Tuesday, 10 November 2015

Việt Nam không thể khác với Miến Điện (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-11-10

Miến Điện cuối cùng sau 53 năm đã giành được quyền phổ thông đầu phiếu để bước tới một nền dân chủ mà người dân của họ mơ ước. Còn Việt Nam, với chính phủ hiện tại và điều 4 hiến pháp khẳng định sự cai trị duy nhất của đảng có thể áp dụng bài học Miển Điện được không? Mặc Lâm phỏng vấn GS Tương Lai, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu Xã Hội Việt Nam để biết thêm ý kiến một đảng viên lão thành của Đảng cộng sản Việt Nam trước câu hỏi này. Trước tiên GS Tương Lai cho biết:

Giáo sư Tương La i: Đây là một tin vui lớn vì Miến Điện rất gần gũi với Việt Nam và bối cảnh của Miến Điện trong thời gian trước đây cũng ở trong một thể chế độc tài, phản dân chủ, mà trong chừng mức nào đó, nó lại còn gay gắt hơn Việt Nam. Thế nhưng, khi mà ông Then Sein có một chuyển đổi khiến người ta dùng từ “một chuyển đổi vĩ đại”.
Vì đấu tranh cho tự do dân chủ đã khó, tự giác “cho không” quyền tự do dân chủ còn khó hơn. Sự thật, trong lịch sử nhân loại thì chưa có nhà độc tài nào “cho không” quyền tự do dân chủ, kể cả khi đã nằm yên trong nấm mồ. Lúc mà ông ta quyết định như vậy thì sức mạnh cũng vẫn còn nằm trong tay ông ấy chứ không phải ông ấy đã bị tước hết trước một cái áp lực nào ( mà đương nhiên là có rồi) nhưng thực ra nếu ông ta vẫn kiên trì chế độ toàn trị phản dân chủ, chế độ quân phiệt thì chắc cũng là khó khăn. Nếu tiến đến dân chủ, bà Aung Shan Suu Kyi cầm quyền được hay là đảng của bà lên được thì có khi máu sẽ chảy thành sông. Tuy vậy, ông Then Sein nhận thức được cái xu thế không thể nào thay đổi và ông ấy cũng nhận thức được áp lực từ phía nhân dân lên chính quyền của ông, lên thể chế phản dân chủ của ông cho nên ông đã có một quyết định mà tôi nghĩ là vĩ đại.

Mặc Lâm: Như chúng ta đã biết, Miến Điện đã rất mạnh mẽ để chặt đứt mối quan hệ lệ thuộc đối với Trung Quốc cho nên ôngThen Sein mới có thể giải quyết được những gì mà ông ấy và đồng minh của ông ấy muốn. Tuy nhiên, với Việt Nam thì vừa qua, vấn đề đón Tập Cận Bình đã cho thấy là lãnh đạo Việt Nam không muốn rời bỏ mối quan hệ với TQ. Như vậy thì làm cách nào ạo được biến chuyển trong khi TQ vẫn muốn Việt Nam trong tình trạng như vậy?
Giáo sư Tương Lai: Ông Then Sein thoát ra khỏi vòng kim cô, ra khỏi áp lực của TQ, theo chỗ tôi biết thì đường biên giới của Miến Điện với TQ còn dài hơn gấp hai lần đường biên giới giữa Việt Nam và TQ. Áp lực của TQ do lính đánh thuê TQ nhân danh đảng Cộng sản Miến Điện nằm áp sát vào biên giới đó và vẫn tiếp tục đe dọa bằng vũ lực liên miên trong hàng chục năm. Đến bây giờ, bối cảnh đã thay đổi và áp lực đó bị đẩy lùi.
Không đẩy lùi được cái này, không cắt đứt cái vòi bạch tuộc của TQ thì dù ông Then Sein có muốn cũng không làm được. Trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, tôi biết rằng người ta cũng hiểu rất rõ trong cái tâm thế của người Việt thì theo Tàu là nhục nhã lắm, là tội đồ của lịch sử. Bây giờ ghét ai là cho là “thắng ấy thân Tàu”. Không phải là họ không điều đó đâu mặc dầu là họ bị lừa bịp bằng cái ý thức hệ XHCN; Vì vậy mới có Thành Đô nhục nhã và tai hại.
Cho đến hiện nay càng ngày càng thấy rõ rồi nhưng họ chưa đủ bản lĩnh vì họ còn sợ con “ngáo ộp” Tập Cận Bình, con “ngáo ộp” TQ cho nên không phải là chúng không lung lạc được một số người trong đội hình lãnh đạo Việt Nam đâu. Vì vậy, áp lực đó đang dồn vào trước cái thềm đại hội XII. Hiện nay, cho đến giờ phút này, người ta đang chờ đại hội trung ương XIII và không biết sau hội nghị XIII có còn hội nghị trung ương XIV không? Đại hội XII có họp được không là tùy thuộc vào bản lĩnh của những người lãnh đạo Việt Nam tách ra khỏi cái vòng kim cô, sức trói buộc của Tàu đến đâu.

Mặc Lâm: Thưa giáo sư, ai cũng thấy tập hợp giữa bà Aung Shan Suu Kyi và ông Then Sein đã làm nên lịch sứ cho Miến Điện. Tuy nhiên, muốn có một Then Sein ở Việt Nam mà không có Aung Shan Suu Kyi thì làm sao được, thưa ông?
Giáo sư Tương Lai: Mỗi một nước có một bước đi riêng của mình. Anh nhìn xem quá trình của sự sụp đổ của khối Xô Viết, mở đầu bằng Gobachov đến một anh say rượu là Yelsin, rồi đến anh độc tài Putin. Có ai ngờ được những bước đi như thế đâu. Không ai ngờ cả. Hồi ấy, cách đây đến 20 năm, trên một chuyến xe đi từ Phú Thọ về dừng lại trước cửa tòa báo Nhân Dân, lúc bấy giờ tôi còn nói với ông Đức Lượng là Phó Tổng biên tập và ông Đinh Thế Huynh là cán bộ đi theo ông Đức Lượng, tôi nói “báo Nhân Dân các ngài chửi ông Gorbachyov ít thôi. Rồi đây phải đúc tượng đồng, bia đá cho người ta đó”.
Các ông này trợn tròn mắt lên và nói “tại sao anh nói sai về nghị quyết Bộ chính trị?” Tôi nói là rồi đây sẽ được chứng minh, lịch sử sẽ trả lời cho các anh biết. Những cái chuyện mà các anh phân tích đó nó không đúng với xu thế chung đâu. Từ hồi ấy đến nay đã hơn 20 năm. Lịch sử nó đi chậm chạp đến như thế.
Đùng một cái, với sự kiện như Miến Điện thì tôi cho là lịch sử sẽ như bước nhảy thúc đẩy. Vậy thì đòi Việt Nam cũng có một Aung Shan Suu Kyi thì tôi thấy Aung Shan Suu Kyi đã nằm trong 90 triệu người Việt Nam đó! Nằm trong sự phẫn nộ của những người Việt Nam vì chế độ toàn trị này ở Việt Nam đã làm cho đất nước lụn bại, không đi lên được. Đã làm cho đất nước này trở thành một trong những đất nước lạc hậu nhất trong khu vực. Khi đã có một ngòi nổ ở Miến Điện như thế, có một tấm gương của tổng thống Then Sein, có một tấm gương của Aung Shan Suu Kyi thì ở Việt Nam sẽ tạo ra các nhân tố mới. Tất cả những cái đó đều nằm trong nội dung của lòng phẫn nộ và trong qui luật phát triển của lịch sử. Không có gì thay đổi được đâu.

Mặc Lâm: Vâng, một lần nữa xin cảm ơn giáo sư Tương Lai đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay.






No comments:

Post a Comment

View My Stats