Monday, 9 November 2015

Phép thử của ông Tập Cận Bình đã có kết quả (Trần Minh Thông)





Tác giả gửi tới Dân Luận
10/11/2015

Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước CHNDTH vừa sang thăm Việt Nam 2 ngày 5 và 6/2015.

Tại Hà Nội, ông Tập đã hội đàm với ông Nguyễn Phú Trọng, TBT ĐCSVN; gặp ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam; nói chuyện với đại biểu thanh niên Việt – Trung; phát biểu 20 phút tại Quốc hội Việt Nam.

Tối 5/11/2015, ông Tập và Phu nhân đã được ông TBT Nguyễn Phú Trọng và ông Chủ tịch Trương Tấn Sang chiêu đãi tiệc trọng thể.

Ngày 6/11/2015, trước khi kết thúc cuộc thăm Việt Nam, ông Tập đã ký bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung quốc.

Trước khi sang thăm Việt Nam, ông Tập đã sang thăm Hoa Kỳ và nước Anh. Tại 2 nơi này ông Tập đã tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ của Trung quốc từ thời cổ đại. Nhưng trong toàn bộ hành trình thăm Việt Nam trong 2 ngày 5 và 6/2015, ông Tập tuyệt nhiên không nhắc gì đến lời tuyên bố của ông tại Hoa Kỳ và nước Anh, cũng không nói tới Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Tập đã dùng những lời bay bướm, hết sức mềm mỏng, nhã nhặn ca ngợi tình hữu nghị 4 tốt và 16 chữ vàng giữa Trung quốc và Việt Nam. Ông cũng rất hào phóng, báo tin cho ông Trọng biết Trung quốc sẽ viện trợ cho 1 tỉ nhân dân tệ (một tỉ đồng TQ) . Tại Quốc hội Việt Nam, ông nói: ”Việt Nam và Trung quốc đã là láng giềng thì khó tránh khỏi xảy ra va chạm. Hai bên cần xuất phát từ đại cục để kiểm soát bất đồng và xử lý bất đồng, đề phòng quan hệ chệch hướng“.

Chỉ ngày hôm sau, 7/11/2015, tại Đại học quốc gia Singapore, theo tin hãng thông tấn Reuter, ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định Biển Đông là lãnh thổ của Trung quốc, như ông đã tuyên bố ở Hoa Kỳ và ở nước Anh. Ông tuyên bố: ”Biển Đông là lãnh thổ của Trung quốc từ thời cổ đại. Có một số đảo của Trung quốc đang bị nước khác xâm chiếm. Chính phủ Trung quốc phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển hợp pháp, chính đáng của mình“.

Tại sao khi đến thăm Việt Nam, ông Tập không tuyên bố như vậy?

Từ thời cổ đại, các nhà chiến lược Trung quốc đã sáng tạo ra cách thực hiện tham vọng bá quyền mà chỉ phải trả giá ít nhất là: Công thành vi hạ, công tâm vi thượng“, nghĩa là đánh vào thành lũy là hạ sách, đánh vào lòng người mới là thượng sách. Năm 2003, để đạt được mục tiêu khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, ĐCSTQ đã phê chuẩn chiến lược “Tam chủng chiến pháp“ để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự, nhằm giành thế thượng phong cho Trung quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông [1]. Tam chủng chiến pháp là chiến tranh 3 mặt kết hợp, giữa chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý.

Để chiếm Biển Đông, chiến tranh pháp lý của Trung quốc thể hiện ở yêu sách “Đường lưỡi bò 9 đoạn“; ở cách giải thích xuyên tạc Công ước Luật biển UNCLOS và các công ước quốc tế khác, nhằm biện minh cho những hành động của Trung quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông; ở việc ban hành những Luật quốc nội nhằm thực hiện quyền lực của Trung quốc ở Biển Đông, trong đó có Luật về vùng lãnh hải, Luật thành lập thành phố Tam Sa ở Hoàng Sa.

Chiến tranh dư luận còn được gọi là chiến tranh tư tưởng công chúng, nhằm tạo được nền tảng tư tưởng để giành thế thắng cho chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Nó được thực hiện bằng tất cả các công cụ truyền tin truyền thống và hiện đại như sách báo, phim ảnh, Internet, mạng truyền thông…, trong đó bao gồm cả thông tin giả, chứng cứ giả, để mê hoặc, ru ngủ công chúng, tạo ra trạng thái mưa dầm thấm đất, rồi áp dụng kế sách “Công kỳ vô bị“, xuất kỳ bất ý đánh úp

Năm 2012, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Công ty phần mềm We Chat của Trung quốc, yêu cầu nỗ lực tuyên truyền chủ quyền của Trung quốc ở Biển Đông. Đường lưỡi bò 9 đoạn do Trung quốc yêu sách ở Biển Đông đã được đưa vào các Game online. Tháng 6/2015, một tập của bộ phim hư cấu của Trung quốc có tên là “ Đạo mộ bút ký “ đã được trình chiếu, có nội dung mô tả cuộc khai quật 1 ngôi mộ cổ từ đời nhà Minh ở gần đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm) thuộc quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa) , nhằm khẳng định rằng chủ quyền của Trung quốc ở Hoàng Sa đã có từ thời nhà Minh. Tuy nhiên mánh lới lừa đảo này đã bị 2 nhà nghiên cứu là Michael Flecker và Francois Xavier Bonnet khám phá ra là các nhà làm phim của Trung quốc đã đem cổ vật từ trong đất liền ra chôn ở đảo.

Trước tình hình Tòa Trọng tài Quốc tế đã đồng ý xử vụ Philippine kiện Trung quốc về “Đường lưỡi bò“, Hoa kỳ đã cử chiến hạm đi tuần ở Biển Đông để bảo vệ Luật pháp quốc tế và trước lập trường, thái độ mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam, của dư luận quốc tế, dư luận trong khu vực đối với những diễn biến căng thẳng do Trung quốc gây ra ở Biển Đông, ở Hoàng Sa và Trường Sa; Trung quốc đã buộc phải tìm một nhịp độ triển khai quân sự thích hợp, đủ để duy trì tình trạng căng thẳng ở mức độ chấp nhận được mà vẫn khẳng định được chủ quyền của họ ở Biển Đông. Muốn vậy, Trung quốc phải làm các phép thử lòng người để tính từng bước đi ở Biển Đông. Vì Biển Đông liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia, trước tiên Trung quốc thử phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phản ứng của ASEAN và Hoa Kỳ. Phép thử tiếp theo là đo các mức độ phản ứng của Việt Nam. Phép thử thứ ba là “ đẩy lửa ra ngoài “ để ứng phó các bất ổn nội bộ, xoa dịu tình hình trong nước, kích động tinh thần dân tộc, thống nhất lòng người trong nước [2].

Chuyến đi thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình trong 2 ngày 5 và 6/11/2015 chính là phép thử đối với Việt Nam. Tuy nhiên chính ông Tập lại là người đã giải ra kết quả của phép thử. Với lời tuyên bố tại Đại học quốc gia Singapore ngày 7/11/2015, ông Tập đã tự giải thích cho người Việt Nam biết rằng “ông nói vậy mà không phải vậy“, rằng người bạn hàng xóm láng giềng phía bắc của Việt Nam quả là người bạn xấu chơi. Ngay trong ngày 7/11/2015, báo điện tử Giáo dục Việt Nam là tờ báo “lề phải“ của các nhà giáo dục đã đăng lời tuyên bố của ông Tập tại Đại học quốc gia Singapore với đầu đề “Thiện chí chót lưỡi đầu môi“ và tiếp theo là bài “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh qua chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình“.

Đến nay, chắc rằng tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, dù là người ở trong nước hay ở nước ngoài, đã hiểu đúng bản chất lập trường và cách hành xử của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, không ảo tưởng về tấm lòng tốt của anh láng giềng xấu chơi này, sẵn sàng vứt bỏ thứ hữu nghị viển vông, để hoạch định chính xác chính sách thích hợp, vừa tránh được xung đột đối đầu, không bị ép phải bắn phát súng đầu tiên, tạo cớ cho Trung quốc khai chiến, vừa thu hút được lòng người trong nước và cộng đồng quốc tế, bảo vệ được chủ quyền biển đảo.

Đối với nhân dân Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của đất nước Việt Nam, là không gian sinh tồn của dân tộc, là chuyện chủ quyền, là chuyện quốc gia đại sự chứ không phải là chuyện nhỏ, chuyện tiểu sự.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam xác lập chủ quyền hợp pháp, hòa bình và liên tục, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17, không có tranh chấp. Chỉ đến năm 1909 Trung quốc bắt đầu tranh chấp Hoàng Sa, với sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ bất hợp pháp lên một số đảo rồi rút. Năm 1946 Trung Hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu lấy cớ giải giáp quân Nhật, chiếm đảo Ba Bình ở Trường Sa. Năm 1947, chính quyền Trung Hoa dân quốc tự vẽ “Đường đứt đoạn 11 nét“, đòi yêu sách chủ quyền gần hết Biển Đông. Từ 1949, nước CHNDTH ra đời, do ĐCSTQ lãnh đạo lại tìm mọi cách để hiện thực hóa “Đường lưỡi bò“ ở Biển Đông. Chính ông Mao Trạch Đông là người đã trực tiếp chỉ đạo đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là căn nguyên xảy ra mọi căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc ở Biển Đông. Nếu không xảy ra các sự kiện Trung quốc đánh chiếm Hoàng Sa những năm 1956 và 1974; đánh chiếm Gạc Ma 1988; chiến tranh biên giới phía bắc 1979; khủng hoảng giàn khoan 981 của Trung quốc tháng 5/2014; những hành động của Trung quốc bồi đắp xây dựng, quân sự hóa nhân tạo bất hợp pháp các đảo đã chiếm của Việt Nam ở Trường Sa thì không có xung đột giữa Trung quốc và Việt Nam ở Biển Đông. Người láng giềng gây ra những vụ va chạm lớn này không phải là Việt Nam mà là Trung quốc. Vì thế, trong ngày 2/11/2015 đã có hàng ngàn người Việt Nam ký tên vào Bản tuyên bố về chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, phản đối việc Nhà nước và ĐCSTQ chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo và bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và đang bồi đắp chúng thành những cứ điểm quân sự, ngăn cản tự do hàng hải trên Biển Đông [3]. Trong 2 ngày 5 và 6/11/2015, tại Hanoi và Saigon đã có những cuộc biểu tình của nhân dân, với khẩu hiệu đòi ông Tập Cận Bình phải trả lại các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã đánh chiếm của Việt Nam [4]. Phép thử của ông Tập Cận Bình đã có kết quả. Không còn nghi ngờ gì nữa về yêu sách bành trướng “ Đường lưỡi bò “ của Trung quốc. Vấn đề còn lại là phải tìm mọi cách chặn đứng tham vọng và các hành động, thủ đoạn áp đặt những yêu sách đó của Trung quốc. Nhân dân Việt Nam đã nhẫn nhịn quá nhiều. Tổ tiên chúng ta chưa hề để mất, cũng chưa hề dâng chủ quyền lãnh thổ vào tay các Vương triều phương bắc. Chúng ta càng nhân nhựợng thì họ càng lấn tới. Lúc này là lúc thích hợp để yêu cầu Nhà nước Việt Nam khởi kiện Trung quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về “Đường lưỡi bò“ như Philippine đã làm.

[1] – “ Các tác phẩm hư cấu và chiến tranh dư luận của Trung quốc trên Biển Đông “, tạp chí nghiên cứu quốc tế tháng 5/2015.
[2] - “ Ứng phó của Việt Nam về Biển Đông? ”, tạp chí nghiên cứu quốc tế tháng 7/2014
[3] - Xem (boxitvn. net) 5/11/2015
[4] - Xem (boxitvn. net) 6/11/2015

Trần Minh Thông
*
*

Ôn lại một số lời hay ý đẹp và lời răn dạy của đồng chí Tập Cận Bình với các đảng viên ĐCSVN và nhân dân Việt Nam:

- Trưa 5/11/2015: Khi tới sân bay Nội Bài, ông Tập Cận Bình phát biểu: ” Trung quốc cùng với Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài “.

- Sáng 6/11/2015: Ông Tập Cận Bình và Phu nhân gặp gỡ đại biểu thanh niên Việt - Trung. Ông nói: ” Điều gì mình không muốn thì không ép người khác. Trung quốc không chấp nhận cường quốc tất bá thì không ép cho người ta chấp nhận “.

- Cũng sáng 6/11/2015: Tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập đã có bài phát biểu bằng tiếng Trung dài 20 phút. Ông không nhắc gì đến Biển Đông nhưng ông nói: ”Đã là láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm. Hai bên cần xuất phát từ đại cục, kiểm soát bất đồng và xử lý bất đồng, đề phòng quan hệ chệch hướng“.

Ông Tập còn nói: ”Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đều yêu hòa bình. Cái “Gen hòa“ của dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay không bao giờ thay đổi. Từ hơn 2. 400 năm trước, cổ nhân Trung quốc đã nêu ra đường lối: ”Lễ chi dụng, hòa vi quý“, tức là sử dụng Lễ nghĩa thì hài hòa, hòa thuận là cái quý trọng hàng đầu. Ông nói thêm nhân dân Trung quốc yêu chuộng hòa bình cuồng nhiệt. Sự lớn mạnh của Trung quốc sẽ trở thành lực lượng gìn giữ hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Về mối quan hệ hữu nghị Việt – Trung, ông Tập nói Trung quốc có câu “Tín giả, giao hữu chi bản“ tức là lòng tin là cái căn bản để xây dựng tình bạn. Ông nhắc “4 tốt là mối quan hệ song phương giữa Trung quốc và Việt Nam“, hai nước phải có lòng tin kiên định, dắt tay nhau cùng đi về phía trước, kiên quyết không để kẻ nào phá vỡ bước đi của chúng ta, kiên quyết không để bất kỳ thế lực nào dao động. Trung quốc nguyện cùng các đồng chí Việt Nam xây dựng niềm tin lẫn nhau. Trung quốc nguyện hợp tác với Việt Nam trên các diễn đàn cơ cấu hợp tác quốc tế và khu vực.

Về kinh tế, ông Tập nói Trung quốc sẽ cung ứng năng lượng cho Việt Nam trong phạm vi bộ khung “1 con đường, 1 vành đai“ và “2 hành lang, 1 vùng kinh tế“, nhằm tạo động lực mới cho quá trình hợp tác Trung – Việt lên tầm cao mới. Ông Tập dẫn ra rằng “Cố nhân Trung quốc có nói ngàn vàng chỉ để mua tình láng giềng“. Nhân dân 2 nước Trung Việt uống chung một dòng nước, sớm nhìn đi, tối nhìn lại đều thấy nhau, có va chạm thì 2 bên phải xuất phát từ đại cục để xử lý bất đồng, tránh đi chệch khỏi quỹ đạo.

- Trong ngày 6/11/2015, ông Tập Cận Bình đã ký Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung quốc. Trong Tuyên bố chung có điều 10 nói về kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng cộng sản Trung quốc và Đảng cộng sản Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một kế hoạch cực kỳ quan trọng. Hãy ôn lại bài học đau đớn trong quá khứ. Cuộc cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức ở miền bắc Việt Nam 1953 - 1956 sở dĩ phạm sai lầm nghiêm trọng, giết oan hàng chục ngàn người vô tội, xuất phát từ một nguyên nhân cực kỳ quan trọng là khi đó Việt Nam đã cử hàng chục ngàn cán bộ sang Quảng Tây Trung quốc để học kinh nghiệm cải cách ruộng đất của Trung Quốc, từ phát động quần chúng, đến tổ chức đấu tố và lập Tòa án bần cố nông để xử án không cần đến Pháp lý. Ngày nay, không cần đến các Thái thú, nếu họ muốn, Trung quốc có thể Hán hóa người Việt và thôn tính dần lãnh thổ của Việt Nam bằng chính những người Việt do Trung quốc đào tạo. Nguy hiểm lắm thay. Những người Việt Nam trung với nước, hiếu với dân không thể không cân nhắc suy xét kỹ về điều này.

Trần Minh Thông




No comments:

Post a Comment

View My Stats