Friday, 5 August 2016

ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN VIỆT - ÚC ĐẠT KẾT QUẢ GÌ ? (Chân Như - RFA)





Chân Như, phóng viên RFA
2016-08-03
.
Bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trụ sở tại Úc.  RFA photo

Vào hôm 1 tháng 8, 2016, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Úc thúc đẩy Việt Nam thực hiện các bước cải thiện rõ rệt và cụ thể trong cuộc đối thoại lần thứ 13 về nhân quyền giữa hai bên sẽ được diễn ra tại Hà Nội vào ngày 4 tháng 8 tới.  Chân Như có cuộc trao đổi với bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trụ sở tại Úc về bản thông cáo này.

Không thể chỉ hứa suông

Chân Như: Xin chào bà Elaine Pearson. Trước hết, theo bà đánh giá thì những cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Úc những năm qua có thật sự mang lại những kết quả nào đáng chú ý hay không?
Bà Elaine Pearson: Tôi không chắc những cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Úc trong những năm qua đã đạt được nhiều thành công hay không vì rất khó để biết họ đã bàn luận những gì và vì hầu hết là các cuộc đối thoại kín giữa hai chính phủ.  Theo tôi, sẽ tốt hơn nếu họ minh bạch thông tin, và nếu chính quyền Úc đưa ra những điểm cần chính phủ Việt Nam phải thực hiện để nhằm cải tiến về tình trạng nhân quyền. Và nếu được như thế thì chúng tôi mới có thể theo dõi tiến trình qua từng giai đoạn và để thấy được họ đã có những cải thiện thật sự hay chưa.

Chân Như: Thế còn theo bà quan sát về tình hình Việt Nam hiện tại, bà có thấy được những cải thiện nào của chính quyền Việt Nam trong vấn đề về nhân quyền?
Bà Elaine Pearson: Về tình hình nhân quyền, tôi nghĩ nó đang đi ngược lại và càng tồi tệ hơn nữa. Chúng ta có thể thấy năm 2016, nhiều bloggers và nhà hoạt động chính trị bị tù giam, bị hành hung vì họ dám nói lên quan điểm của họ. Chúng ta cũng thấy chính quyền sử dụng bạo lực để giải tán các cuộc biểu tình ôn hoà. Chúng ta cũng thấy chính quyền sử dụng côn đồ và an ninh để sách nhiễu những nhà hoạt động ôn hoà và tiếp tục đàn áp tôn giáo, cản trở sinh hoạt của họ. Do vậy, tôi nghĩ cuộc đối thoại năm nay sẽ rất quan trọng, vì chúng ta có được một chương trình nghị sự rõ ràng về sự cải thiện cụ thể là gì mà Việt Nam cần làm. Và đây sẽ không phải là thời gian để chính quyền Việt Nam đưa ra những lời hứa suông về nhân quyền.

Chân Như: Từ trước tới nay, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng về bộ luật hình sự của chính quyền Việt Nam, như điều 88, 89, 87, 79, 258...... và mới đây chính quyền Việt Nam cũng đã quyết định hoãn bộ luật hình sự được quốc hội khoá 13 thông qua và cho rằng có nhiều lỗi cần phải chỉnh sửa.  Nhận xét của bà về bộ luật hình sự này?
Bà Elaine Pearson: Theo tôi, bộ luật hình sự mới được quốc hội khoá 13 thông qua  có vấn đề. Bộ luật này giờ đây, thậm chí, còn có nhiều khoản cho phép chính quyền tự tiện ghép người dân vào nhiều các tội phạm hình sự chỉ vì họ bày tỏ quan điểm ý kiến một cách ôn hoà.  Chúng tôi cũng rất quan ngại về một số điều khoản mà dễ dàng đưa người dân vào tù từ 1 đến 5 năm chỉ vì những hoạt động thông thường.  Ví dụ đi gặp gỡ một nhà ngoại giao, những nhà hoạt động dân chủ Việt Nam cũng có thể gặp phải rủi ro, vì đó được xem là làm dụng quyền tự do dân chủ.
Đặc biệt, đây là giai đoạn mà chúng ta thấy chính quyền Việt Nam đàn áp rất nặng tay đối với những nhà hoạt động dân chủ. Ngay chính khi tổng thống Hoa Kỳ Obama đến Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa rồi và chính quyền đã ngăn cản một số nhà hoạt động không được tham dự cuộc gặp với tổng thống Obama. Vì thế, chúng tôi rất quan tâm đến những điều khoản trong bộ luật hình sự mới này bởi khi nó thật sự đi vào hoạt động, bộ luật này sẽ trút xuống đầu người dân những rủi ro ngay cả khi họ chỉ là một dân thường.

Thúc giục chính phủ Úc áp lực chính quyền Việt Nam

Chân Như: Đối thoại nhân quyền của Úc và Việt Nam có điểm nào khác biệt hơn so với các cuộc đối thoại giữa Việt Nam và Mỹ hoặc EU?
Bà Elaine Pearson: Tôi biết đã có một số các nước trên thế giới có các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam. Tôi nghĩ đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam có những điểm đáng khen ngợi đó là họ cử những phái đoàn đến những tỉnh thành trong đất nước, ví dụ lên vùng Tây Nguyên để tìm hiểu về những vấn đề về tự do tôn giáo.  Còn đối thoại của Úc và Việt Nam, theo tôi được biết, phái đoàn cũng sẽ đến Tp. HCM sau khi đến Hà Nội, nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chính quyền Úc sẽ thúc đẩy mạnh hơn với chính quyền VN để họ đạt được những điều họ mong đợi.  Một sự việc đáng tiếc đã xảy ra khi đối thoại giữa EU và Việt Nam diễn ra vào năm trước: một nhà hoạt động đang trên đường đi đến gặp một số nhà ngoại giao EU và  đã bị bắt; Cho đến nay vẫn còn đang bị nhốt nhưng lại chưa được đưa ra khởi tố về tội gì cả.
Do đó, tôi nghĩ rất quan trọng nếu chính phủ Úc yêu cầu được gặp những nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ và nếu chính quyền Việt Nam không đồng ý thì ít ra cũng phải cho họ gặp gia đình,người thân của những nhà bất đồng chính kiến vì đó là điều rất cần thiết.
Đây cũng là bằng chứng để đảm bảo được rằng chính quyền Việt Nam không chỉ nói “chúng tôi có các cuộc đối thoại về nhân quyền với các nước phương Tây, chúng tôi quan tâm về nhân quyền”.  Đây không phải là lúc để chính quyền “đãi bôi”.  Chúng tôi muốn họ phải nêu lên những trường hợp cụ thể như tôi đã nói. Tôi cho rằng tính minh bạch thông tin được cụ thể hoá thực sự quan trọng.
Điển hình là một trong những điều hữu ích mà EU làm năm trước sau cuộc đối thoại đó là đưa ra bản tuyên bố riêng của họ nói rõ họ đã nêu những vấn đề gì với chính quyền Việt Nam và những trường hợp cụ thể mà chúng tôi đã nêu lên.

Cách đối xử với thuyền nhân bị trả về

Chân Như: Những điểm quan trọng nào mà Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền muốn chính phủ Úc nêu ra trong cuộc đối thoại nhân quyền lần này với chính phủ Việt Nam?
Bà Elaine Pearson: Theo tôi, vấn đề quan trọng phải chắc chắn được đảm bảo là về tự do ngôn luận. Chúng tôi thúc giục chính phủ Úc phải tạo áp lực với chính quyền Việt Nam để trả tự do ngay cho tất cả các tù nhân chính trị, ngưng ngay những hành vi sách nhiễu, đàn áp, đối với những nhà hoạt động dân chủ đang bị giam giữ hay cản trở những nhà hoạt động ôn hoà với cuộc sống thường ngày của họ.  Tôi nghĩ vấn đề công an đàn áp dân, đánh đập dân cũng cần phải được nhắc đến vì có nhiều bạo hành xảy ra trong đồn cảnh sát.  Và sau cùng, một vấn đề cũng cần phải nêu lên đó là sự đối xử của chính quyền đối với những di dân vượt biên qua Úc bị trả lại Việt Nam.

Chân Như: Bà vừa nhắc đến những người vượt biên qua Úc bị trả về Việt Nam. Liệu trong cuộc đối thoại lần này giữa Úc và Việt Nam vấn đề này sẽ được nhắc đến hay không?
Bà Elaine Pearson: Tôi hy vọng là sẽ được nhắc đến vì đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Vấn đề không chỉ là những nhà hoạt động dân chủ bị chính quyền đàn áp mà bây giờ là những người dân thuyền nhân ra đi rồi bị trả về lại nuớc bởi chính phủ Úc và những nhà chức trách Việt Nam. Chúng tôi được biết có đến 8 người bị kết án vì đứng ra tổ chức cuộc vượt biên qua Úc và bị kết án tù giam từ 2-3 năm. Tôi nghĩ đây là thời điểm rất quan trọng để chính phủ Úc thúc giục Việt Nam phải tuân thủ theo những gì họ cam kết, vì họ hứa sẽ không kết án những thuyền nhân đó vì rời bỏ đất nước một cách bất hợp pháp. Họ đã cam kết điều đó với chính phủ Úc khi họ đồng ý nhận lại những thuyền nhân này. Vì thế việc thả tự do cho 8 người đó rất quan trọng.

Chân Như: Xin cám ơn bà Elaine Pearson.

VIDEO :
Đối thoại Nhân quyền Việt-Úc: Không phải là lúc để VN "đãi bôi"





No comments:

Post a Comment

View My Stats