Ricardo
Hausmann,
Project-Syndicate
Phạm
Nguyên Trường
dịch
Posted
on Aug 10, 2016
Trong khi tín điều đặc biệt của chế độ
chavista đã tàn phá đất nước Venezuela có nhiều khả năng sẽ sụp đổ vì sự thất bại
khủng khiếp mà nó gây ra, thì đây cũng là bài học cho những nước khác.
Ảnh của Chavez vẫn còn phổ biến một số nơi ở
Venezuela. Ảnh: Alvaro Ybarra Zavala—Getty Images Reportage
Khi
nghe nói về thảm họa xảy ra với một người bạn, chúng ta thấy cả sự đồng cảm lẫn
cảm giác chóng mặt. Chúng ta tự hỏi liệu nó có thể xảy ra với chúng ta hay
không: Liệu thảm họa này có phải là kết quả của một số đặc điểm đặc biệt mà rất
may là chúng ta không có hay không? Hay chúng ta cũng dễ bị tổn thương như thế?
Nếu thế, chúng ta có thể tránh được số phận tương tự hay không?
Logic
này cũng áp dụng cho các các quốc gia. Vào ngày 16 -17, cuối tuần của tháng 7 vừa
rồi, người Venezuela được phép đi qua biên giới để vào Colombia trong thời gian
12 tiếng đồng hồ. Sự kiện này làm người ta nhớ lại vụ sụp đổ Bức tường Berlin.
Hơn 135.000 người đã sử dụng hai ngày nghỉ này để sang Colombia mua nhu yếu phẩm.
Họ đi hàng trăm dặm và đổi tiền mặt với tỷ giá chỉ bằng 1% tỷ giá trao đổi
chính thức để mua lương thực, thực phẩm và thuốc men. Do thiếu đói và tình trạng
tuyệt vọng ở trong nước mà họ cho rằng làm thế cũng bõ công.
Báo chí
quốc tế đã viết sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela, sự sụp đổ hệ thống y tế, của
an toàn cá nhân, và các chế độ hợp hiến và nhân quyền. Tất cả những sự kiện này
đang xảy ra ở đất nước có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, chỉ hai năm sau khi
vụ bùng nổ giá dầu kéo dài nhất trong lịch sử chấm dứt. Vì sao? Nó có thể xảy
ra ở những nơi khác hay không?
Những
nét đặc thù của bất cứ hoàn cảnh nào bao giờ cũng có tính đặc thù và do đó
không lan xa. Nhưng điều đó có thể gây ra cho chúng ta cảm giác an toàn giả tạo;
nhìn một cách chính xác, kinh nghiệm của Venezuela cung cấp những bài học quan
trọng cho các nước khác.
Cuộc khủng
hoảng ở Venezuela không phải là kết quả của sự rủi ro. Ngược lại, may mắn đã
cung cấp cho nước này dây thòng lọng để tự treo cổ mình lên. Cuộc khủng hoảng
là kết quả tất yếu của những chính sách của chính phủ nước này.
Ở
Venezuela, đấy là chính sách: tịch thu tài sản, kiểm soát giá cả và buôn bán,
vay nợ quá nhiều khi có điều kiện, những quy định có tính cách cản trở kinh
doanh, bế quan tỏa cảng, và nhiều chính sách khác. Chỉ cần xem điều ngớ ngẩn nhỏ
sau đây: Tổng thống Nicolás Maduro đã nhiều lần từ chối, không cho in những đồng
tiền có mệnh giá cao hơn. Các hóa đơn lớn nhất hiện có giá trị chưa tới 0,10
USD. Chính sách đó đã tàn phá hệ thống thanh toán và hoạt động của các ngân
hàng và máy ATM – phiền hà không thể tả đối với dân chúng.
Xuất hiện
câu hỏi: tại sao chính phủ lại áp chính sách có hại như thế, và tại sao xã hội
lại đồng hành cùng chính phủ? Dường như không thể tin nổi là Venezuela lại rơi
vào tình trạng hỗn loạn như thế. Trên thực tế, nó là một sản phẩm của niềm tin.
Chính
sách điên rồ hay hợp lý là tùy thuộc vào hệ hình khái niệm, hoặc hệ thống niềm
tin, mà chúng ta dùng để giải thích bản chất của thế giới chúng ta đang sống. Những
điều tưởng như điên rồ trong một hệ hình lại có thể là rất bình thường trong một
hệ hình khác.
Ví dụ,
từ tháng 2 năm 1692 đến tháng 5 năm 1693, người dân có tư duy bình thường ở
Massachusetts đã kết án những người phụ nữ hành nghề phù thủy và treo cổ họ. Nếu
bạn không tin vào ma thuật, hành động này dường như là khó hiểu. Nhưng nếu bạn
tin rằng có ma quỷ và chúng xâm nhập vào linh hồn của phụ nữ, thì treo cổ,
thiêu sống hay ném đá vào họ dường như là chính sách công cộng hữu lý.
Hệ hình
Chavismo (chủ nghĩa Chavez – ND) của Venezuela nói rằng lạm phát và suy thoái
là do hành vi kinh doanh mờ ám, phải được kiểm soát bằng nhiều quy định, tịch
thu nhiều tài sản hơn và bỏ tù nhiều nhà quản lý hơn. Giết người dân và phá hoại
các tổ chức được coi là bước đi đúng hướng. Muốn đất này lành mạnh thì phải
tiêu diệt bọn phù thủy.
Hệ hình
mang tính khái niệm về xã hội dùng để tìm hiểu bản chất của thế giới mà người
ta đang sống không thể chỉ bám vào sự kiện khoa học, bởi vì khoa học, trong trường
hợp tốt nhất, cũng chỉ có thể thiết lập chân lý của niềm tin mang tính cá nhân
mà thôi; nó không thể đưa ra một hệ thống niềm tin bao quát hoặc gán giá trị đạo
đức cho kết quả.
Chính
trị là đại diện và sự tiến hóa của hệ thống niềm tin thay thế cho nhau. Rafael
Di Tella, ở Harvard Business School, đã chỉ ra rằng, yếu tố quyết định cơ bản
trong quá trình lựa chọn chính sách công là niềm tin của công chúng. Ở những nước,
nơi người nghèo được cho là người kém may mắn, thì người ta muốn tái phân phối;
còn ở những nơi mà họ bị coi là lười biếng, thì người ta không muốn tái phân phối.
Ở những nước mà người ta tin rằng doanh nghiệp là đồi bại, thì người ta muốn
nhiều quy định hơn; và, khi đã có đủ quy định, thì chỉ các doanh nghiệp đồi bại
mới thành công. Vì vậy, niềm tin thậm chí có thể tự bảo tồn chính nó.
Xin xem
xét trường hợp Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ.
Theo Donald Trump và nhiều người ủng hộ ông ta, Mỹ bị những người yếu đuối lãnh
đạo, những người này lại bị những cường quốc bên ngoài – đóng giả làm đồng minh
– khai thác triệt để. Tự do thương mại là phát minh của Mexico nhằm cướp đoạt
công ăn việc làm ở Mỹ. Hiện tượng nóng lên toàn cầu là trò lừa bịp do Trung Quốc
đưa ra nhằm phá hoại nền công nghiệp Mỹ.
Từ đó họ
rút ra kết luận rằng Mỹ nên thôi vai trò lãnh đạo trong việc tạo ra trật tự
toàn cầu, hoạt động trên nền tảng các giá trị và luật lệ phổ quát, mà chuyển
sang sử dụng sức mạnh của mình để buộc những nước khác phải phục tùng. Theo hệ
hình hiện nay, như giáo sư Joseph Nye thuộc đại học Harvard, khẳng định, quan
niệm như thế sẽ dẫn sự phá hủy đơn phương nguồn lực “thông minh”, một nguồn lực
quan trọng nhất của Mỹ. Nhưng, theo thế giới quan của Trump thì đây là một bước
tiến về phía trước.
Cũng có
thể nói như thế về vụ trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên minh châu Âu của
Vương quốc Anh. Người nhập cư và luật lệ của EU có thực sự cản trở sự tiến bộ của
đất nước hay không, tức là Brexit sẽ mở đường cho sự thịnh vượng hơn nữa hay
không? Hay sự suy thoái kinh tế từ khi diễn ra cuộc bỏ phiếu là chỉ dấu cho biết
hợp nhất và tự do đi lại của người châu Âu quan trọng như thế nào đối với sức sống
của chính Vương quốc Anh?
Tình trạng
nguy hiểm mà Venezuela chỉ ra – và chẳng bao lâu nữa nước Anh cũng sẽ chỉ ra –
là những thiệt hại mà hệ thống niềm tin sai lầm có thể ảnh hưởng đối với sự thịnh
vượng của quốc gia. Trong khi tín điều đặc biệt của chế độ chavista đã tàn phá
đất nước Venezuela có nhiều khả năng sẽ sụp đổ vì sự thất bại khủng khiếp mà nó
gây ra, thì đây cũng là bài học cho những nước khác: Hệ thống niềm tin sai lầm buộc người ta phải trả giá đắt đến mức nào.
Nói đến sự thay đổi triệt để hệ hình niềm tin, Venezuela cho chúng thấy cuộc
thí nghiệm đó có thể đưa đến kết quả không thể nào chịu đựng nổi.
________
Ricardo
Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu kinh tế trưởng của Ngân
hàng Phát triển liên Mỹ, là giáo sư của trường Practice of Economic Development
at Harvard University, ông cũng là Director of the Center for International
Development ở harvard. Ricardo Hausmann cò là Chủ tịch của World Economic
Forum’s Global Agenda Meta-Council on Inclusive Growth.
No comments:
Post a Comment