Wednesday, 2 September 2015

Tiến sỹ Nguyễn Quang A: ‘Tôi đã bị bắt cóc’ (VOA Tiếng Việt)





02.09.2015

Tiến sỹ Nguyễn Quang A rời phi trường Nội Bài sau 15 tiếng bị câu lưu.

Ông Nguyễn Quang A, một người tranh đấu cho xã hội dân sự ở Việt Nam, cho biết đã bị câu lưu “trái phép”, và sẽ nhờ luật sư để chấm dứt “một lần và mãi mãi những sự vi phạm hết sức là trắng trợn” ở sân bay và cửa khẩu.

Tiến sỹ có tiếng nói trái chiều với nhà nước cho biết ông bị lực lượng an ninh giữ 15 tiếng ở sân bay Nội Bài hôm 1/9, khi trở về Việt Nam từ Hoa Kỳ.

Ông A nói rằng việc làm đó là “bất hợp pháp và là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn”. 

Ông kể lại với VOA Việt Ngữ về vụ việc: “Họ hỏi duy nhất một điều. Họ nói có thấy ảnh trên mạng là tôi đi các nơi khác nhau ở Mỹ, và gặp gỡ những người như Trịnh Hội, anh Công ở trên San Jose, anh Khanh, đài RFA, anh Hoàng Tứ Duy trong một bữa ăn ở Virginia, và những người khác. Họ bảo rằng những người này là những người phản động, đại diện cho những người chống đối nước Việt Nam, đảng khủng bố…"

Ông cho biết thêm: "Họ nói tại sao anh lại đi tiếp xúc, có mối quan hệ và móc nối với những người ấy. Và tôi bảo họ rằng họ đã bắt cóc tôi vào một nơi gọi là đồn công an của sân bay Nội Bài với lý do để xem xét hộ chiếu của tôi hết hạn hay không hết hạn. Lời mời và cách bắt cóc như thế hoàn toàn bất hợp pháp. Họ dúi vào tay tôi một lời mời làm việc và tôi bảo với họ rằng lời mời như thế tôi không chấp nhận. Và tôi đã không chấp nhận lời mời thì tôi sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi gì”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ban quản lý sân bay Nội Bài để hỏi về trường hợp câu lưu Tiến sỹ A.

Tin tức cho hay, hàng chục nhà hoạt động ở trong nước đã ra phi trường quốc tế ở huyện Sóc Sơn để tìm cách “giải cứu” ông A.

Một số đoạn video ngắn cho thấy có sự xô đẩy và to tiếng giữa họ với lực lượng được cho là “an ninh chìm”.

Blogger Đoan Trang, một trong những người có mặt tại nơi xảy ra sự cố, viết trên trang Facebook cá nhân: “Mọi người yêu cầu cho gặp lãnh đạo, hoặc ít nhất cũng là một cá nhân có thẩm quyền chịu trách nhiệm về vụ câu lưu. Song lực lượng an ninh chỉ đáp lại bằng nắm đấm, cái tát (đánh lén) và những tiếng quát "đi ra", "giải tán"...

'Có niềm tin hơn'

Tiến sỹ A cho biết ông “rất cảm kích” về sự ủng hộ của các nhà hoạt động xã hội khác, và điều đó giúp ông “có niềm tin hơn vào việc mình làm” và “có niềm tin hơn vào giới trẻ Việt Nam”.

Khi được hỏi sẽ làm gì tiếp sau “sự cố” trên, ông A nói: “Chắc chắn là tôi sẽ phải nhờ luật sư xem xét lại tất cả những hành vi của họ để tiến hành một cái hoạt động pháp lý gì đấy. Có thể không phải chỉ một mình tôi mà cùng với cả những người khác để làm minh bạch vấn đề này để vạch rõ những việc làm trái luật, vi phạm nhân quyền một cách hết sức là trắng trợn của chính cơ quan được cho là bảo vệ pháp luật, chấp pháp của Việt Nam này để chấm dứt một lần và mãi mãi những sự vi phạm hết sức là trắng trợn như trường hợp của tôi. Đó là việc bắt giữ, câu lưu người hết sức vô căn cứ ở sân bay và ở cửa khẩu”.  

Không chỉ bị chặn lại khi trở về Việt Nam, thời gian qua, tin cho hay, có nhiều trường hợp các nhà hoạt động xã hội bị “tịch thu hộ chiếu” và “cấm xuất cảnh”.

Hồi tháng Năm, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người khởi xướng trang web Bauxite Việt Nam, cho biết ông và người thân đã bị ngăn sang Mỹ để thăm gia đình từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Chi khi ấy đã “không ký và không đồng tình” với “Biên bản về việc chưa cho xuất cảnh”.

Theo một danh sách không chính thức do các nhà hoạt động thu thập, những năm vừa qua, có ít nhất 70 người đã bị chặn lại tại sân bay, không cho đi nước ngoài.

“Họ đang thành lập một hội của những người như vậy để tiến hành những biện pháp pháp lý đối với các cơ quan liên quan của Việt Nam để buộc phải chấm dứt những hành động rất là phi lý đó”, ông A cho biết.







No comments:

Post a Comment

View My Stats