Saturday, 12 September 2015

Đối Tượng Đinh Tất Thắng (S.T.T.D Tưởng Năng Tiến)





Thứ Bảy, ngày 12 tháng 9 năm 2015

Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. - Hồ Chí Minh (1947)

Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh tiên tiến, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong ước. - Trương Tấn Sang (2012)

Khổ. Thương cho xứ Thanh. 65 năm phấn đấu vẫn không thể thành “kiểu mẫu.” - Trương Duy Nhất (2012)

Bạn Trương Duy Nhất, rõ ràng, là một người nóng nẩy. Chủ Tịch Nước đã nói rõ (“đến 2020, TH sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu) mà thằng chả không chịu ngồi chờ thêm chút xíu; đã vậy, lại còn nói này nói nọ tỏ vẻ không mấy tin tưởng (cũng như kính trọng) bác Sang cùng với bác Hồ: “Khổ. Thương cho xứ Thanh. 65 năm phấn đấu vẫn không thể thành kiểu mẫu.”

Hậu quả là nhà báo trẻ của chúng ta đã phải vô tù ngồi bóc vài ba cuốn lịch. May thay, đây là chuyện đã qua. Một chuyện thiệt vô cùng đáng tiếc nhưng hoàn toàn không đáng trách. Khi còn trẻ ai mà không đầy nhiệt huyết, và không nôn nóng?

Già rồi (đã qua tuổi cổ lai hy) mà vẫn cứ nóng như hơ, và nóng đều đều thì mới là điều đáng nói, khiến cho tất cả mọi báo/đài (của cả nước CHXHCNVN) đều phải đồng loạt loan tin – với ít nhiều phẫn nộ:

Ngày 16-8, nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Tất Thắng (SN 1943, ngụ thôn Quyết Thắng 2, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, từ năm 1999 đến 2008, Đinh Tất Thắng lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo đã dùng lời lẽ xúc phạm, vu khống các vị lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân.
Từ tháng 6-2015 đến nay, Đinh Tất Thắng đã liên tiếp gửi đơn, thư tố cáo vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân một số lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và tập thể Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Thọ Xuân.
Nhằm đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi xúc phạm lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính quyền tỉnh Thanh Hóa của Đinh Tất Thắng, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Đinh Tất Thắng về tội danh nêu trên. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra.
Được biết, trước đó vào tháng 1-2008, Đinh Tất Thắng đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 9 tháng tù giam cũng về tội “xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Sau khi ra tù, từ năm 2009 đến nay, Đinh Tất Thắng vẫn tiếp tục tái phạm.
Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đối tựợng Đinh Tất Thắng tại cơ quan điều tra.  Ảnh và chú thích: báo Công Lý

Úy trời đất, qủy thần, thiên địa ơi, ông Trương Duy Nhất mới than phiền có mấy câu về khả năng của những vị lãnh đạo mà đã bị tù mấy năm liền. Còn ông Đinh Tất Thắng “liên tiếp gửi đơn, thư tố cáo, vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân một số đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và tập thể huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Thọ Xuân....” thì vụ này chắc chắn sẽ lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và (e) sẽ lôi thôi lớn!

Phiền nhất là dù “công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, làm rõ,” tức là chưa có một phiên toà xét xử nào ráo nhưng giới truyền thông nhà nước đã đồng tình (và giận dữ) kết tội ông Đinh Tất Thắng mất rồi. Phen này, ông già chắc chết – chết chắc!

Vì tuổi tác, và bệnh tật, tôi cũng “muốn” sắp chết đến nơi. Đồng cảnh tương lân. Nhìn cảnh lao đao của một người đồng hương, và đồng thời, vào lúc cuối đời mà tôi không khỏi trạnh lòng ái ngại.

Vì thế, xin được mượn vài trang sổ tay tuần này để bầy tỏ đôi dòng, ước mong được công luận (nói chung) cũng như báo giới Việt Nam (nói riêng) bớt hằn học với ông Đinh Tất Thắng chút xíu. Cũng hy vọng, nhờ thế, đương sự sẽ được giảm khinh (phần nào) vào phiên toà sắp tới.

Ông Thắng sinh sống ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nơi mà thu nhập bình quân mỗi đầu người ở địa phương này là U.S.A 371,5 dollars hàng năm – như Wikipedia ghi nhận. Vậy mà theo World Bank thì ông Thắng, và con cháu (kể cả đứa bé sắp sinh) đã phải gánh chịu một số nợ công là U.S.A 1,200.00 dollars.

Khi khổng khi không mà phải lãnh một món nợ khổng lồ, như từ trên trời rớt xuống – lớn gấp ba lần lợi tức hàng năm – hỏi ai mà không nổi nóng chớ? Do đó, nếu đúng sự thực là ông Đinh Tất Thắng đã có lời lẽ “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân một số đồng chí lãnh đạo Trung ương” thì … cũng đúng thôi! Các ông ở trên, các “đồng chí lãnh đạo Trung Ương” điều hành đất nước kiểu này (nói theo ngôn ngữ thường ngày là “làm ăn như con cặc”) mà không bị chửi thì mới là chuyện lạ, đúng không?

Tôi chỉ giả dụ như vậy thôi, chứ chưa chắc ông Đinh Tất Thắng đã biết đến những tai họa đến từ tận “cửu trùng thiên” (chín tầng trời cao) như thế. Có điều, chắc chắn, là ông ấy biết vô số những chuyện tệ hại – xẩy ra hàng ngày – ngay tại địa phương của mình. Xin ghi lại vài ba (vụ) cho rộng đường dư luận:

Đối tượng Đinh Tất Thắng (áo trắng) bị bắt giữ .
(ảnh do Công an Thanh Hóa cung cấp).
Chú thích: VOV.VN

Xin quí vị trong giới truyền thông Việt Nam thử đặt mình vào địa vị của ông Đinh Tất Thắng xem sao? Ông ấy sinh sống ở một địa phương phải xin h trợ cứu đói mà các bộ mọi ngành và mọi cấp đều ăn chận, ăn xén, ăn bớt, ăn hớt, ăn cắp, ăn gian, ăn bẩn ... không từ một thứ gì (chuyện dân chết trong đồn công an cũng xẩy ra như cơm bữa) và đơn thư khiếu nại thì bị qui chụp là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân!

Bị dìm vào một môi trường sống cùng quẫn, bức bối và tuyệt vọng đến như thế thì Chúa/Phật cũng đều nổi nóng chớ nói chi đến “người phàm” như ông Đinh Tất Thắng. Bởi vậy, nếu đúng là ông ấy đã có những lời lẽ “lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân một số đồng chí lãnh đạo... tỉnh Thanh Hóa và tập thể huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Thọ Xuân” thì cũng có “oan ức” gì đâu mà cả đám đều rẫy nẩy (đành đạch) lên như thế?

Đơn kiến nghị khẩn cấp . Nguồn: Dân Luận

Tờ đơn KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP của ông Đinh Tất Thắng mở đầu nguyên văn như sau:

Kính gửi: Ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam
Nay tôi tiếp tục thiết tha kiến nghị Ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cần phải dũng cảm nhìn thẳng sự thật về sự thiếu trách nhiệm của ông, về trách nhiệm của người đứng đầu, trước tình trạng khiếu nại vượt cấp đông người càng ngàn càng nghiêm trọng hiện nay...

Tôi không tin rằng ông Nguyễn Thiện Nhân đã khởi tố ông Đinh Tất Thắng vì cảm thấy bị “xúc phạm” về những lời lẽ bộc trực vừa ghi. Tôi cũng không tin rằng có bất cứ ai trong số những người làm báo ở Việt Nam đã bỏ chút thì giờ tìm đọc tờ đơn thượng dẫn.

Tất cả qúi vị (Đài Tiếng Nói Việt Nam, báo Dân Trí, báo Công Lý, Báo Mới, báo Tuổi Trẻ, báo Kiến Thức, báo Pháp Luật, báo Đất Việt, báo Xã Luận, báo Vietnamnet, báo Người Lao Động, Thời Báo ... cùng hàng trăm báo/đài địa phương khác) đều đồng loạt viết theo nội dung bản điều tra của công an tỉnh Thanh Hoá – với những thủ thuật, cùng lời lẽ dè bỉu – để biến nạn nhân thành thủ phạm, với một tội danh đã dành sẵn, dù chưa có phiên toà nào cả.

Cung cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, và vô lương tâm của quí vị khiến tôi nhớ tới đôi lời tâm sự – cách đây chưa lâu – của nhà báo Đoan Trang:

Khi tờ báo điện tử thuộc hàng chuyên nghiệp đầu tiên ra đời ở Việt Nam - VnExpress, bắt đầu vận hành từ đầu năm 2001 - đội ngũ những phóng viên, biên tập viên của nó đã phải vật lộn rất lâu với chính mình, chính những thói quen đọc và làm báo cũ của mình, để tập những bước đi đầu tiên gọi là hướng tới báo chí hiện đại theo chuẩn Tây phương. Có những điều mà đến giờ, có thể chẳng nhà báo nào còn thấy mới nhưng với thế hệ đầu tiên ở VnExpress thời đó, chúng là cả một cuộc cách mạng về ngôn từ và phong cách làm báo:

- Không dùng những đại từ quá khích như y, thị, hắn, bọn chúng... Trong trường hợp phải đề cập đến nhân vật tiêu cực, chỉ nên dùng các đại từ như “anh/chị ta”, “ông/bà ta”, “bọn họ”.

- Không dùng từ “đồng chí” cho các lãnh đạo. ..

- Không kết án trước khi có phán quyết của tòa ...

Dù vậy, để thay đổi tư duy, thay đổi não trạng, vẫn khó vô cùng, và cũng khó mà chỉ trích báo chí trong bối cảnh xã hội Việt Nam, với nền tảng văn hóa chính trị như hiện nay.

Rõ ràng là “cuộc cách mạng về ngôn từ và phong cách làm báo” ở Việt Nam, từ năm 2001 đến nay, đã không đi đến đâu cả. Nó vẫn còn giữ  nguyên cái ngôn từ và phong cách công an (trị) để dành cho những “đối tượng” không may ở đất nước này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats