11.08.2016
.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành vận động
viên đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng tại một kỳ Thế vận hội.
.
Sự kiện
vận động viên Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên mang về cho Việt Nam huy chương vàng
tại Olympic 2016 trong bộ môn thi bắn súng đã gây được nhiều chú ý trong tuần vừa
qua. Không chỉ báo chí trong nước đưa tin bày tỏ sự tự hào về anh mà báo chí nước
ngoài cũng có những bài viết về thành công này của vận động viên Việt Nam.
Nhưng phải đến khi Hoàng Xuân Vinh đạt được thành tích này ở tuổi 41 chúng ta mới
biết đến anh, mới dành sự quan tâm đến quãng đường thi đấu của anh với nhiều
câu chuyện dở khóc dở cười. Anh đã từng phải đi mượn súng khi tham gia giải đấu
ISSF World Cup dành cho súng trường và súng ngắn tại Đức vào năm ngoái. Việc đi
mượn một khẩu súng với chất lượng tốt chỉ trong thời gian ngắn trước khi thi đấu
là vô cùng hy hữu. Những cửa hàng anh Vinh đến mượn có lẽ cũng phải ngơ ngác
khi có một vận động viên chuyên nghiệp đi mượn súng để thi đấu.
Ở Việt
Nam không có gì lạ với việc một tài năng vô danh bỗng dưng trở nên nổi tiếng. Vận
động viên bơi lội trẻ tuổi Ánh Viên (sinh năm 1996) từng được mệnh danh là
“kình ngư đất Việt” đã dành huy chương vàng đầu tiên về cho Việt Nam tại Asian
Games năm 2014. Người người nhắc đến em, nhà nhà ca ngợi em. Thế nhưng, tất cả
đều như bọt biển, sau đó tên tuổi của Ánh Viên bị lãng quên dần, không còn được
ai nhắc đến. Có lẽ, cũng không ai quan tâm đến việc em cũng tham dự Olympic Rio
năm nay với 4 nội dung bơi khác nhau tính đến thời điểm này. Trong nội dung bơi
cá nhân 400m phối hợp ngày 8/8, Ánh Viên đã vượt qua nhiều đối thủ từ nhiều nước
khác để lọt vào lượt bơi chung kết với thứ hạng thứ 9. Liệu với sự nỗ lực đó,
em có xứng đáng dành được sự động viên khích lệ từ phía quê hương mình hay
không?
Thật
ra, với thực lực còn khiêm tốn của thể thao Việt Nam, khó có thể đổ lỗi hoàn
toàn cho nhà nước. Rất nhiều người nghĩ rằng các quốc gia với thành tích “khủng”
chắc hẳn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ ngân sách chính phủ. Nhưng câu trả lời là
không. Ở phần lớn nước ngoài, một tài năng được đào tạo từ khi còn chập chững đến
lúc tỏa sáng trên đấu trường quốc tế, là nhờ được rất nhiều công ty tư nhân hoặc
cá nhân tài trợ. Bên cạnh đó, quãng đường của họ dẫu đầy khó khăn nhưng có sự đồng
hành, niềm tin không nhỏ từ phía khán giả yêu thể thao. Tình yêu và sự ủng hộ
mãnh liệt đó cũng chính là câu trả lời vì sao Mỹ trở thành một đất nước đáng gờm
trên đấu trường thể thao quốc tế. Lần đầu tiên đặt chân đến sân bay tại một
thành phố nhỏ ở Mỹ, tôi được bắt chuyện với một cư dân địa phương. Khi nói đến
tên ngôi trường tôi sắp nhập học, người đàn ông trung niên mắt sáng lên giới
thiệu rằng đội bóng bầu dục từ ngôi trường này là niềm tự hào của người dân thị
trấn. Ông còn chỉ vào chiếc áo mình đang mặc có in hình cả đội bóng cho tôi
xem. Trong suốt thời gian học tại đây, bất cứ khi nào có trận đấu bóng bầu dục
diễn ra, là trường tôi như mội ngày hội khi người dân từ khắp các nẻo thành phố
đến tham dự. Họ mua áo, mũ, quà lưu niệm có in hình logo như một cách thể hiện
tình yêu, niềm hâm mộ dành cho đội bóng trẻ tuổi đầy triển vọng này. Việc một
gia đình cả 3, 4 thế hệ cùng cổ vũ cho một đội bóng cũng là chuyện rất bình thường.
Hãy giả
sử như phát đạn cuối cùng không đủ cao để vận động viên Hoàng Xuân Vinh giành vị
trí thứ nhất, có thể lời lẽ dành cho anh sẽ khác như tâm lý không vững, thiếu
may mắn… Và tên tuổi anh sẽ lại lửng lơ như một điều đáng tiếc, khán giả Việt sẽ
mau lãng quên và tiếp tục hy vọng một điều bất ngờ sẽ từ trên trời rơi xuống
vào một mùa giải quốc tế nào đó. Chính vì thế, đằng sau những thành công của họ,
tôi đặt ra câu hỏi về một dạng văn hóa “tự hào ngộ nhận” đang tồn tại trong xã
hội Việt Nam. Sau những lời nói ca ngợi dành cho Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Tiến
Minh, tôi cũng dám chắc phần lớn người Việt vẫn sẽ nói “không” với con cái mình
nếu chúng muốn chọn lựa đi theo con đường thể thao hay nghệ thuật. Như một nếp
suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức, chưa bao giờ những công việc liên quan đến
các ngành nghề đó được coi trọng tại đất nước mình. Tất cả những gì chúng ta
đang nhìn thấy, đang tự hào, chỉ là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được kéo cao hơn
lá cờ của những quốc gia khác, là bài Quốc ca vang lên lần đầu không phải nơi
sân trường hay quảng trường Ba Đình. Chúng ta vỗ ngực vì một đất nước bỗng
nhiên tỏa sáng, ngang hàng với các cường quốc tại bảng xếp hạng Olympic 2016.
Liệu có ai đặt câu hỏi về quãng đường dài hơi gian nan không chỉ của riêng
Hoàng Xuân Vinh mà còn của những vận động viên không tên tuổi khác đang ngày
ngày luyện tập trong điều kiện thiếu thốn, tự thân vận động để nuôi nấng tình
yêu với nghề? Tôi thiết nghĩ, khán giả Việt Nam có lẽ chưa đủ tư cách để cảm thấy
tự hào cùng Hoàng Xuân Vinh, bởi đó là thành công chỉ của riêng anh, là thành
quả của sự nỗ lực cá nhân trong hành trình vinh quang quá đỗi đơn độc này.
------------------
*
Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên
blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay
lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment