Friday, 25 September 2015

Trung Hoa, Một Con Hổ Đang Mang Thương Tích, Có Thể Phản Công (Aaron Friedberg và Gabriel Schoenfeld - Los Angeles Times)





Aaron Friedberg và Gabriel Schoenfeld  -  Los Angeles Times
09/21/2015

 Từ bao lâu nay quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Hoa (ĐCSTH) được dựa trên bốn cột trụ chính: sự phát triển về kinh tế, lòng yêu nước cực đoan, sự đàn áp bằng bạo lực, và ý thức hệ cộng sản. Cột trụ thứ tư cuối cùng hầu như đã mục nát hoàn toàn khi Trung Hoa tự do hóa nền kinh tế, với khẩu hiệu như “Lý Thuyết Marx-Lenin Vô Địch Muôn Năm” bị thay thế bởi khẩu hiệu “Làm Giàu Là Vinh Quang.” Giờ đây, cột trụ thứ nhất cũng đang bắt đầu bị lung lay.

        Mọi người đang chú mục theo dỏi thị trường chứng khoáng Trung Hoa đang xoay vòng. Cơn xuống dốc thảm hại của thị trường chứng khoáng và biện pháp phá giá bất ngờ đồng nhân dân tệ (renminbi) đã làm rung chuyển những thị trường chứng khoáng trên thế giới. Người ta đang lo sợ là một cuộc chiến tranh tiền tệ (currency war) sẽ xãy ra cũng như việc Trung Hoa có thể sẽ theo đuổi những chính sách thương mại nhằm làm cho các nước lân bang nghèo khó đi (beggar-thy-neighbor trade policies).

        Xét vì chỉ có 1% Tổng Sãn Lượng Nội Địa (TSLNĐ – GDP) của chúng ta bắt nguồn từ các giao dịch thuơng mại với Trung Hoa, nền kinh tế Hoa Kỳ chắc sẽ không hề hấn gì. Tuy nhiên, những biến động trong mùa hè vừa qua có thể nhanh chóng đưa đến những biến chuyển gây đe dọa cho nền hòa bình tại Á Châu cũng như tạo nên một thử thách về chiến lược cho Tây Phương.

        Nền kinh tế Trung Hoa đã phát triển chậm hơn trước trong một thời gian khá lâu. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, mức phát triển kinh tế trung bình hàng năm của Trung Hoa cao hơn 10%. Nhưng trong những năm gần đây, mức phát triển chỉ quanh quẩn ở mức 7% — nếu người ta có thể tin tưởng những con số thống kê của nhà nước; mà thường thì các con số đó không đáng tin chút nào. Người dân Trung Hoa đã bắt đầu cảm thấy các hậu quả. Cả chính phủ Trung Hoa cũng cảm thấy điều đó, khi thanh danh của chính phủ, vốn từng được xem là một nhà quản lý kinh tế tài ba, đang xuống giốc song song cùng lúc với hình ảnh trong biểu đồ đo độ sụt giảm của mức phát triển TSLNĐ.

        Tập Cận Bình, lên cầm quyền vào năm 2012, nhất quyết đánh bóng uy tín của giới lãnh đạo trong lãnh vực quan trọng này. Họ Tập nổ lực làm hai điều. Điều đầu tiên là thi hành chiến dịch bài trừ tham nhũng, nhằm mua chuộc cảm tình của công chúng nhưng đồng thời cũng là một phương tiện để thanh trừng loại bỏ các phần tử đối lập về chính trị. Ba năm sau khi bắt đầu chiến dịch, vị chủ tịch nước Trung Hoa đã gây nhiều thù chuốc nhiều oán. Có rất nhiều người cay đắng căm thù họ Tập. Những kẻ thù này, vốn là những người từng có quyền cao chức trọng, căm thù khi gia sản và gia đình họ lâm vào hiễm họa.

        Điều thứ hai họ Tập làm là tìm nhiều cách để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế Trung Hoa. Một biện pháp mà ông ta ưa chuộng là đẩy thị trường chứng khoán đi lên; ông ta hứa hẹn là biện pháp đó sẽ mang đến cho Trung Hoa cả thịnh vượng cá nhân lẫn thịnh vượng quốc gia. Ngay trước khi có những rung chuyển báo động sự sụp đổ của thị trường chứng khoáng vào tháng 6, các cơ quan thông tin nhà nước đã khuyến khích toàn dân mua chứng khoán;

        Khi thị trường chứng khoán Trung Hoa đi lên, đối với những đồng sự của họ Tập trong Bộ Chính Trị (Politbureau) thì đó là một thành quả thiên tài; hàng triệu người trở nên giàu sụ trên giấy tờ, và ĐCSTH có công làm nên điều đó. Thế nhưng giờ đây, đối với những đồng sự đó, và đối với bao nhiêu nhà đầu tư đang méo mặt, đó lại là một hành vi quản trị tệ hại, kém cỏi vô cùng.

        Những hành động của Trung Hoa đã gây nên sự báo động về tài chánh trong toàn cỏi Á Châu và từ đó đã khuyến khích các nước trong vùng hợp tác với nhau để cố gắng kềm chế con hổ đang càng ngày càng hung tợn.

        Mất đi ý thức hệ và quản lý kinh tế, hai trong bốn cột trụ nâng đở quyền lực, đến giờ phút này, ĐCSTH chỉ còn lại có hai cột trụ cuối cùng, đàn áp bằng bạo lực và lòng yêu nước cực đoan.

        Vì thế họ Tập đã thẳng tay đàn áp những người chống đối, bắt giữ những người chủ trương dân chủ (democracy advocates), các chuyên gia về môi trường (environmentalists), các luật sư, những người cổ vủ quyền hạn cho các nhóm dân thiểu số, và bất cứ ai khác có thái độ hay lời lẻ xung khắc với chế độ. Cùng một lúc, họ Tập đẩy mạnh chiến dịch thu hút sự ủng hộ của người dân trong nước bằng cách quấy nhiểu các nước lân bang, nhất là người Nhật Bản “đáng ghét”. Trong ba năm qua, Trung Hoa đã đơn phương công bố vùng định danh phòng không (air-defense identification zone) phía trên các hòn đảo mà Nhật Bản xem là của họ, đưa giàn khoan dầu đến hoạt động ngoài khơi Việt Nam, và xây dựng một lô các đảo nhân tạo với trang bị quân sự tại các địa điểm chiến lược trong vùng biển nam Trung Hoa.

        Những hành vi trên đã tạo ra tình trạng báo động tại các quốc gia ở Á Châu, khiến nhiều nước tăng cường binh lực và bắt tay hợp tác trong nổ lực kềm chế con hổ càng ngày càng hung hăng.

        Tinh thần hiếu chiến của Trung Hoa, được xem như là một chính sách an ninh quốc gia, cuối cùng có thể bị thất bại. Thật vậy, người ta không thể giải thích được những việc làm của Trung Hoa nếu không để tâm đến những vấn đề nội địa đang xãy ra. Họ Tập và ĐCSTH phải trả giá cho những đối kháng bên ngoài nhưng được cái lợi là củng cố được gọng kềm cai trị bên trong Trung Hoa.

        Một số quan sát viên cho rằng điều hay là Trung Hoa đang lâm vào nghịch cảnh. Họ nghĩ rằng khi một nước bận bịu nhiều với những vấn đề nội địa, nước đó sẽ kém hung hăng hơn, và những nước khác sẽ không cần đến nhiều biện pháp ngoại giao, kinh tế, và quân sự để đối phó với nước đó. Điều đó là điều mộng tưởng vì căn bản là những quan sát viên đó không hiểu được những động lực chính trị trong nội địa Trung Hoa.

        Những cuộc xung đột trong và ngoài Trung Hoa có nhiều triển vọng sẽ xãy ra tương đồng với tầm vóc mức độ của cuộc khủng hoảng trong nước mà ĐCSTH phải đương đầu. Không phải ngẩu nhiên mà Trung Hoa dám đưa tàu chiến vào hải phận Hoa Kỳ gần Alaska trong tháng này, đó là một điều chưa hề xãy ra.

        Mặc dù theo đuổi chính sách “xoay trục” tại Á Châu, mà Hoa Kỳ đã khoe khoang nhiều nhưng lại chẳng làm được bao nhiêu, Hoa Kỳ không sẵn sàng chuẩn bị để đối phó với thử thách là duy trì hòa bình trong vùng Thái Bình Dương. Hiện nay mối hiểm họa mà chúng ta phải đương đầu càng ngày càng trở nên nặng nề. Những mối khắc khoải đã gậm nhắm các nhà lãnh đạo Trung Hoa từ bao thập niên qua giờ đây đang thúc đẩy lòng hiếu chiến của một cường quốc đang lên. Sự thất bại trong thị trường chứng khoán, xãy ra ngay lúc nền kinh tế vừa bắt đầu xuống  dốc, đã làm cho một vết xây sát nhỏ trở thành một khối u to lớn.

*
*
Aaron Friedberg, giáo sư chính trị học tại Đại Học Princeton, là tác giả quyển sách “Cuộc Thi Đua Giành Ưu Thế: Trung Hoa, Hoa Kỳ, và Cuộc Tranh Đấu Để Đạt Quyền Làm Chủ Tại Á Châu.”
Gabriel Schoenfeld, học giả nghiên cứu (senior fellow) tại Hudson Institute, là chuyên gia về tình báo và an ninh quốc gia.

(TĐG phỏng dịch)

Muốn đọc bản chính bằng tiếng Anh, xin đến:






No comments:

Post a Comment

View My Stats