Sáng nay tôi đến trụ sở
công an phường trình diện sau một tuần đình hoãn do kỳ nghỉ lễ quốc khánh. Khác
với cuộc gặp chán chường vào tháng trước, mà tôi không đủ hứng thú tường thuật
lại, lần này mọi thứ đều sinh động khác thường.
Tôi đến sớm, ngồi chờ ở
dãy hành lang thông suốt nối liền trụ sở công an và ủy ban phường. Một bóng áo
đỏ thấp thoáng từ xa tiến tới, tôi quay sang nhìn và không ngờ đó là cô Phó Chủ
tịch Phường kiều diễm. Dáng người cao thon thả, gương mặt tươi cười, nàng bước
về phía tôi, rồi bỗng rẽ vào một căn phòng trên hành lang, làm niềm vui chưa kịp
trỗi lên đã tan tành trong tôi.
Điện thoại reo, anh cán bộ
tư pháp gọi hỏi tôi đã đến chưa, rồi mời tôi vào phòng làm việc. Tôi đứng lên,
vừa định xoay lưng, thì nàng lại xuất hiện và đi tới. Tôi dừng lại chờ, chào lịch
sự, rồi sốt ruột hỏi: “Chị có tham dự buổi làm việc với tôi không?” Nàng gật đầu
cười tươi. Quả thật, ông Trời không đến nỗi phụ lòng kẻ ham hố như tôi!
Ngồi vào bàn, chọn ngay
ghế đối diện cô Phó Chủ tịch, vẻ đẹp tự nhiên của nàng làm tôi bất giác nhớ đến
câu thơ Kiều “làn thu thủy, nét xuân sơn”, mà thấy lòng mình như cơn gió mùa
thu đang lay động ngoài cửa, quên mất tình cảnh bị quản chế như chim lồng, cá
chậu. Tôi chưa kịp hỏi han thêm do lâu ngày không gặp nhau, thì mọi người đẩy cửa
bước vào.
Sau vài câu chào xã giao
ban đầu, một anh nhân viên an ninh hỏi tôi có quen anh Nguyễn Quang A không.
Tôi cho biết từng gặp anh A khoảng giữa năm 2009. Dạo đó, ở cương vị phụ trách
Trung tâm Nghiên cứu Luật và Chính sách của Đoàn Luật sư Sài Gòn, tôi đã mời
anh Nguyễn Quang A đến thuyết trình cho các đồng nghiệp luật sư về chính sách
kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng bắt đầu lan rộng. Vài tuần sau
tôi bị bắt. Trong quá trình thẩm vấn, mối quan hệ giữa tôi với Viện IDS cùng
các thành viên trong nhóm của anh Nguyễn Quang A đã bị cơ quan an ninh hỏi đi hỏi
lại nhiều lần.
Anh an ninh hỏi tôi nghĩ
gì về việc câu lưu anh Nguyễn Quang A ngay trước lễ quốc khách ở phi trường Nội
Bài. Tôi đáp: “Các anh không có quyền và không nên câu lưu một hành khách lâu
như thế tại phi trường. Kiểm tra hành lý dù trong trường hợp đặc biệt chỉ mất
vài mươi phút, đằng này giữ người bặt tăm đến 15 tiếng đồng hồ là điều không thể
chấp nhận được. Nếu muốn hỏi hoặc tra vấn anh A về hoạt động của anh ấy ở nước
ngoài, các anh có thể mời anh A đến làm việc vào ngày hôm sau. Việc người thân
và bạn bè anh A đến đòi trả người là hoàn toàn đúng. Do đó, sự xáo trộn trật tự
công cộng tại phi trường Nội Bài hôm ấy là lỗi của bên công an, chứ không phải
của người dân.”
Một anh an ninh khác nói:
“Biết đâu anh A cố tình ngồi lại phi trường không chịu về sau khi cơ quan an
ninh đã làm việc xong, nhằm thu hút dư luận để đánh bóng tên tuổi?” Tôi lắc đầu,
trả lời: “Anh Nguyễn Quang A không cần phải làm như thế. Anh ấy có đủ uy tín,
tuổi lại cao, nên không thể cố tình ngồi lỳ suốt 15 tiếng đồng hồ từ sáng đến
giữa khuya chỉ vì mục đích vớ vẩn.” Tôi nói thêm, “tôi mong việc câu lưu người ở
sân bay của cơ quan an ninh sẽ không tái diễn, nếu không chính các anh tự làm
khó mình.”
Anh an ninh chuyển sang
nói về đoạn hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại mà tôi chia sẻ trên facebook và hỏi
tôi đã đọc hết quyền hồi ký chưa. Tôi bảo đã đọc toàn văn từ năm 2000 khi còn ở
Mỹ, vì thư viện thành phố New Orleans có một thư mục lớn về Việt Nam. Anh ấy hỏi
tôi nghĩ gì về quyển hồi ký, tôi bảo rất ấn tượng vì hai lẽ: thứ nhất, cựu
hoàng thực sự là người yêu nước vì biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên vương
quyền của dòng họ mình; thứ hai, liên quan đến chuyến công du Trùng Khánh, mà
sau đó ngài không trở về, hồi ký tiết lộ rằng cựu hoàng bị bỏ rơi, chứ không phải
đã trốn ở lại như sách báo chính thống của nhà nước vẫn tường thuật.
Anh an ninh nêu một số
thông tin xung quanh quyển hồi ký khiến tôi hiểu anh đã đọc rất kỹ và cũng có
suy nghĩ riêng của mình. Anh không phản bác nhận định tổng quát của tôi về hồi
ký của cựu hoàng, nhưng muốn lưu ý tôi về lời bình luận trên facebook, mà theo
anh có thể khiến người đọc hiểu sai lệch về lịch sử do cách viết cố tình của
tôi. Tôi giải thích rằng ai cũng có nhận định riêng về lịch sử xuất phát từ hiểu
biết cá nhân qua thời gian và mọi bình luận đều lồng quan điểm cá nhân nên
không tránh khỏi sự chủ quan trong đánh giá lẫn hạn chế về kiến thức. Anh ấy gật
đầu đồng ý, nhưng cho rằng vì facebook của tôi có nhiều ngàn người đọc nên tôi
cần cẩn trọng hơn khi bình luận về lịch sử. Tôi nghĩ bụng, nếu tôi nhận định mọi
vấn đề theo lối tuyên truyền của nhà nước, chắc hẳn anh ấy khuyến khích kịch liệt
(?).
Một anh an ninh đọc lại
status tôi viết về việc đặc xá tù nhân chính trị và hỏi tại sao tôi nói về sự
kiếm chác đối với tù nhân thường phạm và đổi chác đối với tù nhân chính trị.
Tôi đáp rằng do tôi đã trải qua các trại giam tại những thời điểm có đặc xá,
nên hiểu rõ tình trạng "kiếm chác" nhân mỗi dịp đó và nhiều bạn tù của
tôi đều là nạn nhân như thế. Tôi cũng dẫn chứng rằng mới hôm qua báo Tuổi Trẻ
online đưa tin thân nhân một người tù tố cáo cán bộ trại giam ở một tỉnh nhũng
nhiễu gia đình họ trong dịp đặc xá vừa qua. Tất nhiên, tù nhân chính trị không
thuộc phạm vi các quy định thông thường, nên sẽ thuộc diện “đặc xá đặc biệt”
căn cứ tình hình đối ngoại của nhà nước, và đó là gì nếu không gọi đúng từ “đổi
chác”? Trường hợp của tôi là một ví dụ về điều đó, mà tôi sẽ kể sau.
Nhân chuyện này, chúng
tôi chuyển sang nói về anh Trần Huỳnh Duy Thức. Một anh an ninh bảo anh Thức
chưa ra tù, mặc dù đã thụ án hơn 1/3 mức đã tuyên, vì anh không chấp hành đúng
quy định. Tôi hỏi, “thế nào là không chấp hành đúng quy định? vì không nhận tội
hay vì không tuân thủ nội quy trại giam?” Anh an ninh đáp, “tội phạm an ninh quốc
gia liên quan đến tư tưởng nên chỉ cần tư tưởng anh Thức thay đổi là được.” Tôi
nói, “không bao giờ anh Thức thay đổi tư tưởng, như tôi chẳng hạn, không bao giờ
tôi thay đổi tư tưởng của mình; các anh phải đọc và hiểu nội dung các lá thư
anh Thức viết gửi thân nhân, trong đó tôi không thấy một tư tưởng hay ý định chống
phá chính quyền nào cả.”
Cô Phó Chủ tịch Phường
tròn xoe mắt nhìn tôi, khiến tôi càng hăng say hơn: “Anh Thức đã viết với tất cả
tâm huyết dành cho đất nước, chính quyền nên lắng nghe. Một người tài như vậy
mà không biết sử dụng để mang lại lợi ích cho quốc gia, thì thử hỏi các nhà
lãnh đạo hiện nay có tầm nhìn hay không. Nếu không lắng nghe anh Thức, ít ra
cũng nên trả tự do, vì chế độ này không thể sụp đổ nếu anh Thức ở bên ngoài.” Một
anh an ninh nói: “Không sớm thì muộn anh Thức cũng ra tù.” Tôi đùa, “anh nói y
như thầy bói, có vẻ nước đôi!”
Nhắc đến tình hình kinh tế
hiện tại của Trung Quốc, một anh an ninh cho biết nhận định của anh Thức trong
các thư công bố gần đây rất xác đáng và rõ ràng anh Thức ủng hộ Việt Nam tham
gia TPP, không như nhiều người phản đối. Nhân thế, tôi liền đề nghị các anh ấy
nên kiến nghị cấp trên trả tự do cho anh Thức, vì anh không nguy hiểm gì cho chế
độ. Các anh mỉm cười, “chúng tôi không có thẩm quyền gì trong chuyện này, phải
hỏi Bộ Công an.”
Một anh hỏi tôi nghĩ thế
nào về nhận định được đăng tải trên trang mạng của RFA, rằng các tổ chức xã hội
dân sự đang đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa xã hội Việt Nam. Tôi bảo rằng,
trong mọi chế độ xã hội không bao giờ tất cả người dân hoàn toàn đồng thuận với
chính quyền về các chính sách, do vậy tổ chức XHDS luôn đóng vai trò cần thiết
để người dân tham gia phản biện chính sách một cách hữu hiệu, và chính quyền
thông qua đó có thể lắng nghe được nhịp đập xã hội phản ứng lại chính sách của
mình nhằm điều chỉnh tốt hơn; song tiếc thay chính quyền bây giờ lại tỏ thái độ
thù địch đối với các tổ chức XHDS.
Anh an ninh ấy giải thích
rằng sở dĩ không có sự tin cậy như tôi nói là vì các tổ chức XHDS bất hợp pháp
chỉ bảo vệ lợi ích của một nhóm người bất đồng chính kiến với chính quyền, thay
vì hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội. Tôi đáp lại rằng: “Anh nói vậy
không đúng. Mục tiêu của mọi tổ chức XHDS là bảo vệ lợi ích của nhóm thành viên
tham gia mà thôi. Ai không chia sẻ lợi ích cụ thể đó thì không tham gia, cho
nên mới cần nhiều tổ chức XHDS khác nhau để phản biện mọi mặt, mọi khía cạnh của
các chính sách. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là chính quyền chỉ muốn lập ra
các hội nhóm ủng hộ mình, còn ai nói khác thì nghi kỵ và trấn áp.”
Anh ấy giải thích tiếp,
“tôi lấy ví dụ về một gia đình, nếu mọi thành viên đều chống lại lợi ích chung
của cả gia đình và chỉ làm theo lợi ích riêng, thì nền tảng gia đình tan vỡ.”
Tôi đáp: “Tôi rất đồng ý với ví dụ và suy nghĩ của anh, nhưng với điều kiện ông
chủ gia đình phải là người biết lắng nghe ý kiến của mọi thành viên trong nhà,
chứ không thể gạt phăng mọi lợi ích trái chiều, rồi nhân danh cái gia đình
chung chung đó để trấn áp và làm theo ý riêng. Nếu ông chủ gia đình độc đoán và
gia trưởng, thì chính ông đã tạo nên mầm mống mâu thuẫn và phân rẽ trong nội bộ
gia đình.”
Cô Phó Chủ tịch Phường chớp
mắt nhìn tôi, khiến tôi… đứt thắng lao tới luôn: “Suy rộng ra cả xã hội, các
anh có đồng ý với tôi rằng hiện nay chính quyền rất độc đoán và độc tài không?”
Một anh gật đầu nhè nhẹ. Tôi tiếp: “Độc đoán trong một chừng mực và trong một
hoàn cảnh nhất định như giữa lúc chiến tranh, thì còn có thể biện minh do cần tập
trung sức mạnh cho mục tiêu đánh bại kẻ thù. Tuy nhiên, trong thời bình, độc
đoán chẳng những tạo nên bất công, mà còn hủy hoại các nguồn lực cần thiết để
phát triển đất nước. Xã hội càng trở nên bất ổn và lâm vào cảnh lụn bại không
tránh khỏi. Chiến tranh đã chấm dứt 40 năm rồi, các anh lấy lý do gì để tiếp tục
áp đặt và duy trì một chế độ độc tài như vậy lên trên nhân dân?” Cô nàng ngước
nhìn tôi, ra chiều ái ngại. Tôi đoán, trong thâm tâm nàng nghĩ rằng thằng cha
này thiệt là hết thuốc chữa (!).
Một anh đưa ví dụ về Câu
lạc bộ nhà báo tự do trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào cuối năm
2007 và đầu năm 2008, mà theo anh một nhóm nhỏ đã lợi dụng tình cảm yêu nước của
người dân để chống phá nhà nước. Tôi nói: “Khi nhà nước không đáp ứng nguyện vọng
bày tỏ lòng yêu nước của người dân, thì tự họ sẽ tổ chức theo cách của mình.”
Anh an ninh đáp lại: “Nhưng nhiều người đã lợi dụng việc chống Trung Quốc để
giăng biểu ngữ chống chế độ, đả đảo cộng sản, đòi đất đai, v.v….”
Tôi phân tích: “Điều đó
chứng tỏ người dân có quá nhiều điều phẫn uất đối với chính quyền, không chỉ
riêng ở thái độ chống Trung Quốc. Muốn tránh tình trạng lợi dụng như các anh
nói, lẽ ra phải có luật biểu tình để ai muốn biểu tình thì phải đăng ký, chẳng
hạn thời gian và địa điểm, nội dung biểu ngữ, số lượng người tham gia, v.v…, tất
cả những điều đó cần quy định rõ ràng trong luật.” Anh ấy phản bác: “Đã có dự
thảo luật biểu tình, nhưng trong lúc chờ đợi cần tuân thủ quy định khác của nhà
nước như Nghị định 38, không thể tự ý làm bậy.”
Tôi đối đáp lại: “Biểu
tình là quyền của người dân ghi trong Hiến pháp, luật chỉ cụ thể hóa, nên không
thể viện cớ không có luật để hạn chế quyền đó, huống chi nghị định chỉ liên
quan đến vấn đề quản lý hành chính của chính quyền và việc thiếu luật hoàn toàn
do lỗi của nhà nước, chứ không phải của dân chúng. Dùng nghị định để cai trị
thay luật càng cho thấy sự độc đoán của chính quyền mà thôi.” Anh an ninh giải
thích: “Đã có dự thảo luật thì cần chờ Quốc hội thông qua. Cái gì cũng phải từng
bước mà làm.” Tôi bảo, “các anh không thấy dự thảo luật biểu tình và luật về hội
cứ bị Quốc hội và Chính phủ viện đủ cớ để trì hoãn hoài sao?” Anh ấy cười nói:
“Thì Thủ tướng đã nói rồi, đó là những món nợ đối với nhân dân mà.” Tôi cũng cười:
“Thật là nợ khó đòi, vấn đề là con nợ muốn trả hay không thôi.”
Buổi nói chuyện chính tạm
dừng ở đó. Mọi người bảo tôi chỉ còn 4 lần trình diện nữa rồi hết, sau này có dự
định làm việc gì hay không. Tôi trả lời chưa biết. Cô Phó Chủ tịch hỏi tôi có
muốn làm phiên dịch viên chăng, vì nhu cầu của người dân địa phương rất lớn.
Tôi hỏi lại rằng thế cô có muốn nhận tôi làm trợ lý Phó Chủ tịch không. Nàng cười
rất đẹp: “Không có chức vụ đó ở đây.” Tôi nói ngay: “Chị cứ tạo ra chức vụ đó
đi, miễn tôi được cận kề.” Một anh hỏi: “Anh muốn làm tình nguyện viên à?” Tôi
trả lời: “Tình nguyện cả đời cũng được!”
Các anh nhìn nhau, rồi một
anh hỏi: “Mọi người còn ý kiến gì nữa không để anh Định về?" Rồi anh ta
quay sang nàng tế nhị hỏi, "riêng chị còn muốn nói gì với ảnh không?” Nàng
cười bẽn lẽn: “Chắc là không!” Tôi hơi thất vọng và nhân cơ hội nói luôn: “Tôi
đề nghị rằng trong 4 buổi làm việc tiếp theo các anh vắng mặt không sao, nhưng
dứt khoát chị phải tham gia!” Mọi người cười ồ lên. Nàng nhìn tôi nói: “Tuy
không gặp anh, tôi vẫn thường xuyên đọc facebook của anh mà!” Trời, nghe hết
câu, tôi cảm giác ... bán thân bất toại. Ải mỹ nhân khó qua thật! Tôi bần thần,
hồn siêu, phách lạc bước ra cửa.
Chợt thấy một anh an ninh
cất vào cặp tập giấy A4 dày in tất cả bài viết của tôi trên facebook tháng vừa
rồi, tôi nhìn anh lắc đầu: "Các anh in ra làm chi tốn giấy." Anh
chàng cười: "Chúng tôi nghiên cứu anh kỹ mà. Hơn nữa, phải lưu lại bằng giấy
trắng mực đen, chứ mai mốt vào facebook tìm lại biết đâu không còn." Tôi dừng
lại, bắt tay mọi người ra về. Nàng cũng chào tôi, nhưng không chìa tay ra. Dù
sao tôi vẫn vui.
No comments:
Post a Comment