Thu, 09/17/2015 - 19:07 — canhco
Trong khi lãnh tụ các quốc gia khác có những hành động
gần dân thì lãnh tụ Việt Nam lại thích gần với nghị quyết, với lý thuyết cộng
sản và nhất là gần với chủ trương xã hội chủ nghĩa.
Mỗi lần đi đâu làm gì, những chiếc loa phường thu nhỏ
ấy lại phát biểu như mở lại cái loa cho dân chúng nghe còn khuôn mặt, nét biểu
cảm, nụ cười … giống như những chiếc mặt nạ bằng sáp, bóng nhẫy và trơ lì đến độ
khó hiểu. Tại sao một cơ thể có sự sống bên trong lại tự trang bị cho mình chiếc
mặt nạ của người chết như vậy?
Người chết ấy là Lenin, là Hồ Chí Minh và ngay cả Chủ
nghĩa xã hội vừa mới sinh ra cũng đã chết non tự thuở nào rồi.
Còn người sống thì hình như các bậc minh quân đời
nay có vẻ lảng tránh, càng xa càng tốt. Lảng tránh vì nếu lỡ miệng nói vô mà
làm không được thì không biết xử sao cho tiện.
Chẳng hạn như “mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh”
mà người dân đang nghêu ngao hát khi dắt xe bì bõm trên con đường từ sở về nhà.
Cái cảnh lụt trên cạn năm nay hình như hơn vài năm trước nhưng người dân không
biết kêu ai. Họ biết quá rõ hệ thống này vì không ai là người trách nhiệm cả. Mọi
ông quan lớn nhỏ đều có cách trả lời rập khuôn với nhau, những chiếc khuôn đúc
từ thời cải cách ruộng đất nay vẫn tỏ ra vừa vặn với mọi tình huống.
Hỏi ông giám đốc hệ thống thủy lợi thành phố thì báo
chí đã hỏi rồi. Ông ấy nói chắc như đinh đóng cột rằng đến năm 2020 thì sẽ
không còn lụt lội trong thành phố thân yêu của chúng ta nữa. Nói thế cho vuông
vì suy cho cùng thì ông ta cũng chỉ là tép riu, có quyền lực gì mà giải quyết một
vấn nạn to đùng như cơn hồng thủy hiện nay cho được.
Ông to hơn là UBND thành phố thì nói phải cần gần 70
ngàn tỷ mới có thể thu vén nước “vào một mối”. Ý của mấy ông này thì người dân
biết tỏng, ra giá cho trung ương, các anh không chi hay chi không đủ thì bọn
này không làm. Nói theo kiểu bài phé, thấu cáy xem ai là người lạnh chân chạy
trước.
Nhưng mấy ông Sài Gòn lầm tợn. Trung ương là ai mà dễ
bị bắt nọn vậy các ông? Họ là trời phật, là thánh thần là thượng đế chứ nào phải
người phàm mắt thịt mà các ông hăm dọa? Các thượng đế đang vắt trán suy nghĩ
chuyện to lớn chứ hơi sức đâu mà để ý tới vụ lụt lội. Có ai chết không? Có ai
vì nước ngập mà mất nhà mất cửa không? Có trường học nào bị đóng cửa vì ngập
không? Có quán bia ôm nào ế không thay thậm chí có tiệm cà phê nào vì ngập mà
lên giá không? Có ông nào bị ngập cả ba chân mà mất khả năng chi trả cho vợ
không?
Đấy, tất cả những câu hỏi rất…kinh tế, rất sát sườn
này không có câu trả lời nào phủ định cả thì chúng tôi tại sao lại bận tâm tới
chứ?
Chúng tôi còn phải lo sang Nhật, sang châu Âu xin tiền
về lo hạ tầng cơ sở cho mấy người nữa kia. Nhà cháy phải chữa từ nóc, tiền xin
về phải có nơi bỏ vào, không lẽ lại bỏ vào cái lỗ đen khổng lồ của Sài Gòn mà
quên đi khuôn mặt cần phải tu sửa, tân trang là các con đường xa lộ thênh thang
sẽ nói lên sự phồn vinh của đất nước hay sao?
Chúng tôi lo tầm vĩ mô còn chuyện nước nôi thì các
người cứ tự lo lấy vậy.
Nhà nước là “của dân, do dân, và vì dân”, câu nói
kinh điển này không bao giờ phai lạt. “Của dân” thì liệu mà vun quén, tại sao
vung tay quá trán cho nhiều vào bây giờ lụt lội lại than thân trách phận. “Do
dân” là như vậy đấy, hãy tự xét lại xem do dân là gì há chẳng phải là do các
ông bà đã không tự biết quyền hạn của mình nên chúng tôi phải tự bơi vào chiếc
ghế này trong khi các người không một lời tha thiết thì nay kêu gào ai nữa?
“Vì dân” là ý nói tới chúng tôi. Này nhé, nếu không
vì các vị thì chúng tôi làm gì phải lê lết ăn xin khắp chốn như vậy? Vì dân là
thế, nhưng sự hy sinh nào cũng có giới hạn của nó. Bảo nhà nước lạnh nhạt và vô
tư trước các công trình công cộng thì cũng đúng phần nào nhưng trên tổng thể nó
còn những lý do khách quan khác mà nhà nước chưa khắc phục được. Chẳng hạn như
muốn làm hệ thống thoát nước cho hiệu quả thì khoa học kỹ thuật của ta chưa xứng
tầm đành phải nhờ cậy bạn bè bốn phương. Mà bạn bè thân thiết có tiền bạc, có
khả năng nhất là…Trung Quốc thì các người lại đãi bôi, chê khen này khác.
Còn Nhật thì làm cái gì cũng đòi hỏi đúng tiêu chuẩn
quốc tế. Họ không chịu hiểu hoàn cảnh của chúng ta là chưa theo kịp những chuẩn
mực ấy trong thời gian hiện nay, họ đòi phải công khai, phải minh bạch thì lấy
đâu ra trong khi cả hệ thống của chúng ta cũng công khai minh bạch trong nội bộ
lắm rồi. Công khai ra hết để bọn xấu lợi dụng đánh phá còn thời giờ đâu mà xây
dựng chủ nghĩa xã hội?
Bọn xấu đầy rẫy ra đấy chứ nào phải ít ỏi gì. Ngay
cái tượng đài của bác được dựng lên tại Sơn La để người dân tộc anh em trên đó
thỏa lòng khao khát thì bọn xấu lại nói là phung phí, mượn cớ tham nhũng đục
khoét. Có ai chứng minh được số tiền 1.400 tỷ là quá dư so với công trình kiến
trúc đồ sộ mà nhân dân Sơn La ao ước muốn được thấy hay không?
Người nghèo thì nhiều như trấu làm sao giải quyết một
ngày một bữa mà hết? Tại sao không trang điểm bên ngoài một chút để gây
thanh thế với thế giới, để họ hiểu rằng ta không tôn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
chỉ bằng cái miệng mà chúng ta hết lòng hết sức vì sự nghiệp của người, (viết
hoa).
Nước lên rồi nước sẽ xuống. Dân ướt thì có lúc sẽ
khô, chỉ có chúng tôi là trăm bề khó khăn, khốn đốn.
Ăn không no vì lo cho dân mà nào ai hiểu. Bọn xấu lại
nói là chúng tôi tiệc tùng thái quá nên trời phạt bao tử bị dội thực. Chúng tôi
không sợ ai đến nỗi phải nói lời dối trá cả, chỉ lo cho thân phận người dân nước
Việt thua kém người ta mà sinh ra quẩn trí.
Nỗi lo ấy cộng thêm với Hội nghị Trung ương thứ 12 gần
kề càng làm cho anh em chúng tôi thao thức.
Hãy suy nghĩ kỹ lại đi, các người chỉ lội nước có một
khúc mà la trời la đất. Chúng tôi đã và đang lội ngược dòng cuộc sống mà có ai
đưa tay ra kéo phụ một khúc hay chưa?
Rõ chán.
No comments:
Post a Comment