Sunday, 14 August 2016

HAI MẶT PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY (Phạm Bá Hoa)





August 10, 2016 10:41 PM i

Phạm Bá Hoa: Thư Số 58 Gởi Người Lính QĐNDVN – Hai Mặt Phát Triển Tại Việt Nam Hiện Nay


Với thư này, tôi muốn giúp Các Anh một nét nhìn hai góc: Với góc nhìn lên là sự phát triển những ngôi biệt thự lộng lẫy, những tòa nhà nhiều tầng, những nhà máy, những xa lộ, những công trình, những dịch vụ, ..v..v.., nhưng họ không quan tâm đến ô nhiễm môi trường sống của người dân. Và góc nhìn xuống, rất dễ dàng nhận ra sự phát triển giáo dục xã hội chủ nghĩa “thành công” khi đẩy toàn xã hội xuống tận đáy sâu của suy đồi băng hoại.

Thứ nhất. Việt Nam phát triển chiều cao về vật chất

Hà Nội và Sài Gòn

Từ cuối năm 2015, thị trường bất động sản trên toàn quốc hồi phục mạnh mẽ, và riêng Hà Nội với Sài Gòn dẫn đầu cả nước về khả năng phát triển ngành xây dựng và kỹ nghệ từ đầu năm 2016.

Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng: “Hà Nội kêu gọi vào 3 lãnh vực chính, là: (1) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung. (2) Đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. (3) Đầu tư trong các ngành, lãnh vực để nâng cao phẩm chất dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ phẩm chất cao theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Theo đài VOA ngày 7/6/2016, “lãnh đạo đảng cộng sản nuôi tham vọng sẽ biến thủ đô của Việt Nam thành một thành phố chưa bao giờ thấy tại Việt Nam sau năm 2030. Đây là ý tưởng của Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, đưa ra tại buổi họp cuối tuần trước đó về hợp tác đầu tư và phát triển”. Thông tấn xã Việt Nam trích lời ông Dũng nói rằng: “Hà Nội phải là trái tim, cung cấp dòng máu cho doanh nghiệp Hà Nội, cho cả nước”, và “phải phát triển trung tâm này sánh ngang trung tâm tài chánh của Singapore, của Hong Kong. Để hướng tới mục tiêu này, nhà cầm quyền Hà Nội cho rằng trong những năm tới, cần phải huy động hơn 115 tỷ mỹ kim”.

Trong khi đó, bản tin của CAFEF ngày 13/6/2016, thì ông Nguyễn Thành Phong, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố HCM, tiếp xúc và làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc YPO (Tổ Chức Chủ Tịch Trẻ) và WPO (Tổ Chức Chủ Tịch Thế Giới) tại Việt Nam. Ông nói rằng: “Mục tiêu của thành phố sẽ trở thành trung tâm tài chánh, thương mại, và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố cần sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Hiện tại, thành phố đang quan tâm đặc biệt về phát triển, và kêu gọi đầu tư về hạ tầng đô thị, cải thiện đầu tư kinh doanh, phát triển các dịch vụ giá trị, và công nghiệp, nông nghiệp”.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Tiềm năng phát triển của thành phố còn rất lớn và có tầm nhìn xa. Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, bên cạnh sự đổi mới về công tác, nâng cao về năng lực của đội ngũ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần có tinh thần đổi mới mạnh mẽ, đồng hành cùng các cơ quan quản lý, mới có thể cạnh tranh những thách thức từ các doanh nghiệp nước ngoài”.
ANTV ngày 20/06/2016 nhận định: “Thực hiện kế hoạch phát triển thành phố không đúng với chiến lược toàn cảnh, đã dẫn đến tình trạng xây dựng biệt thự, chung cư nhiều tầng, và những xây dựng khác chung quanh, trở nên “giẫm đạp” nhau giữa những công trình, nhất là những công trình bảo tồn văn hóa nghệ thuật…”.

Nhà hoạt động xã hội Lê Hiền Đức nhận xét với phóng viên đài VOA Việt Ngữ rằng: “Các lãnh đạo nhiều tham vọng chỉ biết ngước lên để hy vọng phát triển bằng, hoặc phát triển hơn các quốc gia đã và đang phát triển toàn diện một cách bền vững, trong khi họ không chịu nhìn xuống để thấy người dân nông thôn đang đói khổ, ngư dân dọc ven biển miền Trung khổ đến cùng cực. Những thảm họa về chất thải từ biết bao nhiêu nhà máy. Nào là nhà máy dệt vải, nhà máy hóa học, nhà máy cán thép, nhà máy xi măng, nhà máy điện chạy bằng than dơ, ..v..v…. trên khắp miền đất nước. Thật là viễn vôngl Mới đây, ông Chung yêu cầu các đơn vị lựa chọn một số cán bộ của thành phố Hà Nội, gởi đi Singapore và Trung Hoa để học kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh. Chưa rõ đây có phải là một bước đi nằm trong chiến dịch biến Hà Nội thành Singapore hay không? Không chỉ có thủ đô Việt Nam đặt mục tiêu lớn nói trên, mà hồi tháng 4/2016, Bí Thư Sài Gòn Đinh La Thăng cũng yêu cầu các cấp các ngành, nỗ lực đưa trung tâm tài chánh miền Nam trở lại vị trí Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Hóa ra HCM bây giờ (2016) quá tệ so với Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông thời cận đại đến năm 1975. Câu này không phải tôi nói đâu, mà là nhận định của đảng viên cộng sản Đinh La Thăng của Các Anh nói đó.

Bộ Xây Dựng đã yêu cầu hai thành phố lớn nhất nhì của cả nước, hãy đánh giá lại nhu cầu nhà ở khi cứu xét các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, hầu tránh tình trạng chênh lệch quá nhiều giữa cung với cầu mà gây bất ổn thị trường.

Chính sách phát triển rất kém về kiến thức. Kiến thức mà tôi nói ở đây bao gồm: “Kiến thức tổng quát của lãnh đạo. Kiến thức tài chánh. Kiến thức khoa học kỹ thuật.. Kiến thức quản trị kinh doanh sản xuất. ..v..v…” Vì rất kém, nên một số thất bại dưới đây tiêu biểu của hậu quả:

(1) Biệt thự bỏ hoang. Vì xây dựng nhà ở quá nhiều nên hàng chục ngàn căn biệt thự khang trang, rộng từ vài trăm thước vuông đến cả ngàn thước vuông, đang trong tình trạng hoang phế lại Hà Nội và Sài Gòn. Hậu quả của kém nghiên cứu thị trường về xây dựng nhà ở.

(2) Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), với đại dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II gần 10 năm nay vẫn hoang tàn. Từ bên ngoài nhìn vào, không ai nghĩ rằng sâu bên trong đang có một nhà máy hằng ngàn tỷ đồng bị vứt bỏ từ nhiều năm qua. Sự thật bên trong, hằng trăm hạng mục lớn nhỏ như luyện gang, luyện thép, hệ thống lò cao, ..v..v… của một dự án quy mô trị giá hơn bốn ngàn tỷ đồng đang phơi nắng, phơi mưa, cỏ dại, dây leo phủ đầy, từng mảng bê tông bong tróc, nham nhở, những khung nhà thép dở dang, những băng chuyền đã được lắp đặt, máy móc cũ gỉ, ..v..v… nằm phơi trên khu đất rộng thênh thang (16/3/2016). Hậu quả của kém nghiên cứu về đầu tư kỹ nghệ.

(3) Xa lộ Việt Cộng từ Quảng Châu (Trung Cống) tới Hà Nguyên, bỗng nhiên sập mất một đoạn, làm cho những chiếc xe đang chay trên đoạn đường này đều lộn nhào xuống đất. Trong số đó có 4 chiếc xe vận tải chở bùn đất, làm cho 1 người chết và 4 người khác bị thương (19/6/2016). Hậu quả của kém kỹ thuật, hoặc do tham nhũng, hoặc cả hai.

(4) Doanh nghiệp đóng cửa. Theo báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015 do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam phổ biến, tính đến cuối năm 2015, tổng số doanh nghiệp đã ghi danh thành lập là 941.000 đơn vị, nhưng từ năm 2007 đến 2015 tổng số doanh nghiệp đã đóng cửa là 428.000 đơn vị, tương đương 45,5% trong tổng số. Như vậy, chỉ còn khoảng 513.000 doanh nghiệp mà đại đa số là vừa và nhỏ. Theo Tổng Cục Thống Kê thì trong sáu tháng đầu năm 2016, toàn quốc có 5.500 doanh nghiệp phá sản, và 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trong khi sáu tháng đầu năm 2015 có 31.700 doanh nghiệp phá sản. Hậu quả của kém kiến thức về quản trị kinh doanh sản xuất.

(5) 51 làng ung thư. Báo Đời Sống Pháp Luật online ngày 20/4/2016. Các khu công nghiệp mọc lên giúp đời sống kinh tế người dân khấm khá, nhưng đồng nghĩa với nó là bệnh ung thư tràn lan trên cả nước. Hiện nay, toàn quốc có 51 làng ung thư, trong đó có 10 làng ung thư do nguồn nước ô nhiễm nặng nhất tại các tỉnh và thành phố sau đây: Hà Nội. Bắc Ninh. Thanh Hóa. Hà Nam. Nghệ An. Hà Tĩnh. Quảng Ngãi. Bình Định. Bình Thuận. Năm 2015, tổng cộng Việt Nam có trên dưới 2.000 giường để chữa bệnh ung thư, nhưng chỉ đáp ứng khoảng từ 20% đến 30% nhu cầu. Và cuộc hội thảo tại bệnh viện Quân Y 175 kết luận rằng: “Trong năm 2014, bệnh viện này tiếp nhận 12.000 bệnh nhân ung thư mới, nhưng chỉ 5 tháng đầu năm 2015 số bệnh nhân lên đến 13.000 người”. Chỉ riêng Hồ Chí Minh từ năm 2005 đến 2010, mỗi năm đã có từ 5000 đến 6000 người mắc bệnh ung thư mới. Ước tính trong năm năm tới kể từ năm 2015, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm 189.000 người mắc bệnh ung thư mới. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh và tử vong vì ung thư cao nhất thế giới. Khu kỹ nghệ Vũng A1ng là một trong những nhà máy gây ra bệnh ung thư cho nhân dân Việt Nam. Hậu quả của kém kiến thức giữa phát triển kỹ nghệ với ô nhiễm môi trường sống của người dân, hoặc do tham nhũng, hoặc cả hai.

(6) Nợ công quốc gia đến mức báo động? Thời Báo Kinh Tế Online ngày 9/2/2016, đăng lại công bố của Cục Quản Lý Nợ & Tài Chánh Đối Ngoại trực thuộc Bộ Tài Chánh, thì: “Đến năm 2010, nợ công ở mức 51,7% GDP, đến năm 2014 là 60,3%, và năm 2015 mức nợ công gần 64% của GDP”. Theo ước tính của chánh phủ, mức nợ công của Việt Nam năm 2016 sẽ tăng lên 64%, trong khi tiêu chuẩn thế giới thì mức tối đa là 65% của GDP. Quá mức 65% là Việt Nam vỡ nợ. Năm 2015 phải trích 16% của ngân sách để trả nợ đáo hạn, trong khi tiêu chuẩn quốc tế giới hạn ở mức 25% của ngân sách. Nhưng một quốc gia đang phát triển mà ngân sách dành ra 16% trả nợ là quá nặng. Bản tin trên báo Người Lao Động ngày 21/10/2016, ngân sách năm 2013 phải dành ra 22.3%, hay là 183.000 tỷ đồng để trả nợ, năm 2014 là 26.6% hay là 208.000 tỷ đồng. Năm 2015 là 31% = 282.000 tỷ đồng. Ngân sách quốc gia năm 2016, dự trù 155 ngàn tỷ đồng để trả nợ. Ngày 23/7/2016, báo cáo của chánh phủ gởi Quốc Hội, thừa nhận “nợ công dự báo đến cuối năm 2016 có thể vượt trần cho phép” (giới hạn là 65% GDP). Hậu quả của kém kiến thức tài chánh, hoặc do tham nhũng, hoặc cả hai.

Tóm tắt. Những tấm hình trên đây trong hằng ngàn tấm hình, tiêu biểu cho sự phát triển về chiều cao với nhiều trăm công trình xây dựng, cùng với những phát triển kinh tế, và du lịch trong khoảng 15 năm gần đầy. Nhưng, những tiêu biểu này quá nặng về phô trương và quá nhẹ về phát triển thật sự đã dẫn đến những hậu quả vừa nêu. Vì một chiến lược phát triển quốc gia không phải chỉ vài lãnh vực xã hội, mà phải là phát triển toàn diện -nhất là con người- thì sinh hoạt xã hội mới quân bình trong thăng tiến.

Tôi nghĩ, một quốc gia phát triển vật chất, phải song hành với phát triển con người về phẩm chất văn hóa dân tộc (khác với văn hóa Việt Cộng) hài hòa với văn hóa văn minh ngày nay, về kiến thức tổng quát với kiến thức chuyên môn hài hòa với nền văn minh và khoa học kỹ thuật thế giới. Vậy, Các Anh hãy nhìn sang góc cạnh con người, trong sự phát triển ra sao dưới chế độ xã hội chủ nghĩa …

Thứ hai. Việt Nam tụt xuống chiều sâu về phẩm chất con người

Giáo dục là nền tảng trang bị cho những thế hệ hiện tại và tương lai, một “hành trang nhân cách và kiến thức”. Nhân cách, cần kiến thức hậu thuẫn những lý lẽ để tránh bị lợi dụng vào mục đích không tử tế. Kiến thức, cần nhân cách trợ giúp biến kiến thức trở thành những dự án những công trình hữu ích trong cuộc sống, đồng thời tạo môi trường cho con người gần gủi nhau hơn, bởi ngày nay mọi sinh hoạt trong xã hội đều tương quan tác động lẫn nhau, ngay cả sinh hoạt từ thiện cũng vậy.

Giáo dục, bao gồm: “Giáo dục gia đình, giáo dục học đường, và giáo dục xã hội”. (a) Giáo dục gia đình, do bẩm sinh, huyết thống, và cung cách sống của các thành viên trong gia đình, nhất là ông bà cha mẹ. (b) Giáo dục học đường, do chính sách chiến lược của chánh phủ, hệ thống tổ chức, biên soạn sách giáo khoa, đào tạo nhà giáo và chính sách hỗ trợ nhà giáo, hỗ trợ học sinh sinh viên, phương pháp giảng dạy, cung cách của thầy dạy. (c) Giáo dục xã hội, do những chính sách cùng hệ thống điều hành của chánh phủ, những sự kiện phát sinh và những phương cách giải quyết trong các lãnh vực sinh hoạt xã hội. Nói chung, “giáo dục” trang bị cho những thế hệ về phẩm chất con người trong ý thức giữ gìn và phát triển văn hoá dân tộc, về phát triển khoa học kỹ thuật của thời đại hài hòa với truyền thống và mục tiêu quốc gia, về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân tộc, và bổn phận công dân đối với tổ quốc.

Năm 2004, Giáo Sư Hoàng Tụy trong nhóm nghiên cứu giáo dục Hà Nội, phát biểu: “Chương trình giáo dục Việt Nam trong bao nhiêu năm qua vẫn trong tình trạng lạc hậu, thi cử nặng nề với phẩm chất rất kém. Sách giáo khoa cũng không thích ứng với hoàn cảnh đất nước, nghĩa là những cải cách trước đây không đạt được hiệu quả so với nhu cầu đất nước. Những sự kiện gian dối trong giáo dục cũng như trong thi cử, làm xói mòn niềm tin của tuổi trẻ và phụ huynh, đã dẫn đến tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng, thậm chí nó đánh mất niềm tin của mọi người trong xã hội”.

Vậy mà ngày 23/2/2004, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã ban hành Quyết Định, bắt buộc sinh viên đại học toàn quốc phải học và thi tốt nghiệp các môn học chính trị, bao gồm triết học Mác-Lê, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử đảng, và tư tưởng HCM. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/3/2004, và tất cả sinh viên không có quyền chọn lựa mà phải học theo giáo trình chọn sẳn. Các môn học bắt buộc này là 203 giờ, chiếm khoảng 9% (?) thời lượng của chương trình đại học.

Ngày 13/6/2012, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành chiến lược phát triển giáo dục 2010-2020. Luật này có 73 Điều trong 12 Chương xoay quanh sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước, với nền giáo dục của xã hội chủ nghĩa Mác-Lénin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Xin trích những Điều liên quan: Điều 13. Tổ chức. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức Đảng, đoàn thể và tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Điều 18. Hội đồng đại học. (1) Hội đồng đại học có nhiệm vụ và quyền hạn phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đại học… (2) Thành viên hội đồng đại học gồm: Giám đốc, các phó giám đốc. Bí thư đảng ủy. Chủ Tịch Công Đoàn. Bí thư Đoàn Thanh Niên cộng sản HCM…

Với những Điều trên đây, rõ ràng là giáo dục đại học bị cột chặt vào lãnh đạo và chánh phủ Việt Cộng độc tài tàn bạo từ trung ương xuống địa phương, thì giáo dục đại học Việt Nam không có con đường nào, cũng không có ngõ ngách nào cho ngành giáo dục đại học đến gần với đại học quốc tế, chớ chưa nói đến hội nhập với họ.

Sau khi Luật Giáo Dục Đại Học Việt Nam có hiệu lực, ngày 28/12/1013, hội nghị trung ương 8 đúc kết bậc đại học năm 2012-2013, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Phải nhìn nhận khoảng cách giáo dục của Việt Nam với các nước trong ASEAN vẫn chưa thu hẹp được, một số quốc gia bị chững lại đáng kể, vậy mà chúng ta vẫn chưa bắt kịp họ. Giáo dục liên quan đến tất cả mọi người dân, một sự thay đổi nhỏ mà không phù hợp sẽ liên quan đến tương lai của một đời người, và cộng lại là nhiều năm đối với tương lai của một dân tộc. Chúng ta phải đổi mới lãnh đạo và điều hành ngành giáo dục, vì hiện nay sinh viên học rất kém nhưng vẫn tốt nghiệp vì Bộ Giáo Dục muốn đạt thành tích gọi là đào tạo 20.000 tiến sĩ vào năm 2020”.

Bằng chứng là từ năm 2006 đến năm 2010, Việt Nam có 5 bằng sáng chế được ghi tên tại Hoa Kỳ, trung bình mỗi năm chỉ có 1 bằng sáng chế. Bằng sáng chế bao gồm một tập hợp các quyền được cấp bởi một nhà nước cấp cho một người phát minh. Năm 2011, bằng sáng chế lưu trữ tại Hoa Kỳ, do đài BBC cung ứng như sau: 1. Nhật Bản với 126 triệu dân, có 46.139 bằng sáng chế. 2. Nam Hàn, 48 triệu dân, có 12.262 bằng sáng chế. 3. Đài Loan với 23 triệu dân, có 8.781 BSC. 4. Trung Cộng với 1 tỷ 350 triệu dân, có 3.171 BSC. 5. Singapore với 4 triệu 800 ngàn dân, có 647 BSC. 6. Malaysia với 27 triệu 900 ngàn dân, có 161 BSC. 7. Thái Lan với 68 triệu dân, có 53 BSC. 8. Philippines với 93 triệu dân, có 27 BSC. 9. Indonesia với 232 triệu dân, có 7 BSC. 10. Brunei với 407 ngàn dân, có 1 BSC. Và 11. Việt Nam với 89 triệu dân nhưng không có bằng sáng chế nào.

Ngày 10/4/2014, về thực trạng bằng cấp giả, bằng cấp nâng đỡ, bằng cấp mua, ..v..v.. nhà báo Lê Nguyên khẳng định: “Phẩm chất giáo dục thời thực dân Pháp rất tốt so với giáo dục xã hội chủ nghĩa ngày nay, cả về phẩm chất lẫn kiến thức…. Những ai được cộng sản đưa vào những chức vụ lãnh đạo, chính là những người mất phẩm chất con người… “ Cũng vấn đề này, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội nhận định: “Phải nói rằng, từ khi đưa chủ nghĩa Mác vào Việt Nam thì con người Việt Nam trở nên tha hóa toàn diện so với con người Việt Nam thời phong kiến. Và phẩm chất đạo lý của con người Việt Nam bây giờ, cũng thua cái thời Pháp thuộc”. Từ Đà Nẵng, Giáo Sư Nguyễn Thế Hùng nhận xét: “Tình trạng này xuất phát từ giáo dục mà ra. Nhớ lại Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, nền giáo dục đào tạo con người rất là đàng hoàng. Còn bây giờ, cái nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nó loạn quá?” Từ Hà Nội, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh khẳng định: “… Chúng ta đau xót ở điểm là nền giáo dục từ năm 1945, “hồ chí minh” gọi là nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, cái nền giáo dục đó đã tạo ra loại người đã và đang lãnh đạo đất nước này, và chính họ tạo nên một xã hội băng hoại hiện nay”. Ông Nguyễn Đình Cống nhận định: “Từ lịch sử xa xưa đến thời cận đại, luật pháp nghiêm minh, xã hội ổn định. Trong 70 năm qua, xã hội chủ nghĩa là môi trường rất tốt cho giả dối lên ngôi như sóng trào…”.

Ngày 6/9/2013, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (gọi tắt bằng Anh ngữ là WEF) đã công bố bảng xếp hạng hệ thống giáo dục 8 quốc gia trong khối ASEAN. Theo đó thì WEF ghi nhận Singapore, Malaysia, và Brunei Darussalam lần lượt đứng đầu, Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7, và Thái Lan ở cuối bảng. Lào và Miến Điện (Myanmar) không được WEF xếp hạng. Tổ chức WEF thành lập năm 1970, là tổ chức “phi lợi nhuận”, trụ sở tại Davos , Geneve, Thụy Sĩ. Chủ Tịch hiện nay của Diễn Đàn là Tiến Sĩ Klaus Schwab.

Thế giới xếp hạng Việt Nam: (a) Tổ chức Human Development xếp hạng chỉ số thông minh, Việt Nam ở hạng 121/187, dưới trung bình. (b) Theo tổ chức Intenational Property Rights Index, thì Việt Nam ở hạng 108/130 (gần cuối sổ) trong bảng xếp hạng về giá trị trí tuệ. (c) Tổ chức Transparency International xếp hạng tham nhũng, Việt Nam ở hạng 116/177. (d) Theo chỉ số tự do ngôn luận (Frredom of Press), Việt Nam đứng hạng 174/180. (e) Theo chỉ số phẩm chất đời sống xã hội (Quality of Life), thì xã hội chủ nghĩa Việt Nam “được” xếp hạng 72/76 (cũng cao hơn 4 quốc gia!). (f) Về thống kê chỉ số ô nhiễm môi trường, thì Việt Nam đứng hạng 102/124 trên thế giới. (g) Về chỉ số y tế và sức khỏe, thì Việt Nam đứng hạng 160/190.

Văn hoá ăn cắp. Ngày 27/3/2014, Cảnh Sát Nhật Bản công bố thống kê những vụ tội phạm ngoại quốc trong năm 2013. Theo đó, Cảnh Sát đã bắt 9.884 vụ, trong số này có 4.047 vụ là người Trung Hoa, 1.118 vụ là người Việt Nam, và 936 vụ là người Triều Tiên. Nếu tính riêng số vụ ăn cắp hàng trong các siêu thị, thì người Việt Nam ăn cắp chiếm đến 40% trong tổng số. Chuyện trộm cắp mà thủ phạm là người Việt Nam lao động, du học, thực tập, nhiều đến nỗi người ta phải đem chi tiết đó ra để cảnh báo! Thành quả của văn hoá mới con người mới xã hội chủ nghĩa là như vậy đó!

Một xã hội sa đọa với thành tích kỳ dị của Việt Nam: (a) Liên Minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA) vừa công bố:“Chỉ riêng tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu con chó bị giết để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt. Con số trên là quá lớn so với sức tiêu thụ thực phẩm tại Việt Nam”. (b) Mỗi năm uống 3 tỷ lít bia, trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, thứ 3 của Châu Á, và dẫn đầu các.quốc gia khối ASEAN. (c) Giá thuốc lá rẻ nhất thế giới và mua dễ nhất thế giới, đã dẫn đến tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với 47,8%. Hậu quả là mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người chết do hút thuốc lá.

Tóm tắt.

Chính xác là nhóm lãnh đạo Việt Cộng chỉ nhắm vào phô trương với người dân cũng như với thế giới, như thể họ đang đưa đất nước Việt Nam tiến đến văn minh, nhưng thật ra càng phát triển theo cách của họ thì họ thu vào càng nhiếu tài sản cho gia đình họ, cho bà con dòng họ xa gần của họ. Trong khi chính sách giáo dục mà Việt Cộng đã rao giảng từ sau khi chiếm Việt Nam Cộng Hòa, là họ sẽ xây dựng con người mới với văn hoá mới xã hội chủ nghĩa, và họ đã thành công! Hậu quả của sự thành công đó, chính là họ đã trút vào xã hội hầu hết là rác rưởi của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mà tôi gọi là văn hoá Việt Cộng, trong khi có quá ít những sinh viên tốt nghiệp thích hợp với nhu cầu mà xã hội cần đến, đã tạo nên một xã hội vô cảm tình người, một xã hội băng hoại đạo nghĩa, một xã hội hầu như không có sự thật của sự thật, mà dối trá chính là sự thật trong xã hội Việt Nam ngày nay! Vậy, sự thành công khi hình thành nền văn hóa Việt Cộng, chính là tội ác kinh hoàng của các nhóm lãnh đạo Việt Cộng, vì chánh phủ dân chủ tự do trong tương lai phải hai hay ba thế hệ sau, mới khôi phục được nền văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vì vậy, các nhóm lãnh đạo Việt Cộng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, và lịch sử sẽ phán xét họ vào thời gian thích hợp. Chưa hết, lãnh đạo Việt Cộng còn thằng tay đàn áp bỏ tù người dân dám bày tỏ ý thức chính trị đối với Tổ Quốc Dân Tộc khi bị Trung Cộng lấn chiếm đất đai biển cả. Họ bịt mắt bịt tai bịt miệng người dân bằng tất cả cách gì mà họ nghĩ ra được, để buộc người dân phải tuân lệnh họ, và làm theo họ, mà họ thì không bao giờ làm trái ý Tàu. Cũng chưa hết, họ còn cướp đất của dân đem bán cho Tàu, cho những nhà đầu tư ngoại quốc mà không hề nhớ đến trách nhiệm của họ là bảo vệ người dân trong mọi hoàn cảnh.

Lãnh đạo Việt Cộng phát triển càng rộng càng cao bao nhiêu, thì họ càng hủy hoại văn hoá Việt Nam và phẫm cách của người Việt Nam càng sâu xuống bấy nhiêu, để họ được nắm giữ quyền lực mà thu vén quyền lợi trước khi Việt Nam trở thành một tỉnh nhỏ trong một tỉnh lớn của Trung Cộng vào năm 2020, mà TBT Việt Cộng Nguyễn Văn Linh và TBT Trung Cộng Giang Trạch Dân đã ký vào Biên Bản tại Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên của Trung Cộng vào ngày 4/9/1990.

Kết luận

Các Anh nghĩ gì thì nghĩ, nhưng Các Anh hãy nhớ là hồi tháng 4/1975 khi vào được Sài Gòn, nhà văn cộng sản Dương Thu Hương, ngồi bệt trên lề đường Lê Lợi mà than rằng: “Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ… nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua một chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải…”

Vì vậy, cách hữu hiệu nhất là “phải triệt tiêu chế độ cộng sản độc tài tàn bạo với dân nhưng lại hèn hạ với kẻ thù từ trong lịch sử”, cùng lúc phải xây dựng một thể chế tam quyền phân lập -Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp- một xã hội dân chủ pháp trị, và một hệ thống hành chánh minh bạch để phục vụ nguyện vọng người dân.

Các Anh đừng chần chờ nữa vì thời gian cấp bách lắm rồi, nhìn lên tấm lịch trên tường chỉ còn 4 năm nữa thôi, lúc ấy người Việt Nam phải nhận thẻ căn cước chữ Tàu, phải học tiếng Tàu, phải sống man rợ theo Tàu như đã từng thấy những đoàn du lịch của Tàu đến Đà Nẳng, Nha Trang, Cam Ranh, … trong thời gian gần đây, nhất là phải quy lụy dân Tàu chánh gốc! Và sự dã man tàn bạo của Trung Cộng đối với người dân Tây Tạng sau khi đất nước hiền hòa này vào tay họ, là tấm gương giúp Các Anh soi rọi sự suy nghĩ của chính Các Anh đó……

Và đừng bao giờ quên rằng: “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng”.


Texas, tháng 8 năm 2016
Phạm Bá Hoa







No comments:

Post a Comment

View My Stats