Sunday, 20 September 2015

Thấy gì qua việc Thái lan bắn tàu cá của ngư dân Việt nam? (Kami)





Sun, 09/20/2015 - 11:21 — Kami

Việc tàu tuần tra của Cảnh sát Biển (CSB) Thái Lan ngày 11/9/2015, đã nã súng vào các tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến 1 người chết và 02 người bị thương nặng là một vụ việc hết sức nghiêm trọng. Đây không chỉ là hành động vô nhân đạo và không phù hợp với thông lệ quốc tế, mà còn ảnh hưởng tới mối quan hệ hữu nghị của Việt nam và Thái lan. Cho dù rằng sự việc này đã xảy ra tại vị trí sâu trong hải phận Thái lan 27 hải lý .

Có lẽ trước áp lực của truyền thông quốc tế và Việt nam nên gần một tuần sau, ngày 17/9/2015 phía chính quyền Thái lan mới chính thức lên tiếng về vụ việc này. Tuy vậy, phía Thái Lan khẳng định rằng lực lượng CSB Thái Lan đã bị các tàu cá Việt nam chống trả trong lúc họ làm nhiệm vụ kiểm tra, bắt giữ và họ chỉ có ý định bắn cảnh cáo vì bị 6 tàu cá Việt Nam hợp sức để tấn công tàu tuần tra.

Mới đây, báo Giáo dục VN online có bài viết: "Bao che, khuyến khích sử dụng vũ lực, chính quyền Thái Lan có quá đà?" trong đó có đoạn cho rằng "Hành động của cảnh sát biển Thái Lan bắn vào tàu cá, giết và làm bị thương ngư dân Việt Nam khi đánh bắt tại vùng biển giáp ranh giữa ba nước Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là hành động man rợ cần phải lên án." và "Lời lẽ ngụy biện của Tư lệnh cảnh sát biển Thái Lan cho thấy hành động bắn vào ngư dân nước ngoài trên biển của cảnh sát Thái đã được chỉ đạo từ cấp cao nhất, liệu đó có phải bao gồm cả chỉ đạo từ cấp Chính phủ.". Việc bài báo lên án ở đoạn trích đầu thì có thể tạm chấp nhận được, tuy có điểm cho rằng vụ việc đó xảy ra tại vùng giáp ranh là chưa đúng. Song ở đoạn trích thứ 2 thì có lẽ là quá hồ đồ và hơi vội vàng. Điều này có thể phương hại đến quan hệ ngoại giao giữa Việt nam - Thái lan. Vì vậy xin được nói rõ lại như sau:

Truyền thông Việt Nam nói gì?

Hầu hết truyền thông Việt nam đã dẫn lời kể của các ngư dân Kiên giang cho biết, trưa 11/9/2015, khi ba cặp tàu cào đôi của ngư dân Kiên Giang đang đánh bắt ngoài khơi, đã bị tàu tuần tra của CSB Thái lan rượt đuổi. Trong lúc các tàu của Việt Nam hoảng sợ bỏ chạy thì chiếc tàu tuần tra nói trên tiếp tục đuổi và đã nổ súng khiến ông Ngô Văn Sinh, 38 tuổi, chết tại chỗ. Cuộc rượt đuổi kéo dài suốt 3 giờ còn khiến hai ngư dân khác bị thương nặng. Các ngư dân Việt nam đều khẳng định, họ đã bị bắn từ phía sau trong quá trình đang bị tàu tuần tra của Thái lan rượt đuổi.

Báo Nhân Dân đưa tin về vụ cảnh sát biển Thái Lan nổ súng tấn công truy đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam như sau: “Vụ nổ súng đã khiến thuyền trưởng tàu KG94059 TS Ngô Văn Sinh chết tại chỗ, thuyền trưởng tàu KG94811 TS Nguyễn Hùng Cường bị trúng đạn vào đùi phải và ngư phủ Trần Văn Sang bị trúng đạn vào đùi chân trái. Cảnh sát Thái Lan bắt giữ tàu KG94005 TS, trói các thủy thủ, đánh thuyền trưởng bằng báng súng và lấy đi tất cả những thiết bị, vật dụng có giá trị trên tàu. Tuy nhiên, khi phát hiện đã bắn chết người, tàu Thai Police 528 đã thả tàu KG94005 và các thủy thủ về Việt Nam. .. Tuy nhiên, theo kết luận điều tra của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, vào ngày 11-9, chiếc tàu Thái-lan mang số hiệu Thai Police 528 đã liên tục truy đuổi và nổ súng vào các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá trên vùng biển chồng lấn giữa ba nước Việt Nam, Thái-lan và Malaysia. Trong khi đuổi, qua bộ đàm một người trên tàu Thai Police 528 nói bằng tiếng Việt "Tàu Việt Nam dừng lại, không dừng lại sẽ bắn chết".”.

Tuy vậy, sau cùng theo VnExpress cho biết, Đại tá Phạm Văn Sáng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, chiều 15/9 cho biết các tàu cá Việt Nam đã vi phạm hải phận nước bạn. Tuy nhiên, hành động xả súng vào tàu cá Việt Nam là phi nhân đạo, vi phạm luật pháp quốc tế.

Và ngày 17/9/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên án hành vi đối xử vô nhân đạo của tàu Thái Lan đối với tàu cá Việt Nam ngày 11/9, khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Đồng thời Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu nhà chức trách Thái Lan điều tra, xử lý nghiêm những người tấn công tàu cá Việt Nam.

Truyền thông quốc tế nói gì?

Việc tàu tuần tra của Cảnh sát Biển Thái Lan bắn vào các tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến 1 người chết và 02 người bị thương nóng lên vào ngày 16/92015, khi hãng tin Reuters có một bản tin nói về vụ việc này. Theo đó, Reuters đã dẫn lời Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát Biển Thái lan, Thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn thừa nhận cảnh sát Thái-lan đã truy đuổi và nổ súng vào các thuyền đánh cá của Việt Nam hồi tuần trước. Tuy vậy, Thiếu tướng Grittapol cho biết, ông không nắm được thông tin về thương vong trong vụ đụng độ và nói rằng cảnh sát Thái lan chỉ nổ súng để tự vệ khi bị nhiều tàu cá Việt Nam bao vây và tìm cách đâm va. Nói với Reuters qua điện thoại, ông Grittapol khẳng định rằng: “Chúng tôi không có ý định giết ai cả. Chúng tôi chỉ bắn vài phát súng cảnh cáo về phía mũi thuyền từ khoảng cách 100 m. Tàu cá của Việt Nam đã xâm nhập trái phép vào vùng biển Thái-lan và cảnh sát buộc phải bắt giữ họ”.

Tuy vậy, một bản tin của Đài Á Châu tự do đã tường trình khá chi tiết về sự việc này, do Đại úy CSB Rath Tharachatkul phó chỉ huy CSB tiểu khu Narathiwath Thái Lan là đơn vị quản lý và là nơi trực tiếp xảy ra vụ việc. Theo đó Đại úy CSB Rath Tharachatkul cho biết cụ thể như sau:
"Vụ việc này xảy ra ngày 11/9/2015, khi tàu số hiệu P. 528 của CSB Thái Lan đang tiến hành tuần tra trong hải phận Thái Lan cách bờ biển tỉnh Narathiwath khoảng 40 km đã bắt gặp 1 tàu cá Việt Nam tại khu vực cách đảo Loshin khoảng 10 hải lý, đang sử dụng lưới đôi để đánh vét cá. Ngay lập tức CSB Thái Lan đã dùng loa để thông báo cho tàu cá Việt Nam biết rằng đã xâm nhập trái phép lãnh hải của Thái Lan. Sau đó, họ đã áp sát tàu cá nói trên để tiến hành kiểm tra theo quy định, đồng thời cử 1 sĩ quan và 4 nhân viên CSB sang tàu cá nói trên để bắt giữ thuyền trưởng tàu cá.
Ngay lập tức tàu cá Việt Nam đã dùng vô tuyến điện để gọi 05 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trong khu vực đó đến giải vây, và các tàu cá mới đến đã dùng tàu cá đâm thẳng vào tàu CSB của Thái Lan. Vì thế chúng tôi phải bắn vào tàu cá nói trên nhưng chỉ với mục đích để dọa và để buộc họ phải chấm dứt hành vi đó. Ngay sau đó cả 5 nhân viên CSB Thái Lan đã trở về tàu của mình và cho tàu quay về. Đây không phải là lần đầu những tàu cá Việt Nam có hành động chống lại tàu CSB Thái Lan như vậy, cách đây 2 năm đã xảy ra tình trạng tương tự và 01 sĩ quan CSB Thái Lan trong quá trình kiểm tra bị tàu cá Việt Nam bắt đưa đi và mất tích."

Phía Thái lan có phản ứng thế nào?

Tuyền thông Thái lan cũng khá im lìm về thông tin của vụ việc này, phần lớn trên các trang báo hoặc các đài truyền hình vấn đề này chỉ được đưa với các bản tin ngắn. Cho dù tại cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Tư lệnh CS Hoàng gia Thái Lan chiều ngày 17/9/2015, Đại tướng Tư lệnh Cảnh sát Somyot Pumpanmuang đã chính thức nói với báo chí về vụ việc này như sau: "Theo báo cáo của Tư lệnh CSB Hoàng gia Thái Lan cho biết, địa điểm xảy ra sự việc là bên trong lãnh hải của Thái Lan và tàu cá Việt Nam mỗi khi bị bắt giữ thì thường dùng vô tuyến điện để gọi báo cho các thuyền bạn đến và dùng bạo lực để giải cứu, nhằm đe dọa lực lượng tuần tra, hòng chạy thoát. Lực lượng CSB Thái Lan không có ý định bắn giết ngư dân Việt Nam mà chỉ bắn để cảnh cáo."

Tuy vậy, ngay ngày hôm sau ngày 18/9/2015 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái lan Praweet Wongsuwan trả lời phỏng vấn của báo chí, với một thái độ khá nóng nảy ông Praweet Wongsuwan đã cho rằng: "Vào lúc này có lẽ phía Thái lan không cần phải biện minh gì thêm về việc tàu Cảnh sát Biển bắn vào tàu cá của ngư dân Việt nam, bởi vì thực tế vụ việc đã diễn ra như thế nào đến nay cũng chưa được làm rõ. Lực lượng Cảnh sát Biển báo cáo rằng họ bị tàu cá Việt nam bao vây, nên buộc họ phải nổ súng để tự vệ để giải thoát, đồng thời theo họ đây là chuyện bình thường, không phải là chuyện lớn. Tôi bảo họ rằng, mọi chuyện phải được làm rõ và đang điều tra. Tôi đã ra lệnh bàng mọi giá phải làm rõ việc này để hiểu sự thật của sự việc."

Và ngay lập tức sau đó ít giờ đồng hồ, truyền thông thái lan đã đưa tin cho biết, Đại tướng Somyot Pumpanmuang, Tư lệnh CS Hoàng gia Thái Lan đã ra lệnh cho Cục Điều tra trung ương của Cảnh sát Thái lan điều tra làm rõ việc tàu CSB Thái lan bắn vào tàu cá Việt nam. Vì theo ông đến lúc này các thông tin đều xuất phát từ truyền thông của Việt nam và Thái lan, đặc biệt là thông tin về số người chết và bị thương. Đồng thời ông cũng cho biết rằng cho đến lúc này phía chính quyền Việt nam hoàn toàn chưa liên hệ với cảnh sát Thái lan để tìm hiểu sự thật của vụ việc.

Điều đó có nghĩa là, phía Thái lan coi đây là một vụ việc nghiêm trọng và họ đã quyết định làm sáng tỏ chứ không hoàn toàn có chuyện họ "Bao che, khuyến khích sử dụng vũ lực" như một số báo Việt nam giật tít, cho dù hiện nay ở Thái lan vẫn đang được quản lý của một chính quyền quân sự.

Vài điều muốn nói thêm

Do tình trạng cạn kiệt của nguồn hải sản ở các vùng biển vốn là ngư trường truyền thống ở Việt Nam, song vì kế sinh nhai nên đã có không ít ngư dân Việt Nam phải liều mình để xâm nhập trái phép lãnh hải các quốc gia láng giềng để đánh bắt hải sản. Nhưng điều đáng nói ở đây rằng hầu hết các tàu cá Việt nam không chỉ vi phạm lãnh hải của các quốc gia khác, mà họ dùng cách đánh bắt kiểu dùng giã cào đôi với động cơ công suất lớn. Cũng bởi vì họ chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên đi tác động đến môi trường và tận diệt nguồn hải sản. Đây là điều pháp luật của các nước, kể cả Việt nam đều cấm, vì cách đánh bắt kiểu này làm phá hoại nguồn lợi thủy sản, phá vỡ hệ sinh thái môi trường gần bờ, đồng thời kéo phăng và xé toạc toàn bộ ngư lưới cụ của những ngư dân khác. Thậm chí, tất cả san hô, rong tảo, cá nhỏ, cá to, tôm, ghẹ và cả những con cá hố dài bằng sải tay đều nằm gọn trong đáy lưới. Đây là điều ngư dân Thái lan rất ghét ngư dân Việt nam, vì họ cho rằng hình thức đánh bắt bằng giã cào này được coi là chẳng khác nào tận diệt theo kiểu đánh bắt bằng thuốc nổ hoặc xung điện.

Qua lời kể của Đại úy CSB Rath Tharachatkul phó chỉ huy CSB tiểu khu Narathiwath Thái Lan cũng có nhiều điểm khuất tất, không rõ ràng khi họ cho rằng họ buộc phải bắn khi bị các tàu cá Việt nam hợp sức tấn công tàu của họ, song khi sự việc kết thúc thì họ mới trở về tàu tuần tra để cho tàu quay về. Đồng thời, việc tàu CSB Thái lan trả tự do cho tàu cá KG94005 và các thủy thủ về Việt Nam sau khi bị bắt giữ và tịch thu hết tài sản trên tàu cho thấy có điều gì không ổn. Hy vọng phía Thái lan sẽ làm rõ để xử lý nghiêm khắc nếu có. Tuy vậy, các cáo buộc cho rằng các tàu cá Việt nam đã hợp sức để chống trả lực lượng tuần tra của CSB Thái lan thì có nhiều người có mặt tại hiện trường chứng kiến. Điều này sẽ không khó để chứng minh.

"Giọt máu đào, hơn ao nước lã", người Việt thì mình không thương xót cho đồng bào của mình thì thương ai? Hơn nữa ở đây, đồng bào mình là những ngư dân cực khổ, đáng thương. Tuy vậy, việc nổi đóa hay giận dữ để viết ra những lời lẽ quy chụp, suy diễn của các nhà báo ở báo Giáo dục Việt nam là điều hoàn toàn không nên. Các bạn nên hiểu, Thái lan là một quốc gia có nền tư pháp khá nghiêm khắc và độc lập, họ không chịu bất cứ áp lực nào từ phía chính phủ, và hoàn toàn không giống như Việt nam.

Ngày 20/9/2015
© Kami

--------------------------------
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.







No comments:

Post a Comment

View My Stats