Saturday, 21 November 2015

Liên Hiệp Quốc chỉ trích Việt Nam trục xuất người tị nạn (Minh Anh - RFI)





Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày 21-11-2015

Việt Nam và Thái Lan, ngày 20/11/2015, đã bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích vì đã trục xuất người tị nạn. Theo tổ chức quốc tế này, những người bị trao tra có nguy cơ bị “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền”.

Theo tuyên bố của bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với giới báo chí, trong tháng 10/2015, Việt Nam đã bắt giam 9 công dân Bắc Triều Tiên, trong đó có một em bé một tuổi và một thiếu niên. Những người này sau đó đã được chuyển cho chính quyền Trung Quốc – đồng minh chính của Bình Nhưỡng.

Bà Shamdasani lo sợ rằng “những người này có thể đã bị trả về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Họ có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền trầm trọng”. Theo nội dung báo cáo, nhóm người này đến từ thành phố Thẩm Dương, gần với biên giới Bắc Triều Tiên và họ bị bắt tại Việt Nam ngày 22/10/2015. Sau đó những người này đã được trả về cho chính quyền thành phố Đông Hưng, gần với biên giới Việt Nam.

Cũng theo phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc, dường như “nhóm người này đã được chính quyền Bắc Kinh hộ tống đưa đi đâu không ai rõ”. Bà Shamdasani quan ngại là “chín người này có thể đã bị cưỡng bức hồi hương”.

Tuyên bố trên của bà Shamdasani được đưa ra ngay sau khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án các “ hành động vi phạm nhân quyền phổ biến, liên tục và có hệ thống lâu nay tại Bắc Triều Tiên”.

Ngoài ra, phát ngôn viên Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng chỉ trích Thái Lan đã trục xuất không rõ lý do hai công dân Trung Quốc, đã được công nhận quy chế tị nạn, được quyền hưởng chế độ tái định cư ở nước thứ ba.

Phát ngôn viên Phủ Cao ủy tị nạn lấy làm quan ngại rằng “hành động này của Thái Lan chỉ xảy ra vài tháng sau khi nước này bị chỉ trích mạnh mẽ vụ trục xuất 109 người Duy Ngô Nhĩ, một sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi tại Trung Quốc”.

Bà Shamdasani nhắc lại là: “Nguyên tắc không trao trả nghiêm cấm việc cưỡng bức hồi hương một người tị nạn đến từ một quốc gia mà ở đó họ có thể phải đối mặt với các hành động đàn áp hay tra tấn. Nguyên tắc này đã được ghi trong điều khoản 3 của Hiệp ước chống Tra tấn hay những hành động Đối xử hoặc Trừng phạt bạo tàn, vô nhân đạo hay gây tổn thương khác, mà Thái Lan vẫn thường hay sử dụng”.

Cuối cùng, bà Shamdasani kêu gọi chính phủ Việt Nam và Trung Quốc làm rõ số phận những người Bắc Triều Tiên nói trên, đồng thời kêu gọi cả hai chính phủ nên hạn chế việc cưỡng bức hồi hương những công dân bỏ trốn khỏi Bắc Triều Tiên.





No comments:

Post a Comment

View My Stats