LS Nguyễn Văn Đài, viết từ Hà Nội
2015-09-17
2015-09-17
Quyền tự do hội họp, lập hội của công dân được qui định
trong điều 10 trong bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam vào năm 1946. Và cho tới
ngày 20 tháng 5 năm 1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ký sắc lệnh
số 102/SL/L004 để ban hành Luật về Hội. Tiếp theo các bản Hiến pháp 1959, 1980,
1992 đều ghi nhận quyền tự do lập hội. Và bản Hiến pháp mới năm 2013 qui định
quyền tự do lập hội tại điều 25.
Trải qua gần 70 năm kể từ khi quyền lập hội được xác
nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên thì công dân Việt Nam vẫn chưa được tự do và
tự nguyện thành lập lên các hội đoàn, các tổ chức, đảng phái chính trị của
mình.
Có rất nhiều các tổ chức hội đã được thành lập trong
thời gần 70 năm, nhưng đó là các tổ chức hội đoàn của nhà nước, do nhà nước
thành lập để thực hiện các mục tiêu chính trị của đảng cầm quyền, không phải
theo mục đích và ý chí của Nhân dân. Các tổ chức này nhận sự tài trợ từ ngân
sách, chịu sự kiểm soát về hoạt động cũng như về nhân sự của cơ quan nhà nước
và đảng cầm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước có quyền can thiệp vào hoạt động
cũng như nhân sự lãnh đạo của các tổ chức hội đoàn. Điều này làm mất đi bản chất
của tổ chức hội là tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của các thành viên.
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã đưa dự thảo Luật về Hội
ra xin ý kiến Nhân dân. Với tư cách là một công dân, một luật sư đã hoạt động
trong lĩnh vực nhân quyền từ năm 2000. Tôi đưa ra những nhận xét, đánh giá
riêng của mình về các qui định trong bản dự thảo Luật về hội.
Theo đó, Dự thảo luật về hội đã trao cho cơ quan quản
lý nhà nước quyền can thiệp quá sâu vào quá trình thành lập, nhân sự và hoạt động
của hội. Dự thảo luật đã không tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện, tự chịu
trách nhiệm của tổ chức hội, và nhằm mục đích hạn chế, kiểm soát quyền tự do
thành lập hội.
Đồng thời các qui định này cũng đi ngược với luật
pháp quốc tế. Theo đó, lời nói đầu của Nghị quyết 15/21 của Hội đồng Nhân quyền
khẳng định: “Quyền tự do lập hội là một trong những thành tố thiết yếu của xã hội
dân chủ".
“Các
qui định xâm phạm trực tiếp đến quyền tự do lập hội”
1/ Khoản 3 điều 9 qui định về điều kiện thành lập Hội: “Lĩnh vực hoạt động
chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp
pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”.
Qui định này sẽ hạn chế các tổ chức mới được thành lập
sau này. Bởi các hội do chính quyền thành lập trước đó đã bao quát hầu hết các
lĩnh vực của đời sống xã hội. Qui định này cũng không tạo ra sự cạnh tranh
trong hoạt động hợp pháp của các tổ chức hội. Qui định này tạo ra sự độc quyền
và độc đoán của các tổ chức hội do nhà nước thành lập. Qui định này đã tước quyền
tự do lựa chọn hay thành lập tổ chức hội theo nhu cầu của công dân.
Bởi vậy, cần phải loại bỏ khoản 3 điều 9.
2/ Khoản 1 điều 10: “Công dân, tổ chức VN có nhu cầu thành lập hội phải dự
kiến danh sách những người tham gia ban vận động hội, đề nghị cơ quan nhà nước
có thẩm quyền công nhận ban thành lập hội”.
Ban vận động thành lập hội có ý nghĩa quyết định đến
việc thành lập hội. Ban vận động thành lập hội mà không được chính quyền công
nhận thì hội sẽ không bao giờ được thành lập. Qui định này buộc ban vận động
thành lập hội phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là vô lý. Đây
sẽ là điều kiện để chính quyền loại bỏ ngay từ đầu những người tham gia thành lập
hội mà chính quyền không ưa thích.
Để đảm bảo quyền tự do thành lập hội thì Ban vận động
thành lập hội chỉ cần gửi danh sách đăng ký với cơ quan có thẩm quyền mà không
cần có văn bản chấp thuận.
Bởi vậy, khoản 1 điều 10 phải được sửa lại như sau:
“Công dân, tổ chức VN có nhu cầu thành lập hội phải dự kiến danh sách những người
tham gia ban vận động hội, danh sách được gửi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền
mà không cần có văn bản chấp thuận”.
3/ Khoản 4 điều 21 qui định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và
bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội”.
Việc bầu người đứng đầu hội là do đa số các thành
viên của hội tự do lựa chọn và quyết định. Cơ quan quản lý nhà nước không có
quyền can thiệp vào công việc nội bộ của hội. Và không có quyền công nhận hay
bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội.
Bởi vậy, cần phải hủy bỏ khoản 4 điều 21 ra khỏi dự
thảo luật.
“Các
qui định can thiệp thô bạo vào thủ tục, hồ sơ và quá trình thành lập hội”
4/ Khoản c điều 11 qui định: “Trong hồ sơ đăng ký thành lập hội phải có Quyết
định công nhận danh sách thành viên ban vận động thành lập hội”;
Khoản 1 điều 10 đã được sửa đổi, nên phải loại bỏ
khoản c điều 11.
5/ Khoản d điều 11 qui định: “phải có danh sách và đơn đăng ký tham gia hội
của công dân, tổ chức”.
Qui định này là không cần thiết, đơn đăng ký tham
gia hội thuộc quyền lưu trữ của tổ chức hội. Cơ quan quản lý nhà nước không cần
giữ các đơn đăng ký tham gia hội của công dân. Nên loại bỏ khoản d điều 11.
6/ Khoản 3 điều 13 qui định: “Ban lãnh đạo hội phải gửi báo cáo kết quả đại
hội, đề nghị công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội đến cơ quan nhà
nước có thẩm quyền”.
Khoản 4 điều 13 qui định:“Cơ quan nhà nước có thẩm
quyền công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội”.
Qui định này cho phép cơ quan nhà nước can thiệp quá
sâu vào tổ chức hội. Điều lệ hội và người đứng đầu hội là do đa số các thành
viên của hội thông qua và bầu lên. Bởi vậy không cần cơ quan quản lý nhà nước
công nhận.
Qui định tại khoản 3 của điều 13 này cần phải sửa lại:
“Ban lãnh đạo hội phải gửi thông báo kết quả đại hội, điều lệ và chức danh người
đứng đầu hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Hủy bỏ qui định tại khoản 4
điều 13.
7/ Vì khoản 3 của điều 13 phải được sửa đổi và khoản 4 phải bị hủy bỏ. Do vậy
phải bỏ qui định về thẩm quyền công nhận điều lệ và người đứng đầu hội trong
khoản 1 điều 14.
Các qui định tiếp theo dưới đây can thiệp vào quá
trình hoạt động của hội.
8/ Khoản 6 điều 20 qui định: “30 ngày trước khi đại hội, ban lãnh đạo hội
phải gửi thông báo bằng văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được
tổ chức đại hội khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Qui định này cho phép cơ quan quản lý nhà nước can
thiệp vào các hoạt động nội bộ của tổ chức hội. Qui định này vi phạm nguyên tắc
hoạt động độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức hội.
Ban lãnh đạo hội chỉ cần gửi thông báo về thời gian,
địa điểm diễn ra đại hội của tổ chức hội. Không cần phải có ý kiến chấp thuận của
cơ quan quản lý nhà nước.
Do vậy phải hủy bỏ khoản 6 điều 20 ra khỏi dự thảo.
9/ Trong khoản 7, 8 điều 20 lập lại qui định theo khoản 3,4 của điều 13. Do
vậy phải hủy bỏ khoản 7,8 của điều 20.
10/ Điều 27 qui định việc tạm đình chỉ hoạt động của hội: Khoản d điều 27
qui định việc tạm đình chỉ hoạt động khi hội tổ chức đại hội mà chưa có ý kiến
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do khoản 6 điều 20 phải hủy bỏ, nên khoản d điều 27
cũng phải hủy bỏ.
Khoản đ, điều 27 qui định: “Hết thời hạn 06 tháng kể
từ ngày nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu hội giải quyết
mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhưng hội không giải quyết để tranh chấp kéo
dài”.
Việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ hội
sẽ do ban lãnh đạo và các thành viên tự giải quyết. Việc không thể giải quyết
mâu thuẫn, tranh chấp bằng hòa giải nội bộ thì sẽ chuyển sang giải quyết tại
tòa án theo thẩm quyền.
Cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp vào vấn
đề này. Do vậy cần phải hủy bỏ khoản đ điều 27 ra khỏi dự thảo luật.
11/ Điều 31. Nội dung quản lý nhà nước về hội.
Bỏ thẩm quyền công nhận điều lệ và người đứng đầu hội
ở khoản 2;
Bỏ thẩm quyền quản lý việc ký kết, thực hiện thỏa thuận
quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế của hội, triển khai các hoạt động đối ngoại,
tiếp nhận viện trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Bởi qui định này cho phép cơ quan quản lý nhà nước
can thiệp quá sâu vào hoạt động độc lập của hội.
12/ Điều 32. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hội
Qui định này trao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trong
khoản 4 và UBND cấp huyện trong khoản 5 về việc công nhận điều lệ và người đứng
đầu hội.
Các qui định này cần phải bãi bỏ vì nó cho phép cơ
quan quản lý nhà nước can thiệp vào nội bộ của tổ chức hội. Vi phạm nguyên tắc
tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của tổ chức hội.
Kết
luận:
Qua các phân tích trên cho thấy dự thảo luật về hội
chưa tôn trọng quyền tự do lập hội của Nhân dân.
Các qui định trong dự thảo luật về hội hạn chế các
công dân, tổ chức Việt Nam thành lập các hội mới có lĩnh vực hoạt động chính
trùng với các hội thành lập trước đó. Bởi chỉ khi có nhu cầu thì công dân và tổ
chức Việt Nam mới tiến hành thành lập hội nhằm mục đích thỏa mãn các nhu cầu
sinh hoạt của mình. Trong khi các hội đã được thành lập trước đó không phù hợp
hay không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của họ.
Dự thảo luật về hội đã trao cho cơ quan quản lý nhà
nước quyền can thiệp quá sâu vào quá trình thành lập, nhân sự và hoạt động của
hội. Dự thảo luật về hội đã không tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện và tự
chịu trách nhiệm của tổ chức hội.
Rất rõ ràng, dự thảo luật về hội nhằm mục đích hạn
chế, kiểm soát quyền tự do thành lập hội của công dân. Đồng thời các qui định
này cũng đi ngược với luật pháp quốc tế.
Lời nói đầu của Nghị quyết 15/21 của Hội đồng Nhân
quyền có viết: “Quyền tự do lập hội là một trong những thành tố thiết yếu của
xã hội dân chủ. vì nó cho phép các thành viên "bày tỏ quan điểm chính trị,
tham gia vào các mục tiêu văn học và nghệ thuật và các hoạt động kinh tế, xã hội
và văn hóa khác, tham gia vào việc thờ phụng tôn giáo và các niềm tin khác,
hình thành và gia nhập các tổ chức công đoàn và hợp tác xã, bầu chọn những người
lãnh đạo đại diện cho mình và buộc họ phải chịu trách nhiệm".
Đồng thời chính sự tác động qua lại và phụ thuộc giữa
quyền tự do hội họp và lập hội với các quyền khác khiến chúng trở thành những
tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ nhà nước tôn trọng việc hưởng thụ các
quyền con người khác của công dân.
Vì vậy để đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân,
dự thảo luật cần phải loại bỏ, sửa đổi những điều luật không phù hợp.
LS Nguyễn Văn Đài, viết từ Hà Nội
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
------------------------
Luật sư Nguyễn Văn Đài là một nhà hoạt động trong
lĩnh vực nhân quyền từ năm 2000. Năm 2006, tôi đã giúp phục hoạt đảng Dân chủ
Việt Nam; Thành lập tổ chức Công Đoàn Độc lập; thành lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt
Nam. Tôi là sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức XHDS được thành lập
một cách tự do, tự nguyện từ tháng 4 năm 2013. Trong hơn 2 năm qua, tôi cũng đã
tư vấn và giúp đỡ cho nhiều tổ chức XHDS độc lập khác ra đời.
No comments:
Post a Comment