Phương Thảo
(VNTB)
Châm biếm nhạo báng không xa lạ gì với truyền thông phương tây – nền truyền
thông tiên tiến và tự do. Trào phúng chính trị là một mảng quan trọng và được
xem như cách tiếp cận công chúng thông minh không chỉ để đem lại thông tin cần
thiết mà còn là một thách thức với các ý tưởng sẵn có góp phần thúc đẩy xã hội
phát triển.
Biếm họa chính trị không xa lạ với truyền thông tự
do, tiên tiến. Ảnh: minh họa
Báo trào phúng được xem như thông tin giả (fake
news) xuất hiện từ thế kỷ 18 ở Pháp và sau đó lan sang các nước Âu châu và cả
toàn thế giới. Báo trào phùng luôn phản ánh góc độ xấu xí nhất của một hiện tượng
sự việc, mọi thứ hoặc sẽ được phóng đại hoặc bị bóp méo đi. Chính vì thế trào
phúng hay trào phúng chính trị có thể là nguồn giả trí lớn cho đám đông nhưng
cũng có thể là ngòi thuốc nổ cho sự phẫn nộ của một nhóm người khác.
Từ
Vũ Trọng Phụng cho đến Charlie Hebdo
Người Việt không ai không biết đến tác phẩm Số đỏ của
Vũ Trọng Phụng, một tác phẩm đã được đưa vào chương trỉnh giảng dạy văn học của
học sinh và luôn được đề cao đến khía cạnh chỉ trích châm biếm các thói hư tật
xấu của chế độ phong kiến thối nát thời bấy giờ. Những nhân vật khác có thể ai
cũng có thể quên nhưng không ai không nhớ đến Xuân tóc đỏ. Trong dân gian cũng
phải kể đến Trạng Trình và bác Ba Phi với những đối đáp thông minh gây cười mà
cũng là các bài học về tình người, chỉ trích cái xấu một cách thâm cay.
Những cái tên như Hai cù nèo của Tuổi trẻ cười, Chuyện
Trong Nhà Ngoài Phố của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh luôn lôi kéo được
sự quan tâm của đông đảo độc giả và khán giả, thậm chí các chương trình hài kịch
tấu hài cũng luôn đông khách bình dân vì nội dung dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.
Tuy nhiên mảng châm biếm trào phúng này ở Việt nam chỉ dừng lại ở điểm phê phán
các vấn đề xã hội một cách nhẹn nhàng và luôn né tránh các vấn đề chính trị
cũng như các chính khách.
Ở phương tây trào phúng chính trị lại là một mảng được
yêu thích. Ở Mỹ có kênh truyền hình The Daily Show, The Colbert Report, hay các
phim hoạt họa như South Park hay Family Guy. Pháp đã nổi đình nổi đám với
Charlie Hebdo. Hầu như mọi quốc gia đều có một góc biếm họa trên các báo hay
chương trình truyền hình bàn luận các tin tức cười cho mọi vấn đề tin tức từ xã
hội, chính sách, chính khách, cho đến chính trị. Tuy nhiên dù là biếm họa, người
ta sẽ không đi sâu vào khai thác đời tư của các chính khách hay các nhà lãnh đạo
mà chỉ khai thác khía cạnh không tốt, điểm cần phê phán.
Óc
hài hước của người Cộng Sản
Tổng thống Eisenhower đã từng nói rằng “Một trong
các đặc điểm của con người tự do là không ngừng tìm kiếm tri thức và sự thật và
các tiêu chuẩn cao nhất của sự vinh hiển. Năng lực thừa nhận sai lầm theo chiều
hướng hài hước để trải qua những thất bại mà không sợ hãi hay oán giận, năng lực
này giúp cho họ có được sức sống trong con đường tìm kiếm. Óc hài hước luôn đi
đôi với sự độc lập tư tưởng và tâm trí luôn đặt ra câu hỏi. Nhưng một người cộng
sản lại không cho phép sự tìm kiếm phiên lưu này. Với anh ta chỉ có một sự thật
– tuân lệnh đảng và sự thật phải được theo dõi một cách dứt khoát và phụ thuộc.
Những người cộng sản sẽ không hiểu được ý nghĩa của câu ngạn ngữ 'Phải luôn làm
việc nghiêm túc, chứ không phải là bản thân nghiêm túc.'”
Hai điều cấm kỵ trong trào phúng hay châm biếm của
những người cộng sản là các nhà lãnh đạo đáng kính và ý thức hệ. Trong các nước
cộng sản như Trung quốc, Triều Tiên, Cuba và cả Việt nam, một bài viết hay
tranh vẽ không tỏ sự tôn kính đối với Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Castro hay
Kim Jong Un thì người thực hiện sẽ bị kết tội không tôn kính ngay lập tức. Sự
tôn kính được thể hiện tỷ lệ thuận với các bức tượng với kích cỡ lớn mọc lên khắp
nơi trong cả nước vì thế chế giễu hay trào phúng về các nhân vật này không được
phép tồn tại khi được hiểu đây là đồng nghĩa với sự không tôn trọng.
Sự cứng nhắc này có lẽ phải kể đến công của Stalin
vào những năm 30 của thế kỷ trước khi ông ta ra lệnh cấm các hình thức chế giễu
nhạo báng chống lại Sô Viết. Khi ấy dù cho là nghe hay nói cũng sẽ được xem là
có tội. Trong số hàng triệu tù nhân trong các trại cải tạo của Nga có đến 200
nghìn người phải thụ án từ 3 đến 8 năm vì tội dám nhạo báng chính quyền Sô Viết.
Nhưng nói như thế không có nghĩa người ta không có trào phúng, người Nga cũng
được phép nhạo báng dưới thời Stalin nhưng nhạo báng chế độ tư bản thối nát. Tư
tưởng ấy vẫn còn được duy trì cho đến tận ngày nay ở các nước cộng sản.
Quan
điểm khác biệt
Ở Thái lan hay Nhật bản dân không được phép tỏ ý
không tôn trọng hoàng gia, ở Triều tiên không được phép nhạo báng Kim Jong Un, ở
Việt nam không được nhạo báng Hồ Chí minh và các quan chức chính phủ. Nhưng ở
phương tây biếm họa không từ bất cứ một nhân vật nổi tiếng nào và ai cũng chọn
cách sống chung với châm biếm chế giễu.
Người phương tây không xem chế giễu, biếm họa là thiếu
tôn trọng và không đứng đắn, trái lại là cách góp ý nhẹ nhàng dễ lôi kéo sự chú
ý của người khác và lại in sâu trong tâm trí người khác dù chỉ là một bức tranh
nhỏ hay một đoạn hội thoại ngắn. Một lối nói vui cũng là cách làm giảm đi căng
thẳng cho người cần phải được góp ý lẫn người góp ý mà không mang tính công
kích cá nhân nặng nề.
Việc châm biếm chế giễu cũng là cách thể hiện tự do
ngôn luận. Tự do ngôn luận không bị giới hạn cách thể hiện nghiêm túc hay
không, tự do ngôn luận là không phải vì sợ hãi ai mà phải im lặng hay không dám
đề cập đến. Với nhiều người Việt họ vẫn quen với lối nghĩ “tự do trong khuôn khổ”
cho nên có nhiều vấn đề sẽ không bao giờ được đề cập đến khi muốn châm biếm chế
giễu, điển hình là Đảng Cộng sản và các chính khách xưa nay không bao giờ bị chỉ
trích công khai cũng như không được động đến tên vua chúa ngày xưa vì sợ phạm
húy. Thay vào đó là tranh cổ động nghiêm túc và các khẩu hiệu đóng khung hai
màu vàng đỏ, các hình ảnh bác Hồ, búa liềm, anh chị em công nông và bộ đội đã tồn
tại non một thế kỷ.
Sự
đe dọa tiềm ẩn?
Trong xã hội dân chủ tiến bộ, các chính khách xem biếm
họa, trào phúng là những phương tiện truyền tải thông tin vô hại. Nhưng với người
Việt chế giễu thường được hiểu theo ý không tôn trọng, mang người khác ra làm
trò cười với mục đích mạ lỵ, lăng nhục cá nhân chứ không phải là nhằm vào bản
chất của sự việc.
Việc chấp nhận một sự việc là trào phúng hay nghiêm
túc không chỉ nằm ở sự thể hiện tài tình và có duyên của người cầm bút mà còn ở
sự tự do về tư tưởng, không sợ bị phê bình và sẵn sàng lắng nghe để hoàn thiện.
Với người cầm bút đây còn là một hình thức bất tuân dân sự khi dám “đâm mấy thằng
gian bút chẳng tà”, không khuất phục trước cái xấu và thế lực lớn kìm hãm sự
phát triển của xã hội. Chỉ một chút sơ sểnh không tuân theo quy tắc đạo đức của
người làm báo thì chuyện có vẻ châm biếm sẽ kéo theo hệ lụy không như mong đợi.
Chấp nhận bị châm biếm lại còn là một thách thức lớn hơn khi đòi hỏi phải vượt
qua cái tôi, cái cá nhân quá lớn để nhìn mọi việc một cách toàn cục, nếu ai
cũng chấp nhận châm biếm dễ dàng, cởi mở thì đã không có vụ Charlie Hebdo ở
Pháp đầu năm nay, hay nhà báo Đỗ Hùng ở tại Việt nam mới đây.
Thật ra châm biếm đã được định nghĩa là một thể loại
văn học, nghệ thuật và đôi khi đồ họa và biểu diễn,để nhạo báng các tệ nạn, sự
điên rồ, lạm dụng, và các thiếu sót trong lý tưởng với ý định cải thiện các cá
nhân, tập đoàn, chính phủ hoặc xã hội. Thế nhưng những “người cộng sản quá
nghiêm túc nên không có một phương tiện nào hữu hiệu hơn để phê bình chỉ trích
họ bằng châm biếm nhạo báng.” Chính vì ý tưởng này mà châm biếm không được phép
tồn tại để bảo đảm sự tồn vong của chế độ cộng sản. Thêm vào đó, các nhà độc
tài cho rằng bản thân họ, chính sách và ý thức hệ của họ đã là tối ưu, nên
không thể có sự chỉ trích nào khác được chấp nhận. Nhà cầm quyền Việt nam vẫn
lo sợ rằng châm biếm chính trị là một sự đe dọa lớn cho nền chính trị trong nước
và tìm cách cấm đoán ngăn ngừa. Thế nhưng trào phúng hay châm biếm chỉ là một tấm
gương phản ánh lại những mặt xấu xí nhất trong xã hội và bản thân châm biếm
chính trị không thể nào và chưa bao giờ làm sụp đổ một thể chế chính trị nào trên
thế giới.
No comments:
Post a Comment