AFR Dân Nguyễn
Posted by adminbasam on 09/11/2015
Xét về mọi khía cạnh, Nhân Dân VN không chào
đón chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình. Dư luận còn loan truyền rằng, thực chất
chuyến đi của họ Tập là chỉ thị trực tiếp cho đàn em Cộng sản VN trước ngưỡng cửa
đại hội 12 sắp tới.
Tuy có 21 phát đại bác nổ, với đội danh dự QĐND VN
duyệt và nghênh đón, nhưng số thiếu nhi và những người đứng vẫy cờ hoa xem ra
sơ sài và chiếu lệ.
“Khẳng
định và làm sâu sắc thêm…”
Nét nổi bật trong thái độ cũng như từng cử chỉ của họ
Tập toát lên sự khiêm nhường, hữu hảo. Thái độ và cử chỉ ấy khiến người ta hơi
bị bất ngờ. Tuy nhiên, chỉ sau đúng một ngày, lúc ông này có những tuyên bố khẳng
định chủ quyền của Trung Quốc về các hòn đảo trên Biển Đông (BĐ), thì thiên hạ
không còn bất ngờ nữa… Nó trở về đúng với bản chất của cộng sản nói chung, cộng
sản Trung Quốc nói riêng.
Trong bài phát biểu của Tập Cận Bình trước Quốc hội
VN, hầu như không mang nét văn chính luận, hay khẩu khí “đanh thép” vốn có
trong các diễn văn của quan lại cộng sản. Thay vào đó là giọng văn dân dã, mộc
mạc. Nhờ giọng văn “ngọng Ngô” đó mà chuyển tải được cái tình thân, tình bằng hữu.
Có lúc họ Tập còn dùng hình ảnh “dắt tay nhau”, khiến người nghe cảm động. “…Giữ
vững phương châm tôn trọng lẫn nhau, hữu hảo đàm phán… xử lý tốt mọi tranh chấp…”
(diễn văn của ông Tập trước QH VN).
Có lẽ “xử lý tốt mọi tranh chấp” mà tiên sinh họ Tập
muốn nói ở đây, phải chăng là tàu lớn, công suất nhiều mã lực của Trung Quốc cứ
uy hiếp, dùng vòi rồng “xử lý” cách hung hãn tàu cảnh sát biển của phía các “đồng
chí” VN, húc mạn trái, đâm mạn phải, khiến cho cách “xử lý tốt” ấy gây phẫn nộ
bao người? Và theo Tập tiên sinh, xử lý tốt của phía VN trong tranh chấp còn phải
là không được khởi kiện Trung Quốc ra tòa, không giống như điều mà láng giềng
Philippines của mình đã làm? Có thể kể ra vô số “xử lý tốt tranh chấp” theo kiểu
như trên của phía “bạn” Trung Quốc, như húc chìm tàu cá ngư dân VN, đơn phương
ban lệnh cấm đánh bắt cá. Bắt giữ, tịch thu hải sản, ngư cụ trên ngư trường
truyền thống, đánh và bắt giữ người, đòi tiền chuộc… Phía VN “xử lý tốt” những
trường hợp trên, bằng “biện pháp” mần thinh, hoặc thông qua người phát ngôn bộ
ngoại giao gửi đi thông điệp “kiên quyết phản đối”?
Bài phát biểu của ông Tập trước Quốc hội VN còn dành
đáng kể thời lượng “ôn nghèo kể khổ” từ thuở hàn vi của chế độ cộng sản hai nước
thời trứng nước. Để làm gì? Để đạt cho được sự đồng cảm, đồng thuận, để nương tựa
vào nhau lúc “tối lửa tắt đèn” chứ gì nữa… “…từ thời cận đại tới nay, hai nước
chúng ta đều trải qua quá trình gian khổ, đi từ thời kỳ bị bất kỳ kẻ thù nào áp
bức bóc lột, đi tới độc lập dân tộc…”, lời của ông Tập.
Sau khi ca ngợi đảng CSVN, sau một hồi “lăng xê” đảng
CSVN với bao công trạng, Tập tiên sinh “chốt hạ”: (chúng ta) “…cùng dắt
tay nhau nhằm phấn đấu xây dựng phát triển SỰ NGHIỆP CNXH, vì cuộc sống bình
an, hạnh phúc của nhân dân hai nước…”.
Cám ơn Tập tiên sinh đã có ý tốt dành cho nhân dân
VN; nhưng để đạt được điều đó (bình an và hạnh phúc), mà lại bằng xây dựng
CNXH, e rằng Tập tiên sinh chưa hiểu lắm về CNXH, hoặc là đang ru ngủ nhân dân VN?
Nhưng có lẽ “Sự thành công tốt đẹp” của chuyến viếng
thăm, toát lên trong “Tuyên bố chung”.
“Hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm đã thành
công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc củng cố tình hữu nghị truyền thống,
làm sâu sắc quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung, thúc đẩy
hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới…”.
Kết quả chuyến viếng thăm thể hiện qua hai khía cạnh
mà “Tuyên bố chung” đề cập: “…góp phần quan trọng củng cố tình hữu nghị truyền
thống,làm sâu sắc quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Trung, và,
Thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới…”.
Cần khẳng định ngay rằng, chuyến thăm của họ Tập
không thể “thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới”
như Tuyên bố chung khẳng định. Nếu khách của phía VN là đối tượng khác, là Mỹ,
Anh, Pháp hay Nhật chẳng hạn, thì mới đem đến cho Nhân Dân VN niềm tin về hòa
bình, ổn định và phát triển. Ai cũng biết kẻ hiện đang gây ra sự bất ổn
trongkhu vực, sự căng thẳng cho thế giới thông qua những hành động quân sự hay
những đòi hỏi tham lam vô độ về lãnh hải trên Biển Đông, không ai khác, mà
chính là Trung Quốc!
Trong quá khứ, Trung Quốc đã gây nên những cuộc chiến,
những xung đột trên Biển Đông, cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, đánh chiếm
một số đảo của VN thuộc quần đảo Trường Sa, cưỡng chiếm những dải đá ngầm của
Philippines. Cũng chính Trung Quốc chứ không phải ai khác đang có những hoạt động
liều lĩnh, nguy hiểm bằng các hoạt động bồi đắp những đảo đá ngầm, mà mục đích
là xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn thường
xuyên là nỗi ám ảnh, là mối nguy hiểm hiện hữu của ngư dân VN. Hành động như thế
sao có thể coi là “thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển…”? Ngược lại, nó
chính là nguyên nhân gây nên bất ổn trong khu vực và căng thẳng cho thế giới, ảnh
hưởng nghiêm trọng tới an ninh hàng hải cho tàu thuyền qua lại vùng biển này.
Về nhận định chuyến thăm của Tập Cận Bình đã “…làm
sâu sắc quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Trung…” mà
Tuyên bố chung vừa nêu ra. Đây là nội dung chính có thật mà Tập Cận Bình đã đạt
được thông qua chuyến “viếng thăm” của mình.
Về kinh tế, thương mại (cũng liên quan trực tiếp tới
mưu đồ của Trung Quốc), như việc cam kết hàng loạt các dự án mà phía Trung Quốc
thực triển khai trên đất VN, như tuyến đường sắt cao tốc Vân Nam-Lào Cai-Hà Nội-Hải
phòng, khoanh vùng một tam giác trọn vẹn vùng Đông Bắc Bắc Bộ của VN. Bên cạnh
đó là cam kết Trung Quốc sẽ triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc từ Móng
Cái đến Vân Đồn. Tuyến đường này là một cạnh của tam giác nói trên, chạy dọc
ven biển Vịnh Bắc Bộ, rất thuận tiện cho “giao thương” từ Trung Quốc xuống đồng
bằng Bắc Bộ, mà trung tâm là HN.
Một loạt các công trình, khu công nghiệp khác cũng
được phía Trung Quốc cam kết triển khai nay mai, đồng nghĩa là họ thắng thầu, đồng
nghĩa sự lệ thuộc “sâu sắc” về kinh tế của VN vào Trung Quốc. Tuyến đường sắt
trên cao Cát Linh, Hà Đông; Khu công nghiệp An Dương HP; TQ thậm chí còn
vươn vòi bạch tuộc của mình xuống mãi cực Nam của VN-Khu công nghiệp Long Giang
(Tiền Giang) mà chỉ nay mai thôi TQ cũng có sự hiện diện hợp pháp. Kết hợp
với những khu vực kinh tế mà Trung Quốc đã được phép đầu tư và đang hoạt động
như Boxit Tây nguyên, Fumosa Vũng Áng, Nhiệt điện HP, nhiệt điện Quảng Ninh mà
Trung Quốc là những nhà thầu… Có thể nói với quy mô và cả sự bao trùm lên toàn
lãnh thổ VN, Trung Quốc gần như thao túng nền kinh tế VN trong tương lai. Đó là
chưa kể cán cân thương mại quá nghiêng về Trung Quốc vốn dĩ từ lâu, bằng cả con
đường chính ngạch, tiểu ngạch, với nạn hàng lậu tuồn vào VN, bóp nghẹt doanh
nghiệp trong nước.
Về đường lối chính trị: Đây là điểm chính yếu nhất
trong “thành công” mà phía Trung Quốc đạt được trong chuyến “thăm” của Tập Cận
Bình tới VN lần này.
Trong “tuyên bố chung” khẳng định nhiều điều về hợp
tác “toàn diện và sâu sắc” giữa hai đảng cộng sản, hai nhà nước xã hội chủ
nghĩa, hai quân đội. Thậm chí sự hợp tác toàn diện đến nỗi dành cho cả hai quốc
hội, hai Mặt trận tổ quốc…
Sự hợp tác toàn diện và sâu sắc còn thể hiện ở chỗ
phía Trung Quốc cam kết đào tạo cán bộ đảng cho VN, Quân đội VN cũng được Quân
GPND Trung Quốc có nhiều trương trình hợp tác chặt chẽ, toàn diện. Hai bên còn
thiết lập đường dây nóng (nghĩa là khi VN alo, là Trung Quốc “có ngay”!). Hai
bên còn thường xuyên viếng thăm, trao đổi đoàn này đoàn nọ… Phía VN cũng cam kết
tạo điều kiện thuận lợi để chỉ trong nay mai phía Trung QUốc sẽ mở lãnh sự quán
của mình tại TP Đà Nẵng – thủ đô” của miền trung – điểm giữa chia đôi nước Việt,
nơi mà phía “bạn” TQ cũng đã có nhiều gây dựng “sâu sắc” về bất động sản. TQ đã
“thuê” được nhiều khu đất vàng tại tp quan trọng này của VN. Nay mai những ảnh
hưởng “sâu sắc” của TQ lên mọi mặt đời sống của Đà Nẵng là không còn phải bàn
cãi.
Tóm lại, qua “Tuyên bố chung”, phía Trung Quốc tha hồ
hả hê. Đảng CSVN yên tâm, thở phào nhẹ nhõm vì đã tìm được kẻ chống lưng, kéo
dài sự tồn tại của mình. Còn Nhân Dân VN?
Công hàm Phạm Văn Đồng 60 năm trước gửi tới Trung Quốc,
đã làm khó cho đảng CSVN hôm nay trong nhiều vấn đề, nhất là vấn đề chủ quyền
biển đảo. Liệu “Tuyên bố chung” hôm nay giữa đảng CSVN, nhà nước XHCN VN với Tập
Cận Bình, có là điều “khó gỡ” cho chính quyền VN hậu cộng sản?
Bên
lề sân cỏ…
1-
Được tặng thơ, sao cứ ngẩn ngơ!?…
Ông Trọng bí thơ, được biết đến là người của văn
chương. Ông lại có tướng mạo nho nhã. Lần qua thăm Mỹ gần đây, báo chí nhận định
là chuyến đi thành công. Trong chuyến công du đó, có một chi tiết khá thú vị (Tất
nhiên trừ ông Trọng). Đó là việc phó tổng thống Mỹ tặng ông Trọng hai câu thơ của
đại thi hào Nguyễn Du.
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời.
Có thể nói, đọc hai câu thơ trên, trong bối cảnh thiện
chí mà phía Hoa Kỳ thực tâm dành cho cộng sản VN, muốn khép lại quá khứ, hướng
tới tương lai, như cam kết của cả hai phía, thật cảm động. Người đọc thơ quá hiểu
văn hóa VN, tôn trọng VN, đã chọn hai câu thơ đẹp, hướng thiện, từ kho báu văn
hóa, văn học, niềm tự hào của Dân Tộc VN, để tặng khách quý. Dù trước đó, phía
chủ nhà Hoa Kỳ đã phải nhận một món quà quá ư “quá quắt” mà phía khách VN trao
tận tay. Lòng người trong sáng, đọc những câu thơ trong sáng, nên đã lột tả được
nhiều vấn đề.
Khi đến thăm, Tập Cận Bình cũng đọc thơ trước Quốc hội
VN. Cũng chỉ hai câu. Tập tặng thơ ông HCM, mà không quên nhắc mọi người rằng
thời nhà Đường, bên Tàu có ông Vương Bột nhà thơ cũng có hai câu thơ tương tợ
như hai câu thơ mà ông Hồ “làm”. Ông Tập nhắc chi tiết đó làm chi, nếu không phải
có ý gieo vào người nghe cái nghi vấn ông Hồ đạo thơ Vương Bột? Cùng là ông Trọng
mà nhận hai loại thơ khác nhau, do hai con người khác nhau tặng. Cách tặng thơ
cũng nói cho mọi người biết nhân cách của hai nhà thơ, hai người trích dẫn thơ
là rất khác nhau. Liệu hai câu thơ của “Bác Hồ kính yêu” mà đồng chí Tập Cận
Bình đọc tặng QH VN, có thể làm vế đối cho hai câu thơ mà một chính khách Hoa Kỳ
đã dành tặng ông Trọng không? Trước khi đến VN, ông Tập cũng có chuyến viếng
thăm Hoa Kỳ và cả xứ sở sương mù. Tại Nhà Trắng cũng như trong cung điện
Buckingham, ông không hề đọc thơ. Hà cớ gì ông “lẩy” thơ trước quan lại CSVN,
những người chỉ quan tâm tới tiền?
Hai câu thơ mà ông Tập đọc, cũng toát lên được tham
vọng quyền lực của những người cộng sản, cho dù là cộng sản tây, Tàu hay Việt.
Họ leo lên cao, trông xa, để từ đó thâu tóm vào tầm mắt, tầm tay mọi thứ bằng bạo
lực cách mạng (chuyên chính vô sản).
2-
Chuyên chính vô sản
Trong một bình luận trên một trang mạng, có người đặt
câu hỏi (gần như trách móc), rằng sao mọi người dân VN đều ghét Trung Quốc,
(qua lời “tự thú trước bình minh” của ông tướng Thanh, bộ trưởng quốc phòng
QĐNDVN), mà khi Tập Cận Bình sang, lại chỉ có ít người đi biểu tình thế. Điều
này có vẻ mâu thuẫn…
Nhưng một bình luận khác đã lý giải rằng, tại cộng sản
VN ác quá, nên người dân không dám đi biểu tình, thì quả là điều này (căm ghét
Trung Quốc mà không chịu đi biểu tình) không mâu thuẫn chút nào!
Hình ảnh những người biểu tình bị bọn an ninh mặc
thường phục trà trộn, kết hợp bọn công sai đầu trâu mặt ngựa bẻ tay, ghì nách,
xúm vào bắt tống lên xe, cả hình ảnh người biểu tình bị đánh vỡ đầu, máu me đầm
đìa, nói lên tất cả. “Cộng sản VN tàn bạo quá”. Đó là đánh giá hơi phiến diện.
Cái ác là bản chất cho cộng sản nói chung, chẳng cứ gì cộng sản VN!
3-
Những trạng thái tâm lý khác nhau…
Khi những loạt đại bác tại Ba Đình vang lên chào đón
“đồng chí bốn tốt’, “láng giềng tin cậy” của đảng CSVN, từ bên kia biên giới
sang, và nhất là khi Tuyên bố chung giữa “hai đảng cộng sản anh em” được công bố
trên các phương tiện thông tin, qua các hãng thông tấn, báo chí quốc tế, không biết
phía Hoa Kỳ có cảm thấy bẽ bàng, vì rằng họ đã đang làm tất cả những gì có thể,
với lòng thành nhất, có lợi cho VN (đương nhiên có lợi cho cả Hoa Kỳ), về không
chỉ vấn đề Biển Đông, mà còn nhiều vấn đề khác (TPP chẳng hạn). Vậy mà bây giờ,
trong Tuyên bố chung VN – TQ, chẳng khác cái tát, hoặc ít ra thì cũng giống như
sự “lơn mặt” dành cho Hoa Kỳ.
Nhưng chỉ đúng sau cái bản Tuyên bố chung ấy được
công bố có 1 (một) ngày, cái sự bẽ bàng ấy (không biết họ có lấy làm bẽ bàng
không), giờ chuyển sang cho đảng cộng sản VN. Sự kiện tiên sinh Tập – đồng chí,
khách quý của đảng CSVN mới hôm qua nâng ly chén tạc chén thù, chén chú chén
anh, thề thề thốt thốt, cam kết, cùng dắt tay nhau…chúc cho nhau những điều tốt
đẹp nhất, ấy vậy mà, quay ngoắt 180 độ… Tại Singapore, Tập tiên sinh “bức xúc”
nói ra cái điều ở VN họ Tập né tránh. Họ Tập khẳng định tất cả các hòn đảo trên
Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại…
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là bằng chứng để tất
cả mọi người VN yêu nước (có phần cho cả những đảng viên cộng sản còn lương
tri) nhận thức rằng “đi với Mỹ” là xu thế hợp thời đại.
4-
Chỉ được cái “nói vuốt đuôi”!
Có ông nghị nói sau lưng họ Tập, khi “đồng chí Tập
cùng phu nhân” đã ngồi trên chuyên cơ, rằng “tiếc là ông Tập không nói tới vấn
đề Biển Đông”…
“Vấn đề Biển Đông”, thiết tưởng người cần nói ra hơn
cả, phải là “ta” chứ. Đây là cơ hội cho “ta” đấy thôi. Đây là lúc các đại biểu
QH của ta có thể van vỉ, xin họ Tập giơ cao đánh khẽ, xin họ Tập thương tình vì
cũng tuyên truyền ngày đêm tình hữu nghị Việt Trung rồi, nhưng “tâm lý ghét
Trung Quốc” vẫn không hề “thuyên giảm”…
“May là đồng chí Tập không đả động gì đến vấn đề Biển
Đông”. Có lẽ vị “dân biểu” này nên nói vậy; vì nếu họ Tập nói ra vấn đề
Biển Đông, đố có ai trong số 500 vị đại diện cho cơ quan quyền lực cao nhất của
VN dám hé răng “cãi giả”!?
5-
Tập Cận Bình, ông là ai?
Có lẽ câu hỏi đó nếu có, thì cũng không phải từ phía
Nhân Dân VN; vì Nhân Dân VN đã từ lâu biết quá rõ bộ mặt thật của Tập Cận Bình.
Cái gương phản chiếu trung thực bộ mặt của Tập cũng như tập đoàn cộng sản tại
Trung nam Hải, là ngàn vạn những sự kiện xảy ra trên bờ, dưới nước, trong các
tuyên bố phát đi từ Bắc Kinh…
Chỉ có đảng CSVN mới không biết Tập Cận Bình là ai?
Đến bao giờ thì họ mới “biết” ai là Tập Cận Bình?
Thực ra, đảng CSVN quá biết Tập là ai. Họ biết Tập
không chỉ là đồng chí của họ, mà còn là kẻ rắp tâm xâm lược VN. Nhưng điều họ
biết “sâu sắc” hơn, ấy là giữa họ Tập với đảng CSVN có chung quyền lợi (mà họ
đã thừa nhận ở nhiều văn kiện, mà một trong những văn kiện đó chính là Tuyên bố
chung ký chưa ráo mực).
Nhưng khi về “vắt tay lên trán” suy nghĩ, đảng CSVN
không khỏi giật mình, mộng mị bởi những hành động “đi đêm” với giặc của họ, cả
những công khai ban ngày lời nói, việc làm với kẻ đang dòm ngó giang sơn của
các Vua Hùng hôm nay.
Họ không chạy về phía Nhân Dân. Họ đang ngã vào vòng
tay giặc…
No comments:
Post a Comment