Tuesday, 17 November 2015

Vì sao di sản của cuộc chiến tranh lạnh cho tự do Tây Tạng vẫn còn có ý nghĩa? (Nolan Peterson, The Daily Signal)





Nolan Peterson, The Daily Signal 
Dịch giả: Xuân Dung
16 Tháng Mười Một , 2015
.
Lhasang Tsering, 68 tuổi, một cựu chiến binh của Chushi-Gangdruk từng phục vụ tại khu vực Mustang của Nepal trong những năm 1970. (Nolan Peterson / The Signal Daily)

DHARAMSHALA, Ấn Độ – Khi Sonam Dorjee còn là một tu sĩ Phật giáo tại Tu viện Debung ở thủ đô Lhasa của Tây Tạng, ông chưa từng giết một con côn trùng. Xét cho cùng, tiếng vo ve khó chịu quanh tai bạn có thể là hóa thân của một thành viên thân yêu trong gia đình.
Nhưng khi binh lính Trung Quốc nổ súng vào đoàn người tị nạn Tây Tạng cùng Dorjee chạy trốn qua dãy Himalaya vào năm 1959, người tu sĩ 25 tuổi khi đó đã cầm một khẩu súng trường và chống trả.

“Đó là một hành trình để trở thành một người khác,” Dorjee, hiện giờ đã 81 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại nhà của ông ở ngôi làng miền núi sương mù McLeod Ganj, ngay bên ngoài Dharamshala.

“Tôi buộc phải phát triển một trạng thái tâm lý hoàn toàn khác”, ông nói. “Tôi đã mất đất nước và chứng kiến người Trung Quốc giết nhiều người ngay trước mặt mình. Nếu bạn gặp một tình huống như vậy, nó sẽ làm biến đổi tâm trí bạn. Tôi phải làm gì đó cho đất nước của tôi. Không có lựa chọn nào khác.”

au khi binh lính Trung Quốc bắt đầu nã pháo vào Lhasa năm 1959, Dorjee bỏ chạy qua dãy Himalaya với một nhóm các nhà sư và người tị nạn khác, những người được hộ tống bởi những chiến binh du kích Chushi-Gangdruk. Khi binh lính Trung Quốc tấn công nhóm của Dorjee, tinh thần chiến đấu của những du kích Tây Tạng đã thôi thúc nhà sư trẻ. “Nếu không có Chushi-Gangdruk,” ông nói, “Ngài [Đạt Lai Lạt Ma] và không một người Tây Tạng nào khác có thể thoát khỏi Tây Tạng.”

“Họ đã cứu Tây Tạng,” ông nói thêm. “Tôi đã nhìn thấy những gì họ đã làm, và tôi nghĩ rằng tôi cũng có thể cầm vũ khí và chiến đấu cho đất nước của tôi.”

Sonam Dorjee, 81 tuổi, một cựu chiến binh trong Lực lượng 22 của Ấn Độ và là một cựu vệ sĩ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. (Nolan Peterson / The Signal Daily).

Sáu năm sau, Dorjee, 31 tuổi, đã quyết định từ bỏ chiếc áo tu sĩ khi ông tham gia Lực lượng 22 – một đơn vị bí mật gồm toàn người Tây Tạng trong quân đội Ấn Độ được thành lập ra sau chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Đối với một nhà sư, trở thành một người lính nghĩa là từ bỏ một số triết lý và niềm tin cơ bản nhất – bao gồm cả việc cấm sát sinh.

“Rất khó khăn để từ bỏ việc trở thành một nhà sư,” ông nói. “Đó là một cuộc sống hoàn toàn khác. Là một tu sĩ, chúng tôi làm lễ cúng dường và cầu nguyện hàng ngày. Nhưng là một người lính, chúng tôi được huấn luyện để giết người.”

Ban đầu CIA lo liệu việc đào tạo và trang thiết bị cho Lực lượng 22, và Dorjee nhớ tới các giảng viên CIA một cách trìu mến. Ông cho biết sự hỗ trợ của họ đã mang đến cho phong trào kháng chiến của người Tây Tạng một sự  khích lệ tinh thần. “Người Mỹ huấn luyện chúng tôi, cho chúng tôi thực phẩm và vũ khí,” ông nói. “Tôi biết ơn sâu sắc và rất tôn trọng người Mỹ.”

Dorjee phục vụ trong Lực lượng 22 trong 10 năm trước khi ông được chọn làm vệ sĩ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, một nhiệm vụ ông đã làm trong 11 năm. Lực lượng 22 chưa bao giờ phải đối mặt với binh lính Trung Quốc trong chiến đấu, nhưng có hoạt động trong các chiến dịch chống lại Pakistan, gồm cả cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971.

Lực lượng 22 vẫn hoạt động và tuyển binh từ những người tị nạn Tây Tạng ở Ấn Độ và Nepal. Tranh chấp về tiền trợ cấp đã làm giảm đi sự hỗ trợ của Dharamshala cho đơn vị, nhưng khả năng một ngày nào đó sẽ xảy ra cuộc chiến với Trung Quốc vẫn luôn thu hút những tân binh Tây Tạng.

“Khi tôi gia nhập quân đội, tôi đã muốn giết người Trung Quốc,” Dorjee nói. “Tất cả điều tôi muốn là giết dẫu chỉ một người lính Trung Quốc. Tôi đã rất tức giận.”

“Sự việc đã không xảy ra như thế,” ông tiếp tục. “Tôi từng hối hận vì đã không giết bất kỳ người Trung Quốc nào. Bây giờ tôi không ghét Trung Quốc, nhưng tôi không hối tiếc về cuộc chiến. Tôi đã cố gắng hết sức. Tôi không còn nỗi tức giận nào nữa. ”

Mắc kẹt ở giữa

Phong trào kháng chiến nổi bật của Tây Tạng đã thúc đẩy Đức Đạt Lai Lạt Ma theo “con đường trung đạo” bất bạo động – một chính sách có từ những năm 1970 không đòi hỏi độc lập đầy đủ cho Tây Tạng mà đòi một tình trạng pháp lý “tự trị thật sự”, trong đó người Tây Tạng kiểm soát các vấn đề nội bộ và có thể bảo tồn văn hóa và tôn giáo của họ, nhưng giao các vấn đề quốc tế và quốc phòng cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một phần của cuộc kháng chiến của Tây Tạng. Từ những năm 1950 đến giữa những năm 1970, một đội quân vì tự do của Tây Tạng được CIA hậu thuẫn gọi là Chushi-Gangdruk đã tiến hành một cuộc chiến tranh du kích đẫm máu chống lại Trung Quốc từ bên trong Tây Tạng đặt căn cứ ở Nepal. Và sau cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, hàng ngàn người Tây Tạng đã đầu quân cho Lực lượng 22 (được CIA huấn luyện và hỗ trợ với vũ khí và vật tư) để có cơ hội đánh lại Trung Quốc.

Lịch sử cuộc chiến đấu kết hợp của Chushi-Gangdruk và Lực lượng 22 đã thách thức phong trào kháng chiến bất bạo động của người Tây Tạng. Và di sản của các chiến binh tự do Tây Tạng tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ những người tị nạn Tây Tạng, không để mất đi hy vọng của họ về tự do và để chống lại sự áp bức của Trung Quốc. Trong khi hầu hết những người tị nạn Tây Tạng vẫn hỗ trợ cách tiếp cận con đường trung đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma, những dấu hiệu lung lay gần đây trong nền kinh tế Trung Quốc đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong cộng đồng người tị nạn về cách người Tây Tạng nên phản ứng thế nào nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ.

“Di sản của Chushi-Gangdruk đã truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ”, Tenzin Nyinjey, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nhân quyền cho Tây Tạng tại Dharamshala – ngôi nhà của chính phủ Tây Tạng lưu vong, nói.

“Hy vọng cho tự do không phai mờ đi chút nào,” ông nói thêm. “Chúng tôi sẽ thấy một cái gì đó thực sự bùng nổ trong vòng đời của chúng tôi.”

Cuộc tranh luận xoay quanh việc liệu chính phủ Tây Tạng lưu vong có nên tiếp tục gắng hết sức cho quyền tự chủ, như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chủ trương, hay theo đuổi một nền độc lập chính thức, mà các chiến binh vì tự do của Tây Tạng đã chiến đấu suốt thời Chiến tranh lạnh. Và với sinh nhật lần thứ 80 của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong năm nay, còn có một cuộc tranh luận kín đáo trong cộng đồng tị nạn về việc hỗ trợ lâu dài cho con đường trung đạo sẽ kéo dài bao lâu sau khi ông mất.

“Chúng tôi biết cuộc kháng chiến vũ trang là không thể, ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] phải sụp đổ hay hệ thống phải thay đổi,” Nyinjey nói. “Đây không phải là cuộc chiến tranh lạnh, không ai còn trang bị vũ trang hoặc đào tạo người Tây Tạng cho chiến đấu. Nhưng người Tây Tạng đã hoàn toàn sẵn sàng tuyên bố độc lập nếu hệ thống cộng sản sụp đổ. Chúng tôi có những thể chế dân chủ chính trị đã được xây dựng ở đây, ở Ấn Độ. ”

“Độc lập thường không yêu cầu cầm súng”, ông nói thêm. “Nhưng khi thời cơ đến, thanh niên Tây Tạng sẽ làm những gì cần làm.”

Tuy nhiên nhiều người tị nạn Tây Tạng, vẫn thích cách tiếp cận trung đạo hơn nền độc lập hoàn toàn. Họ đặt sự ủng hộ của họ cho chính sách dựa trên sự kết hợp của chủ nghĩa thực dụng và niềm tin của họ vào Đức Đạt Lai Lạt Ma.

“Với Gorbachev, Liên Xô đã sụp đổ ngay lập tức,” Norbu Dorjee, 61 tuổi, chủ một doanh nghiệp ở Leh, thủ phủ của vùng Ladakh ở Himalaya của Ấn Độ cho biết. “Vấn đề của Trung Quốc là thuận lợi cho chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ, rằng Đảng cộng sản sẽ sụp đổ và chúng tôi có thể trở về nhà.”

“Nhưng,” Dorjee nói thêm, “chúng tôi vẫn chỉ yêu cầu có quyền tự chủ nội bộ, không phải một nền độc lập hoàn toàn. Chúng tôi phải duy trì niềm tin vào con đường Ngài đã chọn cho chúng tôi. ”
“Tôi tin rằng con đường trung đạo sẽ kéo dài,” Thupten Gyantso, 41 tuổi, một người tị nạn Tây Tạng sống ở Pokhara, Nepal cho biết. “Thực tế là Trung Quốc quá mạnh để chúng tôi giành được độc lập. Và ngay cả khi chúng tôi trở nên độc lập, chúng tôi sẽ vẫn dựa vào Trung Quốc trên nhiều vấn đề.”

Những người phản đối con đường trung đạo cho rằng 40 năm thực hiện chính sách này mang lại rất ít lợi ích cho những người tị nạn Tây Tạng và vấn đề nhân quyền bên trong Tây Tạng đã trở nên tồi tệ trong những thập niên vừa qua.

“Vì vậy, chừng nào Tây Tạng chỉ đòi quyền tự trị, đó sẽ không phải là một vấn đề quốc tế,” Lhasang Tsering, 68 tuổi, một cựu chiến binh Chushi-Gangdruk từng phục vụ tại khu vực Mustang của Nepal trong những năm 1970, cho biết. Hiện nay, ông sống ở Dharamsala và sở hữu một tiệm sách được gọi là “Bookworm” (Mọt sách).

“Nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma không coi tự do là đích tối thượng, vì hòa bình và công lý, các nước khác sẽ không giúp chúng tôi”, Tsering nói. “Điều đó có thể là quá muộn cho Tây Tạng vào thời điểm Trung Quốc sụp đổ.”
Điểm đáng kể trong các cuộc bầu cử của chính phủ Tây Tạng lưu vong gần đây là tìm một thủ tướng như một người lãnh đạo cho một phong trào độc lập đã đổi mới. Ứng cử viên được cho là thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông nhất trong cộng đồng người tị nạn Tây Tạng là Lukar Jam – người đã khuấy động cuộc tranh cãi bằng cách công khai thách thức chính sách trung đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma và thuyết phục đòi độc lập.

“Bàn về con đường trung rất hợp thời, nhưng nó giết chết niềm đam mê hành động,” Jam cho biết, theo hãng tin AP. “Tôi đã tách rời các chính sách về tinh thần và chính trị Đức Dalai Lama và chỉ chỉ trích các chính sách chính trị của ông.”

“Sự nổi tiếng của anh ta cho thấy sự hoài nghi đối với con đường trung đạo,” Nyinjey nói, đề cập đến Jam. “Sự chuyển biến này cho thấy một vết nứt trong quan điểm ​​của người Tây Tạng, và những người ủng hộ của con đường trung đạo đang buộc phải bảo vệ chính sách của họ.”

Điểm tới hạn?

Song song với cuộc tranh luận về con đường trung đạo là một phong trào kháng chiến vũ trang bên trong Tây Tạng chống lại sự đô hộ của Trung Quốc – bằng chứng là các cuộc phản kháng năm 2008 và một làn sóng tự thiêu ở Tây Tạng bắt đầu từ năm 2009. Và với việc Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2022, một số người suy luận rằng có thể có sự lặp lại các cuộc phản kháng lan khắp Tây Tạng trước Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008.

Trong các cuộc phản kháng năm 2008, người Tây Tạng đã cướp phá các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc và tấn công người Hán trên đường phố, nhấn mạnh những căng thẳng sắc tộc âm ỉ bên trong khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc.

“Trong năm 2008, cuộc nổi dậy lớn này đã xảy ra trên khắp Tây Tạng,” Sherab Woeser, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Tây Tạng, một nhóm chuyên gia ở Dharamsala, nói. “Không ai mong đợi nó, và những thanh niên trẻ tuổi đã dẫn dắt nó. Họ muốn có sách giáo khoa Tây Tạng trong trường học, có thể vẫy cờ của họ và vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những người trẻ tuổi đang thể hiện ở Tây Tạng rằng họ muốn được tự do. ”

Sau các cuộc phản kháng năm 2008, chính quyền Trung Quốc đã đàn áp thẳng tay ở khu tự trị Tây Tạng. Việc giám sát tăng lên, cũng như những báo cáo về việc bắt giữ và tra tấn. Những bức ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma và  lá cờ Tây Tạng bị cấm, những hạn chế đi du lịch mới được đưa ra và biên giới với Ấn Độ và Nepal đã bị đóng nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn ra khỏi Tây Tạng.

Từ năm 2009, 142 người Tây Tạng đã tự thiêu bên trong Trung Quốc như là sự phản ứng đối với cuộc đàn áp của Trung Quốc. Trong khi những người Tây Tạng tự thiêu bao gồm tất cả các lứa tuổi và trải rộng khắp các tầng lớp xã hội, tuổi trung bình của những người tự thiêu là 24, cho thấy sự phản kháng chống lại chế độ Trung Quốc trong giới trẻ Tây Tạng.

“Việc tự thiêu chỉ là một sự kéo dài của cuộc kháng chiến Chushi-Gangdruk,” Nyinjey nói. “Không có gì thay đổi. Sự chiếm đóng và áp bức đã luôn ở đó. Những nguyên nhân giống nhau của cuộc kháng chiến vẫn còn đó, nhưng hình thức của cuộc kháng chiến đã thay đổi.”

“Tây Tạng đã chứng kiến quá nhiều cái chết, nỗi đau khổ và sự áp bức, và điều đó thể hiện trong cách họ phản kháng,” Woeser nói.

Một số người còn suy đoán rằng phong trào độc lập đã đổi mới của Tây Tạng có thể châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền các phong trào ly khai ở khu tự trị Nội Mông và Tân Cương của Trung Quốc.

“Tây Tạng có thể là Tunisia, một ngòi nổ cho việc sụp đổ của Trung Quốc,” Nyinjey tuyên bố, tương tự như vụ tự thiêu của một người bán hàng rong ở Tunisia vào tháng 12 năm 2010 đã trở thành một nhân tố kích thích phong trào mùa xuân Ả Rập.

Di sản

Mặc cho sự chênh lệch áp đảo chống lại họ, những chiến binh du kích Tây Tạng đã chiến đấu quyết liệt, bị tổn thất nặng nề khi họ phải đối mặt với pháo binh, xe tăng và máy bay ném bom Trung Quốc từ trên lưng ngựa, vũ trang bằng gươm và súng trường từ thế chiến I.

“Họ không có bất cứ kiến ​​thức nào về việc chiến đấu, họ chỉ có lòng yêu nước và mong muốn chiến đấu cho đất nước của mình,” Tenpa Dhargyal, 37 tuổi, tổng thư ký Hiệp hội Phúc lợi của Trung Dokham Chushi-Gangdruk, một tổ chức có trụ sở tại New Delhi dành riêng cho việc chăm sóc các cựu chiến binh Chushi-Gangdruk và gia đình họ, nói.

Ông nội của Dhargyal là một chiến binh Chushi-Gangdruk, người đã chết trong cuộc chiến đấu với Trung Quốc. “Lòng can đảm của họ đến từ sự giận dữ của họ,” ông nói.

Các chiến binh Chushi-Gangdruk đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ lưu vong Tây Tạng. Năm 1959, các chiến binh Chushi-Gangdruk kiểm soát vùng lãnh thổ ở miền nam Tây Tạng tạo ra một hành lang bảo vệ, qua đó Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn sang Ấn Độ. Và sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an toàn trong cảnh tha hương, các chiến binh Chushi-Gangdruk đã bảo vệ hàng chục ngàn người tị nạn chạy trốn vượt qua dãy Himalaya vào Ấn Độ và Nepal.

“Chúng tôi không muốn sống dưới sự cai trị của Trung Quốc. Chúng tôi muốn giành lại đất nước của chúng tôi.” – Tenpa Dhargyal, 37 tuổi, tổng thư ký Hiệp hội Phúc lợi của Trung tâm Dokham Chushi-Gangdruk. (Nolan Peterson / The Signal Daily)

Năm 1957, hai năm trước cuộc đào thoát của Đức Dalai Lama, CIA bắt đầu huấn luyện bán quân sự cho các chiến binh Chushi-Gangdruk được lựa chọn cẩn thận. Việc đào tạo diễn ra tại các căn cứ bí mật ở Saipan; Trại Hale, Colorado; và trại Peary, Virginia (tại một cơ sở được gọi là “trang trại”).

Sau khi được đào tạo, các nhà hoạt động Tây Tạng đã nhảy dù vào vùng đất Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm đóng bằng đủ loại máy bay từ thời Thế chiến II B-17 đến C-130 của CIA (đã được sơn đen toàn bộ). Để tạo ra một sự chối bỏ có vẻ hợp lý, nên có một chiếc máy bay rơi xuống, CIA ban đầu đã sử dụng những phi công Đông Âu được tuyển dụng cho các nhiệm vụ bí mật trên lãnh thổ Ukraine Xô viết. Sau này Air America (một hãng hàng không bình phong của CIA) đã xử lý các nhiệm vụ ở Tây Tạng.

Những chiến binh Chushi-Gangdruk cuối cùng đã thiết lập địa điểm đóng quân ở khu vực Mustang xa xôi của Nepal, từ đó họ bắt đầu các cuộc tấn công qua biên giới sang Trung Quốc.

CIA hỗ trợ các chiến binh Chushi-Gangdruk vũ khí, đạn dược, vật tư thả từ máy bay xuống cho đến tận năm 1972, khi Tổng thống Richard Nixon bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, và cắt đứt sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho cuộc kháng chiến của người Tây Tạng. Các chiến binh Chushi-Gangdruk tiếp tục hoạt động từ Nepal trong nhiều năm nữa mà không có sự ủng hộ của Mỹ, nhưng kết quả đạt được rất ít.

“Mỹ coi đó như là một động thái chiến thuật quấy nhiễu khối Cộng sản từ phía sau, ủng hộ Tây Tạng giành độc lập không phải là một quyết định chiến lược”, Tsering, cựu chiến binh Chushi-Gangdruk, nói.

Nhưng thật dễ dàng để đổ lỗi cho người khác về sự thất bại của chúng tôi,” ông nói thêm. “Chúng tôi đã không tận dụng sự hỗ trợ của CIA nhằm quốc tế hoá sự nghiệp của chúng tôi và đoàn kết dư luận thế giới ủng hộ chúng tôi.”

Năm 1974, sau khi cúi đầu trước áp lực của Trung Quốc, quân đội Nepal đánh bật các chiến binh Chushi-Gangdruk ra khỏi nơi trú ẩn ở vùng núi Mustang, giết chết nhiều người (bao gồm cả chỉ huy của họ, Tướng Gyato Wangdu, người đã được CIA đào tạo tại Trại Hale, Colorado) trong những trận đấu súng tầm cao. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi một thông điệp ghi âm đề nghị phong trào  kháng chiến Mustang hạ vũ khí, đẩy vô số chiến binh tự tử.

Đối với một số người Tây Tạng, lịch sử xâm lược Tây Tạng của Trung Quốc và di sản của những người đã mất trong cuộc kháng chiến tiếp theo ở Tây Tạng đã thổi bùng sự ghê tởm kéo dài đối với việc khuất phục trước ách thống trị của Trung Quốc.

“Mặc dù họ yêu cầu chúng tôi làm bạn với Trung Quốc, chúng tôi không muốn điều đó,” Dhargyal nói. “Chúng tôi không thể làm bạn với họ, vì họ đã giết ông bà của chúng tôi. Chúng tôi không muốn sống dưới sự cai trị của Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn giành lại đất nước của mình.”

Nghiệp chướng

Chungdak Bonjutsang bắt đầu khóc khi ông mô tả binh lính Trung Quốc đã giết mẹ của ông như thế nào vào năm 1959.

Bonjutsang, bây giờ 61 tuổi, lấy tay che mắt. Ngực ông phập phồng với những hơi thở sâu. Ông đã cố gắng vượt qua và nói chuyện, nhưng vẫn nghẹn ngào. Sau một lúc im lặng, ông lau sạch nước mắt, nhìn lên trần nhà một lúc, và sau đó tiếp tục.

Bonjutsang chỉ mới 6 tuổi khi mẹ, cha, chú, và anh trai ông vượt qua dãy Himalaya để thoát khỏi chế độ Cộng sản ở Tây Tạng. Họ đi cùng một nhóm khoảng 400 người, ông nói. Phụ nữ, trẻ em và người già đi ở phía trước, trong khi những người đàn ông và các chiến binh du kích Tây Tạng Chushi-Gangdruk ở phía sau để đẩy lùi các cuộc tấn công của Trung Quốc. Nhóm của họ là một phần của 80.000 người Tây Tạng tràn vào vào Ấn Độ và Nepal vào năm 1959 sau khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nã pháo vào những người phản kháng tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng.

Chungdak Bonjutsang, 61 tuổi, thoát khỏi Tây Tạng với gia đình của mình trong năm 1959. (Nolan Peterson / The Signal Daily)

Bonjutsang vẫn còn nhớ y nguyên âm thanh của những viên đạn làm những viên đá cứng rơi ra khỏi vách núi trong cuộc tấn công của Trung Quốc. Trên một lối mòn ở độ cao lớn không có nơi nào để trú ẩn, sự lựa chọn duy nhất là chạy hoặc chống trả.

Cha của Bonjutsang trói cậu bé 6 tuổi đang sợ hãi vào một con ngựa chở hàng để không bị lạc mất trong sự hỗn loạn của cuộc đấu súng. Sau đó, cha và chú của ông đã tham gia lực lượng du kích Chushi-Gangdruk trong cuộc chiến chống lại những người lính Trung Quốc.
Trong cuộc tấn công, mẹ của Bonjutsang bị bắn vào sườn. Bà qua đời một cách nhanh chóng. Và vì người Trung Quốc đang truy đuổi, không có thời gian để chôn bà, “chúng tôi phải để bà nằm lại trên mặt băng, và sau đó chúng tôi chạy đi,” Bonjutsang nói trong một cuộc phỏng vấn tại khu kiều dân của người tị nạn Sonamling Tây Tạng ở vùng Himalaya Ladakh của Ấn Độ.

“Khi đó tôi còn rất trẻ,” ông nói. “Nhưng khi tôi lớn lên, cơn đau càng trở nên tồi tệ. Tôi không ngừng nghĩ về mẹ tôi khi bà nằm chết trên mặt băng. Tôi nhìn thấy bà ấy vào ban đêm khi tôi đi ngủ.”

Năm mươi sáu năm sau, nỗi đau và nỗi tức giận của Bonjutsang về cái chết của mẹ mình vẫn không phai mờ. “Trung Quốc vẫn là kẻ thù,” ông nói. Ông đã không bao giờ trở về Tây Tạng, và thừa nhận rằng ông chưa bao giờ có khả năng. Tuy nhiên, niềm hy vọng của ông rằng Tây Tạng sẽ giành lại nền độc lập đã không bị phai mờ – và niềm hy vọng đó được duy trì bởi đức tin bền vững vào đức Đạt Lai Lạt Ma.

“Chúng tôi có niềm hy vọng to lớn là chúng tôi sẽ có thể đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại Tây Tạng trước khi Ngài mất,” Bonjutsang nói. “Miễn là Ngài còn sống, chúng tôi tin rằng tự do là có thể.”

Một nụ cười lướt qua trên khuôn mặt của Bonjutsang. Ông nói thêm: “Và, tất nhiên, chúng tôi cũng hy vọng Ngài vạch ra kế hoạch đối với Đảng Cộng sản ở Trung Quốc.”

-------------------------------
Nolan Peterson, một cựu phi công bay thử nghiệm đặc biệt và một cựu chiến binh chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, là phóng viên nước ngoài cho tờ nhật báo Signal.
Bài viết này trước đó đã được công bố trên DailySignal.com

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến ​​của (các) tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.






No comments:

Post a Comment

View My Stats