Tuesday, 10 November 2015

Người Việt nghĩ gì về kết quả bầu cử ở Miến Điện? (Hoàng Dung)





Hoàng Dung, thông tín viên RFA
2015-11-10

Đã đến lúc phải thay đổi - khẩu hiệu trên các xe của đảng đối lập Liên Đoàn Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo (NLD) và đảng của bà đã thắng lớn trong cuộc bầu cử dân chủ lịch sử ở Miến Điện. AFP

Ngày 08/11/2015 hơn 80% cử tri của đất nước Miến Điện đã đi bầu cử tự do, đây là cuộc bầu cử “lịch sử” của người dân Miến Điện và kết quả cho thấy đảng đối lập thắng cử.
Trước hoạt động dân chú đó tại Miến Điện, phản ứng của những trí thức và người Việt Nam quan tâm thế nào?

Phản ứng

Sau hơn 25 năm, vào ngày 08/11/2015, 80% cử tri Miến Điện được tham gia cuộc bầu cử mà theo họ là cơ hội để họ có được nền dân chủ thật sự.
Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử, đảng cầm quyền thừa nhận thất bại trước đảng đối lập Liên đoàn Toàn Quốc Đấu Tranh vì Dân chủ dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi.
Những người Việt Nam quan tâm đã lên mạng bày tỏ chia sẻ niềm vui với người dân Myanmar. Họ mong sao một ngày gần nhất dân chúng Việt Nam có thể được tự do đi bầu cử để chọn ra những người có đủ đức đủ tài giúp xây dựng, phát triển đất nước.

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết những cảm nghĩ của anh về kết quả của cuộc bầu cử tự do diễn ra ở Miến Điện:
“Trước tiên là vui mừng tôi cảm thấy rất là xúc động, cái cảm giác như là nước mắt trào ra khi mà Myanma có cuộc bầu cử có tự do và đảng đối lập đã giành thắng lợi đó thì mình mừng cho họ 1 phần vì đất nước mình cũng rất gần vì 2 nước đều nằm trong khu vực Đông Nam Á đều là thành viên của Asean trong khi đó trình độ phát triển của Myanmar thấp hơn VN rất là nhiều, họ cũng đã bị cai trị quân sự đến hơn nữa thế kỷ nhưng mà sự đấu tranh rất là kiên cường, dũng cảm của người dân thì bên này họ đã gặt hái được kết quả thành công”

Chị Huỳnh Thục Vy thuộc hội bảo vệ phụ nữ Nhân quyền ở Việt Nam tiếp lời:
“Tất nhiên chị vui mừng thay cho họ”

Anh CTNLT Đậu Văn Dương người đã từng bị tù hơn 3 năm vì rải truyền đơn phản đối cuộc bầu cử tại Việt Nam năm 2011 cho biết lý do mà anh rải truyền đơn:
“Tôi tham gia cuộc rải truyền đơn tẩy chay bầu cử năm 2011 thì có rất nhiều lý do.
Lý do thứ nhất là tôi không chấp nhận một chế độ độc tài đảng trị mà chúng tôi cần một đất nước đa nguyên đa đảng để quyền con người được nâng cao hơn và người dân được tôn trọng hơn.
Thứ hai là để một đất nước phát triển thì cần có đa đảng để qua đó nền kinh tế mới không thể độc quyền được, theo lịch sử mấy chục năm qua thì Đảng cộng sản đã làm cho đất nước ngày càng lùi lại so với nước Lào hay Campuchia. Cho nên chúng tôi không mong muốn một đất nước độc Đảng như thế. Cho nên tôi và các anh em tổ chức rải truyền đơn bầu cử để đòi lại các quyền lợi của mình, để nói lên nguyện vọng, tiếng nói của mình. Nhằm thể hiện chính kiến của mình là mong muốn đất nước càng ngày càng phát triển và đổi thay và không còn chế độ độc tài.”

Bên cạnh những người luôn đấu tranh cho vận mệnh của đất nước thì cũng có những người nông dân họ chỉ biết làm ăn và không biết tin tức gì và nên họ không để ý.

Một người nông dân ở Nghệ An cho biết:
“Tôi quanh năm chỉ biết làm ruộng thôi, nên những tin tức đó tôi cũng chẳng biết gì, mà cũng không thấy Tivi đưa tin nên tôi nỏ biết, còn đất nước Miến Điện được bầu cử tự do đó là việc của họ, không liên quan đến mình”

Hy vọng

Nhìn thấy cuộc bầu cử tự do ở Miến Điện thì nhiều người đấu tranh dân chủ ở VN họ đều vui mừng, tuy nhiên khi nói đến tình hình Việt Nam để có một cuộc bầu cử tự do thì mọi người đều rất bi quan.

Anh Nguyễn Hữu Vinh chia sẻ:
“Người dân vô cảm như thế này, chính phủ thì bất tài này mà nói đàng này đằng kia thì rất là lâu”

Chị Huỳnh Thục Vy tiếp lời:
“Thực ra những chuyện này chị rất dè dặt khi nói, chị cho là còn lâu và nỗ lực của những người đấu tranh cũng như nỗ lực của toàn dân. Quân sự Miến Điện nó không giống với chính quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại vì chính quyền quân sự Miến Điện họ không phụ thuộc vào Trung Quốc còn chính quyền Cộng Sản Việt Nam thì phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa cuộc kiến thiết dân chủ ở Miến Điện có sự góp tay của người Mỹ, người Mỹ đứng ra dàn xếp cho thỏa thuận đó, cho sự thương lượng đó, cho sự đổi mới đó, chứ không phải chỉ có hai bên giữa Đảng của bà Aung San Suu Kyi và chính quyền quân sự Miến Điện có thể nói chuyện được với nhau đâu.”

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài thì cuộc bầu cử tự do diễn ra ở Miến Điện có ảnh hưởng rất lớn đến người dân Việt Nam và luật sư hy vọng trong một ngày không xa thì Việt Nam chúng ta cũng sẽ có cuộc bầu cử tự do như vậy:
“Chúng ta biết nếu chúng ta theo dõi trên mạng thì thấy phản ứng người VN rất tích cực khi ủng hộ nền dân chủ ở Myanmar kể cả báo chí nhà nước cũng dành những thông tin, bài viết về cuộc bầu cử ở Myanmar thì cho thấy là không chỉ những người đấu tranh dân chủ ở VN quan tâm đến cuộc bầu cử này mà kể cả những báo chí của đảng cộng sản  họ cũng rất quan tâm. Nó tác động tâm lý người dân, người ta nói là tại sao cũng là người dân đông nam Á với nhau, cũng là thành viên Asean với nhau mà người dân Myanmar họ làm được điều đó mà người dân VN lại không thể làm được điều đó? chắc chắn câu hỏi đó sẽ gợi mở rất nhiều người để khơi dậy lòng yêu nước của họ cũng như là tinh thần dấn thân đấu tranh cho dân chủ, với hiệu ứng từ Myanmar tác động không chỉ cho phong trào dân chủ yêu nước cũng như toàn thể người dân mà tôi là sẽ có các tổ chức các tổ chức xã hội dân sự hay chính trị ở VN suy nghĩ, học hỏi những kinh nghiệm của Myanmar để giúp cho phong trào dân chủ VN lớn mạnh và tôi tin rằng 1 ngày không xa VN cũng chắc chắn sẽ có cuộc bầu cử như ở Myanmar”

Qua theo dõi cuộc bầu cử tại Myanmar vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, một số người Việt Nam trong nước nhắc lại việc vào năm 2010 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng cho biết ông khuyên chính quyền Miến Điện lúc bấy giờ là ‘tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó để sớm ổn định và tập trung phát triển đất nước…”
Thực tế cho thấy Miến Điện vừa làm được điều như thế, trong khi đó nhiều người dân tại Việt Nam bức xúc không biết khi nào mới có bầu cử tự do với sự cạnh tranh công bằng giữa các đảng phái khác nhau trên dải đất hình chữ S thân yêu của họ!?

Thực tế cho thấy Miến Điện vừa làm được điều như thế, trong khi đó nhiều người dân tại Việt Nam bức xúc không biết khi nào mới có bầu cử tự do với sự cạnh tranh công bằng giữa các đảng phái khác nhau trên dải đất hình chữ S thân yêu của họ!?

----------------------------

Hoà Ái, phóng viên RFA
2015-11-10

Những người đảng lãnh đạo đối lập NLD của bà Aung San Suu Kyi theo dõi kết quả bầu cử trên một màn hình khổng lồ bên ngoài trụ sở đảng ở Yangon vào ngày 09 Tháng Mười Một năm 2015. Bà Aung San Suu Kyi đã thắng 15 trong số 16 ghế trong các kết quả đầu tiên trong cuộc bầu cử lịch sử của Myanmar. AFP

Cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên được tổ chức ở Miến Điến vào hôm mùng 8/11 không chỉ mang tính chất lịch sử đối với quốc gia dưới quyền lãnh đạo của chế độ quân phiệt trong nhiều năm mà còn được thế giới nhắc đến như một bước ngoặc ngoạn mục trong sự chuyển đổi sang chế độ dân chủ với kết quả bầu cử Đảng đương quyền thừa nhận thất bại. Hòa Ái có cuộc trao đổi ngắn với bà Nyein Shwe, Giám đốc Ban Miến Điện của đài ACTD để biết thêm thông tin liên quan đến cuộc bầu cử này. Mời quý vị theo dõi.

Hòa Ái: Xin chào bà Nyein Shwe, trước hết bà vui lòng chia sẻ cảm nhận của người dân Miến Điện trước kết quả lần đầu tiên tổng tuyển cử đa đảng diễn ra hôm mùng 8/11 vừa rồi?
Bà Nyein Shwe: Trước hết là qua các thông tin chúng tôi thu thập được cho thấy người dân rất phấn khởi bởi vì họ đã được thể hiện nguyện vọng của mình qua cuộc bầu cử này và kết quả đạt được như mong đợi của họ và cũng vì họ đã sẵn sàng để thay đổi quốc gia. Đó cũng là khẩu hiệu của Đảng đối lập Liên đoàn Toàn quốc đấu tranh (NLD).

Hòa Ái: Những người trẻ, đặc biệt là các sinh viên từng lên tiếng cũng như đấu tranh cho dân chủ bày tỏ như thế nào trước kết quả Đảng Liên đoàn Toàn quốc đấu tranh (NLD) giành thắng lợi?
Bà Nyein Shwe: Khi tôi nhìn thấy người dân Miến Điện bao gồm cả những người trẻ và sinh viên, nếu như chúng ta xem qua các video được gửi về đài thì sẽ thấy thanh niên Miến Điện bày tỏ sự vui mừng trước trụ sở chính của NLD. Họ nhảy múa, hát ca, biểu lộ niềm hạnh phúc tràn đầy của họ.

Hòa Ái: Thật là phấn khích, phải không dạ? Chúng ta bàn luận về Đảng đương quyền-Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), các chuyên gia phân tích chính trị cũng như các nhà quan sát có dự báo nào về kết quả bầu cử đối với Đảng này hay không? Và họ có nhận định gì khi Đảng đương quyền thừa nhận đã thất bại?
Bà Nyein Shwe: À, cô đặt ra 2 câu hỏi. Để tôi trả lời câu thứ nhất nhé! Tôi không rõ họ có tiên đoán gì đối với kết quả bầu cử dành cho USDP hay không nhưng theo những gì tôi nghe được từ các chuyên gia phân tích chính trị cùng những quan sát viên, họ nhấn mạnh rằng nếu như cuộc bầu cử thực sự được tiến hành một cách tự do và công bằng thì NLD sẽ có cơ hội giành chiến thắng. Và dĩ nhiên khi ông Htay Oo, quyền chủ tịch Đảng cầm quyền USDP nói đã thua trước Đảng NLD trong cuộc bầu cử thì những nhà phân tích cho rằng đây là lời nói thành thật và thiết thực của ông ta. Thay vì từ chối vì cho rằng có gian lận nhưng ông Htay Oo đã thừa nhận chính ông và các đại diện khác trong USDP đã thua và hoàn toàn thất bại.

Hòa Ái: Đó là dấu hiệu tốt, phải không thưa bà?
Bà Nyein Shwe: Đúng vậy!

Hòa Ái: Thưa bà Nyein Shwe, theo bà thì yếu tố quan trọng nào góp phần làm nên sự thành công như mong đợi của người dân Miến Điện qua cuộc bầu cử mang tính chất lịch sử này?
Bà Nyein Shwe: Yếu tố làm nên thành công như mong đợi của người dân Miến Điện là chính người dân đã làm tròn bổn phận công dân với quốc gia. Họ đã nhiệt tình tham gia bầu cử. Có khoảng hơn 80% dân số đi bầu và họ rất nhiệt tình làm công việc này vì các đảng phái chính trị đã hướng dẫn họ trong các chiến dịch vận động bầu cử trước đó rằng mỗi lá phiếu của họ đóng vai trò quan trọng cho vận mệnh quốc gia Myanmar, đồng thời kêu gọi họ tham gia bầu cử. Tôi nghĩ đó là yếu tố chính mang đến sự thành công trong cuộc bầu cử này. Và dĩ nhiên, chính người dân mong muốn có một sự thay đổi tốt hơn hiện tại.

Hòa Ái: Và câu hỏi sau cùng, bà nghĩ rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ đóng vai trò gì sau cuộc bầu cử? Và quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo giữa 2 Đảng sẽ diễn ra một cách êm thắm hay không, thưa bà?
Bà Nyein Shwe: Về vai trò của bà Aung San Suu Kyi, tôi nghĩ bà ấy đã tuyên bố  trong một phát biểu là nếu như đảng NLD thắng và nắm giữ vai trò lãnh đạo đất nước Miến Điện thì bà sẽ là người đưa ra những quyết định quan trọng mặc dù bà không phải là tổng thống. Vì theo Hiến pháp Myanmar quy định, bà Aung San Suu Kyi không được tranh cử tổng thống nhưng bà đã phát họa được chân dung nhân vật trong NLD sẽ nắm giữ quyền hạn lãnh đạo quốc gia. Một khi thành viên đảng NLD nắm quyền tổng thống thì họ sẽ thực hiện theo những quyết định do bà ấy đưa ra. Và câu hỏi liệu rằng quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo sẽ êm thắm hay không thì theo như hiện nay tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì, mọi chuyện sẽ dàn xếp ổn thỏa thôi. Nhưng hãy nhớ rằng bối cảnh Myanmar nếu không giống như hiện tại vì tình huống có thể thay đổi bất cứ lúc nào thì không ai tiên liệu được gì hết đâu.

Hòa Ái: Qua cuộc phỏng vấn này, chúng tôi cũng cầu mong cho nguyện vọng của người dân Miến Điện thay đổi đất nước của họ trở nên dân chủ và văn minh sớm thành hiện thực. Chân thành cảm ơn bà Nyein Shwe dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.




No comments:

Post a Comment

View My Stats