Sunday, 1 November 2015

Văn Hoá Phong Bì (Vũ Hoàng Nguyên - Ngàn Lau)





Vũ Hoàng Nguyên

Xin mở đầu lời viết bằng một đoạn trích từ Facebook của anh Lê Thăng Long.

 “Chúng tôi và gia đình chúng tôi cũng đã phải từng chứng kiến, trực tiếp nếm trải mùi vị của sự phục vụ kiểu thời bao cấp của bệnh viện quốc doanh.  Anh Vũ Quang Thuận (bí danh là Võ Phù Đổng) có vợ tên là Nguyễn Thị Hiên. Trong lần phải nằm viện tại bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội chị Nguyễn Thị Hiên phải cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh.  Chị Hiên bị nhiễm trùng máu nên phải tiếp máu, thay máu đến 10 lần.  Khi cần phải tiếp máu khẩn cấp cấp cứu cho chị Hiên thì bệnh viện Bạch Mai nói là hết máu dự trữ để cấp cứu. Thông qua “cò bệnh viện” gợi ý nếu anh Thuận chịu chi “phong bao, phong bì” thì bao nhiêu máu cũng có. Trước sinh mạng của vợ bị đe dọa trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc anh Thuận đành phải “nghiến răng” chấp nhận “văn hóa phong bì” của bệnh viện Bạch Mai. Thế là ngay sau đó bao nhiêu máu cũng có. Mỗi lần được có máu tiếp cấp cứu cho chị Hiên là mỗi lần anh Thuận lại phải móc túi thực hiện “văn hóa phong bao” cho bệnh viện thông qua đám “cò bệnh viện”.”

Là một người Việt Nam, chúng ta được giáo dục với những ca dao tục ngữ như “Nghèo Cho Sạch, Rách Cho Thơm”, “Lương Y Như Từ Mẫu”, “Một Miếng Khi Đói Bằng Một Gói Khi No”, “Một Con Ngựa Đau, Cả Đàn Không Ăn Cỏ”, “Bầu Ơi Thương Lấy Bí Cùng, Tuy Rằng Khác Giống Nhưng Chung Một Giàn”. Tất cả những tài sản ca dao tục ngữ cha ông để lại cho chúng ta, dưới thời đại Hồ Chí Minh, đã được hủy bỏ để thay thế vào văn hoá Hồ Chí Minh.
Văn Hóa Hồ Chí Minh được hiểu là đi ngược lại văn hóa của cha ông, đi ngược lại văn hóa của thời đại. Trong cái văn hóa Hồ Chí Minh này có một nền văn hóa khá phổ biến tại Việt Nam mà xin tạm gọi là Văn Hóa Phong Bì.

Chẳng biết văn hóa phong bì này xuất hiện từ lúc nào, nhưng ít nhất trong thời buổi chiến tranh, đãng (xin phép dùng dấu ngã cho từ đãng dành cho đãng CSVN, theo bước chân của LS Định) và nhà nước ta đã từng qua Trung Quốc xin tiền và súng đạn. Cái hành động này không phải là văn hóa phong bì mà là văn hóa ăn xin hay còn gọi là văn hóa ăn mày. Theo nhà báo Huy Đức, trong quyển sách Bên Thắng Cuộc có đoạn trích như sau:

“Cuối thập niên 1950, khi ông Lê Đức Anh cùng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đến Trung Quốc, xin súng trung liên, đại liên và ĐKZ để đưa vào Nam, Trung Quốc chỉ cho “toàn súng trường K44 bắn phát một, họ bảo để trang bị cho dân quân du kích miền Nam phòng chống càn”. Nhưng, cuối năm 1966, khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc, ông Lê Đức Anh thấy Đoàn đã được đón tiếp bởi Mao Trạch Đông cùng đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại thương.

Theo ông Lê Đức Anh: “Khi Mao hỏi: ‘Quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam đông, tư tưởng của người dân và chiến sĩ thế nào? Hiện nay cách mạng ở Miền Nam của các đồng chí có khó khăn gì?’, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị để ông Lê Đức Anh trả lời. Tướng Lê Đức Anh nói: ‘Mỹ vào đông vậy chứ đông hơn nữa thì bộ đội và nhân dân miền Nam cũng quyết đánh. Hiện nay, xe tăng và máy bay của Mỹ rất nhiều nhưng Việt Nam thiếu vũ khí chống tăng, bắn máy bay và bắn tàu thủy, thiếu đô la để mua gạo, vì từ trước đến nay cách mạng Miền Nam Việt Nam vẫn mua gạo ở Campuchia và Thái Lan là chủ yếu, mà mua bên đó phải mua bằng đô la’. Nghe báo cáo vậy, ông Mao liền chỉ tay vào các quan chức, những người dưới quyền ông đang có mặt tại đó: Hãy giải quyết cho các đồng chí Việt Nam”

Trên thực tế, mỗi khi miền Bắc điều chỉnh đường lối “cách mạng miền Nam” đều phải sang bàn với Trung Quốc. Theo ông Hoàng Tùng: “Không bàn thì họ không viện trợ”. Ông Nguyễn Nhật Hồng xác nhận: “Trung Quốc giao ngoại tệ viện trợ theo phương thức rải đều từng tháng, từng quý. Nhu cầu viện trợ được B29 lên kế hoạch trình ông Phạm Hùng và Lê Thanh Nghị duyệt. Tuy nhiên, kế hoạch thường bị Trung Quốc thay đổi theo ý định của họ”. Trong những năm chiến tranh, ngoài vũ khí, trang bị kỹ thuật, Trung Quốc còn viện trợ rất lớn về tiền mặt. Theo Báo cáo ngày 25-11-1979 của B29, cơ quan đặc trách chi viện cho miền Nam, phần tiền mặt do Trung Quốc trực tiếp viện trợ từ năm 1964-1975 chiếm tới 626.042.653 USD.”

Với số tiền mặt to lớn này, đặc biệt trong thời chiến tranh, với cơ chế quản trị lỏng lẻo thì văn hóa phong bì (hay văn hóa biển thủ) đã xảy ra trong thời chiến tranh. Có điều trong thời buổi chiến tranh ít ai đặt ra vấn đề  văn hoá phong bì và ít ai thực hiện văn hóa phong bì (hay văn hóa biển thủ) công khai như hôm nay.

Doanh nhân Việt Nam đi làm giấy tờ mà trong lãnh vực làm ăn cần có sự chứng nhận giấy tờ từ nhà cầm quyền thì cần phải nhớ rõ một điều là đem văn hóa phòng bì ra đối xử với cơ quan mà mình muốn xin giấy tờ. Phong bì càng nặng thì giấy tờ sẽ giải quyết rất lẹ, không phiền hà.

Sinh viên học ra trường, không cần biết là học giỏi hay học dỡ, cần phải có tiền để thực hiện văn hoá phong bì vào những chỗ làm của nhà nước, những công ty nửa tư nhân, nửa quốc doanh, hoặc những công ty tư nhân của ngoại quốc do người VN đứng làm quản lý và sử dụng quyền quản lý đó để bắt mọi người phải thực hiện văn hóa phong bì.

Những nhà văn, không cần biết có tài hay không có tài, để được hội nhà văn đề cử một tác phẩm nào đó, văn hoá phong bì cần phải được gửi đến những người có quyết định để cử tác phẩm của mình, dù rằng tác phẩm đó dỡ cách mấy nhưng nếu phong bì càng nặng thì đánh giá tác phẩm càng có giá trị.

Những người chọn nghề giáo cũng phải thực hiện văn hóa phong bì để vào dạy học ở những trường mà mình muốn dạy học, hoặc thực hiện văn hóa phong bì để được lên chức trong cơ quan giáo dục.

Những phụ huynh có con em đi học phải thực hiện văn hóa phong bì đối với các thầy cô giáo để con cái của mình được nâng đỡ hơn trên lãnh vực học vấn. Và khi mà văn hóa phong bì đã trở thành thói quen thì thầy cô giáo quan tâm đến phong bì nhiều hơn là quan tâm đến chuyện dạy trẻ. Học trò nào có phong bì càng nặng thì sẽ được nâng đỡ mà không cần biết trình độ học vấn ra sao. Học trò của phụ huynh nào không biết văn hóa phong bì thì cho dù con mình học giỏi cách mấy vẫn có thể bị cho điểm xấu bởi phụ huynh không quan tâm đến thầy cô giáo. Văn hoá phong bì này được thể hiện qua những giờ dạy tư bên ngoài của các thầy cô giáo, hoặc trong những ngày lễ gọi là nhớ ơn thầy cô.

Ngay cả trên lãnh vực thi cử, bằng cấp, văn hoá phong bì được trở thành thông dụng để mua đề thi, mua bằng cấp. Và khi đã có bằng cấp thì sẽ dùng văn hóa phong bì vào trong cơ quan nhà nước để nắm những chức vụ được nhận phong bì, hầu lấy lại tiền đã bỏ ra.
Các công ty nước ngoài để thực hiện thủ tục làm ăn tại Việt Nam phải thực hiện văn hóa phong bì thì mới có cơ hội để mở một cơ sở thương mại nào đó tại Việt Nam. Và khi đã có đầy đủ giấy tờ để mở cơ sở thương mại thì vẫn tiếp tục thực hiện văn hóa phong bì từ mọi lãnh vực, từ trung ương đến địa phương để cơ sở thương mại được tồn tại và quản trị tốt, không gặp trở ngại về pháp lý.

Đối với người dân phải thực hiện văn hoá phong bì khi bị công an sách nhiễu trên đường phố, cho dù không vi phạm luật, nhưng vẫn thực hiện văn hóa phong bì để mình khỏi bị mất thời gian nếu cá nhân đó đang cần đến một điểm hẹn cho công ăn việc làm. Còn những người vi phạm luật thực hiện văn hóa phong bì để tiện việc sổ sách, khỏi phải lên đồn công an để bị đánh chết với danh từ mỹ miều là tự tử.

Những tù nhân đang bị giam tại các trại giam phải thực hiện văn hóa phong bì để được thăm nuôi thường xuyên, hoặc được quản lý trại đối xử tốt hơn so với các tù nhân không có khả năng thực hiện văn hóa phong bì.

Cơ quan tòa án cũng có văn hoá phong bì để giải quyết những vụ án mà đãng cho phép quan toà được toàn quyền ra quyết định. Thế là cơ quan của toà án cũng được hưởng thụ nền văn hóa phong bì như tất cả các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

Những người Việt mang quốc tịch Việt Nam sinh sống ngoài Việt Nam, phải thực hiện văn hóa phong bì đối với các sứ quán của Việt Nam đặt tại các quốc gia trên thế giới. Từ việc gia hạn hộ chiếu đến chuyện làm giấy khai sinh cho con của mình sinh ngoài Việt Nam đều phải thực hiện văn hóa phong bì thì mọi chuyện mới xong.

Người Việt sống tại nước ngoài về Việt Nam thăm gia đình, vì quá sợ (đem đồ lậu?), vì không biết luật, hoặc không muốn bị làm khó dễ trong thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh — đã thực hiện văn hóa phong bì đối với nhân viên làm việc tại phi trường.

Đâu đâu cũng thấy văn hoá phong bì càng ngày càng phát triển mạnh mẽ và không có dấu hiệu cái văn hoá này sẽ bị tẩy chay. Có lẽ người Việt Nam đã mặc nhiên nhìn nhận đây là nền văn hoá cần phải có ở một đất nước với hơn 4000 năm văn hiến. Phải chẳng đây là nền văn hóa cần phải có của bất cứ chế độ cộng sản nào trong quá khứ? Có ai đó nhận ra rằng đây là sản phẩm tất nhiên của một cơ chế độc tài cộng sản? Hay có người nhận ra điều này nhưng vì nền văn hóa dưới thời đại Hồ Chí Minh là văn hóa nô lệ nên chẳng ai có đủ tri thức vượt lên bản tính nô lệ và đứng lên làm chủ chính vận mạng và đất nước mình — nên mặc nhiên a dua với nền văn hoá phong bì để làm giàu cho bản thân và gia đình?

Vũ Hoàng Nguyên
Tháng 9 năm 2015
Dallas, TX




No comments:

Post a Comment

View My Stats