Thursday 19 November 2015

Môn Lịch sử chỉ là “trường hợp điển hình” (TS Nguyễn Thị Hậu)





TS Nguyễn Thị Hậu
Thứ Năm,  19/11/2015, 09:59 (GMT+7)

(TBKTSG Online) Quanh việc Bộ giáo dục đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó Lịch sử sẽ tích hợp với Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng để thành một môn mới “Công dân và Tổ quốc” với yêu cầu nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, dư luận xã hội lại một lần nữa “sôi lên” vì môn học này.

Những ý kiến đồng thuận hay không với việc tích hợp, thậm chí có ý kiến khá cực đoan khi cho rằng nên… bỏ luôn môn học này… đều được phân tích, lập luận, lý lẽ, dẫn chứng chứ không chỉ là ý kiến mang tính cảm xúc nhất thời…

Điều đáng nói là phần lớn các ý kiến gặp nhau ở một điểm: môn sử với chức năng và ý nghĩa quan trọng của nó cần có vị thế độc lập, nhưng không thể tiếp tục dạy và học lịch sử như cũ, cả về nội dung và phương pháp. 

Kết luận cuối cùng của bản Dự thảo này thế nào còn phải chờ “hạ hồi phân giải”, nhưng điều cần đặt ra là vì sao từ nhiều năm qua tình trạng dạy và học môn lịch sử luôn gây ra sự “bức xúc” nhưng khi nó đứng trước nguy cơ bị “biến mất” thì xã hội lại gần như đồng loạt lên tiếng bênh vực nó?

Thật ra những phản ứng của xã hội đã cho thấy, môn sử là trường hợp điển hình của thực trạng “cải cách giáo dục” hàng chục năm qua. Điển hình vì nó thuộc khoa học xã hội, vốn luôn phản ánh và gắn liền với thực trạng xã hội nói chung và ngành nghiên cứu nói riêng, điển hình vì quan niệm tư duy dạy và học khoa học xã hội như thế nào? Và điển hình vì như nhiều quốc gia khác ở châu Á, Việt Nam cũng có truyền thống coi trọng văn chương, lịch sử trong nền giáo dục của nhiều thời đại.

Hiện nay nói đến môn khoa học xã hội nào cũng có vấn đề chứ không chỉ riêng môn sử. Môn văn được coi là môn chính năm nào cũng thi tốt nghiệp, nhưng tình trạng “văn mẫu” rất đáng báo động và lên án bởi nó làm thui chột sự sáng tạo và tính cá nhân trong cảm thụ văn chương; môn địa lý nếu năm nào không thi tốt nghiệp thì gần như cũng bị bỏ lửng, mà thi xong thì cũng “chữ thầy trả thầy” vì kiến thức địa lý “biết dùng làm gì?”.

Môn ngoại ngữ cũng vậy, Anh văn là môn “thời thượng” nhưng từ cấp phổ thông đến đại học, xong chương trình liệu có mấy em đọc thông viết thạo nói lưu loát nếu không đi học thêm ở những trung tâm ngoại ngữ? Các môn khoa học xã hội hầu như không được nhiều phụ huynh khuyến khích và tạo điều kiện cho con em theo học và học giỏi, vì nó không phải là những môn học sẽ trở thành “phương tiện” để có thể kiếm tiền, làm giàu nhanh chóng, không phải những ngành nghề “hot” của xã hội, được xã hội “lăng –xê”.

Cho nên việc môn sử bị “mất tích” trong một môn nặng tính “giáo dục chính trị tư tưởng”, không còn đứng tên riêng với nội dung độc lập và có chức năng truyền đạt tri thức khoa học, sẽ sớm làm cho nó bị “khai tử”. Đây chính là sự báo động cho những môn khoa học xã hội khác. Khi các môn khoa học xã hội không còn vị trí là khoa học thì hệ quả đầu tiên đó là “sản sinh” những thế hệ “thuộc lòng, nhắc lại” không biết tư duy độc lập.

Mặt khác từ thực tế, chống ngoại xâm là đặc điểm xuyên suốt và quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam. Trải qua hơn hai mươi thế kỷ dựng nước và giữ nước hầu như thế kỷ nào triều đại nào cũng phải tiến hành những cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập quốc gia, trong đó phần lớn là chống xâm lược từ Trung quốc. “Loại bỏ” môn sử như một môn chính đồng nghĩa với việc “giảm bớt” nội dung truyền dạy về truyền thống chống ngoại xâm, trong tình trạng biển đảo Việt Nam đang bị đe dọa từ Trung Quốc và trước đó là cuộc chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, trận hải chiến Gạc Ma 1988… Chưa kể những nội dung khác về văn hóa – xã hội – kinh tế đã và sẽ không có mặt trong chương trình để thể hiện sự toàn diện của lịch sử việt Nam.

Tất nhiên, lịch sử không chỉ là việc nhắc lại quá khứ để biết quá khứ, mà là để hiểu hiện tại và biết tương lai, Không học lịch sử như một khoa học thì không thể nhận thức được những gì đang và sẽ xảy ra, bài học và kinh nghiệm lịch sử chỉ có ích cho thế hệ sau nếu nó giúp thế hệ lựa chọn và tự định đoạt con đường tương lai.

Vì vậy, bảo vệ sự độc lập của môn sử trong trường phổ thông đồng nghĩa với việc phải thay đổi nội dung và cách giảng dạy có nhiều bất cập như hiện nay, bắt đầu từ mục tiêu dạy và học môn lịch sử. Quan điểm, triết lý, phương pháp dạy và học các môn KHXH cần thể hiện đúng chức năng và vị trí của nó, không chỉ theo truyền thống mà còn cần phải phù hợp với thời đại hiện nay.

----------------------------

Huy An
07:10 | 18/11/2015

Đại diện ban soạn thảo chương trình Giáo dục phổ thông tích hợp (GDPT TT), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử và logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.

Trong buổi trao đổi với các cơ quan báo chí ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nói về về cách bố trí giảng dạy môn Sử như trong dự thảo chương trình GDPT TT.

Đưa ra 5 vấn đề khiến dư luận chưa đồng tình với việc dạy tích hợp môn Lịch sử trong Chương trình GDPT TT chủ yếu xoay quanh việc: Để môn Lịch sử vào chương trình dạy tích hợp là Ban Xây dựng chương trình không coi trọng giáo dục Lịch sử, xếp Lịch sử vào môn học tự chọn thì sẽ rất ít học sinh chọn học Sử.

Thêm nữa, việc tích hợp sẽ không đảm bảo được khối lượng kiến thức, môn Sử rất có thể sẽ bị xé lẻ, như thế chẳng khác gì xóa sổ môn Lịch sử trong giáo dục cấp THPT…

Trước những ý kiến chưa đồng tình này, Ban Xây dựng chương trình cho rằng cách dạy tích hợp không phải học sinh thích thì chọn, không thích thì thôi.

Trái lại trong Dự thảo chương trình, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc hoặc môn Lịch sử và môn Khoa học xã hội.

Ngoài ra học sinh cũng được học Lịch sử trong các môn học khác cùng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Như vậy, trong chương trình GDPT mới thời lượng học Lịch sử cũng nhiều hơn.

Theo ban soạn thảo thì thiết kế như vậy sẽ tạo thuận lợi cho mỗi môn học có thêm những chuyên đề tích hợp sâu. Hiệu trưởng các trường sẽ căn cứ năng lực thực tế của từng giáo viên để phân công giảng dạy chuyên đề cụ thể.

Giải thích thắc mắc kiến thức Lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo khi tích hợp, Ban soạn thảo khẳng định, học sinh sẽ học kiến thức Lịch sử trong ít nhất 2 môn học, kiến thức Lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới chứ không phải xé lẻ. 

Theo ông Hiển: Việc xây dựng chương trình GDPT TT phải dựa trên sự đổi mới đồng bộ. Bao gồm nhiều yếu tố, từ xác định mục tiêu, lựa chọn và tổ chức nội dung giáo dục, đa dạng hoá và đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục, cách thức đánh giá học sinh. Nên khi bàn về việc môn Lịch sử đứng độc lập hay tích hợp phải xét trong mối quan hệ với các yếu tố đó, đồng thời đối chiếu trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với vấn đề đang được tranh luận gay gắt nhất là để môn Lịch sử là môn độc lập và bắt buộc, ông Hiển cho rằng: Nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.

Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận thiếu sót là: Ban Xây dựng chương trình đã trình bày chưa rõ ràng trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm dẫn đến xôn xao dư luận.

Ông cho biết: Thời gian tới Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, văn bản chương trình sẽ được điều chỉnh, bổ sung rõ vấn đề này.







No comments:

Post a Comment

View My Stats