Friday 27 November 2015

Từ các cuộc tấn công khủng bố ở Paris, Trung Quốc nhìn thấy cơ hội để bào chữa cho việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (Larry Ong, Epoch Times)





Larry Ong, Epoch Times 
Dịch giả: Phạm Duy
26 Tháng Mười Một , 2015

Sau khi những kẻ khủng bố có súng, tự nhận có liên kết với tổ chức khủng bố nhà nước hồi giáo tự xưng ISIS, tiến hành vụ thảm sát tại Paris với những quả bom tự chế và súng trường tự động  Kalashnikov, giết hại ít nhất 129 người, đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng tận dụng cơ hội này để đạt được sự ủng hộ quốc tế.

Trung Quốc, như các quan chức tuyên bố, cũng có vấn đề khủng bố.

Nhưng các chuyên gia về khu vực Tân Cương Trung Quốc, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ hồi giáo, lại cho rằng nguyên nhân của các bùng phát bạo lực ở khu vực Tân Cương là có rất ít sự tương đồng với những nhóm thánh chiến hồi giáo cực đoan như ISIS.

Nhận định trên của các chuyên gia cũng không ngăn được Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tại hội nghị cấp cao G20 ngày 15 tháng 11: “Trung Quốc cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, và việc tấn công lực lượng khủng bố ‘Đông Turkestan’ đại diện bởi Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, sẽ trở thành một phần quan trọng của chống khủng bố quốc tế”.

Những người đòi li khai Duy Ngô Nhĩ gọi Tân Cương bằng tên trước đây của nó là Đông Turkestan.

Một ngày trước và sau cuộc tấn công Paris 13 tháng 11, một vài phương tiện truyền thông nhà nước ở Trung Quốc đăng các bức ảnh các cảnh sát vũ trang quân phục màu đen đang xộc vào nơi trông như nhà ở tại khu vực nông thôn Tân Cương.

“Paris của nước Pháp đã bị đánh bởi một cuộc tấn công khủng bố tổi tệ nhất trong lịch sử của nó, với hàng trăm người chết và bị thương.  Ở một nơi khác của thế giới, cảnh sát ở Tân Cương Trung Quốc, sau 56 ngày đuổi bắt, cũng đã tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào những kẻ khủng bố và đã đạt được những kết quả to lớn”, đây là dòng chữ (chú thích) theo sau các hình ảnh trình chiếu.

Sau khi bài viết này thu hút nhiều phản ứng phản đối mạnh mẽ, nó đã bị giỡ bỏ xuống.
“Chính phủ Trung Quốc đã tận dụng tình hình này để làm cho khán giả Phương Tây chấp nhận điều mà họ nói về Tân Cương,” ông Patrick Meyers, một nhà nghiên cứu độc lập với trường đại học Zurich ETH tại Thụy Sỹ, nói.

“Lời buộc tội của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ có mục đích chính trị đặc biệt: Trung Quốc kết nối người Duy Ngô Nhĩ với những kẻ khủng bố, để có thể đàn áp và tấn công cả hai”, ông Dilxat Raxit, người phát ngôn của Hội Nghị Duy Ngô Nhĩ Thế giới, nói trong một cuộc phỏng vấn trên điện thoại.

Quả thực có các bùng nổ bạo lực ở Tân Cương, ông Raxit nói, nhưng “việc người Duy Ngô Nhĩ đả kích ĐCSTQ là không có bất cứ điều gì liên quan tới chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.
Ông Raxit bổ sung “họ gọi nó là ‘khủng bố’ là để tránh cộng đồng quốc tế buộc tội ĐCSTQ có chính sách đàn áp ở Tân Cương”.

Cai trị hà khắc

Tân Cương là một khu vực rộng lớn ở phía tây của Trung Quốc. Nó đã bị xâm chiếm ( và theo cách diễn đạt của ĐCSTQ là “được giải phóng”) bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân trong năm 1949, và đã bị đặt dưới sự cai trị hà khắc mà ở đó dân số Duy Ngô Nhĩ gốc, những người hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, là những người thứ yếu và bị trấn áp ngay tại quê hương của mình.

Người Duy Ngô Nhĩ cảm thấy sâu sắc rằng người Hán, nhóm người vô thần có ưu thế ở Trung Quốc, đã di cư đến ồ ạt và chi phối chính phủ và xã hội, đẩy người Duy Ngô Nhĩ sang bên lề. Một cuộc điều tra dân số (ở Tân Cương) năm 2000 cho thấy người Duy Ngô Nhĩ chiếm 43% dân số, so sánh với 40% dân số của người Hoa – một sự hoàn toàn trái ngược với trước khi ĐCSTQ tiếp quản (Tân Cương) khi mà gần 90% dân số là người Duy Ngô Nhĩ.
Việc kiểm soát của cảnh sát là nghiêm ngặt và có rất nhiều hạn chế về việc tự do thực hành tín ngưỡng, bao gồm việc lựa chọn để râu hoặc ăn chay trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Tháng 5 này, cơ quan của ĐCSTQ ở Laskuy, một thị trấn nằm tại thành phố Hòa Điền (Hotan) của Tân Cương, thậm chí đã ra lệnh cho các cửa hàng ăn và siêu thị trưng bày nổi bật về thuốc lá và rượu, 2 mặt hàng bị cấm kị cho người hồi giáo.

Cũng như các trường hợp với rất nhiều nhóm người dân tộc và tôn giáo thiểu số, ĐCSTQ đã mưu toan ngăn cấm ngôn ngữ và văn hóa Duy Ngô Nhĩ ngay từ khi họ đến và cai trị lãnh thổ. Ví dụ như, những đứa trẻ ở trường được dạy toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc phổ thông trong các lớp học, và chúng đã đang quên dần đi tiếng mẹ đẻ Duy Ngô Nhĩ của mình.

Các cuộc tấn công ‘phản kháng’ ở Trung Quốc

Nhóm người Duy Ngô Nhĩ nói rằng một phần trong việc phản kháng lại các chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc là một số cá nhân đã sử dụng vũ khí –  5 kẻ tấn công đã đâm bằng dao 33 người đến chết tại một ga tàu hỏa ở tỉnh Vân Nam trong tháng 3 năm 2014, 5 người Duy Ngô Nhĩ đã tấn công vào một chợ tại thành phố Urumqi, thủ phủ của Tân Cương ngày 22 tháng 5, giết chết 39 người.

Các chuyên gia nhìn nhận các cuộc bùng phát này là một cái gì đó hoàn toàn khác so với nhóm như ISIS, những kẻ có hệ tư tưởng cực đoan quá khích và tôn giáo rõ ràng, và hoạt động như một tổ chức khủng bố được tài trợ tố và tổ chức tốt.

“Người Duy Ngô Nhĩ rất rất tức giận với các chính sách của Trung Quốc, và một vài nhóm người cũng khốn khổ với tình trạng này và vì thế họ đã hành động một cách bạo lực” ông Meyers nói.

Ông Raxit nói rằng bạo lực của người Duy Ngô Nhĩ đã xảy ra “khi mọi người không thể chịu đựng được nữa” và rằng “Bắc Kinh có trách nhiệm không thể trốn tránh”. Một trong những trường hợp biết đến nhiều nhất là cuộc biểu tình tuần hành qui mô lớn bởi hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ ở thành phố Urumqi năm 2009, được thúc đẩy từ một vụ bạo lực chủng tộc trong một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông nằm ở phía nam của Trung Quốc.

Các hành động bạo lực – đâm chém người tại các nhà ga đường sắt, tấn công bằng dao hoặc bom tại các chợ – là các “trường hợp phản kháng”,  ông Meyers nói, được đặc trưng thực hiện bởi các cá nhân hoặc nhóm nhỏ người Duy Ngô Nhĩ bị đối xử sai trái. “Một vài sự việc nhỏ bé xảy ra với họ và họ lập nên các nhóm tự phát”.

Mặt khác, ông Meyers bổ sung “Các vụ bạo lực ở Paris là được tổ chức và lập kế hoạch. Nó hoàn toàn khác về bản chất”.

Bởi vì tin tức quốc tế thảo luận về chủ nghĩa khủng bố và đạo hồi ở một mức độ rất nông cạn, sự tương tự mà chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đưa ra, “sẽ có tác dụng và khán giả quốc tế sẽ chấp nhận nó” ông Meyers nói.

Ông Erkin Emet, một giáo sư tại trường đại học Ankara ở Thổ Nhĩ Kỳ, người chuyên sâu nghiên cứu về Tân Cương và ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ nói Trung Quốc đã đang nối kết người Duy Ngô Nhĩ với chủ nghĩa khủng bố kể từ sau cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11 tháng 9 năm 2011.

“Người Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân của sự áp bức quyền con người bởi vì ở Tân Cương không có quyền con người, quyền tự do ngôn luận, nguồn tự do báo chí và quyền tự do tín ngưỡng,” ông Emet nói.

Trong quan điểm của ông, mặc dù cộng đồng quốc tế không bị thuyết phục bởi cố gắng của nhà cầm quyền Trung Quốc nối kết chủ nghĩa khủng bố và người Duy Ngô Nhĩ – nhưng ĐCSTQ có thể thành công trong hành động tuyên truyền ở đất nước mình.

------------------
Juliet Song đã đóng góp cho báo cáo này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats