Thu, 09/17/2015 - 10:39 —
nguyenvubinh
Trong bất cứ xã hội
nào, người cầm bút luôn là những người được tôn trọng. Với đặc trưng nghề nghiệp,
phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, để người dân tham khảo từ đó đưa ra các quyết
định phù hợp cho bản thân và gia đình. Ở các xã hội dân chủ, với các định chế tự
do ngôn luận và tự do báo chí, việc phản ánh trung thực hiện thực khách quan, sự
thật là công việc thường ngày của những người cầm bút. Có thể có lúc này lúc
khác, họ phải đối mặt với hiểm nguy, phải cân nhắc sự lợi hại trong việc đưa
tin trung thực, hoặc có những quyết định dũng cảm để nói ra sự thật. Tuy nhiên,
đó chỉ là những trường hợp cá biệt mà thôi.
Ngược lại, đối với các xã hội độc tài, nhất là độc tài toàn trị cộng sản, những
người cầm bút không có may mắn như vậy. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, dưới tác động
của những thay đổi lớn từ khi hội nhập nền kinh tế, dưới sức ép của quốc tế, với
sự đấu tranh kiên trì của những người bất đồng chính kiến và quan trọng
nhất với sức lan tỏa của hệ thống Internet toàn cầu, của các mạng xã hội, đặc
biệt là mạng xã hội Face books, nhà cầm quyền Việt Nam đã phải từng bước thỏa
hiệp và nhường lại một phần không gian cho truyền thông phi chính thống. Chúng
ta nhận thấy, các báo, tạp chí thậm chí các kênh thông tin bằng âm thanh, hình ảnh
của người dân, của phong trào dân chủ đã xuất hiện và đi vào hoạt động (chủ yếu
trên Internet) khá đều đặn, ổn định. Không những vậy, với mạng xã hội face
books, mỗi người dân lại trở thành những người thông tin, thậm chí viết bài chủ
động với các thể loại vô cùng phong phú, đa dạng. Có thể nói, tự do ngôn luận ở
Việt Nam đã có bước thay đổi về chất, mặc dù chưa được hoàn toàn chuyển hóa
thành tự do báo chí. Chính vì vậy, vấn đề trách nhiệm của người cầm bút cần được
đặt ra. Tất nhiên, chúng ta đều hiểu, những người cầm bút chỉ là hình ảnh tượng
trưng, bao gồm những người viết bài và những người đưa thông tin bằng âm thanh,
hình ảnh, vv...
Có thể nói, trách nhiệm lớn nhất, quan trọng nhất của người cầm bút là phản ánh
sự thật, nói lên sự thật hay còn gọi là phản ánh trung thực hiện thực khách
quan. Đây là tiêu chí số một, không cần bàn cãi đối với bất cư người cầm bút có
lương tri nào. Tuy nhiên, ở các xã hội cộng sản nói chung, và cộng sản Việt Nam
nói riêng, ngoài những vấn đề về sinh hoạt, việc hiểu được sự thật không phải
là một việc dễ dàng. Bởi vì, tất cả sự thật đã bị bưng bít, bị bóp méo phục vụ
cho việc tuyên truyền. Không những thế, mọi hoạt động của con người, mọi lĩnh vực
của đời sống xã hội đều nằm trong sự kiểm soát và nhào nặn của hệ thống tuyên
truyền kéo dài gần một thế kỷ. Chính vì vậy, để giải thích được sự vận
hành của sự thật, ăn khớp với các diễn biến đang diễn ra là một việc cực kỳ khó
khăn. Có thể có những ví dụ sinh động, năm 1997, ở tỉnh Thái Bình, có trên 95%
đảng bộ (xã) đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch vững mạnh. Nhưng cũng năm đó,
trên 70% số xã của tỉnh Thái Bình đã tham gia khiếu kiện tập thể về sự tham
nhũng của các quan chức, đảng viên các địa phương. Sự kiện này đã gây chấn động
cả nước về quy mô và tính chất phản kháng của người dân đối với nhà cầm quyền địa
phương trên khắp địa bàn tỉnh Thái Bình. Một ví dụ khác, mới chỉ cách đây hơn một
năm, chúng ta còn hân hoan với các con số về tăng trưởng, về số tiền và dự án đầu
tư vào Việt Nam, vv... nhưng đùng một cái, các thông tin được tiết lộ, số nợ
công của chính phủ và doanh nghiệp nhà nước đã gấp rưỡi, gấp đôi GDP và hoàn
toàn không có khả năng thanh toán. Còn một ví dụ giản dị hơn mà người dân rất
hay được chứng kiến. Đó là vấn đề tăng giá xăng dầu, chỉ mới tối hoặc ngày hôm
trước, có quan chức lên ti vi khẳng định giá xăng dầu sẽ không tăng, thì ngày
hôm sau, giá đã tăng ngất ngưởng.
Tóm lại, người cầm bút muốn phản ánh được sự thật thì cần phải có những hiểu biết,
những kiến thức và bản lĩnh để tìm ra, phát hiện sự thật bị vùi lấp, bóp méo để
đưa đến cho người dân, bạn đọc. Người dân cần những sự thật như thế, để hiểu được
tại sao số phận họ và con em họ lại nghiệt ngã, bế tắc và tăm tối như vậy.
Một trách nhiệm quan trọng không kém của người cầm bút là đứng về phía nhân
dân, bảo vệ sự thật. Chúng ta đều biết, đối với xã hội độc tài toàn trị cộng sản,
nói lên sự thật, phơi bày sự thật là đối kháng lại với nhà cầm quyền hiện nay.
Đồng thời, nói lên sự thật cũng đồng nghĩa với việc đứng về phía người dân, những
người bị áp bức. Nhưng bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải sự xuyên tạc, chụp mũ và đàn
áp của nhà cầm quyền khi nói lên sự thật. Vì vậy, cần phải bảo vệ sự thật mà bản
thân họ đã phản ánh, và đó là quá trình gian khổ, không hề dễ dàng. Nhận thức
được điều này, mới giúp người cầm bút đi tới cùng đến với sự thật, đến với nhân
dân.
Gần đây, có một nhà báo của tờ Thanh Niên điện tử đã bị mất chức do việc viết
bài trào phúng trên trang face books cá nhân của mình. Đây là việc xử lý hoàn
toàn cảm tính, không theo các quy định pháp luật vì việc chia sẻ trên mạng xã hội
face book là việc cá nhân, không liên quan tới đơn vị công tác, tới công việc.
Vậy nhưng, trên 700 tờ báo chính thống, và hàng chục vạn nhà báo có thẻ ở Việt
nam đã không dám đứng lên bênh vực đồng nghiệp. Điều lạ là những nhà báo nhân
dân, phi chính thống và cộng đồng mạng lại vạch ra những sai trái trong việc xử
lý nhà báo này. Việc bảo vệ nhà báo này, chính là bảo vệ sự thật, đứng về phía
người bị áp bức phi lý, đó cũng là trách nhiệm của người cấm bút.
Trong bối cảnh người dân ít nhiều được cất lên tiếng nói như hiện nay, sự hiểu
biết, bản lĩnh và nhất là lập trường dứt khoát đứng về phía người dân sẽ giúp
cho người cầm bút tạo lập được vị thế và uy tín trong lòng độc giả. Những người
có trách nhiệm với ngòi bút của mình, cũng chính là có trách nhiệm với lương
tâm, nhân cách của họ và họ xứng đáng được tôn vinh trong giai đoạn bùng nổ
truyền thông phi chính thống hiện nay./.
Hà Nội, ngày 16/9/2015
N.V.B
No comments:
Post a Comment