Clinton thì cũng chống TPP như bà có thể tái xác
nhận vào ngày Thứ Năm tới đây; thứ ba, cả hai người đều hăm dọa chế tài Trung
Quốc vì tội cạnh tranh bất chính; và nói chung, cả hai đều muốn ưu tiên bảo vệ
công ăn việc làm của dân Mỹ trong lĩnh vực ngoại thương.
Thưa
ông, có thể gọi các chủ trương đó là bảo hộ mậu dịch không, và hậu quả sẽ ra
sao cho các nước mua bán với Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Người lạc quan có thể tin là trong mọi cuộc tranh cử
thì mục tiêu của ứng cử viên là thắng cử và họ soạn thảo chương trình hành động
cho nhu cầu đó, chứ nếu đắc cử để nhìn vào thực tế của kinh tế thì có khi vị Tổng
thống tân cử lại quyết định khác. Như trong cuộc tranh cử năm 2008, Nghị sĩ
Barack Obama cũng giữ chủ trương cố hữu là chống Hiệp ước NAFTA và không mấy
tin vào sáng kiến TPP nhưng sau khi đắc cử Tổng thống, ông mở lại Hiệp ước
NAFTA, yêu cầu Quốc hội phê chuẩn ba Hiệp ước Tự do Thương mại đã thương thuyết
từ trước với Colombia, Panama và Nam Hàn, rồi cho xúc tiến việc đảm phán Hiệp ước
TPP. Ngoài ra, hai ứng cử viên Phó Tổng thống là Nghị sĩ Tim Kaine trong liên
danh Dân Chủ và Thống đốc Mike Pence bên Cộng Hòa đều là nhân vật ôn hòa, thực
tiễn và xưa nay vẫn có lập trường ủng hộ tự do mậu dịch. Vì vậy, người ta vẫn
có thể hy vọng là tình hình không đến nỗi nào….
Nguyên
Lam: Như vậy, thưa ông, phải chăng là sau mùa tranh
cử thì lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ sẽ lại trở về với chủ trương tự do mậu dịch,
chứ cục diện chung vẫn chưa đến nỗi bi quan?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi sợ rằng lần này tình hình sẽ hơi khác. Thứ
nhất, do đà thúc đẩy của công nghệ tin học, từ vài chục năm nay hiện tượng toàn
cầu hóa tăng tốc quá nhanh và gây ra nhiều thay đổi mà xã hội chạy theo không kịp
và lợi tức của thành phần trung lưu sa sút nên họ cho rằng tự do mậu dịch là thủ
phạm. Đây là điều mà giới kinh tế gọi là sự phân phối thịnh vượng không đều của
toàn cầu hóa.
Thứ hai, sau nạn Tổng suy trầm năm 2008, từ 2009 đến
2016, khối lượng ngoại thương thế giới chỉ tăng có 3% một năm, bằng phân nửa mức
gia tăng bình quân của gần 40 năm trước từ 1980 tới 2008. Lý do là kinh tế thế
giới chưa sáng sủa và xuất khẩu khó hơn, cạnh tranh ráo riết hơn, cho nên ta mới
thấy nhiều người càng nghi ngờ toàn cầu hóa.
Sau cùng, từ phe cực tả đảng Dân Chủ, điển hình là
các Nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warren, hay từ cánh hữu theo chủ nghĩa
quốc gia với tỷ phú Donald Trump là tiêu biểu, ta thấy xu hướng chung của chính
trường Mỹ là lui về chế độ bảo hộ mậu dịch để ưu tiên bảo vệ công việc làm của
dân Mỹ. Sự thật thì chính là đà tiến hóa của kinh tế chứ không vì toàn cầu hóa
hay tự do thương mại mới khiến nhiều người mất việc, nhưng các chính trị gia
thì chỉ nhìn thấy chuyện trước mắt và cần giải tỏa sự bất mãn của người dân để
kiếm phiếu.
Hậu quả tới đâu?
Nguyên
Lam: Nếu như vậy thưa ông, tình hình rồi sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Thật ra, Hoa Kỳ có ưu thế mà chưa biết và các
chính trị gia thì dàn trận đánh nhau về mậu dịch. Chính trường không nhìn thấy
một chuyển động của doanh trường là những thay đổi quá nhanh của khoa học kỹ
thuật trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối và trong chuỗi cung cấp của các
công ty đang mở ra hình thái sản xuất mới. Các doanh nghiệp có thể giảm phí tổn
sản xuất và chuyển vận, tìm ra nguồn năng lượng rẻ hơn, giải quyết bài toán tồn
kho gọn và nhẹ hơn để khỏi bị đọng vốn, v.v… với kết quả là hết cần đến hội nhập
kinh tế ở cấp quốc tế như xưa mà trở về với khả năng sản xuất trong phạm vi từng
nước.
Có lẽ chúng ta phải có cơ hội phân tích và trình bày
hiện tượng quá mới này. Hậu quả chung là dù chẳng bị các chính trị gia tác động
thì hiện tượng toàn cầu hóa như đã thấy từ mấy chục năm đang bị đẩy lui, và hiện
tượng “quốc gia hóa” hay “quốc thể hóa” bộ máy sản xuất trong từng nước đang xuất
hiện. Đây là một khía cạnh cũng khá bất ngờ vì cho thấy tự do mậu dịch không là
thủ phạm của thất nghiệp mà bảo hộ mậu dịch chẳng là giải pháp, nhưng kết quả
thì các nước cạnh tranh với nhau ráo riết hơn và xứ nào lệ thuộc vào xuất khẩu
thì sẽ khốn đốn.
Nguyên
Lam: Nguyên
Lam sẽ có dịp trở lại hình thái sản xuất mới mà ông gọi là “quốc thể hóa
thay cho quốc tế hóa”, nhưng ngay trong năm tới thì người ta đã có thể e ngại
trận chiến kinh tế giữa các nước. Nói về chuyện đó, ai cũng có thể nghĩ tới
Trung Quốc, có nền kinh tế đứng hạng nhì về sản lượng và bị kết án là dùng nhân
công rẻ và tỷ giá đồng bạc thấp làm lợi thế ngoại thương khiến dân Mỹ bị mất việc.
Bên đảng Cộng Hòa thì tỷ phú Donald Trump đòi nâng thuế biểu nhập khẩu hàng hóa
của Trung Quốc và có biện pháp trả đũa vì xứ này lũng đoạn ngoại hối với tỷ giá
đồng bạc quá rẻ. Bên đảng Dân Chủ thì bà Hillary Clinton chủ trương duy trì quy
chế gọi là “kinh tế phi thị trường” của Trung Quốc để có thể trừng phạt xứ này.
Ông giải thích thế nào về những chuyện đó?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trước
hết thì ta có chuyện quy chế kinh tế thị trường hay phi thị trường của Trung Quốc.
Khi thương thuyết việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, Trung Quốc và
Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ chấp nhận cho mình được quy chế phi thị trường trong một
khoảng thời gian nhất định, Trung Quốc xin được 15 năm và Việt Nam được 18 năm.
Kỳ hạn 15 năm của Trung Quốc sẽ chấm dứt vào tháng 12/2016. Nhưng sự thể bên dưới
là gì?
Các quốc
gia này cứ tưởng khôn khi yêu cầu điều kiện đặc miễn là được một thời gian chuyển
tiếp để cải cách cơ chế theo quy luật thị trường mà thật ra họ chẳng cải sửa gì
vì Đảng và Nhà nước vẫn kiểm soát kinh tế để xây dựng chế độ Tư bản Nhà nước và
tiếp tục thao túng thị trường với các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng họ mắc bẫy
vì khoản 15 trong Hiến ước gia nhập WTO quy định là trong thời gian đặc miễn, nếu
doanh nghiệp của các thành viên khác mà bị thiệt hại vì cạnh tranh bất chính
thì có quyền khiếu nại và yêu cầu biện pháp trả đũa.
Muốn chứng
minh là họ bị thiệt hại thì các doanh nghiệp khỏi cần điều tra từng tiêu chuẩn
rắc rối về ngoại hối, lương bổng, hay việc trợ giá, v.v… mà chỉ áp dụng phép trắc
nghiệm vào một nền kinh tế tương tự cũng đủ kết án. Và khi ấy Trung Quốc hay
thành viên vi phạm phải mất tiền chứng minh ngược lại, rằng họ không thao túng
thị trường. Đã vậy, từ năm 2012, giới luật sư về thương mại Hoa Kỳ còn tìm ra một
cách suy diễn khoản 15 này:
Sau thời
gian đặc miễn, Hoa Kỳ và Liên Âu hay các thành viên khác mà bị thiệt hại vì cạnh
tranh bất chính của chế độ kinh tế phi thị trường thì vẫn có thể kiện và đòi áp
dụng biện pháp trả đũa. Khác biệt duy nhất là lần này thì họ phải gánh chịu việc
chứng minh là có sự cạnh tranh bất chính. Bà Clinton chủ trương dùng đòn quy chế
phi kinh tế chính là để gây khó cho Trung Quốc căn cứ trên điều 15. Nhưng thật
ra xứ này đã có nhiều nan đề riêng và cuộc tranh cử tại Mỹ là một bất ngờ.
Nguyên
Lam: Thưa
ông, những nan đề ấy là gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tuần
qua, thống kê Trung Quốc cho thấy số xuất khẩu Tháng Bảy của xứ này tính bằng
đô la Mỹ đã giảm 4,4% quy ra toàn năm và nhập khẩu giảm 12,5%. Các số liệu ấy
cho thấy thứ nhất là tình trạng đình đọng sản xuất ở số nhập khẩu giảm sút và
thứ hai, xuất khẩu thì sụt nặng hơn những dự đoán, đấy là một tin kém vui.
Nhưng nếu nhìn xa hơn một thống kê thì ta còn thấy vấn đề nghiêm trọng hơn vậy.
Kinh tế Trung Quốc vẫn quá lệ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, tính
theo trị giá thì bằng 36% của Tổng sản lượng, chứ tiêu thụ nội địa vẫn chưa có
thể là đầu máy cho tăng trưởng như lãnh đạo xứ này đã mong muốn.
Ta đang
chứng kiến một cuộc khủng hoảng xuất khẩu trên bình diện toàn cầu thì xảy ra phản
ứng bảo hộ mậu dịch tại Hoa Kỳ. Từ năm 2008, sinh hoạt kinh tế thế giới bị suy
giảm và xứ nào cũng muốn tăng xuất khẩu để kích thích sản xuất nhưng hai thị
trường xuất khẩu lớn nhất của họ là Hoa Kỳ và Âu Châu đều co cụm. Trung Quốc
đang bị rủi ro suy trầm thì lại thấy hai thị trường Âu Mỹ sút giảm nên bị rủi
ro lớn về xã hội và chính trị bên trong. Bây giờ mà lại bùng nổ trận chiến mậu
dịch với Hoa Kỳ như các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã hăm dọa thì xứ này sẽ gặp
một trở ngại nữa, với hậu quả lại lan rộng ra nhiều nước khác.
Nguyên
Lam: Thưa
ông, thính giả của chúng ta có thể muốn biết sự lan rộng ấy là như thế nào vì
chính Việt Nam cũng quá lệ thuộc vào xuất khẩu. Nguyên Lam xin ông giải thích
cho chuyện này.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Với
sản lượng kinh tế đứng hàng thứ nhì thế giới, Trung Quốc là một đầu máy của sản
xuất công nghiệp toàn cầu. Khi xứ này quá lệ thuộc vào xuất khẩu mà hai thị trường
lớn là Âu Châu và Hoa Kỳ đều co cụm thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, kéo
theo sự sụt giá của hàng loạt thương phẩm như nguyên nhiên vật liệu, dầu thô hoặc
kim loại. Gặp hoàn cảnh đó các quốc gia sống nhờ xuất khẩu sẽ trở thành nạn
nhân. Đó là Trung Quốc, Liên bang Nga, Nam Hàn, Úc hay năm sáu nước khác, và dĩ
nhiên là cả Việt Nam với tỷ trọng xuất khẩu cao gần bằng Tổng sản lượng.
Nghịch
lý bất ngờ ở đây là chính giới Hoa Kỳ cứ rên la về nạn mất công ăn việc làm vì
buôn bán với xứ khác trong khi xuất khẩu thật ra chỉ chiếm 12,6% tổng sản lượng,
còn ít hơn Nhật là 16%, ít hơn Trung Quốc là 36% hay Nam Hàn hoặc Đức là các nước
có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn 50%. Nói cách khác, Hoa Kỳ rất ít lệ thuộc vào sức
tiêu thụ của thiên hạ và cần giải quyết yêu cầu nhân dụng hay việc làm của người
dân bằng cách khác. Chính là trào lưu bảo hộ mậu dịch và chủ trương ưu tiên sản
xuất cho mình, hay chỉ dùng hàng nội hóa, mới làm các nước thất vọng. Trong khi
ấy và nhìn trên viễn ảnh dài, hình thái sản xuất mới tại Hoa Kỳ đang làm các
doanh nghiệp Mỹ lặng lẽ rút vốn đầu tư về nhà và sẽ còn tạo ra nhiều loại việc
làm khác xưa, là chiều hướng đang xảy ra trên doanh trường mà các chính trị gia
vẫn chưa thấy!
Nguyên
Lam: Ban
Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân
Nghĩa về bài phân tích này.
No comments:
Post a Comment