August
13, 2016
HÀ NỘI
(NV) –
Hai đại biểu của Quốc Hội Việt Nam vừa yêu cầu hệ thống tư pháp Việt Nam thả
ngay ông Trần Văn Vót. Nếu không được chữa trị đàng hoàng, ông Vót khó sống tới
ngày được minh oan.
Ông Vót
từng bị phạt chung thân vì bốn tội: “giết người,” “phá hoại việc thực hiện các
chính sách kinh tế – xã hội,” “tàng trữ vũ khí trái phép” và “gây rối trật tự
công cộng” và đã ở tù 24 năm.
Ông
Trần Văn Vót, người thà ở tù chứ không nhận tội để được giảm án. (Hình: Tiền
Phong)
Trong 24
năm đó, ngoài thân nhân của ông Vót còn có dân làng và thân nhân của người bị
giết cùng xúm vào kêu oan cho ông.
Khi còn
là thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng “chỉ đạo làm rõ” vụ án này
nhưng chẳng đến đâu. Hồi tháng 5 vừa qua, ông Trương Hòa Bình, một phó thủ tướng
của Việt Nam tiếp tục “chỉ đạo làm rõ” vụ án có đầy đủ dấu hiệu oan, sai này. Đến
nay ông Vót vẫn đang bị giam, sức khỏe suy kiệt vì lao kháng thuốc và có thể chết
bất kỳ lúc nào.
Năm
1992, do tranh chấp đất từng bị trưng dụng để đưa vào hợp tác xã, dân làng Nhân
Phúc xô xát với dân làng Thanh Nga. Cả hai làng này cùng thuộc xã Phú Phúc, huyện
Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ai đó đã ném lựu đạn vào nhóm dân làng Nhân Phúc, khiến
ông Trần Hoa Việt chết và 21 người khác bị thương.
Sau đó,
công an bắt ông Trần Văn Cự – người làng Thanh Nga, rồi cáo buộc ông Cự là người
ném lựu đạn. Chẳng hiểu tại sao ông Cự lại có thể bỏ trốn. Vài tháng sau, công
an bắt ông Trần Ngọc Thanh và ông Trần Văn Vót. Lần này, ông Thanh bị cáo buộc
là người ném lựu đạn, còn ông Vót bị cáo buộc là tàng trữ và đưa lựu đạn cho
ông Thanh ném.
Có rất
nhiều người làm chứng rằng vào thời điểm xảy ra vụ ném lựu đạn, ông Thanh đang
vác đất thuê cùng với họ, còn ông Vót thì đang đóng gạch thuê, tuy nhiên hệ thống
tư pháp của tỉnh Hà Nam bác bỏ tất cả những lời khai của các nhân chứng này.
Ông
Thanh bị phạt 15 năm tù vì “giết người.” Ông Vót bị phạt chung thân vì “chủ mưu
giết người” và ba tội nữa. Ngoài ra còn 28 người khác, trong đó có nhiều người
tình nguyện làm chứng về tình trạng ngoại phạm của ông Thanh và ông Vót cũng bị
lôi ra tòa, bị phạt nhiều mức khác nhau vì “chống người thi hành công vụ,” “gây
rối trật tự công cộng” và… “khai báo gian dối!”
Sau
này, ông Cự – người đầu tiên bị bắt với cáo buộc là thủ phạm vụ ném lựu đạn ra
đầu thú và chỉ bị phạt hai năm tù vì “gây rối trật tự công cộng.”
Vụ Trần
Văn Vót trở thành đáng chú ý còn vì suốt 24 năm qua, ngoài thân nhân của ông
Thanh, ông Vót, tham gia kêu oan cho hai bị án này còn có hàng trăm người làng
Nhân Phúc và ông Trần Văn Điền – cha của ông Trần Hoa Việt, người tử nạn vì lựu
đạn.
Tuy năm
nào ông Điền cũng ra Hà Nội vài lần nhưng hệ thống tư pháp Việt Nam không thèm
ngó ngàng đến chuyện cha của nạn nhân đi kêu oan cho kẻ bị xem là đã giết con
mình.
Ông Điền
cho biết, nhiều người có mặt tại cuộc xô xát khẳng định, lựu đạn từ phía dân
làng Thanh Nga ném sang. Có nhiều lý do khiến việc kết luận ông Thanh và ông
Vót gây ra thảm án là vô lý: (1) Có hàng chục nhân chứng làm chứng cả hai không
có mặt tại hiện trường, trong đó có anh của nạn nhân (cháu ruột ông Điền), thế
nhưng hệ thống tư pháp không những không thèm đếm xỉa mà còn phạt anh của nạn
nhân hai năm tù vì… “khai báo gian dối.” (2) Ông Thanh và ông Vót là người làng
Nhân Phúc, nếu như căm tức người làng Thanh Nga thì tại sao họ không ném lựu đạn
về phía đó mà lại ném lựu đạn vào phía người làng của mình. Khi những thắc mắc
này nảy sinh, hệ thống tư pháp giải thích là do ông Thanh “lúng túng.” Điều đó
không hợp lý vì ông Thanh từng là bộ đội. (3) Tại tòa, ông Thanh liên tục kêu
oan vì bị tra tấn nên mới nhận tội và khai bừa ra ông Vót. (4) Theo hồ sơ thì
việc bắt – kết án ông Thanh chủ yếu dựa vào “tự thú” của ông Thanh với người
khác nhưng những người đó đều phủ nhận chưa bao giờ nghe ông Thanh “tự thú” việc
ông là thủ phạm vụ ném lưu đạn…
Năm
nay, ông Trần Văn Điền 81 tuổi và vẫn tiếp tục đi kêu oan cho ông Vót (ông
Thanh đã mãn hạn tù). Ông Điền bảo rằng, tuy rất oán hận kẻ đã giết con mình
nhưng không phải vì thế mà để người vô tội bị hàm oan.
Bà Trần
Thị Quốc Khánh, một trong hai đại biểu quốc hội vừa yêu cầu thả ông Vót ngay lập
tức, nói rằng, trước hàng loạt dấu hiệu cho thấy đây là một oan án, bà ngạc
nhiên khi hệ thống tư pháp không làm gì cả. Bà Khánh cũng lưu ý là nếu ông Vót
cúi đầu nhận tội thì với chính sách hình sự hiện hành, ông đã được giảm án và
được tha từ lâu nhưng ông Vót thà ở tù chứ không nhận tội.
Ông
Nguyễn Lân Dũng, một đại biểu quốc hội khác nhấn mạnh, ông sợ ông Vót sẽ chết
trước khi được minh oan. Thả ông Vót để ông được chữa trị trước khi quá muộn là
một hành động nhân đạo cần được làm ngay.
Chưa có
dấu hiệu nào cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam sẽ đáp ứng đề nghị vừa kể.
(G.Đ)
-----------------------
August
11, 2016
No comments:
Post a Comment