Người
Đô Thị
05/11/2015
- 08:49 AM
Những
ngày gần đây, người yêu Sài Gòn lại thấy thót tim trước tin 2.100m2 vườn Tao
Đàn đang bị đe dọa dọn trống lấy chỗ xây ga tàu điện ngầm, khi nghe cầu thang
và đại sảnh mosaic đang bị cắt xẻ trong thương xá Tax, tòa nhà Hải quan có thể
bị đập bỏ và biệt thự cổ 110 Võ Văn Tần đã được gả bán rồi sẽ “hóa kiếp” thành
cao ốc thương mại.
Tòa
nhà cổ 110 Võ Văn Tần quận 3, mong rằng sẽ được tôn tạo thay vì “hóa kiếp“.
Dường
như đến nay, không có lời kết luận mà chỉ có những hành động im lìm, thô bạo cứ
nghiễm nhiên xâm lấn, biến thành sự đã rồi cuộc tàn phá chưa từng có những ký ức
không thể thiếu của đô thị lớn nhất nước, một đô thị đã có hơn 200 năm định
danh quốc tế.
Tao
Đàn, một thí dụ không phải đất và cây
Xin
nói ngay về công viên Tao Đàn, giá trị nơi đây không chỉ là cây xanh - khí trời
mà còn là một di tích lịch sử và văn hóa về phát triển đô thị. Cả một vùng đất
cao ráo ngày nay bao gồm Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, đại lộ Lê Duẩn, công
viên Tao Đàn vốn là phần đầu não - trung tâm của thành Gia Định - nơi Nguyễn
Ánh và sau này “ông Thượng” Lê Văn Duyệt đặt hành dinh (1790-1859). Nơi đây, có
thể ví như Hoàng thành Thăng Long ở Hà Nội trước đó, hay là một Thành Nội Huế
sau này, với đầy đủ dinh thự, cung điện, kho bãi, vườn tược. Người Pháp vào phá
thành - bỏ chức năng quân sự, làm mới Gia Định trở thành đô thị Sài Gòn theo lối
hiện đại nhưng vẫn giữ nhiều dấu tích tiêu biểu. Trong đó, khu trung tâm thành
cổ vẫn giữ lại chức năng khu hành chính đầu não và đặc biệt giữ lại những vườn
cây, được thiết kế chỉnh chu, hài hòa với chức năng và cảnh quan mới.
Từ
lúc ấy, vườn riêng của vua quan trở thành vườn chung Jardin de Ville - Công
viên thành phố - một khái niệm chưa từng có trong đô thị Việt. Dân ta vẫn quen
gọi đây là “Vườn Ông Thượng”. Năm 1945, “Vườn Ông Thượng” từng là nơi tuyên thệ
dưới cờ và tập luyện quân sự của lớp lớp Thanh niên Tiền phong, chỉ có tầm vông
vạt nhọn mà dũng cảm đánh Pháp vừa trở lại. Sau năm 1954, công viên này mang
tên mới “Vườn Tao Đàn “ - rất thi vị, trở thành chốn lui tới thanh bình của người
già, người trẻ, kể cả bọn con nít chúng tôi đến đá banh và cắm trại. Sau năm
1975, đã có lúc tên gọi Tao Đàn bị mất, công viên có một thời gian ngắn được
giao cho Thành Đoàn quản trị. Song, sau đấy “châu về hợp phố”, Công viên Tao
Đàn vẫn là chiếc vườn chung cho cả Sài Gòn - mặc dầu diện tích của công viên đã
bị co rút rất nhiều so với thuở đầu tiên.
Tại
sao không có phương án làm trạm metro ngoài khu vườn lịch sử quý giá này-công
viên Tao Đàn?
Nhiều
năm qua, không chỉ một lần, người dân thành phố đã lên tiếng về việc giữ lại cảnh
quan của Tao Đàn, tháo gỡ những công trình xâm lấn, dẹp và thu ngắn những hội
chợ thương mại. Thế nên, chắc chắn người dân không thể dửng dưng khi biết Tao
Đàn có thể mất 2.100m2, trong đó dự kiến sẽ mất 33 cây xanh. Có lẽ những người
đưa ra ý tưởng đặt ga metro tại Tao Đàn chỉ thấy lợi ích không phải bồi thường
giải phóng mặt bằng. Họ hoàn toàn quên mất giá trị môi trường, văn hóa và lịch
sử của ngôi vườn chung Tao Đàn. Họ sẽ trả lời ra sao khi cảnh quan xanh Tao Đàn
biến đổi, khung cảnh tĩnh mịch của một công viên không còn nữa? Những cây cổ thụ
quý sẽ phải ra đi, biết bao lâu mới gầy dựng lại được?
Hỡi
những người quyết định chính sách và những người thi công, lẽ nào quý vị không
biết trong vườn Luxembourg ở Paris, hay Hyde Park ở London, Central Park ở New
York, hay gần nhất là Botanical Garden ở Singapore và những công viên lớn ở
Tokyo, người ta không xây dựng ga metro hay bất cứ công trình ngầm thương mại
nào bên dưới? Đường xuống metro ở những nơi đấy nếu cần thiết đều đặt bên ngoài
hàng rào công viên để không cho những ngôi vườn chung tuyệt đẹp này mất đi một
tấc đất quý báu nào! Họ đã phải tìm ra những phương án xây dựng không gây lỗi
cho những cột mốc lớn lao của đô thị, của ký ức tập thể cư dân và ngay cả du
khách.
Tôn
trọng lịch sử - quy tắc phải có trong xây dựng mới
Tháng
6.2001, Việt Nam có Luật Di sản văn hóa. Nhờ có luật này, các nhà lịch sử và
người dân đã lên tiếng hiệu quả trong việc tạm ngưng xây dựng nền móng nhà Quốc
hội mới tại khu vực 18 Hoàng Diệu - Hà Nội. Khi các nhà khảo cổ trong và ngoài
nước được “vào cuộc”, họ đã phát hiện tại đây những dấu tích chưa từng thấy của
một Hoàng thành Thăng Long kỳ vĩ. Năm 2010, di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu cùng
với toàn bộ khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long còn giữ được từ sân rồng Điện
Kính Thiên - nhà Lê đến Cột Cờ - nhà Nguyễn, đã được UNESCO công nhận Di sản
văn hóa thế giới. Việc xây dựng tòa nhà Quốc hội mới đã phải điều chỉnh thiết kế,
không xâm phạm vào khu di tích khảo cổ. Hiện tại, khu di tích này liên thông với
mặt sau của tòa nhà Quốc hội, là một chứng tích cho thấy cách hành xử rất văn
hóa của người nay với người xưa.
Súng
thần công bên ngoài di tích Hoàng thành Thăng Long: bắn súng lục vào quá khứ
thì tương lai sẽ nhận được phát đại bác
Trong
Luật Di sản văn hóa, đã có nhiều điều luật nói đến những nguyên tắc chung trong
việc giữ gìn và phát huy di sản. Đặc biệt, điều 36 quy định: Khi phê duyệt dự
án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà xét
thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh
thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền. Mặt khác, điều 36 của Luật đã dự kiến tình huống phải tạm ngưng
và đình chỉ xây dựng nếu “trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy
có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Luật cũng khẳng
định: “Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình ở nơi có ảnh hưởng tới di
tích có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền
về văn hóa - thông tin giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình đó “ (điều
37). Đồng thời, các điều từ 37-40 đã nói đến việc cần thiết phải tổ chức thăm
dò, khai quật khảo cổ tại những nơi xây dựng có khả năng có di tích.
Dĩ
nhiên, Luật Di sản văn hóa sau gần 15 năm thực hiện chắc chắn cần được tu chỉnh
thêm. Hiện tại, rất nhiều công trình xây dựng và cải tạo mới đang được triển
khai vùn vụt ở các đô thị. Trong đó, không ít công trình bỏ quên hay “qua mặt”
việc xem xét các khía cạnh văn hóa - lịch sử - nhân văn. Người ta “tảng lờ” hoặc
làm cho có việc công khai thông tin và hình ảnh cho dân và báo chí. Cho dù là
công trình công hay tư, họ không hỏi ý kiến hoặc tìm cách “lobby”, mua chuộc
các cơ quan chuyên môn để lẩn tránh nghĩa vụ giữ gìn di sản. Họ âm thầm làm cho
nhanh, nhân danh tiết kiệm kinh phí và ngân sách để không bồi hoàn những giá trị
văn hóa, lịch sử vốn có và vô giá cho đất đai và con người sở tại. Họ bất cần
thanh danh của một quốc gia đang hội nhập quốc tế.
Đến
bao giờ những cơ quan thực thi luật pháp mới hành động mạnh mẽ để ngăn chận những
lòng dạ băng giá trước tiền nhân, những ý tưởng uống nước quên nguồn, những
lòng tham vô đáy? Đương nhiên người dân, không chỉ ở Sài Gòn, đã và đang để mắt
và lên tiếng mạnh mẽ về những công trình xây dựng mới vốn không chỉ xâm phạm
tài sản đất đai, nhà cửa của dân mà còn xâm phạm tài sản văn hóa và lịch sử của
một đô thị và xa hơn nữa.
Những
nhà đầu tư, những nhà hoạch định chính sách xin đừng quên quý vị không chỉ đối
mặt với bồi thường giải phóng mặt bằng mà còn phải tính đến bồi thường lịch sử
nếu xúc phạm lòng dân, xúc phạm hồn thiêng di tích. Văn hóa và lịch sử là vô
giá, bồi thường mức nào cũng không khôi phục được toàn vẹn cái đã mất. Cho nên,
tốt nhất hãy tìm hiểu kỹ lịch sử và tôn trọng lịch sử của các vùng đất và con
người, trước khi ra những quyết định nhân danh phát triển mới.
Bài
và ảnh Phúc Tiến
No comments:
Post a Comment