Gia
Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-11-11
2015-11-11
Hình ảnh luật sư Trần
Thu Nam và Lê Văn Luân bị đánh ngày 3/11 được đăng tải trên Facebook cá
nhân. Facebook
Công
an Hà Nội vào chiều ngày 10 tháng 11 tiến hành họp báo về vụ việc hai luật sự bị
đánh đến thương tích hôm ngày 3 tháng 11. Đây cũng là vụ việc thúc đẩy hơn 200
luật sư trên cả nước ký tên vào Đơn Kiến nghị gửi Quốc hội về việc góp ý sửa đổi
Bộ Luật Tố Tụng Hình sự, đề nghị bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Kết
luận điều tra
Kết
luận điều tra vụ việc được đưa ra đúng một tuần sau khi xảy ra vụ tám người tấn
công đánh hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân sau khi hai người vừa đi ra
chừng 100 mét từ nhà của nạn nhân 17 tuổi Đỗ Đăng Dư chết do bị đánh trong trại
giam.
Theo
Công an Hà Nội thì nguyên nhân khiến hai luật sư bị đánh là do phóng ô tô gây bụi
trên đường làng. Khi họ bị đánh thì có công an viên của xã đi xe máy qua nhưng
không dừng lại và không tham gia như lời trình bày của hai nạn nhân.
Phản
ứng của luật sư và người quan tâm
Vào
sáng ngày 11 tháng 11, hai nạn nhân là luật sư Trần Thu Nam và luật sư Lê Văn
Luận có thư gửi cho giám đốc công an thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.
Ông này cũng là đại biểu quốc hội hiện nay. Theo đó hai luật sư cám ơn về biện
pháp tiến hành điều tra nhanh chóng vụ việc, thế nhưng theo hai luật sư kết luận
không chính xác và hai luật sư mong được trực tiếp gặp người đứng đầu công an
Hà Nội trong tư cách công dân để làm sáng tỏ vụ việc.
Luật sư Trần Thu Nam cho biết:
“
Chúng tôi sẽ có ý kiến sau nhưng tất cả những sự việc đó là không đúng sự thật.
Chúng tôi đã ghi trong thư cảm ơn gửi ông Nguyễn Đức Chung, giám đốc Công an
Thành phố Hà Nội. Chúng tôi cho rằng việc họp báo công bố từ một phía- căn cứ
vào lời khai từ một phía, thì chưa được khách quan và không đúng sự thật. Tất cả
những điều đó không đúng sự thật cho nên chúng tôi đã ghi trong thư cảm ơn để
ông Chung xem xét thêm. Chúng tôi hiện thời cũng đang soạn thảo những văn bản đề
nghị khởi tố vụ án, đề nghị khởi tố bị can- những người đánh chúng tôi, sẽ công
bố sau.”
Vụ
việc gây bức xúc
Vụ
việc nạn nhân 17 tuổi Đỗ Đăng Dư thiệt mạng do bị đánh trong trại giam Công an
Hà Nội là trường hợp được nêu ra trong Đơn kiến nghị có chữ ký của hơn 200 luật
sư tính đến ngày 10 tháng 11. Theo đơn nêu ra thì sau hơn nửa tháng xảy ra vụ
việc, cơ quan chức năng vẫn chưa cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư;
trong khi ấy theo luật của Việt Nam hiện nay thời hạn qui định là 3 ngày làm việc.
Các
luật sư không được cấp giấy chứng nhận bào chữa và khi đến nhà nạn nhân để tư vấn
pháp luật lại bị hành hung giữa ‘thanh thiên bạch nhật’.
Vụ
này có thể được xem là giọt nước tràn ly buộc nhiều luật sư lên tiếng đòi hỏi
phải điều tra cho ra lẽ vụ việc. Một nhóm luật sư đã yêu cầu được gặp giám đốc
Công an thành phố Hà Nội, đồng thời là một đại biểu quốc hội.
Vai
trò của luật sư lâu nay
Luật sư Trần Vũ Hải, một người ký tên vào
kiến nghị, từng phát biểu về trở ngại mà những người hành nghề luật như ông tại
Việt Nam gặp phải:
“
Giai đoạn điều tra hiện nay, các luật sư hầu như không vào được hoặc bị gây khó
khăn nhiều lắm: từ những ông lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư như ông Phan Trung
Hoài- phó chủ tịch, cho đến những ông khác ai cũng nói rằng bị công an từ chối
6,7 đến chục lần mà chỉ trong một vụ hai năm gần đây thôi. Cá nhân tôi cũng bị
từ chối nhiều lần. Thực tế bị can, bị cáo không từ chối đâu nhưng mà Cơ quan Điều
Tra gây sức ép. Đơn giản hơn nữa là họ không thèm trả lời yêu cầu cấp giấy chứng
nhận cho chúng tôi. Đó là vấn đề hiện nay cơ quan điều tra của công an ở các địa
phương và đặc biệt Bộ Công an đang không tạo điều kiện cho các luật sư thực hiện
nhiệm vụ của mình.”
Luật sư Lê Công Định chỉ ra vai trò quan
trọng của một người luật sư trong xã hội, nhất là những nơi có một nhà nước pháp
quyền, thượng tôn luật pháp:
“Có
thể nói luật sư và ngành công tố là hai trụ cột chính của một nền công lý quốc
gia. Thiếu một trong hai thì công lý không thể có, đặc biệt là trụ cột luật sư.
Lý do vì sao? Vì công tố- bên buộc tội, luôn dựa vào sức mạnh công quyền có sẵn
để truy tố những ai xét về mặt luật pháp vi phạm trật tự công cộng, gây nguy hiểm
cho xã hội. Tuy nhiên thường những cá nhân liên quan đến tố tụng hình sự họ
luôn ở vào thế yếu và do đó họ luôn cần có bênh vực về phương diện pháp lý, do
vậy vai trò luật sư rất quan trọng. Suốt chiều dài lịch sử thì quyền bào chữa,
quyền biện hộ các bị cáo trong những vụ án hình sự rất quan trọng, cho nên vai
trò luật sư cũng được xem xét là quan trọng như một định chế để bảo vệ quyền
con người.”
Tuy
nhiên cũng theo luật sư Lê Công Định
thì lâu nay tại Việt Nam vẫn còn bất cập lớn như sau:
“Ở
Việt Nam chúng ta biết định chế luật sư được tái lập khoảng năm 1989 cho đến
nay cũng đã từng bước phát triển, tuy nhiên đoàn luật sư và liên đoàn luật sư
Việt Nam vẫn còn bị lệ thuộc sự quản lý của Nhà nước và tệ hại hơn họ còn chịu
sự quản lý của các cấp ủy đảng ở địa phương và ở trung ương nữa. Như trường hợp
luật sư Võ An Đôn, một tỉnh ủy viên có thể yêu cầu can thiệp, việc xử lý một luật
sư…”
Thông
tin cho biết trong kỳ họp quốc hội cuối cùng của khóa 13 này, các đại biểu sẽ
thông qua bộ Luật Tố tụng Hình sự ( sửa đổi), nên các luật sư như ông Trần Vũ Hải
hy vọng sẽ có những thay đổi phù hợp giúp người luật sư thực thi hiệu quả vai
trò của họ.
Luật sư Trần Vũ Hải phát biểu:
“
Mọi người đang hy vọng Bộ Luật Tố tụng Hình sự mà sẽ được thông qua mà kỳ họp
quốc hội đang bàn sẽ có điều luật sẽ giải thoát cho các luật sư khỏi những khó
khăn, và các luật sư hy vọng rằng vai trò của mình sẽ tốt hơn so với trước. Họ
sẽ có những công cụ có khả năng bảo vệ những quyền lợi chính đáng của các bị
can, bị cáo.”
Kiến
nghị của các luật sư sau khi chỉ ra sự nhiêu khê, khó khăn trong việc cấp giấy
chứng nhận bào chữa nêu rõ kiến nghị là một thông điệp nói lên nguyện vọng của
giới luật sư và những người hành nghề luật. Họ ‘mong muốn có một vị thế lớn
hơn, có vai trò tiếng nói lớn hơn trong hệ thống chính quyền trên định hướng
xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách thể chế cũng như cải cách hệ thống chính
trị.”
Trao,
gửi kiến nghị với chữ ký của nhiều người đồng thuận đang là phương phức bày tỏ
ý kiến của nhiều người tại Việt Nam. Dù rằng trong thời gian qua có nhiều kiến
nghị không được cơ quan chức năng phúc đáp, thế nhưng những người tham gia cho
rằng đó là trách nhiệm công dân trong việc xây dựng xã hội tiến bộ và bảo vệ mọi
quyền lợi chính đáng của người dân thuộc mọi thành phần và lãnh vực nghề nghiệp
khác nhau.
---------------------
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment