Phạm Chí Dũng
Sunday, September 13,
2015 1:35:46 PM
Ngẫu nhiên hay hữu ý, ngay sau vụ nhà nước Việt Nam
không chịu thả bất kỳ tù nhân chính trị nào trong số hơn 18,000 phạm nhân được
đặc xá dịp 2 tháng 9, 2015, giới thượng nghị sĩ Mỹ theo chủ thuyết không khoan
nhượng, đã đưa ra Thượng Viện Mỹ hai dự luật: Luật Nhân Quyền cho Việt Nam và
Luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền ở Việt Nam.
Cung đường dẫn đến HR. 4254
Trên bàn cờ tương quan
chính trị Mỹ-Việt tính từ năm 2013 - thời điểm “bình thường hóa” bằng cuộc gặp
mặt Sang-Obama, thế “triệt buộc” đầu tiên của Mỹ đối với Việt Nam thuộc về Dự
Luật Nhân Quyền Việt Nam - mang mã số HR. 1897, được Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ thông
qua vào đầu tháng Tháng Tám, 2013 với tỉ lệ phiếu áp đảo.
Thế “triệt buộc” thứ hai
được khởi động bởi dân biểu Ed Royce - chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, khi
ông đệ trình Dự Luật Chế Tài Nhân Quyền Việt Nam với số hiệu HR. 4254 ra Quốc Hội
Hoa Kỳ vào ngày 14 Tháng Ba, 2014.
“Hai dự luật trên có tác
dụng thuyết phục các vị dân biểu và thượng nghị sĩ giữ vững thái độ chống TPP nếu
họ đã chống, và có thể làm thay đổi lập trường của một số nhà lập pháp liên
bang đang ủng hộ cho Việt Nam vào TPP” - một nguồn tin hải ngoại đưa ra nhận định
vào Tháng Tám, 2015.
Một trong những mục tiêu
của vận động các dự luật nêu trên ở Quốc Hội Mỹ là nhằm thúc đẩy luật hóa “các
điều kiện về tự do tôn giáo và quyền lao động trong tiến trình đàm phán TPP,”
là cơ sở để gây áp lực, buộc Việt Nam phải cải tổ khung luật và trả tự do cho tất
cả tù nhân lương tâm, trước khi hoàn tất tiến trình đàm phán TPP, dự kiến vào
cuối năm 2015.
Công bằng mà xét, tuy còn
cố gắng cầm giữ tù nhân chính trị để phục vụ cho ý đồ “đổi chác” với Mỹ vào thời
điểm TPP đã đàm phán xong, và chuẩn bị trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ, phía Việt Nam
đã bắt đầu chịu liếc mắt đến một số dự luật trong khung luật về nhân quyền ở quốc
gia quá trì trệ về quyền làm người này. Từ đầu năm 2015 đến nay, một số dự luật
đã được Quốc Hội Việt Nam đưa ra “lấy ý kiến rộng rãi,” bao gồm Dự Luật Trưng Cầu
Y Dân, Dự Luật Tín Ngưỡng và Tôn giáo, Dự Luật Về Hội, Dự Luật Tiếp Cận Thông
Tin, Dự Luật Hình Sự (sửa đổi).
Tuy thế, tất cả vẫn gần
như chết cứng trong tư thế đối phó lẫn mặc cả với cộng đồng quốc tế. Hai dự luật
về tôn giáo và về hội đã bị các tổ chức tôn giáo và giới đấu tranh dân chủ ở Việt
Nam phản ứng dữ dội bởi tính “xin - cho” tràn ngập lẫn mưu đồ ngăn cản việc
công khai hóa hoạt động của xã hội dân sự. Trong khi đó, Dự Luật Hình Sự dù được
“sửa đổi,” nhưng toàn bộ các điều khoản vốn bị Hoa Kỳ và Tây Âu lên án là mơ hồ
và dễ bị lạm dụng như điều 79 (lật đổ chính quyền), điều 88 (tuyên truyền chống
nhà nước), điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) vẫn được nguyên trạng về
nội dung mà chỉ thay đổi vị trí và cách đánh số.
Từ tư thế còn lâu mới chịu
thành tâm như vậy, hiển nhiên lộ trình cải cách khung luật về nhân quyền ở Việt
Nam vẫn còn quá trì kéo nếu đối chiếu với vài ba chục yêu cầu của các quốc gia
trong cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền tại Thụy Sỹ vào Tháng Hai,
2014, cùng những tiêu chí bắt buộc về nhân quyền của Hội Đồng Nhân Quyền Liên
Hiệp Quốc mà Nhà Nước Việt Nam đã nhận một ghế thành viên từ Tháng Mười Một,
2013.
Không thể nói khác hơn là
chính quyền Việt Nam đã tự giẫm lên chân họ. Trong bối cảnh đất nước suy thoái
nặng nề về kinh tế và quá cần đến một kích thích tố như Hiệp Định Thương Mại
TPP, việc nhà nước này vẫn liên tiếp tạo ra những vi phạm về nhân quyền, kể cả
vào thời gian sau chuyến công du Washington Tháng Bảy, 2015 của người đứng đầu
đảng Nguyễn Phú Trọng, đã khiến tiếp biến Dự Luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền Việt
Nam mà Quốc Hội Hoa Kỳ hẳn khó bỏ qua.
“Lộ trình Miến Điện”
Dường như “Lộ trình Miến
Điện” đang tái hiện những nút thắt cùng uy lực bọc đồng của nó đối với trường hợp
Việt Nam: Từ lên án vi phạm nhân quyền đến chế tài những chủ thể sinh đẻ các vi
phạm đó.
Những tin tức lạnh lùng
cho biết vào năm 2011, Mỹ và phương Tây đã phải tiến hành chế tài về nhập cảnh
và phong tỏa tài sản đến 5,000 nhân vật chính khách, quân đội và công an ở Miến
Điện - một liều thuốc đặc trị cho căn bệnh đàn áp dân chúng và đối lập thật khó
có thuốc chữa tại quốc gia đã từng dìm trong bể máu cuộc “Cách Mạng Áo Cà Sa.”
Từ năm 1975 đến nay, tuy
chưa xảy ra tắm máu dân chủ ở Việt Nam, nhưng hình ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị
công an bịt miệng tại tòa án vẫn đủ nói lên tất cả. Bài học cốt tủy mà người Mỹ
có lẽ đã không ít lần ôn lại là kể từ khi được Mỹ nhấc khỏi danh sách các quốc
gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC) vào năm 2006, tình
hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại trở nên “tự do” đến mức mà nhiều tổ
chức nhân quyền và tôn giáo phương Tây phải yêu cầu Washington khép chặt cánh cửa
quan hệ với Hà Nội.
Từ nguyên cớ quá hiển thị
ấy, việc áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với những quan chức chính phủ Việt
Nam “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam” là
tinh thần sắt son trong bản Dự Luật Chế Tài Nhân Quyền Việt Nam mà những nghị
sĩ cứng rắn như Ed Royce đang tiếp bước “Lộ trình Miến Điện.”
Là một dự luật lưỡng đảng,
HR. 4254 nhắm vào những quan chức chính phủ, công an và những người khác vi phạm
nhân quyền đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Những biện pháp được
kiến nghị bao gồm những hạn chế du hành và trừng phạt về tài chính.
Căn cứ vào HR. 4254, những
người Việt Nam có tên trong danh sách vi phạm nhân quyền sẽ không được nhập cảnh
hay quá cảnh ở Hoa Kỳ, không được cấp bất kỳ quy chế di trú hợp pháp nào, và
cũng không được phép nộp đơn hay thỉnh nguyện liên quan đến những việc này. Về
mặt tài chính, những cá nhân này sẽ bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế hoặc bị cấm
giao dịch tài chính và đưa tài sản vào hay ra khỏi Hoa Kỳ:
“Tổng thống sẽ đóng băng và cấm chỉ tất cả các giao
dịch liên quan đến tất cả các tài sản và lợi ích của một cá nhân trong danh
sách được quy định ở điểm (c)(1) nếu những tài sản và lợi tức đó nằm ở Hoa Kỳ,
rơi vào Hoa Kỳ, hoặc nằm ở hoặc rơi vào quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người
Mỹ.”
Và “Sau không quá 90
ngày từ ngày ban hành đạo luật này, tổng thống sẽ đệ trình lên những Ủy Ban Quốc
Hội thích hợp danh sách của các cá nhân, là công dân Việt Nam, mà tổng thống
xác định là dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền chống lại nhân dân Việt
Nam hoặc thân nhân của họ, bất kể việc những vụ vi phạm đó có xảy ra ở Việt Nam
hay không... Danh sách được quy định trong đoạn (1) sẽ được công khai cho công chúng
và được đăng trên các trang web của Bộ Ngân Khố và Bộ Ngoại Giao.”
Chuyển hóa dân chủ hay mất trắng?
Không phải và chẳng bao
giờ, tự do và dân chủ là món quà trên trời rơi xuống. Cũng không hẳn chuyện quốc
tế đổ tiền sẽ làm nguội lạnh những cái đầu tham lam lẫn sắt máu. Dĩ nhiên Miến
Điện được như ngày nay là nhờ cú đi roi song hành với tiến trình xóa nợ quốc
gia.
Vào năm 2014, bất chấp mối
đe dọa có thể xảy ra cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai, lần đầu tiên chính quyền
Obama dám áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức cao cấp Nga và Ukraine.
Ngay sau đó, cơ quan công tố Thụy Sỹ đã làm việc hết sức khẩn trương: Hàng loạt
ngân hàng ở quốc gia này, nơi cất giấy tài sản của thế giới quan chức đen đúa,
đã bị bóc trần từng mảng lớn.
Nếu dự luật chế tài nhân
quyền Việt Nam được Quốc Hội Mỹ thông qua, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào giới
quan chức Việt Nam “ăn của dân không chừa thứ gì,” đã và đang tẩu tán tài sản
ra nước ngoài.
Lẽ nào tương lai của “một
bộ phận không nhỏ” giới quan chức, công an Việt Nam cùng vợ con họ - những người
đã có đủ thời gian khiến tổ quốc bị loang máu ngoại tệ sang tận Úc, Mỹ, Anh,
Canada hay các nước Bắc Âu, những người nồng nàn tình yêu tổ quốc đến mức sẵn
sàng nhảy lên máy bay vù ra ngoại quốc vào bất kỳ thời điểm nào xảy ra “biến cố”
với chế độ, sẽ cam chịu thúc thủ và tự khép mình vào thế “triệt buộc,” bị mất
trắng “tổ quốc,” tài sản và có khi tính mạng như triều đại đã lâm chung ở
Ukraine 2014?
Tục ngữ Việt Nam có câu
“Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ...”
P.C.D
No comments:
Post a Comment