Khác biệt gì giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thế vận
hội Rio 2016?
Vận động viên Mỹ có thể nói chuyện về lượng tử, vật lý thiên văn hoặc chính
sách công… trong khi vận động viên Trung Quốc gần như chẳng có gì để kể ngoài
chuyện khổ luyện. Vận động viên Mỹ có thể là nhà toán học tương lai trong khi
tương lai vận động viên Trung Quốc có thể đối diện một sự thờ ơ ngược đãi…
Mỹ mang
đến đoàn vận động viên gồm nhiều sinh viên đại học và họ đến Rio với tinh thần
thể thao đúng nghĩa của lịch sử Thế vận hội hiện đại. Mệnh danh “quỷ tốc độ”,
“tay bơi cừ khôi nhất” hoặc “vận động viên vĩ đại nhất thế giới hiện nay”,
Katie Ledecky 19 tuổi, khi Rio 2016 kết thúc, sẽ trở về Mỹ (với tấm huy chương
vàng) và trở lại giảng đường Stanford. Cùng đến Rio với Katie Ledecky là 30
sinh viên lẫn cựu sinh viên Stanford khác. Sinh viên Stanford tham gia nhiều
môn: bơi, lặn, polo nước, chèo thuyền, bóng đá, tennis, volley, rugby, nhảy
rào… Suốt từ năm 1912 đến nay, sinh viên Stanford luôn mang về ít nhất một huy
chương Olympics.
Không
chỉ Stanford, tổng cộng có đến 75% vận động viên trong US Team là sinh viên hoặc
cựu sinh viên. Năm nay, Đại học Florida mang đến 11 vận động viên (tương tự Đại
học Washington, Princeton và Georgia); Đại học Texas có 12; Đại học
California-Berkeley và California-Los Angeles đều có 16… Điều đó cho thấy hệ thống
đại học Mỹ có môi trường thể thao tốt như thế nào.
Giáo dục
Mỹ luôn nhấn mạnh việc bồi đắp sức khỏe quan trọng không kém xây dựng kiến thức.
Với nhiều trường, sinh hoạt thể thao và tham gia thế vận hội đã trở thành truyền
thống lâu đời. Giáo dục đại học Mỹ luôn tự hào về điều đó. Từ Thế vận hội Hè
1904 đến Thế vận hội Đông 2014, Đại học Southern California (USC) đã đóng góp tổng
cộng 423 vận động viên; giành 288 huy chương (135 huy chương vàng) trong đó có
ít nhất một huy chương vàng tại mỗi Thế vận hội mùa hè kể từ 1912 đến nay! Nếu
USC thi đấu với vị trí như một quốc gia thì họ xếp hạng 16 thế giới!
Lịch sử
thể thao USC có một gương mặt huyền thoại. Tại Olympics Berlin 1936, cậu học
sinh Louis Zamperini đã gây sửng sốt, trước sự chứng kiến của Hitler, khi chạy
vòng cuối cuộc thi marathon chỉ với 56 giây. Sau Thế vận hội, Zamperini vào học
USC. Thế chiến thứ hai xảy ra, Zamperini gia nhập quân đội. Trong phi vụ năm
1943, Zamperini cùng phi đội trên chiếc B-24 rơi xuống Thái Bình Dương. Sống
sót sau 47 ngày trên biển, Zamperini được cứu và trở thành tù binh trong một trại
tù Nhật suốt hai năm rưỡi. Sau chiến tranh, cựu sinh viên USC Zamperini trở
thành nhà diễn thuyết lừng danh. Câu chuyện Zamperini đã được kể lại trong quyển
Unbroken của Laura Hillenbrand, được Angelina Jolie xuất sắc dựng lên màn bạc,
và được USC ghi vào biên niên sử của trường.
Đứng cạnh
một vận động viên Mỹ đầy sức bật tuổi trẻ với phong thái điển hình trí thức, vận
động viên Trung Quốc trông khô khan và gượng gạo. Nói không quá, có thể nhìn thấy
tương lai một quốc gia từ hình ảnh này. Vận động viên Mỹ đến Thế vận hội với
tinh thần thể thao. Vận động viên Trung Quốc đến Olympics với ý chí quyết thắng.
Ý chí đó được trui rèn từ những lò đào tạo chuyên nghiệp, nơi “đúc” nên một nền
thể thao với tinh thần phi thể thao, nhắm đến việc “sản xuất” hàng loạt “người
máy thể thao” từ khi mới lên 5 tuổi. Nhiệm vụ họ là sẽ phải đem lại vinh quang
quốc gia, bất chấp sự lấp lánh đó trả giá bằng tương lai cuộc đời họ. Có quá
nhiều ví dụ cho thấy sự thờ ơ ngược đãi đối với vận động viên hết thời.
Bởi việc
đặt nặng biến con người thành cỗ máy hơn là xây dựng nhân cách, chẳng có gì ngạc
nhiên khi nghe những vụ ồn ào về thái độ khiếm nhã của vận động viên Trung Quốc.
Họ lao vào thi đấu và họ cay cú điên tiết nếu thất bại.
Giữa Mỹ
và Trung Quốc, sự khác biệt lẫn chênh lệch của hai nền thể thao và giáo dục là
rất rõ ràng. Người ta có thể nhìn thấy tương lai và sức mạnh thật sự của hai quốc
gia đó qua điều này.
No comments:
Post a Comment