Thursday, 19 November 2015

Nước Mỹ và dân tị nạn Syria (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Tuesday, November 17, 2015 7:13:19 PM 

Bài liên quan

---------------

Sau vụ khủng bố tấn công Paris, một số tiểu bang Hoa Kỳ tỏ ra không muốn tiếp nhận dân tị nạn Syria đến định cư với một lý do dễ hiểu là lo ngại về vấn đề an ninh, sợ sẽ có những phần tử khủng bố trá trộn theo.

Từ năm 2011, Hoa Kỳ mới chỉ tiếp nhận hơn 1,500 dân Syria và Tổng Thống Barack Obama có kế hoạch sẽ cho tái định cư thêm 10,000 người nữa trước cuối năm nay.

Thống Đốc Greg Abbott của Texas hôm Thứ Hai gởi văn thư lên Tổng Thống Obama cho biết: “Với tư cách là thống đốc Texas, tôi xin báo cho ông biết là tiểu bang này sẽ không nhận bất cứ dân tị nạn nào từ Syria, tiếp sau vụ tấn công khủng bố chết người ở Paris.”

Tại Louisiana, Thống Đốc Bobby Jindal ban hành sắc lệnh chỉ thị “tất cả các bộ, phân vụ ngân sách, cơ quan, văn phòng, hành chánh và nhân viên hành pháp tiểu bang Louisiana” phải “bằng mọi cách hợp pháp ngăn cản việc tái định cư dân tị nạn Syria ở tiểu bang chừng nào sắc lệnh này còn có hiệu lực.”

Tổng cộng, hơn 30 thống đốc các tiểu bang hiện theo lập trường này. Tất cả các thống đốc này đều thuộc đảng Cộng Hòa, ngoại trừ thống đốc tiểu bang New Hampshire thuộc đảng Dân Chủ.

Tuy nhiên, theo luật, các thống đốc tiểu bang không có thẩm quyền chống tiếp nhận di dân. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, qua án lệ Hines v. Davidowitz năm 1940, đã phán định rằng tiểu bang không có quyền ngăn trở tổng thống trong chính sách di dân. Thẩm Phán Hugo L. Black khi đó giải thích rằng: “Ưu quyền của quốc gia trong các lãnh vực đối ngoại tổng quát, bao gồm quyền về di dân, nhập tịch và tống xuất, đã được Hiến Pháp minh định, được chỉ dạy bởi các nhà soạn thảo luật liên bang năm 1787, và kể từ đó tiếp tục được Tối Cao Pháp Viện thừa nhận.”

Trước trở lực trên mặt pháp lý như thế, nhiều quan sát viên tin rằng, các thống đốc từ chối nhận dân tị nạn Syria hiểu rằng họ khó có hy vọng đạt được ý muốn. Đưa ra quan điểm này do đó mang ý nghĩa chính trị và tâm lý nhiều hơn vì đa số dân chúng thường không muốn có thêm di dân, nếu không lo ngại về an ninh thì cũng có nhiều phiền toái ảnh hưởng đến trật tự của xã hội ổn định.

Từ Tháng Tư đến Tháng Mười, 1980, giữa giai đoạn kinh tế suy trầm, lãnh tụ Fidel Castro loan báo, dân Cuba nào muốn rời khỏi đảo quốc có thể ra đi và một làn sóng vượt biển của 125,000 người đến Mỹ xảy ra tiếp đó. Bình thường, một số lớn di dân đến trong một thời gian ngắn tạo ra nhiều vấn đề phải giải quyết cho họ, chưa kể có lo ngại vì nhiều kẻ tội phạm trà trộn theo.

Tháng Năm, 1980, Tổng Thống Jimmy Carter báo cho Thống Đốc Bill Clinton của Arkansas, lúc đó sắp mãn nhiệm kỳ thứ nhất, rằng 20,000 người sẽ đến tạm cư ở Fort Chaffee. Trên mặt công khai, ông Clinton phải ủng hộ quyết định của vị tổng thống Dân Chủ, nhưng bên trong rất bực tức: “Sao ông bắt tôi lo việc này vào lúc tôi đang bận rộn. Tôi giúp ông còn ông muốn tôi thất cử ư?”

Khi di dân tới, công tác tái định cư trì trệ và một cuộc bạo loạn xảy ra vào Tháng Sáu. Ông Clinton phải gọi Vệ Binh Quốc Gia can thiệp. Mấy tháng sau đó, đúng như dự đoán, ông Clinton thua ông Frank White, ứng cử viên tranh cử lần đầu. Cũng trong năm 1980, ông Carter không tái đắc cử vào Tòa Bạch Ốc, nhưng sau này, ông Clinton đánh bại ông White, rồi sau đó tiến dần tới Tòa Bạch Ốc. Tuy vậy, ông Carter và ông Clinton vẫn không ưa nhau.

Hầu hết quần chúng không còn nhớ hay biết câu chuyện Fort Chaffee, nhưng các thống đốc không quên bài học chính trị này.

Hôm Chủ Nhật, có những tin tức nói rằng, các phần tử khủng bố tấn công Paris có thể ở trong làn sóng di dân từ Syria vào Âu Châu. Thống đốc hai tiểu bang Alabama và Michigan loan báo các tiểu bang của họ sẽ từ chối nhận di dân Syria. Sáng Thứ Hai, thêm hai thống đốc của Arkansas và Texas tuyên bố tương tự. Nhưng từ hội nhị G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thống Obama cam kết “không đóng cửa” với dân tị nạn Syria.

Thống Đôc Chris Christie nói rằng tiểu bang New Jersey không nhận bất cứ một di dân Syria nào dù là đứa bé 5 tuổi mồ côi. Theo nhận định của các phân tích gia, mặc dầu không có cơ sở pháp lý để từ chối, các tiểu bang vẫn có thể tạo ra nhiều khó khăn cho liên bang trong công tác tái định cư di dân.

Hầu hết các thống đốc Dân Chủ tán thành kế hoạch của tổng thống, hoặc còn đang cân nhắc chưa xác định quan điểm. California, Connecticut, Delaware, Hawaii, Pennsylvania, Vermont, Washington, … là những tiểu bang đồng ý tiếp nhận dân tị nạn.

Thống đốc các tiểu bang này nói rằng họ ủng hộ kế hoạch của tổng thống bởi vì từ chối dân tị nạn là đi ngược lại giá trị truyền thống của nước Mỹ. Quay lưng với dân tị nạn Syria, những người phải trốn chạy chiến tranh và bạo lực, là không có lòng nhân đạo, và đồng thời phản bội các đồng minh NATO, không chia sẻ trách nhiệm mà bỏ mặc họ đương đầu với vụ khủng hoảng di dân.

Nhưng để bảo đảm an ninh, việc kiểm tra lý lịch và kiểm tra lý lịch an ninh sẽ được FBI, CIA , Bộ Nội An và các cơ quan chống khủng bố khác thực hiện hết sức kỹ lưỡng. Sẽ không một di dân Syria nào chưa hoàn thành tất cả những thủ tục đó được lên máy bay từ Âu Châu đến Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh có cuộc tranh cử tổng thống, việc này chắc chắn cũng là đề tài được các ứng cử viên đề cập tới.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình CNN hôm Chủ Nhật, cựu Thống Đốc Jeb Bush của Florida và là ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa, cho rằng: “Chúng ta cần tập trung chú ý vào dân tị nạn Thiên Chúa Giáo, những mục tiêu bị nhắm giết hại.” Cùng ngày, một ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa khác, Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz của Texas, tiếp tục kêu gọi không cho người Hồi Giáo vào nước Mỹ và nói thêm rằng không có nguy cơ khủng bố xuất phát từ dân Thiên Chúa Giáo. Bác Sĩ Ben Carson, một ứng cử viên tổng thống khác của Cộng Hòa, đề nghị Quốc Hội nên cắt bỏ hoàn toàn ngân sách dành cho chương trình tái định cư dân tị nạn.

Không nêu đích danh ai, Tổng Thống Obama kịch liệt đả kích những ý kiến ấy. Ông nói rằng: “Tôi nghe có những người nói là có thể nhận dân Thiên Chúa Giáo chứ không nhận dân Hồi Giáo. Đó không phải là nước Mỹ. Chúng ta không bao giờ căn cứ vào tôn giáo để thể hiện lòng trắc ẩn.”

Hôm Thứ Ba, trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg, ông Bush đổi lập trường, nói rằng: “Không nên chống dân tị nạn đến đây, và điều chính là chúng ta phải dẫn đạo giải quyết tình thế Syria.”

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thêm rằng “Hoa Kỳ không nên nhận những người có bất cứ vấn đề gì phải cần quan tâm.” Như vậy ông Bush đã tách rời lập trường của những người Cộng Hòa trong vụ dân tị nạn Syria.

Cho đến nay những người Dân Chủ hầu hết ủng hộ tổng thống trong vấn đề di dân, giống như ông Bill Clinton năm 1980. Trong cuộc tranh luận tối Thứ Bảy vừa qua, ba ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ đều cho rằng nên nhận thêm di dân.

Trong năm tài chính 2015, chầm dứt ngày 30 Tháng Chín, Hoa Kỳ chỉ nhận 1,500 di dân Syria, nghĩa là 2.6% tổng số 57,350 di dân tất cả các quốc gia được vào Hoa Kỳ. Con số này ít hơn nhiều so với Đức 35,000, và Canada là 11,300.

Dân số Syria tăng rất nhanh, năm 1960 chỉ có 4 triệu và hiện nay lên tới 23 triệu, (trung bình mỗi phụ nữ Syria sinh 7 đứa con). Tại Syria, 74% số dân theo Hồi Giáo Sunni; 12% Alawite, một giáo phái Hồi Giáo Shite, va 10% Thiên Chúa Giáo. Tổng Thống Bashar al-Assad là người Hồi Giáo Alawite.

Sau bốn năm nội chiến, khoảng 9 triệu dân Syria đã phải tản cư, đa số trong biên giới quốc gia, nhưng có bốn triệu người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, và Lebanon. Theo ước tính, 500,000 dân tị nạn Syria sẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Agean đến Hy Lạp để vào Âu Châu trong năm nay. Ngoài ra, có khoảng 14 triệu dân gốc Syria từ lâu đã sống rải rác ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó 150,000 người đang sống tại Hoa Kỳ.









No comments:

Post a Comment

View My Stats