Phạm Chí Dũng
Sunday, September 6, 2015 2:03:28 PM
Chẳng
cần phải là một bác sĩ chuyên khoa, bạn vẫn có thể nhận ra nợ xấu ngân hàng Việt
Nam là một thể dịch hỗn tương của căn bệnh ung thư nửa mùa. Một tổ chức tín dụng
độc lập là FT Confidential Research vừa công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt
Nam vào khoảng 15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Sau thời kỳ “ngồi mát ăn bát vàng” những năm
2007-2011 mà đã bị giới doanh nghiệp tố cáo là “lãi suất cho vay cắt cổ là cách
nhanh nhất để tự sát,” giới chủ ngân hàng trở về thời kỳ phôi thai khó sinh, ngầy
ngật trong cơn đau đẻ lợi nhuận lẫn thể ung thư nợ xấu rất có triển vọng thuộc
về giai đoạn cuối.
Tất
cả đều nhảy múa
Phải đến gần hai tháng sau nữa đầu năm 2015, một bản
thống kê từ báo cáo tài chính của 13 ngân hàng thương mại mới hiện ra: Tổng số
nợ xấu của 13 ngân hàng tăng mạnh 21.2%, trong đó rất đáng chú ý, số nợ khả
năng mất vốn ngày càng đột biến, lên tới 23,850 tỷ đồng, chiếm đến 50.6% tổng số
nợ xấu.
Về cơ cấu nợ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm
5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục tăng lần lượt 51% và 22%, nợ nhóm 4 (nợ
nghi ngờ) có dấu hiệu suy giảm 14%.
Ngay những ngân hàng TMCP nhà nước thuộc loại “cá mập”
và luôn được ưu ái về chính sách tín dụng như BIDV, Vietcombank và Vietinbank,
cũng đứng đầu về số nợ xấu - xét theo số tuyệt đối.
Tuy nhiên và như một hiện tượng hai mặt lộ diện
trong hệ thống tài chính ở Việt Nam, những con số trên mới chỉ là số báo cáo
“trong luồng” của các ngân hàng, và được một vài tờ báo mô tả là “không còn sự
khác biệt đáng kể giữa số liệu của ngân hàng thương mại và Ngân Hàng Nhà Nước.”
Trong khi vào năm 2013, chính ông Lê Xuân Nghĩa, khi đó là phó chủ tịch Ủy Ban
Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, một chuyên gia “phản biện trung thành” và được coi
là người luôn ủng hộ các hành động của Ngân Hàng Nhà Nước, đã phải tiết lộ là
ngay cả Ngân Hàng Nhà Nước cũng không nắm được số liệu tài chính thực của các
ngân hàng thương mại.
Còn vào năm nay, thể trạng nợ xấu dĩ nhiên lại tồi tệ
hơn nửa kỳ đầu năm ngoái. Nếu những năm trước, Ngân Hàng Nhà Nước cố giấu biệt
thực chất số nợ xấu, thì đến năm 2014 bóng ma này đã buộc phải lộ hình trước
ánh sáng “quyết tâm chính trị” mà giới lãnh đạo Quốc Hội cố ý soi rọi, còn Ngân
Hàng Nhà Nước đành tiết lộ trong tư thế chẳng đặng đừng.
Đã từ lâu, nợ xấu chồng chất là án tử cho thị trường
tài chính và nền kinh tế Việt Nam. Chỉ đến cuối năm 2014, Thống Đốc Ngân Hàng
Nhà Nước Nguyễn Văn Bình mới lần đầu tiên tiết lộ con số nợ xấu vào năm 2013
lên đến khoảng 500,000 tỷ đồng (tương đương khoảng $25 tỷ), trong khi vào thời
điểm năm 2013, Ngân Hàng Nhà Nước chỉ công bố “láo” con số nợ xấu vào khoảng
150,000 tỷ đồng.
Vũ điệu nhảy múa số liệu nợ xấu của Ngân Hàng Nhà Nước
đã biến diễn sôi động kể từ khi chính phủ mới của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được
thành lập vào Tháng Tám, 2011. Từ đó đến nay, thống kê sơ bộ cho thấy đã có ít
nhất 15 lần tỉ lệ nợ xấu được Ngân Hàng Nhà Nước cho “khiêu vũ,” với độ biến
thiên từ 3% đến 10%. Tuy thế, các số liệu được công bố lại quá thiếu cơ sở và
chẳng còn làm mấy người ngờ nghệch tin tưởng. Trùng với thời điểm cơ quan này
công bố tỉ lệ nợ xấu chỉ khoảng 4% vào đầu năm 2014, một tổ chức xếp hạng tín
nhiệm tín dụng có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã tuyên bố một con số
khác hoàn toàn dành cho nợ xấu Việt Nam: 13%!
Bắt,
bắt nữa, bắt mãi?
Báo cáo sáu tháng đầu năm 2015 của 13 ngân hàng về
tình hình nợ xấu lại cho thấy đã chưa có một “phép màu” nào xảy ra với sự nghiệp
“xử lý nợ xấu.” Nếu Công Ty Quản Lý Tài Sản Quốc Gia (VAMC) được lập ra từ năm
2013 nhưng cho tới nay đã chỉ “thành công” được một việc là “ôm” lại nợ xấu với
giá rẻ mạt từ các ngân hàng thương mại và mới chỉ thu hồi được khoảng 3% nợ xấu,
hơn 500 hồ sơ mà VAMC chào bán nợ xấu cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính
nước ngoài từ năm 2014 vẫn chưa hề có hồi âm nào được công bố.
Mệnh lệnh thuần duy ý chí và ẩn ý sau đó là “quyết
tâm chính trị” nhằm “chào mừng Đại Hội Đảng 12” của Ngân Hàng Nhà Nước về “đưa
tỉ lệ nợ xấu dưới 3%” đến cuối Tháng Chín, 2015 thực ra chỉ là “xử lý” nợ xấu
trên giấy tờ, trong khi về thực chất và theo những chuyên gia phản biện ngân
hàng thừa kinh nghiệm như ông Bùi Kiến Thành, nợ xấu chỉ được “đảo” từ nhóm có
nguy cơ trực tiếp lên nhóm có rủi ro gián tiếp hơn.
Không còn gì để bình phẩm! Giai đoạn 2014-2015 đã tự
động “nâng lên một tầm cao mới” về mối nguy cơ tài chính không còn chôn chặt
trong tiềm ẩn. Hiện tượng hàng loạt ngân hàng thương mại bị Ngân Hàng Nhà Nước
đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và bị mua với giá 0 đồng từ năm 2014 đến nay
như Đại Dương, Xây Dựng, GP và gần nhất có thể cả Đông Á càng cho thấy tâm thế
của Ngân Hàng Nhà Nước đang bít bùng trong cố gắng bít vá những lỗ rò liên tiếp
xối xả từ hệ thống tài chính, trong khi ngân sách không phải là thùng không đáy
để có thể trám cho phần lớn các ngân hàng rơi vào tình cảnh thua lỗ và đối mặt
với cảnh nạn phá sản.
Tuy thế, thể trạng ung thư ngân hàng ở Việt Nam là hầu
như rất kỳ quặc: Trong lúc nợ xấu vẫn tràn ngập và bộc lộ tâm tưởng hầu như
không có lối thoát, vào thời gian này lại rộ lên những thông tin khá tốt đẹp tại
một số ngân hàng thương mại. Cả lương và nhân sự được tuyển đều tăng; thậm chí
một số nhà báo chuyên viết về ngân hàng còn mạnh tay dự báo rằng thời kỳ khốn
khó nhất của giới chủ ngân hàng đã qua đi, mở ra “một trang sử mới” cho giai đoạn
phục hồi.
Thực ra, thói ích kỷ đến mức cực đoan không chỉ là
cách hành xử của ngân hàng với khách hàng, mà còn là hố phân cách giữa các ngân
hàng với nhau. Tình thế đã đưa đẩy đến chỗ “thằng nào chết cứ chết, thằng nào sống
cứ hưởng thụ.”
Cứ cho rằng sự mô tả và dự báo lạc quan và dường như
đậm đặc sắc màu ích lợi báo chí-ngân hàng trên là có thực, song cốt lõi của vấn
đề là cảnh trạng ấm lại đôi chút ấy sẽ kéo dài được bao lâu, trong khi hầu hết
các ngân hàng đều phải trích lập dự phòng ở mức độ cao theo chỉ đạo hành chính
của Ngân Hàng Nhà Nước; còn nợ xấu mà các ngân hàng bán lại cho VAMC vẫn chỉ giống
như tiểu xảo đánh bùn sang ao.
Ngay cả năm 2015 cũng đang khác nhiều so với cùng kỳ
năm 2014. Ngay sau bản báo cáo tô hồng của Ngân Hàng Nhà Nước về kết quả kinh
doanh giới ngân hàng sáu tháng đầu năm 2014, đến Tháng Bảy năm đó đã xảy ra vụ
khởi tố và bắt giam chấn động, với chủ thể là Bộ Công An và khách thể là một loạt
ba lãnh đạo của Ngân Hàng Xây Dựng. Sau đó ba tháng, đến lượt “doanh nhân thành
đạt” Hà Văn Thắm của Ngân Hàng Đại Dương bị bắt...
Sang năm 2015 càng không hề êm ả đối với giới ngân
hàng. GP Bank - ngân hàng được coi là “sân sau” của một lãnh đạo cao cấp, đã
dính nạn với trường hợp Chủ Tịch HĐQT Nguyễn Xuân Sơn - người bị công an bắt
giam chỉ khoảng 10 ngày sau khi ông này đi Mỹ vào đầu Tháng Bảy, và ung dung ký
kết thỏa thuận hợp tác với đối tác Hoa Kỳ trước sự chứng kiến trực tiếp của người
lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ ít lâu sau, đến lượt Ngân Hàng Đông Á, với cổ
đông lớn là Thành Ủy ở Sài Gòn, bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và cả
dàn lãnh đạo của ngân hàng này bị Ngân Hàng Nhà Nước cách chức.
Rất rõ ràng, thể trạng khối ngân hàng thương mại hiện
thời đang phát bệnh bạo liệt hơn nhiều so với những năm trước. Dù Ngân Hàng Nhà
Nước đã cố gắng trám bít những lỗ rò bằng biện pháp mua lại các Ngân Hàng Xây Dựng,
Đại Dương, GP với giá 0 đồng, nhưng chiến thuật thuần tính tình thế đó cũng có
nghĩa là chính phủ phải “ôm” lại nợ xấu và căn bệnh khó cứu của những ngân hàng
này. Chưa kể đến việc nếu tiếp tục phát sinh một số ngân hàng khác lâm vào vòng
đau đớn, liệu Ngân Hàng Nhà Nước còn đủ sức dang tay “ôm” tất cả và Bộ Công An
có đủ can đảm để bắt, bắt nữa, bắt mãi?
No comments:
Post a Comment