Trọng Nghĩa - RFI
Đăng
ngày 16-09-2015 14:55
Chủ tịch VN Trương Tấn
Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lần viếng thăm Bắc Kinh
03/09/2015 - REUTERS
Một hôm sau khi Đảng
Cộng sản Việt Nam công bố bản dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ được thảo luận nhân
Đại hội lần thứ 12 dự trù mở ra vào đầu năm tới 2016, nhật báo Hồng Kông South
China Morning Post số ghi ngày hôm nay, 16/09/2015 đã nêu bật khả năng Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình công du Việt Nam vào cuối năm nay với ý kiến của hai
chuyên gia cho rằng rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách tác động đến giới
lãnh đạo Việt Nam vào thời điểm đó.
Nhật
báo Anh ngữ rất có uy tín tại Hồng Kông trước tiên hết đã ghi nhận một khả năng
hiếm thấy hoàn toàn có thể xẩy ra : Việt Nam sẽ phải đón tiếp gần như vào cùng
một thời điểm lãnh đạo của hai cường quốc bậc nhất thế giới hiện nay là Tổng thống
Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cho
đến nay, ngày giờ chính xác của hai chuyến thăm này chưa được xác định chắc chắn,
nhưng theo SCMP, một số nguồn tin tại Bắc Kinh đã tiết lộ rằng mới đây, Trung
Quốc đã quyết định là ông Tập Cận Bình sẽ đi thăm Việt Nam trong khoảng thời
gian từ nay đến cuối năm, và đó sẽ là chuyến công du Việt Nam đầu tiên của một
Chủ tịch Trung Quốc trong 10 năm gần đây.
Theo
các nhà phân tích, thời điểm cụ thể rất có thể là vào tháng 11 khi hai Hội nghị
Thượng đỉnh có Trung Quốc tham dự cùng diễn ra, Hội nghị ASEAN tại Malaysia, và
Hội nghị APEC tại Philippines.
Vấn
đề là Tổng thống Mỹ Barack Obama, trên nguyên tắc, cũng đi dự hai Hội nghị đó,
nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương tại
Manila, một cơ chế do chính Mỹ sáng lập, và rất có thể là ông sẽ ghé thăm Việt
Nam vào thời điểm đó.
Việc
đón tiếp gần như đồng thời cả lãnh đạo Mỹ lẫn Trung Quốc sẽ đặt ra cho Việt Nam
một bài toán cân bằng ngoại giao tế nhị, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội muốn
xích lại gần Washington hơn nữa để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh tại Biển
Đông, nhưng lại không thể coi nhẹ Trung Quốc vì lệ thuộc Bắc Kinh quá nặng về
kinh tế.
Sự
việc lại càng phức tạp hơn vào lúc quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc cũng có phần căng
thẳng hơn với việc Washington tố cáo Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, đe dọa quyền
tự do lưu thông trên biển, trong lúc Bắc Kinh lại lên án chính sách xoay trục của
Washington qua vùng Châu Á Thái Bình Dương, bị coi là nhằm vây chặn Trung Quốc.
Theo
giới quan sát, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất có thể sẽ tranh thủ dịp đến
Đông Nam Á dự các hội nghị để chiêu dụ thêm một số nước, hóa giải chiến lược bị
cho là vây chặn của Mỹ.
Đối
với ông Hứa Lợi Bình (Xu Liping), một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học
Xã hội Trung Quốc, kể cả trong trường hợp ông tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh
APEC tại Manila do thái độ kịch liệt chống hành vi của Trung Quốc trên Biển
Đông của Philippines, Chủ tịch Trung Quốc « vẫn sẽ đi thăm Việt Nam ».
Phải
nói rằng bang giao Việt-Trung vừa trải qua một giai đoạn sóng gió sau vụ Trung
Quốc mang giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng thềm lục địa Việt Nam vào
tháng Năm 2014, và việc cải thiện trở lại quan hệ chỉ mới bắt đầu trong thời
gian gần đây, với những khó khăn nhất định do việc các thành phần gọi là « thân Bắc Kinh » trong giới lãnh đạo
Việt Nam tạm thời bị thất thế.
Trong
tình hình đó, chuyên gia Trung Quốc được tờ SCMP trích dẫn, không loại trừ khả
năng ông Tập Cận Bình lợi dụng chuyến thăm Việt Nam để tiếp sức cho giới chủ
trương quan hệ hữu hảo hơn với Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội chuẩn bị
Đại hội Đảng lần thứ 12 và bầu ra một giàn lãnh đạo mới :
« Một chuyến thăm cấp
cao của một lãnh đạo Trung Quốc rất cần thiết khi Việt Nam sẽ có một ban lãnh đạo
mới vào năm tới… Điều quan trọng là ông [Tập Cận Bình] có thể tiếp xúc với tất
cả các lãnh đạo Việt Nam, và điều đó có thể có ảnh hưởng nhất định nếu ông
‘khích lệ’ những gương mặt ủng hộ Bắc Kinh. »
Giáo sư Carl Thayer,
chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc thì có nhận định thẳng thừng hơn. Đối với
ông, Trung Quốc ngoài miệng lúc nào cũng nói rằng nguyên tắc đối ngoại của họ
là « không can thiệp », thế nhưng trong quá khứ, Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách
lèo lái việc Việt Nam chọn lãnh đạo.
Lần này cũng sẽ như
thế. Theo Giáo sư Thayer, « Ông Tập Cận Bình cũng sẽ muốn sử dụng chuyến đi này
để ảnh hưởng đến Đại hội Đảng, và để ngăn chặn không cho [Việt Nam] di chuyển về
phía Mỹ ».
---------------------------
BBC
16-9-2015
Các
nguồn tin cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ sang thăm Việt Nam cuối
năm nay cùng khoảng thời gian với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Báo
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hong Kong và một nguồn tin của BBC nói thời điểm
cho các chuyến thăm này nhiều khả năng là nửa sau tháng 11.
Tờ
báo tiếng Anh của Hong Kong nhận định việc trùng hợp giữa hai chuyến đi của
hai nguyên thủ có thể gây phiền toái cho nước chủ nhà, vốn đã phải tìm cách cân
bằng quan hệ với hai cường quốc nói trên.
Hai
ông Tập và Obama được cho sẽ đến Hà Nội trong hai khoảng thời gian riêng rẽ,
nhưng khoảng cách quá gần nhau sẽ là vấn đề, theo một nhà bình luận khu vực.
Ông
Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo khu vực khác sẽ có mặt tại Philippines để
tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình
Dương (18/11-19/11).
Giới
phân tích được Bưu điện Hoa Nam tham vấn nói có lẽ ông sẽ tới Việt Nam quanh
khoảng thời gian này.
Ông
Obama cũng được trông đợi sẽ tới Việt Nam trên đường tới Manila.
Tẩy
chay Apec?
Quan
hệ giữa Trung Quốc và Philippines gần đây trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề
chủ quyền ở Biển Đông.
Đặc
biệt là sau khi Manila quyết định mang Bắc Kinh ra tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc
về yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, thì bất đồng giữa hai bên lại tiến
thêm một nấc mới.
Báo
chí Philippines thậm chí đã dự đoán rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không tới
Manila tham dự Apec.
Tuy
nhiên chuyên gia từ Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc Từ Lệ Bình nói với
báo Hong Kong rằng theo ông, ông Tập sẽ đi Philippines tham dự Apec, và
"ngay cả khi không dự Apec, ông ấy vẫn sẽ đi Việt Nam".
Một
trong những lý do, theo ông Từ, là vì Đảng CSVN đang chuẩn bị cho Đại hội XII
vào đầu năm 2016.
"Một
chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Trung Quốc là rất cần thiết khi Việt Nam sẽ
có dàn lãnh đạo mới vào năm tới."
Giới
quan sát nhận định ông Tập Cận Bình sẽ nhân chuyến đi mà khẳng định quan hệ
mật thiết với Việt Nam, nhất là các thành phần thân Bắc Kinh trong giới lãnh
đạo ở Hà Nội và gây ảnh hưởng tới kỳ Đại hội Đảng, ngăn chặn xu hướng xích lại
gần Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment