10.11.2015
Hai
ngày viếng thăm Việt Nam ở cấp độ quốc gia của Tập Cận Bình đã trôi qua, nhưng
dư âm của nó thì phải còn khá lâu mới chìm xuống. Nhìn chung, đây là một sự kiện
chính trị rất êm thấm nếu tính đến những “khác biệt” chưa được giải quyết thỏa
đáng giữa hai quốc gia, nổi bật nhất là những tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.
Ngoài một vài cuộc biểu tình nhỏ nhanh chóng bị dập tắt một cách khá tàn bạo bởi
lực lượng công an của nhà nước, những tiếng ồn ào còn lại đến từ 21 phát đại
bác và những tràng pháo tay giòn giã của đại biểu quốc hội dành cho thượng
khách quốc gia Tập Cận Bình và phu nhân.
Không
ai đủ ngây thơ để tin rằng Tập Cận Bình đã bỏ thì giờ quí báu của mình đến thăm
Việt Nam chỉ để… phát chẩn (gồm chút đỉnh tiền bạc và vài câu thơ Đường) và rao
giảng về tình cảm chính quyền và nhân dân Trung Hoa dành cho Việt Nam. Đa số quan
sát viên tin rằng Tập Cận Bình đến Việt Nam để gây áp lực với đảng và chính quyền
cộng sản Việt Nam (CSVN) ở nhiều lãnh vực, trong đó quan trọng nhất có thể là
thành phần nhân sự chóp bu của đảng CSVN trong nhiệm kỳ tới và cung cách ứng xử
của Việt Nam về những xung đột quyền lợi ở biển Đông. Chúng ta không biết chắc
những thỏa thuận ngầm nào đã được ký kết, nhưng dựa trên những sự việc xảy ra kể
từ hội nghị Thành Đô (tháng 9 năm 1990), có rất ít lý do để cho rằng Tập Cận
Bình đã ra về với hai bàn tay trắng. Bởi vì tập đoàn lãnh đạo CSVN không quen
nói “không” với thiên triều. Theo sử gia Tạ Chí Đại Trường (TCĐT), một cựu sĩ
quan Việt Nam Cộng hòa (VNCH), sự “ngoan ngoãn” của các nhà lãnh đạo Việt Nam
không chỉ đơn giản đến từ quan hệ đàn anh đàn em giữa hai đảng cầm quyền mà còn
là sự kế thừa từ quan hệ lịch sử văn hóa giữa hai nước, vốn có nguồn gốc tự
ngàn xưa.
*
Hồi
cuối tháng 7 năm nay (2015), tôi có cơ hội trao đổi với sử gia Tạ Chí Đại Trường
(TCĐT). Tôi gửi hai câu hỏi qua email để nhờ ông giải đáp. Nguyên văn hai câu hỏi
như sau:
1.
Các yếu tố tạo nên tâm lý thần phục thiên triều của các vương triều Việt
Nam trong lịch sử?
2. Đảng cộng sản Việt nam có mang tâm lý thần phục Bắc Kinh hay không, và tại sao?
2. Đảng cộng sản Việt nam có mang tâm lý thần phục Bắc Kinh hay không, và tại sao?
Mặc
dù sức khỏe bắt đầu suy sụp từ nhiều tháng trước đó, sử gia TCĐT đã cố gắng hồi
đáp khá nhanh, cũng qua phương tiện email. Trước hết, TCĐT cho rằng hai câu hỏi
“níu kéo” nhau “vì cũng chỉ là chuyện quan hệ Việt-Trung mà thôi”. Ông xác nhận
tâm lý thần phục Trung Hoa là hoàn toàn có thật, và tâm lý này mang nặng tính lịch
sử và văn hóa. Về mặt địa lý, hai nước kề cận nhau thì chắc chắn sẽ xảy ra xung
đột, và theo lẽ thường, “thằng nhỏ phải thua thằng lớn”. Đối với nước nhỏ, đánh
nhau là chuyện bất đắc dĩ, ngay cả khi thắng trận, giành lại được ngôi vị thì vẫn
phải xưng thần để cảm ơn nước lớn đã không… đánh tiếp và đã phong chức cho
mình. Điều này xảy ra nhiều lần trong lịch sử vẻ vang dựng nước và giữ nước của
dân đất Việt, “lâu ngày thành thói, có chuyện tranh giành trong nước, bị thua thì
kéo nhau qua Tàu nhờ phân xử, như họ Trần cầu viện Minh đánh Hồ Quý Li, Trịnh
Lê cầu Minh đánh Mạc, Lê Chiêu Thống v.v..”. Theo TCĐT, chính là vì vậy mà cái
thế “nước nhỏ” càng lúc càng thấp thỏi, phải chịu đựng một thứ tâm thức Phiên
thuộc, kéo dài thành một thứ ông gọi là “Hội
chứng Phiên thuộc”.
Sử
gia TCĐT cho biết thêm cái hội chứng phiên thuộc còn có gốc rễ sâu xa từ áp lực
nặng nề của văn hóa Hán. Theo ông, “các nho sĩ làm quan được là nhờ chữ Hán, sống
trong khung trời Hán học nên có lúc tưởng mình là người phương Bắc, không được
thì cũng ráng nghĩ làm sao cho có dạng phương Bắc”. Ông dẫn chứng: “Quyển Toàn
thư dịch ra tiếng Việt, ví dụ có chữ ‘nước ta’ thật ra trong bản văn gốc nó là
‘ngã Trung Quốc nhân’ (1). Sách triều Nguyễn không xưng là dân Việt mà xưng là
‘dân Hán’, còn người Tàu là ‘Đường nhân’”.
Liên
kết tâm lý phiên thuộc này với giới lãnh đạo CSVN thuộc nhiều thời kỳ, TCĐT nhận
xét: “Cái tâm lí [phiên thuộc], kiến thức
đó âm ỉ trong phần lớn đám cộng sản ngoài Bắc khiến họ thấy thân thiện một cách
tự nhiên khi nhờ cậy [Trung Quốc] từ những năm 1950. Cú xung đột 1979 vì Tàu chận
âm mưu làm bá chủ Đông Dương của nhóm Lê Duẩn kiêu ngạo chiến thắng nhưng chiến
tranh biên giới, Kampuchia làm các anh cũng ê mình, lớp người nối tiếp tất
nhiên không có dũng khí của cha anh nên không những phải chịu Tàu lấn lướt mà
tâm thức phiên thuộc trỗi dậy nên có lời phân trần chính thức của nhà chức
trách Đảng ‘Từ xưa ta cũng phải xưng thần’”.
*
Cái
hội chứng phiên thuộc này được hăng hái kế thừa bởi các lãnh tụ CSVN rất sớm.
Có thể một phần của cái cảm giác “thân thuộc” họ dành cho đất nước Trung Hoa đến
từ thực tế là hầu hết các lãnh tụ tiền phong của đảng CSVN đã sinh sống và hoạt
động ở đây ngay từ những năm 1930. Hội nghị thống nhất các tổ chức CSVN do Nguyễn
Ái Quốc triệu tập và Đại hội Đại biểu Toàn quốc đầu tiên đã diễn ra ở Hong Kong
và Macao thuộc lãnh thổ Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam. Vào đầu những năm
1950, hội chứng Phiên thuộc dưới một dạng thức mới, một tôn ti mới, “đàn anh
đàn em”, ngày càng rõ nét với sự “ngoan ngoãn” của tập đoàn lãnh đạo CSVN trong
việc thực hiện chương trình Cải Cách Ruộng Đất theo chỉ thị của cố vấn Trung Quốc
một cách sít sao. Vào năm
1958, công hàm mà nhiều người cho rằng mang tính bán nước của cố thủ tướng Phạm
Văn Đồng cho thấy tâm lý lệ thuộc tự nguyện của đám chóp bu CSVN đã lên đến cao
độ. Điều này tiếp tục vào năm 1974, khi hải quân Trung Quốc sát hại 74
thủy thủ VNCH và chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Hà nội đã không hề mở
miệng phản đối. Không những vậy, theo nhà báo Bùi Tín, cựu đại tá Quân đội Nhân
dân, cựu phó tổng biên tập nhật báo Nhân Dân, “đồng chí” Lê
Đức Thọ đã trấn an mọi người:
“Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay
ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”.
Làm
thế nào mà một người dân Việt Nam bình thường có thể yên tâm giao trứng cho ác?
Nhiều năm trước khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, một người lính VNCH khác, học
giả Phạm Việt Châu, bút danh của cố Trung tá Phạm Đức Lợi, đã lên tiếng cảnh
báo không chỉ Việt Nam mà toàn thể Đông Nam Á về mối họa Trung Quốc trong chuỗi
bài viết “Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh”
đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa (Sài gòn) trong những năm 1969 – 1974. Một
cách sáng suốt, tác giả chỉ ra rằng “nhân dân Đông Nam Á không có vấn đề Trung
Cộng riêng rẽ mà chỉ có vấn đề Tàu. Tàu thì lúc nào cũng chỉ là Tàu, và cái mưu
đồ theo đuổi tận diệt bằng cách đồng hoá các dân tộc nhỏ yếu xung quanh (dưới
hình thức này hay hình thức khác) từ xưa đến nay cũng vẫn thế”.
Xung
đột biên giới Tây Nam với Campuchia vào nửa sau những năm 1970 dẫn đến cuộc chiến
tranh biên giới phía Bắc do Trung Quốc phát động vào năm 1979 với tuyên bố xấc
xược của Đặng Tiểu Bình “dạy cho [đàn em] Việt Nam một bài học”. Đây thật ra là
cơ hội rất tốt để CSVN gỡ cái tròng băng đảng anh em vô sản quốc tế ra khỏi đầu
mình. Cũng chỉ được một số năm, cho đến khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm quần
đảo Trường sa và sát hại 64 chiến sĩ Việt Nam vào năm 1988. Phản ứng của chính
phủ Việt Nam đối với sự kiện quan trọng này, nhìn ở góc độ bao dung nhất, được
cho là vô cùng yếu ớt. Không bao lâu sau đó, nhiều văn kiện quan trọng (vẫn còn
nằm trong vòng bí mật sau một phần tư thế kỷ) được ký kết giữa lãnh đạo hai nước
tại hội nghị Thành Đô vào tháng 9 năm 1990. Điều đáng lưu ý là vị trưởng lão cố
vấn cho phái đoàn CSVN không ai khác hơn là cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng, người
đã ký công hàm 1958 thừa nhận chủ quyền của TQ trên các đảo Hoàng Sa và Trường
Sa một cách mau mắn! Như vậy,
sau một thập niên tương đối độc lập, giới chóp bu CSVN lại quay về thần phục
thiên triều, không phải vì nhu cầu ích nước lợi dân mà chính vì sự sống còn của
đảng CSVN ngay vào thời điểm hệ thống cộng sản ở Đông Âu đang trên đà sụp đổ.
Đây chỉ là một trong số không ít lần đảng CSVN đặt quyền lợi của mình lên trên
quyền lợi của tổ quốc và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Đúng như sử gia
TCĐT nhận xét, “quyền lợi lớn quá nên không thể để mất đảng…”.
*
Từ
sau hội nghị Thành Đô, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ, đôi khi tự nguyện,
của chính quyền Việt Nam trong một số lãnh vực. Hiệp ước Biên giới (trên đất liền)
năm 1999 vẫn tiếp tục là điều được dư luận nhắc nhở mỗi khi quan hệ Việt-Trung
được mang ra thảo luận. Trong khi phe thân chính quyền khăng khăng cho rằng đây
là một hiệp ước công bằng, bài học địa lý quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh
Nam Bắc vốn luôn luôn có câu “Nước Việt Nam hình cong như chữ S, kéo dài từ ải
Nam Quan đến mũi Cà Mâu” đã không còn đúng với thực tế! Ngoài ra, Việt Nam thường
tỏ ra dè dặt một cách thái quá khi phải đối đầu với Trung Quốc, tránh né đến mức
tối đa việc buộc Trung Quốc phải nhận trách nhiệm trong việc thay đổi hệ sinh
thái sông Mekong, ảnh hưởng vô cùng tiêu cực lên đời sống hàng chục triệu dân ở
vùng đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây, có những bằng chứng cho thấyỦy
ban Sông Mekong do chính quyền lập ra đã sản xuất một báo cáo mà kết
quả đi ngược lại các công trình nghiên cứu quốc tế liên hệ về hậu quả nghiêm trọng
do việc xây cất các con đập ở thượng nguồn sông Mekong (thuộc lãnh Thổ Trung Quốc).
Về
hiểm họa này, từ hơn 15 năm trước, nhà văn, bác sĩ quân y (VNCH) Ngô Thế Vinh,
đã lên tiếng báo động với các “tiểu thuyết dữ kiện” Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (xuất bản
lần đầu năm 2000) và Mekong,
Dòng Sông Nghẽn Mạch (xuất bản lần đầu năm 2007) cùng nhiều bài
biên khảo, tiểu luận liên quan đến hệ sinh thái sông Mekong mà ông cho ra đời
khá thường xuyên. Gần đây nhất là các bài viết “Năm Nay 2015 Không Có Mùa Nước
Nổi” và “Thoi Thóp Trái Tim Biển Hồ - Miền Tây Đau Thắt
Ngực” để chỉ ra cái hiểm họa mà ông và các thân hữu trong Nhóm
bạn Cửu Long lên tiếng báo động từ lâu nay đã trở thành một tai họa có
thật đang giáng xuống đầu người dân vùng châu thổ sông Cửu Long (Việt Nam) và
vùng biển Hồ Tonle Sap (Campuchia). Điều đáng chú ý là bài viết “Thoi Thóp Trái
Tim Biển Hồ - Miền Tây Đau Thắt Ngực” chỉ ra sự ngoan cố của Hun Sen, đương kim
thủ tướng Campuchia, người vẫn khăng khăng bào chữa cho Trung Quốc trong khi bằng
chứng các con đập thượng nguồn ở Trung Quốc là thủ phạm gây ra tình trạng khô
kiệt ở vùng Biển Hồ là điều không thể chối cãi. Xem ra về mặt cúc cung tận tụy
với thiên triều, đảng CSVN nay đã có một đối thủ đáng gờm.
*
Không
ít người cho rằng lần viếng thăm Việt Nam vừa qua của Tập Cận Bình là một cơ hội
rất tốt cho chính quyền Việt Nam gửi đến người cầm đầu Trung Quốc một thông điệp
rõ ràng về “dáng đứng Việt Nam” trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt trong vấn đề
tranh chấp lãnh hải ở biển Đông. Chỉ trong ít ngày trước cuộc thăm viếng, một số
biến cố thuận lợi cho Việt Nam liên tiếp diễn ra. Ngày 27 tháng 10, 2015, khu
trục hạm Lassen của Mỹ xâm nhập vùng “12 hải lý” của đảo nhân tạo Subi thuộc quần
đảo Trường Sa nhằm phủ nhận “chủ quyền” mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố trước
đó. Sau đó ít hôm là vụ Philipines kiện Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông
được tòa án quốc tế đặt ở Hà Lan nhận thụ lý. Kế đến, bộ trưởng quốc phòng Nhật
thăm Cam Ranh, đề nghị tập trận chung v.v… Tuy vậy, dựa trên cách ứng xử của
nhà cầm quyền chung quanh lần viếng thăm của chủ tịch Tập Cận Bình, không có dấu
hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo CSVN đã tận dụng những biến chuyển thuận lợi
này để mạnh dạn đương đầu với áp lực của vị khách đến từ phương Bắc. Theo thiển
ý, hành động đàn áp những người biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh không chỉ
tô đậm thêm hình ảnh tiêu cực của chính quyền Việt Nam về mặt nhân quyền trong
mắt giới quan sát quốc tế mà còn là điều vô cùng thất sách, gây bất lợi cho
công cuộc tranh đấu giành lại chủ quyền biển đảo. Nếu buộc phải né tránh việc
công khai thách đố Tập Cận Bình về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
vì tâm lý Phiên thuộc hay vì một lý do nào khác, Việt Nam vẫn có thể lợi dụng
các cuộc biểu tình này để gián tiếp bày tỏ vị trí của chính quyền và tâm tư của
nhân dân Việt Nam đối với cuộc tranh chấp lãnh thổ đang xảy ra giữa hai quốc
gia. Bằng cách dập tắt những cuộc biểu tình, chính quyền Việt Nam đã không chỉ
vùi dập tiếng nói chính đáng của người dân mà còn tự làm suy yếu tư thế đàm
phán của chính mình.
*
Người
cộng sản, kiêu ngạo một cách vô căn cứ, luôn cho rằng họ xứng đáng hơn bất cứ
ai hết để cai trị đất nước và nhân dân Việt Nam. Những tuyên bố theo kiểu “còn
đảng còn mình” hay “mất đảng mất đảo” cho thấy đối với họ việc đảng này giành độc
quyền lãnh đạo đất nước trong gần ba phần tư thế kỷ là chuyện… trời cho, là mệnh
Trời.
Mệnh
Trời hay mệnh con Trời?
Phùng Nguyễn
11.08.2015
11.08.2015
Ghi chú:
1.
Về
cụm từ “ngã Trung Quốc nhân”, sử gia TCĐT phụ chú là ông “không nhớ rõ [một
cách] chính xác”.
-----------------------
*Các
bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment