Monday, 9 November 2015

Tính “chính danh” của Đảng CSVN không chứng minh được (FB Trương Nhân Tuấn)






GS Vũ Cao Phan vừa lên BBC (8-11) nói thêm về « tính chính danh của đảng cộng sản». Không biết BBC phỏng vấn theo lối « đưa banh », tức là tôi đưa anh làm bàn, rốt cục cả hai ta cùng thắng, hay phỏng vấn chuyên nghiệp để tìm ra sự thật ?

Vấn đề « chính danh của đảng cộng sản » hôm trước đã phỏng vấn, hôm nay phỏng vấn lại. Nội dung kỳ sau cũng giống như kỳ trước, vũ như cẩn. Vấn đề là kỳ sau tù mù hơn kỳ trước một bậc.

Nói về « tính chính danh của đảng cộng sản » là người ta muốn nói về lý do chính đáng nào, như thành công về kinh tế, chính trị, xã hội… mà đảng CSVN đã thực hiện được (trong lúc lãnh đạo), để những người CS hôm nay có thể vịn vào đó biện hộ cho tư cách (và việc tiếp tục) lãnh đạo đất nước của mình.

Hai lần phỏng vấn, BBC không đưa ra bất kỳ câu hỏi nào liên quan.

Cả hai lần trả lời phỏng vấn, GS Vũ Cao Phan đều nhắc tới cuộc « Cách mạng tháng tám ».
Xin thưa là nó là cuộc « khởi nghĩa » hay là cuộc « cách mạng » thì người ta cũng bất cần.
Theo chiều « tư tưởng » của BBC và GS Vũ Cao Phan, ta thử chấp nhận rằng đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập » là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện.

Nói về « chính danh » là, những người cộng sản hôm nay có thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo hay không ?.

Dĩ nhiên là không.

Hiến pháp VN qui định rằng thể chế nước Việt Nam là « Cộng hòa xã hội chủ nghĩa »… Việt Nam là một nước « có chủ quyền ».

Người ta hiểu thế nào là « cộng hòa » và thế nào là « có chủ quyền » ?

« Cộng hòa », theo các định nghĩa thông thường, là một thể chế chính trị mà quyền lực của người lãnh đạo, ở bất kỳ cấp bậc nào, không đến từ sự kế thừa.

« Có chủ quyền » được hiểu là sự hiện hữu (trong lãnh thổ VN) một quyền lực chủ tể. Trong một chế độ cộng hòa, chủ quyền thuộc về dân tộc (nation) hay thuộc về nhân dân (populaire). Theo Hiến pháp, Quốc hội là nơi đại diện nhân dân, là nơi nắm quyền lực chủ tể.

Những thế hệ « khai quốc công thần » chống Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần lượt khuất núi. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến « chống Mỹ ».

Nếu dựa vào tiêu chuẩn « công lao », thì trong đảng hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh ». Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.

Chế độ chính trị ở VN là chế độ « cộng hòa xã hội chủ nghĩa ». Khái niệm « cộng hòa » trong danh xưng này đã gạt bỏ mọi hình thức kế thừa về quyền lực.

Cũng giả sử (cho GS Vũ Cao Phan và BBC hài lòng) chấp nhận việc « chính đáng » đến từ việc « kế thừa công lao ». Thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh… phải làm lãnh đạo mới đúng. Xương máu của họ, gia đình họ (tức công lao) đã đổ ra đóng góp cho « cách mạng » biết kể bao nhiêu cho hết ?.

Trong khi Hiến pháp qui định VN là một nước « có chủ quyền ». Như đã nói trên, chủ quyền là quyền lực chủ tể mà quyền này thuộc về nhân dân. Theo nguyên tắc này, mọi việc phân bổ quyền lực hay thực thi quyền lực đều phải được « nhân dân » duyệt xét hay thông qua. Khi nhiệm kỳ quyền lực hết hạn thì (cái ghế) quyền lực đó phải giao lại cho nhân dân.

Tức là, cách thức phân bổ quyền lực cũng như cách thức thể hiện quyền lực hiện nay đều vi hiến.

Tính « chính danh » của đảng CSVN không chứng minh được. 

Trong khi việc phân bổ và cách thức thực thi quyền lực của các đảng viên dều vi hiến.
Tôi không hiểu BBC phỏng vấn cái gì và GS Vũ Cao Phan còn có thể biện hộ cái gì ?

Bài viết của tôi ở đây có nói về việc này: Hiện tượng thái tử đỏ : Đâu là tính chính danh của quyền lực ?






No comments:

Post a Comment

View My Stats