Saturday, 19 September 2015

THẾ NƯỚC ĐANG LÊN ? (FB Mạnh Kim)






Trong bài “Việt Nam thế nước đang lên” đăng trên Nhân Dân (30-8-2015), tác giả Hồ Quang Lợi viết: “Trong lúc thế giới bất ổn nghiêm trọng vì chiến tranh và xung đột, nhiều quốc gia rơi vào những cơn binh lửa thì Việt Nam được coi là “xứ sở của bình yên”… Tuy nhiên, Việt Nam đang sống trong một không khí hòa bình như thế nào? Có bình thường không, khi chúng ta sống trong một đất nước yên ổn không chiến tranh nhưng cùng lúc cũng vắng bóng dáng những “cuộc chiến” cần thiết để giúp xã hội phát triển, thay vì ngồi “thanh thản, nhàn nhã” với tư duy tự sướng cũ mòn chẳng dính dáng đến việc xây dựng quốc gia?

Việt Nam, thời điểm này, như thế này: gần như không có cuộc chiến bản quyền nào giữa các công ty trong nước; không có cuộc cạnh tranh nảy lửa liên quan cuộc chiến bằng sáng chế; không có cuộc đấu đá sống chết giành giật thị trường của các tập đoàn công nghệ kỹ thuật cao lẫn “kỹ thuật thấp”; không có cuộc chạy đua nóng hổi giữa các nhà nghiên cứu; không có cuộc quyết đấu sống mái giữa các trường đại học về sáng tạo; không có công trình nghiên cứu khoa học gây chú ý dư luận khu vực; không có công trình nghiên cứu hàn lâm nào được sách báo nước ngoài trích dẫn… Một sự bình yên, lặng lẽ và thản nhiên. Đến rợn người!

Reuters (15-9-2015) vừa công bố danh sách 100 đại học có chỉ số sáng tạo hàng đầu thế giới do họ xếp hạng. Các hạng mục được căn cứ để “chấm điểm” gồm các bài viết nghiên cứu có tính học thuật, số lượng hồ sơ đăng ký bản quyền bằng sáng chế… Đứng đầu danh sách là Đại học Stanford, nơi đóng góp xã hội nhiều doanh nhân lừng lẫy tạo ra những doanh nghiệp đa quốc gia khổng lồ trong đó có Hewlett-Packard, Google và Yahoo. Một nghiên cứu năm 2012 cho biết, giới doanh nhân tốt nghiệp Stanford đã mang lại doanh lợi toàn cầu trị giá 2,7 ngàn tỉ USD/năm!

Đứng thứ hai là Massachusetts Institute of Technology (MIT). Trong lịch sử 150 năm, MIT “cung cấp” 80 khoa học gia đoạt Nobel; 56 người giành Huy chương khoa học quốc gia; 28 người giành Huy chương sáng tạo-kỹ thuật quốc gia…

Đứng thứ ba là Harvard, nơi sản sinh 47 khoa học gia Nobel; 32 nguyên thủ và 48 người đoạt Pulitzer. Ngôi thánh đường đại học 379 tuổi này nhận khoảng 6.700 nghiên cứu sinh mỗi năm; hơn 1 triệu sinh viên từ 195 quốc gia đăng ký tham gia chương trình học trực tuyến miễn phí HarvardX…

Một điều rất đáng chú ý là vị trí hạng 10 thuộc về Viện khoa học-kỹ thuật cấp tiến Hàn Quốc (KAIST), nơi mà năm nay (2015) vừa giành được giải thưởng 2 triệu USD từ chương trình robot mô phỏng con người do Bộ quốc phòng Hoa Kỳ tổ chức…

Một bài báo trên National Interest (8-9-2015) cho biết, Hải quân Hoa Kỳ vừa công bố kế hoạch đối phó tên lửa diệt hạm của Trung Quốc. Bắt đầu từ năm tài khóa 2017, Mỹ sẽ triển khai chương trình phòng thủ “Offensive Anti-Surface Warfare Increment II” nhằm thay thế hệ thống Boeing RGM-84 Harpoon. Cụ thể, hệ thống tên lửa diệt hạm tầm xa (Long Range Anti-Ship Missile) sẽ được hoàn thiện với thế hệ tên lửa đời mới Tomahawk Block IV (có đường kết nối vệ tinh hai chiều giúp nó tái lập mục tiêu ngay trên đường bay để tấn công mục tiêu khác thay vì mục tiêu được lập trình trước đó). Tomahawk Block IV được nâng cấp kỹ thuật liên lạc, đầu đạn mạnh hơn và thiết bị dò mục tiêu được thiết kế để có thể phát hiện mục tiêu di động trên biển lẫn đất liền trong bóng đêm và trong mọi điều kiện thời tiết…

“Bắn chậm thì chết” – slogan này là câu bùa chú được áp dụng ngay cả trong thời bình và không chỉ với giới quân sự. Nó được áp dụng trong gần như mọi lĩnh vực, từ thương trường đến nghiên cứu khoa học. Chẳng ai chấp nhận tình trạng dậm chân tại chỗ. Phải tiến lên và tiến liên tục. Bằng năng lượng của tư duy sáng tạo. Bằng tâm lý luôn biết xấu hổ và nhục nhã khi là kẻ về nhì. Nó không bao giờ đến từ, hoặc đạt được, bằng những cách nói mụ mị tự vuốt ve “bản ngã” chẳng hạn “thế nước đang lên”. Khi vẫn còn mải miết rổn rảng với những “hoa ngôn”, cái gọi là “national identity” của quốc gia tự mãn đó sẽ luôn đóng khung với hình ảnh một đất nước ngập chìm trong vũng lầy hôi thối của lạc hậu và nghèo nàn.








No comments:

Post a Comment

View My Stats