Friday, 18 September 2015

Mở cửa hay là chết, nhưng vẫn sợ dân chủ (Nam Nguyên - RFA)





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-09-18

Chúng ta chỉ còn hai chọn lựa, mở cửa hay là chết”, đó là nhận định của TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội được Vietnam Net đặt tựa trong bài phỏng vấn đưa lên mạng hôm 10/9/2015. Tại sao sau 25 năm đổi mới với nhiều thành quả mà nay một giới chức cao cấp của Quốc hội như TS kinh tế Nguyễn Đức Kiên lại có phát biểu gây sốc như thế.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam.  Courtesy kinhtetrunguong.vn

Tình thế bắt buộc?

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên thực hiện qua điện thoại tối 17/9, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội từ Sài Gòn giải đáp:

“Những nguyên nhân làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển chậm thì trong dự thảo báo cáo chính trị đại hội Đảng lần thứ 12 cũng có nói là, sự đổi mới giữa kinh tế và chính trị chưa thực sự đồng bộ cho nên cần thúc đẩy sự đổi mới tốt hơn… Lúc đó xã hội mới cởi mở và phát triển tích cực hơn…Cái đó đã nhìn thấy rồi, nhiều Đại hội cũng đã nhắc đến chuyện đó. Nhưng rõ ràng việc khởi động làm cho cải cách thể chế và cải cách kinh tế đồng bộ là còn chậm trong lãnh vực thể chế.”

Vẫn theo lời TS Nguyễn Đức Kiên trên VietnamNet, đáp câu hỏi về việc tại sao Việt Nam lại tham gia quá nhiều các Hiệp định thương mại tự do FTA, trong khi phần lớn các nước khác có sự thận trọng hơn. TS Nguyễn Đức Kiên nói rằng, Việt Nam không thể làm khác, đây là tình thế bắt buộc. Theo lời ông, các quốc gia khác họ tự cân đối được; còn nền kinh tế của Việt Nam có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 1,8 GDP, không còn cửa nào phát triển, nếu không mở ra bên ngoài. TS Kiên cho rằng sức mua của thị trường nội địa quá thấp.

Vẫn theo lời ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trên VietnamNet, ngay cả so sánh với nước Lào thì sức mua của Việt Nam cũng rất kém. Chẳng hạn, một hộ gia đình của Lào ở thành phố có ít nhất 1 xe ô tô, nhà ở ít nhất 500 m2; còn ở Việt Nam một hộ gia đình ít nhất có 1 xe máy và 50 m2 nhà ở. Theo lời TS Kiên, chỉ tính sơ bộ đã thấy sự khác biệt. Tức là, tình thế hiện nay chỉ có hai lựa chọn, một là mở cửa, hai là chết.

Trả lời chúng tôi, TS Nguyễn Đức Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng, đẩy mạnh xuất khẩu đối với một nước đang phát triển như Việt Nam là hướng đi tương đối phù hợp. Ông đưa ra ví dụ nước láng giềng Malaysia thì độ mở tức tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chia cho GDP là vào khoảng 2,5 GDP; đặc biệt như Singapore thì còn lớn hơn nữa. Việt Nam là một nước nhỏ con số 1,8 GDP thì cũng là điều bình thường. TS Nguyễn Đức Thành tiếp lời:

“Chỉ có thông qua xuất khẩu thì mới có những thị trường thật lớn, mà nhờ những thị trường lớn như vậy thì quá trình tư nhân hóa mới diễn ra được ý nghĩa. Còn bảo là dư địa đã hết thì cũng là chuyện bình thường; bởi vì nếu chỉ hướng vào thị trường nội địa thì nó không đủ qui mô lớn để chúng ta có thể tư nhân hóa và tạo ra sản xuất. Quan điểm của chúng tôi là như vậy. Chính vì việc chúng ta cứ mở rộng hợp tác thương mại thì sẽ có thêm thị trường, đây là điều phù hợp về yếu tố kinh tế thương mại thuần túy. Đồng thời khi chúng ta gia nhập các hiệp định thương mại tự do thì có thể học hỏi được của họ về nguyên tắc ứng xử hay nguyên tắc trong sản xuất kinh doanh, hay tổ chức kinh tế xã hội sao cho hiện đại và phù hợp hơn với con người. Đấy là chiến lược khôn ngoan để thúc đẩy cái đang tồn tại ở bên trong sao cho nó thay đổi đi.”

Bài báo “Chúng ta chỉ còn hai chọn lựa, mở cửa hay là chết” trên báo Vietnam Net hôm 10/9/2015. Screen capture.

Thách thức toàn diện

Trong bài báo VietnamNet đưa lên mạng, nhà báo Tư Giang đã khéo léo đi vào vấn đề nhạy cảm nhất khi hỏi TS Nguyễn Đức Kiên là bên cạnh lợi ích thương mại kinh tế, các FTA nhất là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng mang lại những trò chơi khốc liệt, không chỉ trong kinh tế. TS Nguyễn Đức Kiên đã gây ngạc nhiên khi nói thẳng vào chủ đề nhạy cảm nhất dù cũng bằng ngôn ngữ mượt mà.

Ông Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói rằng, thực tế nó sẽ còn khốc liệt hơn điều mọi người nghĩ, vì các FTA sẽ còn tác động đến các tổ chức chính trị, xã hội mà lâu nay chúng ta nghĩ nó là duy nhất ở Việt Nam. Ví dụ như quyền tự do lập hội và quyền thương lượng thỏa ước lao động. Mọi người đã nghĩ rằng, chỉ có Đảng là người chăm lo mọi lợi ích của người lao động.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên và VietnamNet, nếu Đảng và các tổ chức chính trị xã hội đi cùng không tự vươn lên, không trở thành thỏi nam châm để thu hút người lao động, thì người lao động họ sẽ tách ra và đi theo guồng máy của lực hút khác. TS Kiên cho rằng, những thách thức đó còn khốc liệt hơn nhiều, thách thức toàn diện, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà sang cả chính trị.

Đáp câu hỏi của chúng tôi là phải chăng Việt Nam không còn sức để trì hoãn lâu hơn nữa các quyền cơ bản ghi trong Hiếp pháp như quyền lập hội và quyền thương lượng thỏa ước lao động. Đặc biệt từ những quyền này sẽ mở rộng nhiều phương hướng về việc thực thi nhân quyền, thí dụ người lao động có quyền biểu tình để đòi quyền lợi.

LS Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn đưa ra nhận định:

“Việc hội nhập thị trường tự do đến 6-7 nơi và đặc biệt thử thách lớn nhất là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP, rõ ràng vấn đề công đoàn tự do tựu trung nói kiểu nào cũng cân nhắc cũng gặp khó khăn. Nhưng tôi biết bây giờ lãnh đạo ở cấp cao nhất cũng ủng hộ chuyện đó và cũng phải có sự chuyển biến kịp thời và những người muốn thúc đẩy dân chủ muốn thực hiện dân chủ cũng hy vọng rằng, các hiệp định nhất là hiệp định TPP nó cũng góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Trong đó nó có việc lập công đoàn tự do rồi quyền biểu tình, lập hội, quyền được cung cấp thông tin… nếu những luật đó mà ra một cách đồng bộ thì rõ ràng nó tạo sự cạnh tranh, tạo không khí cởi mở để xã hội phát triển tốt hơn.”

Với câu hỏi những cam kết về lao động và công đoàn trong TPP cũng chỉ là lặp lại những cam kết của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Theo VietnamNet, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết Việt Nam tham gia tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từ năm 1998 và có một lộ trình để thực hiện. Đến nay trong số 13 công ước ILO Việt Nam đã thực hiện 8, còn 5 chưa thực hiện.

TS Kiên nhấn mạnh tới hai công ước quan trọng nhất mà Việt Nam chưa thực hiện, đó là công ước 87 về quyền tự do lập hội của người lao động ở cơ sở, hay quyền lập công đoàn cơ sở. Một nhà máy có thể có nhiều loại công đoàn mà người lao động được tự do chọn lựa gia nhập. Hoặc họ tự lập ra một tổ chức và chính quyền phải chấp nhận và đối xử bình đẳng với tất cả các tổ chức công đoàn.

Ngoài ra theo TS Kiên, Công ước 107 qui định, khi công đoàn tập hợp được trên 50% người lao động thì họ có quyền liên kết lại để ký với chủ thỏa ước lao động; nếu cần, họ có thể đình công, hay kêu gọi đình công hợp pháp. Các công đoàn có thể hỗ trợ nhau, có thể liên kết ngang, liên kết dọc…Đây là hai công ước đáng lưu tâm nhất.

Theo lời ông Nguyễn Đức Kiên trên VietnamNet người đọc báo hiểu rằng, phải mất 70 năm Cách mạng tháng Tám và 40 năm sau khi thống nhất đất nước, bây giờ Đảng và Nhà nước Việt Nam mới hiểu rõ hơn quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc, và quyền sống của một con người. Và như lời ông Kiên, chúng ta tin là chúng ta đã hiểu hội nhập và chúng ta chấp nhận cuộc chơi ấy.






No comments:

Post a Comment

View My Stats