Friday 12 August 2016

CHIẾN TRANH MẬU DỊCH MỸ - MỄ ? (Hùng Tâm)





Hùng Tâm
August 10, 2016

Chính trường Hoa Kỳ lại chơi dại…

Trong cuộc tranh cử tổng thống rất hào hứng năm nay tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể chứng kiến vài ba hiện tượng lạ, nhưng có lẽ nổi bật nhất là tinh thần bảo hộ mậu dịch của các chính khách, xuất phát từ phản ứng chống toàn cầu hóa của quần chúng Mỹ. Trong mùa tranh cử, chính là phản ứng đó của quần chúng mới sai khiến các chính khách đang xin phiếu của cử tri.

Hồ Sơ Người Việt sẽ tìm hiểu chuyện này ở góc độ gần gũi nhất về địa dư và xã hội chính trị: quan hệ giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ (Mexico).

Chống tự do mậu dịch
Tự do mậu dịch hay tự do thương mại (free trade) là chủ trương kinh tế theo đó khi các quốc gia buôn bán hàng hóa và dịch vụ với nhau mà hạn chế những cản trở đến mức tối thiểu thì mọi người cùng có lợi. Cản trở ấy có thể là hàng rào quan thuế, mà người ta nên hạ tới số không. Cản trở ấy có thể là những hạn ngạch quotas về xuất nhập cảng, như số lượng hay tiêu chuẩn của một số mặt hàng hay dịch vụ, từ hàng hóa đến tư bản tiền tài. Ngược với tự do mậu dịch là chế độ bảo hộ, protectionism, theo đó người ta cần hàng rào bảo vệ hàng hóa hay quyền lợi nội địa, như công ăn việc làm của người dân.

Trong trào lưu phát triển tự do thương mại từ nhiều thập niên, các nước đã xây dựng Tổ Chức Thương Mại Thế Giới World Trade Organization – WTO, ngày nay có 164 thành viên, đã có các hiệp ước tự do thương mại, như Hiệp Ước Bắc Mỹ – North American Free Trade Agreement – gọi tắt là NAFTA thi hành từ năm 1994, hay Hiệp Ước Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương – Trans-Pacific Partnership TPP, đã ký kết từ Tháng Hai năm nay mà chưa được phê chuẩn nên chưa thể thi hành.

Trong cuộc tranh cử tổng thống, cả hai ứng cử viên Donald Trump bên Cộng Hòa và Hillary Clinton bên Dân Chủ đều đưa ra lập trường chống tự do mậu dịch vào chương trình hành động của mình.

Dư luận chú ý đến chủ trương của ông Trump hơn là của bà Hillary (Hồ Sơ Người Việt dùng tên hơn là họ của ứng cử viên Dân Chủ để tránh sự lầm lẫn với Clinton là tên của cựu Tổng Thống Bill Clinton). Chủ trương của Trump là Hoa Kỳ nên rút khỏi NAFTA và WTO. Hillary thì mơ hồ hơn nhưng đả kích hậu quả tai hại của NAFTA (do ông chồng đã ký kết và ban hành với hậu thuẫn của các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa) đối với công việc làm của dân Mỹ, và chống lại Hiệp Ước TPP mà bà đã ủng hộ và vận động khi làm ngoại trưởng cho Tổng Thống Barack Obama từ đầu năm 2009 đến đầu năm 2013 và gọi là “tiêu chuẩn vàng của hiệp ước thương mại.” Lý luận của Hillary không khác tư tưởng Trump là TPP sẽ gây thiệt hại cho kinh tế và việc làm của Hoa Kỳ.

Từ bối cảnh chung đó, ta chú ý vào NAFTA.

Hiệp ước đó có là tai họa cho quyền lợi Hoa Kỳ không mà vì sao cả hai ứng cử viên đều đả kích và đòi xét lại? Sau hơn 20 năm áp dụng, nếu nước Mỹ đòi xóa bỏ hoặc cải sửa thì hậu quả sẽ ra sao cho quan hệ Mỹ-Mễ?

Mỹ-Mễ và NAFTA
Về thực tế lịch sử – là điều nhiều người Mỹ không biết hoặc đã quên, nhiều người Việt sống trên đất Mỹ cũng vậy – xứ Mễ cũng là một mảnh của Âu Châu phát triển tại Tây Bán Cầu, không khác gì Gia Nã Ðại và Hoa Kỳ. Cái khác là họ nói tiếng Tây Ban Nha vì là thuộc địa của đế quốc Tây Ban Nha hơn là nói tiếng Anh như hai láng giềng hướng Bắc, là thuộc địa của đế quốc Anh. Và xứ Mễ từng là… cường quốc Bắc Mỹ khi nước Mỹ chưa hùng mạnh như sau này.

Về địa dư thường thức, ta có đại lục địa Nam-Bắc Mỹ được Âu Châu gọi là “Tây Bán Cầu” vì ở hướng Tây của đại lục Âu-Á. Trên đại lục Nam-Bắc Mỹ, ta có từ Bắc xuống Nam là Gia Nã Ðại Canada, Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, được cho là thuộc khu vực Trung Mỹ nằm ở giữa. Ba quốc gia Mỹ, Canada và Mễ có sản lượng kinh tế đứng hàng thứ nhất, thứ 10 và thứ 15 của thế giới. Theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF năm nay là tổng cộng 21 ngàn tỷ 102 triệu đô la. So với sản lượng toàn cầu là 73 ngàn tỷ 993 triệu thì không nhỏ, bằng 28.5%.

Trong 20 năm, từ 1994 đến 2015, lượng hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Mễ đã tăng vọt: xuất cảng từ Mỹ qua Mễ tăng gấp sáu, từ 42 tỷ lên 235 tỷ Mỹ kim; nhập cảng từ Mễ vào Mỹ tăng gấp bảy, từ 40 tỷ lên tới 296 tỷ. Xuất cảng của Mễ vào Mỹ và qua Mỹ vào Gia Nã Ðại tăng gấp năm, từ 53 lên 319 tỷ. Khi lượng buôn bán gia tăng như vậy, các tác nhân kinh tế đóng góp cho việc sản xuất, chuyển vận và phân phối đều có lợi, có lời, khác với trước đây…

Mà ta không quên rằng năm 1994, Mễ vừa bị khủng hoảng hối đoái và tài chánh sau mấy năm giải tỏa chế độ đầu tư buôn bán để chuẩn bị cho việc gia nhập NAFTA. Về lượng đầu tư, số đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Mễ (gọi tắt là Mỹ-Mễ) đã gia tăng tích lũy gần gấp sáu, từ 17 lên 105 tỷ và đầu tư trực tiếp Mễ-Mỹ (từ Mễ vào Mỹ) tăng gấp tám, từ hai tỷ lên 17 tỷ sáu.

Nhờ buôn bán hàng hóa và dịch vụ và nhờ đầu tư (xin gọi chung hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tài chánh lẫn kỹ thuật là ngoại thương cho tiện), giới tiêu thụ của ba quốc gia Bắc Mỹ có nhiều hàng hơn với giá rẻ hơn, và cải thiện được khả năng sản xuất lẫn cạnh tranh với các nước khác.

Sau 20 năm hội nhập, ba quốc gia đang thành một khối lệ thuộc lẫn nhau, các doanh nghiệp và công dân của họ đã đối tác hoặc liên doanh với nhau trong một tập thể quy tụ 382 triệu dân.

Một thí dụ: 70% trị giá của chiếc Honda CR-V ráp chế từ hãng xưởng Jalisco tại Mễ là do sản phẩm hay dịch vụ nhập cảng từ Mỹ hay Canada. Làm sao mà xẻ – hay xé – món hàng bốn bánh này thành ba phần khác biệt có ba quốc tịch? Giới kinh tế gọi đó là “chuỗi cung ứng,” supply chain, khi các doanh nghiệp Mỹ đầu tư 387 tỷ vào Canada, 108 tỷ vào Mễ và doanh nghiệp Canada đầu tư 348 tỷ vào Mỹ và 15 tỷ vào Mễ. Chuỗi cung ứng chằng chịt đó là kết quả của đầu tư với hậu quả là tạo ra sự giàu có lẫn công việc làm cho mọi người.

Thực tế kinh tế còn cho thấy Mễ cần Mỹ hơn vì buôn bán với Canada chủ yếu là qua Mỹ, từ hỏa xa tới hải cảng, phi cảng, nhờ nhiều doanh nghiệp Mỹ: 95% lượng hàng xuất cảng của Mễ vào khối NAFTA là vào Hoa Kỳ và đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ.

Sức ép của Mỹ và phản ứng của Mễ
Khi hệ thống Cộng Sản tan rã, từ những năm 1990 trở về sau, Hoa Kỳ đã vận động các quốc gia trên thế giới cùng cải cách kinh tế theo khuynh hướng tự do và vận dụng quy luật thị trường làm lực đẩy cho phát triển. Trong chiều hướng đó, có nguyên tắc tự do mậu dịch được nước Mỹ đề cao từ sau Thế Chiến II.

Với kế hoạch NAFTA, chính là Hoa Kỳ đã thúc đẩy các chính quyền Mễ từ bỏ chủ trương bảo hộ mậu dịch và cải cách kinh tế theo hướng tự do để có sự phồn thịnh và tránh được nạn di dân bất hợp pháp chạy qua Mỹ kiếm việc.

Nhờ vậy, ngày nay xứ Mễ có mạng lưới tự do mậu dịch gồm 10 hiệp ước với 45 quốc gia, có 32 Hiệp Ước Phát Triển Ðầu Tư (RIPPA) với 33 quốc gia, chín Hiệp Ước Tự Do Thương Mại với Hiệp Hội Mỹ Châu La Tinh (ALADI) và ngỏ ý tham gia Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương TPP. Ngoài ra, Mễ là thành viên của WTO và là một cường quốc kinh tế nên cũng có mặt trong tổ chức OECD quy tụ 35 quốc gia có sản lượng kinh tế lớn nhất thế giới.

Tức là khác với ấn tượng của nhiều người Mỹ, Mễ Tây Cơ là một cường quốc Bắc Mỹ và còn là phên giậu cho an ninh của Hoa Kỳ. Vào một kỳ sau, Hồ Sơ Người Việt sẽ đào sâu chuyện này. Trong khi đó, vừa ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, Vương Quốc Anh đang nhìn qua Ðại Tây Dương và thấy NAFTA có thể là một khối thương mại hấp dẫn nhờ đầu cầu Hoa Kỳ và nhờ Anh ngữ là ngôn ngữ phổ biến….

Bây giờ, nước Mỹ lại giở quẻ và đòi xét lại! Nếu không thì chiến tranh mậu dịch Mỹ-Mễ có thể bùng nổ.

Khi cả Trump và Hillary đều đòi thương thuyết lại Hiệp Ước NAFTA và Hillary còn chủ trương chánh sách sản xuất hàng Mỹ cho thị trường nội địa và kêu gọi doanh nghiệp triệt thoái đầu tư về Mỹ để tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ thì chính quyền Mễ tính sao?

Các chính quyền nối tiếp của Mễ (Zedillo, Fox và Pena Nieto ngày nay) đều đã ra sức cải cách về kinh tế nhưng trong quá khứ, không phải là họ không biết trả đũa khi bị sức ép của Mỹ. Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra mà nhiều người Mỹ không biết, hoặc đã quên.

Ngoài ra, phản ứng nghi ngờ Hoa Kỳ, một cường quốc đã “cướp đất” của họ trong thế kỷ 19, cũng là một thực tế chính trị mà lãnh đạo Mễ không thể gạt qua một bên. Chúng ta khó chịu khi thấy di dân gốc Mễ, có khi là công dân Mỹ, phất cờ Mễ trong các cuộc biểu tình phản đối tại Hoa Kỳ, dưới sự cổ võ của đảng Dân Chủ, nhưng tự ái dân tộc của người Mễ sẽ là yếu tố đáng kể trong trận chiến kinh tế Mỹ-Mễ do cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang cổ xúy nhân danh quyền lợi dân tộc Mỹ: chính quyền nào tại thủ đô Mexico City mà nhường Mỹ quá nhiều thì sẽ thất cử.

Ngược lại, các tiểu bang miền Nam của Hoa Kỳ tiếp giáp với xứ Mễ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, khi luồng nhập cảng từ Mễ vào Mỹ bị chặn.

Kết luận ở đây là gì?
Sau 10 năm áp dụng, và căn cứ trên sự vận hành thực tế đã kiểm chứng, mọi hiệp ước đều có thể cải thiện được.
Cả ba quốc gia là Canada, Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ đều nên tìm cách gia tăng khả năng cạnh tranh của xứ sở, qua việc cải cách ở bên trong, về giáo dục, đào tạo, xây dựng hạ tầng vật chất và hạ tầng luật lệ về thuế khóa và đầu tư. Và cải cách nội bộ trong khi vẫn hợp tác với hai nước kia để đạt kết quả đồng bộ cho cả tập thể.
Nỗ lực tích cực ấy có kết quả hơn là ra tối hậu thư cho một trận chiến mậu dịch sẽ bùng nổ sáu tháng sau khi Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt hệ thống NAFTA và xóa bài làm lại.



No comments:

Post a Comment

View My Stats