Tuesday, 9 August 2016

MỘT QUÂN ĐỘI ĐÁNG TỰ HÀO (Lê Phan - theo NYT)





Lê Phan  (Theo New York Times)
August 6, 2016
Khi ông Donald Trump tuyên bố hồi mùa thu năm ngoái là ông tính chuyện bắt tất cả những người Hồi Giáo ở Hoa Kỳ mang một thứ thẻ thông hành đặc biệt, ông Tayyib Rashid mở ví rút ra thẻ quân nhân, và đưa hình thẻ này lên Internet, kèm theo một câu: “Này @realDonaldTrump, tôi là một người Mỹ theo Hồi Giáo và tôi đã có một ID đặc biệt. ID của ông đâu?”

Nay ông Rashid, phục vụ năm năm trong lực lượng Thủy Quân Lục Chiến, ba lần tham chiến hải ngoại, đã lại nổi giận với ông Trump. Lần này là vì ứng cử viên Cộng Hòa đã coi thường ông Khizr và bà Ghazala Khan, cha mẹ của một đại úy đã chết vì xe bom ở Iraq hồi năm 2004, chỉ vì họ chỉ trích chính sách mà ông Trump đề nghị đối với tín đồ Hồi Giáo ở Đại Hội Đảng Dân Chủ.

Ông Rashid bảo với tờ New York Times, vụ này làm “tôi ứa nước mắt. Đây là những người đã hy sinh đứa con của mình, giọt máu của mình.” Nhưng ông thêm là sự tức giận của ông nguôi ngoai một phần nào vì kinh nghiệm của ông trong quân đội, nơi đại đa số chấp nhận và thân thiện.

Ông Rashid tham gia Thủy Quân Lục Chiến năm 1997. Ông kể: “Tôi đã chỉ gặp tình thương và đồng đội từ tất cả mọi quân nhân Thủy Quân Lục Chiến tôi cùng phục vụ. Tôi thường là người Hồi Giáo đầu tiên mà họ gặp, nhưng không có kỳ thị chủng tộc, không có thành kiến. Tín ngưỡng của bạn không có ý nghĩa gì cả: Trước tiên chúng tôi đều là Thủy Quân Lục Chiến.”

Câu chuyện của ông Rashid là câu chuyện của những quân nhân Hoa Kỳ theo Hồi Giáo. Dĩ nhiên ông công nhận là tín đồ Hồi Giáo trong quân đội gặp nhiều thách thức. Với 15 năm chiến đấu chống lại Hồi Giáo quá khích, đối với một số quân nhân khác, vấn đề chính là Hồi Giáo chứ không phải là quá khích.

Khi được hỏi, các quân nhân Hồi Giáo nói họ đều đã có lần đụng độ với cái mà một người bảo là những lời lẽ “ngu đần” cho họ đều là khủng bố. Tình trạng còn tệ hơn khi một nhà tâm lý học người Mỹ theo Hồi Giáo bắn chết 13 người ở Fort Hood hồi năm 2009. Ấy là chưa kể những vấn đề vì khác biệt văn hóa như lệnh cấm để râu tóc, và đối phó với khẩu phần của quân đội vốn thường có thịt heo trong khi Hồi Giáo cấm ăn thịt heo. Ngoài ra rất ít đơn vị có nơi cho họ cầu nguyện và trong số khoảng 2,900 sĩ quan tuyên úy chỉ có năm imam.

Ông Rashid nghĩ khác. Ông nói: “Nó có thể là một thách thức, bản chất của đời lính không thích hợp cho việc hành đạo, nhưng Hồi Giáo linh động.” Ông Rashid, theo gia đình đến Hoa Kỳ từ năm 10 tuổi, thêm: “Tôi là một người Mỹ. Tôi hưởng được lợi ích từ tự do và cơ hội ở nước này và trách nhiệm của tôi là phải phục vụ đất nước này theo một cách nào đó.”

Số quân nhân Hoa Kỳ theo Hồi Giáo thực ra rất ít, chỉ chiếm khoảng 0.3% trong quân đội, trong khi ở ngoài dân sự tỉ lệ là 1% dân số. Với số ít như vậy họ có thể suốt cuộc đời quân ngũ không bao giờ gặp một người Hồi Giáo khác.

Ngũ Giác Đài không có thống kê riêng cho bao nhiêu quân nhân theo Hồi Giáo đã tử trận từ năm 2001 nhưng họ phục vụ ở mọi đơn vị. Một số công nhận là sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, mọi sự có khó khăn hơn. Ông Mansoor Shams, sinh ra ở Pakistan và phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến từ năm 2000 đến 2004, công nhận có thay đổi. Nhưng ông bảo “Một vài đứa đưa ra những lời tiêu cực, đôi khi nửa đùa nửa thật, gọi tôi là Taliban. Tôi quyết định chấm dứt mọi sự ngay từ đầu, và đa số hiểu ý tôi.”

Nhưng khi nói đến tự do tôn giáo, họ nói quân đội đã có những cố gắng đáng kể để thích ứng cho họ. Quân nhân có quyền cầu nguyện và có thể nhịn ăn vào mùa Ramadan. Quân đội cũng đã làm khẩu phần halal cũng như kosher cho tín đồ Do Thái Giáo và đồ chay.

Đại Úy Nadi Kassim, tiểu đoàn trưởng trong Đệ Nhị Lữ Đoàn Kỵ Binh còn khen là thực ra cơm halal còn ngon hơn cơm thường. Đại Úy Kassim, con của một gia đình dân tị nạn Palestine, đã tốt nghiệp Học viện quốc phòng West Point, bảo ông lúc nào cũng cảm thấy được hỗ trợ bởi quân đội. Ông bảo: “Tôi chưa bao giờ bị tách biệt ra là cái người mang tên Nadi Kassim. Quân đội giảm thiểu những khác biệt và tưởng thưởng cho thành đạt, và tôi thực sự đã sung sướng và thành công trong quân đội.” Ông kể lại là trong một cuộc tập trận mới đây rơi đúng vào tuần Ramadan, các đơn vị nhà bếp đã để dành cơm cho ông và một quân nhân khác để họ có thể ăn sau khi mặt trời lặn. Ông nói “Chúng tôi không yêu cầu họ. Họ làm vì họ muốn chứng tỏ cho chúng tôi là họ ủng hộ chúng tôi.”

Hải Quân Trung Tá Abuhena Saifulislam, sĩ quan tuyên úy đã phục vụ trong vai trò imam cho Hải quân và Thủy quân Lục Chiến từ 20 năm nay, cho biết là mỗi thứ sáu một imam cầu kinh ở Ngũ Giác Đài, và ở Camp Lejeune ở North Carolina, nơi ông đang đồn trú, ông cầu kinh hàng ngày. Ông đã từng được mời dẫn cầu kinh ở Tòa Bạch Ốc bởi cả Tổng Thống George W. Bush lẫn Tổng Thống Barack Obama. Lần cuối ông viếng thăm, vào ngày Tết Eid al-Fitr, ông đã cùng vào Tòa Bạch Ốc với một cựu quân nhân 95 tuổi, cựu chiến binh Đệ Nhị Thế Chiến và cũng là một tín đồ Hồi Giáo.

Ông kể lại là trong đời làm tuyên úy của ông, ông đã làm lễ cho nhiều người Ki-tô giáo hơn là Hồi Giáo nhưng chưa bao giờ bị phiền hà. Ông kết luận: “Khi tôi còn trẻ, tôi đến đất này từ Bangladesh không có gia đình. Và ở nhiều khía cạnh quân đội là gia đình tôi. Tôi đã không ở lại quân ngũ 20 năm nếu tôi không cảm thấy được chấp nhận.”

Mà quả là ông đúng. Quân đội Hoa Kỳ, hơn tất cả các quân đội khác trên thế giới đã đi tiên phong, trước xã hội dân sự xa, về những vấn đề xã hội. Một thí dụ điển hình là thái độ của quân đội với các quân nhân người Mỹ gốc Phi Châu. Trong khi phải đến năm 1964, Tổng Thống Lyndon B. Johnson mới thuyết phục được quốc hội thông qua đạo luật về dân quyền cấm mọi sự kỳ thị vì lý do sắc tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hay nguồn gốc quốc tịch, từ ngày 26 tháng 7 năm 1948, Tổng Thống Harry S. Truman đã ký một sắc lệnh đòi hỏi bình đẳng đối xử và cơ hội cho mọi quân nhân, và hoàn toàn hủy kỳ thị và phân biệt. Trước đó, các đơn vị người Mỹ gốc Phi Châu đã chiến đấu riêng, nhưng từ khi có Nghị Định 9981 của tổng thống, quân đội đã dần dà hủy bỏ những đơn vị riêng rẽ và kết hợp quân đội. Các đơn vị da đen tiếp tục cho đến cuộc chiến Cao Ly và đơn vị da đen cuối cùng chỉ bị giải tán vào năm 1954.

Nghị định của Tổng Thống Truman bao gồm cả trường học và khu vực láng giềng quanh các quân trại nữa. Mười lăm năm sau, một nghị định khác của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara đòi hỏi mọi chỉ huy “có nhiệm vụ chống lại mọi hành vi kỳ thị ảnh hưởng đến các quân nhân và gia đình họ và phải giúp cung cấp cơ hội bình đẳng cho họ, không những trong đơn vị của họ mà còn cả trong cộng đồng gần đó nơi họ có thể tụ tập ở ngoài giờ làm việc.”

Kể từ khi quân đội hủy bỏ phân biệt đối xử và việc tạo thành một quân đội hoàn toàn là tình nguyện, hủy lệnh quân dịch, quân đội Hoa Kỳ đã chứng kiến các quân nhân người Mỹ gốc Phi Châu thăng tiến nhanh chóng. Năm 1989, Tổng Thống George H.W. Bush đã chỉ định Tướng Colin Powell làm Tham mưu trưởng Liên Quân, đưa một quân nhân da đen lên làm sĩ quan cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ.

Nhưng ngay cả trước đó, hồi năm 1948, ông Jesse L. Brown đã trở thành phi công da đen đầu tiên. Ông bị thiệt mạng khi phi cơ của ông bị bắn hạ trong Trận khu chứa nước Chosin ở Bắc Hàn. Không nhảy dù ra khỏi được chiếc F4U Corsair nhưng hạ cánh thành công, ông bị thương nặng và phi cơ bị hư hại khiến ông mắc kẹt trong phi cơ. Một phi công đồng đội da trắng, ông Thomas Hudner đã hạ cánh chiếc Corsair của mình gần phi cơ ông Brown để tìm cách cứu ông nhưng không cứu nổi và ông Brown thiệt mạng. Ông Hudner đã được trao huân chương Medal of Honor. Hải quân Hoa Kỳ vinh danh ông Jesse Brown bằng cách đặt tên ông cho một tàu hộ tống, chiếc USS Jesse L. Brown.

Quân đội Hoa Kỳ đã làm được điều mà trong xã hội dân sự vẫn còn chưa xóa bỏ nổi, đó là quân đội đã gỡ bỏ mọi chướng ngại và rào cản dầu cho là tôn giáo, màu da, sắc tộc hay giới tính để tạo một xã hội trong đó người tôn trọng người chỉ vì khả năng của cá nhân họ. Đó là một quân đội đáng phục lắm thay.





No comments:

Post a Comment

View My Stats