Người Việt Online
Wednesday,
November 18, 2015 5:56:29 PM
HÀ NỘI
(NV) - Việt
Nam sẽ vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại đu dây, vừa giữ quan hệ “16 chữ vàng”
với Trung Quốc vừa chèo kéo các nước Tây phương và khu vực vào tranh chấp Biển
Ðông.
“...chúng
ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng
có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực,” Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng được trang mạng chinhphu.vn thuật lời như vậy khi ông phát biểu
trước Quốc Hội hôm Thứ Tư, 18 Tháng Mười Một.
Cùng
song hành với chủ trương đó, ông Dũng nói rằng: “Chúng ta kiên quyết đấu tranh
bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương,
nghị quyết của đảng, hiến pháp, pháp luật của nhà nước cũng như Hiến Chương
Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công Ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển
năm 1982, và các cam kết khu vực.”
Dịp
này, ông cho hay: “Ðồng thời với phát triển kinh tế xã hội, chúng ta tăng cường
cho quốc phòng, an ninh, nâng cao công tác đối ngoại, giữ vững trật tự an toàn
xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc,
tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta, gìn
giữ hòa bình và ổn định, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi cho xây dựng và
phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta,” trang mạng
chinhphu.vn tường thuật, đồng thời với các báo chính thống khác.
Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng nói ở Quốc Hội như thế trong khi Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang
đi dự hội nghị APEC tại Manila, Philippines. Tại đây, ông Sang chứng kiến hai
ngoại trưởng Việt Nam và Philippines ký kết hiệp định đối tác chiến lược, nâng
cao mối quan hệ của hai nước, gồm cả an ninh và quốc phòng.
Việt
Nam và Philippines là hai nước bị ảnh hưởng nặng nhất của chính sách bá quyền
bành trướng hiện đang được Bắc Kinh ngang nhiên thi hành trên Biển Ðông.
Hôm Thứ
Ba, ông Trương Trọng Nghĩa, một đại biểu Quốc Hội ở Sài Gòn, đã khuyến cáo nhà
cầm quyền về sự lệ thuộc Trung Quốc rất nặng trên mặt kinh tế. Khi xảy ra việc
Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 tìm kiếm dầu khí ngay bên trong vùng
biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm ngoái, nhiều người đã hối thúc chế
độ nên tìm cách “thoát Trung.”
Ngược lại,
nền kinh tế của Việt Nam ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc Trung Quốc, gồm cả
tín dụng phát triển hạ tầng. Ông Trương Trọng Nghĩa cả quyết rằng nếu đem vấn đề
này trưng cầu dân ý thì chắc chắn đa số người dân sẽ chống lại việc nhận viện
trợ hay vay tiền của Trung Quốc.
Cũng vì
nằm trong vòng lệ thuộc kinh tế Trung Quốc mà theo ông Nghĩa, Việt Nam khó có
thể đàm phán đòi lại các vùng lãnh thổ bị Bắc Kinh lấn chiếm.
Việt
Nam từng ký hiệp định đối tác chiến lược với Trung Quốc và với nhiều cường quốc
kinh tế, quân sự của thế giới như Nga, Pháp, Ấn Ðộ, Nhật, Nam Hàn, Anh và bây
giờ là với Philippines trong thế liên minh cần thiết đối phó với tham vọng bành
trương của Bắc Kinh.
Hiện Hà
Nội chỉ ký thỏa hiệp “đối tác toàn diện” với Hoa Kỳ vì còn né cái bóng anh khổng
lồ Trung Quốc quá lớn ở phương Bắc. Các lãnh tụ của chế độ nhiều lần không giấu
diếm chính sách đu dây giữa Bắc Kinh và Hà Nội nên thỉnh thoảng vẫn bị báo chí
chính thống Trung Quốc chửi bới thậm tệ.
Năm
ngoái, khi những ngày kình chống nhau trên biển trong vụ giàn khoan HD 981 vẫn
còn những hệ quả xấu dây dưa trong mối quan hệ Việt-Trung, tờ Nhân Dân Nhật
Báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đả kích đảng
và nhà nước CSVN chơi trò “đu dây” trong một bài bình luận đăng ngày 31 Tháng
Mười, 2014.
Tờ báo
này đe dọa “Việt Nam sẽ thấy khó mà chịu nổi các hậu quả từ các xung đột xảy ra
trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam,” bởi vì “họ cần phải dựa vào Trung Quốc.” (TN)
No comments:
Post a Comment