Wednesday, 16 September 2015

Đến lúc ‘nước tắm cũng không còn, đừng nói lũ’ (Trần Văn Tuấn - TuanVietNam)









Trần Văn Tuấn   -   TuanVietNam
16/09/2015 02:00 GMT+7

“Nếu các bạn quan tâm đến những gì các nước trên thượng lưu đang làm đối với sông Mekong, thì khoảng chục năm nữa chúng ta muốn có nước tắm đã khó chứ đừng nói đến “nước chìm, nước nổi” 

LTS: Đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ Lào đã chính thức thông qua dự án thủy điện gây tranh cãi Don Sahong trên sông Mekong, đoạn chảy qua nước này. Có nghĩa rằng vùng hạ lưu Mekong như Đồng bằng sông Cửu Long của VN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi giới thiệu bài viết của chuyên gia phát triển Trần Văn Tuấn. 


‘Bình ắc quy’ đã phớt lờ mọi cảnh báo

Trong một hội nghị gần đây, bàn về các giải pháp “sống chung với lũ” cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa nước nổi, một đại biểu đã nhận định: “nếu các bạn quan tâm đến những gì các nước trên thượng lưu đang làm đối với sông Mekong, tôi đoán rằng chỉ khoảng chục năm nữa chúng ta muốn có nước tắm đã là khó rồi chứ đừng nói chi đến “nước chìm, nước nổi”!

Đến lúc đó chỉ sợ không còn lũ để được ngắm chứ chưa muốn nói là chung sống.

Từ lâu, sông Mekong không chỉ đem lại phù sa, nguồn nước và nguồn sống cho hàng triệu con người trong phạm vi gần 800 ngàn km2 lưu vực (trong đó khoảng 606 ngàn km2 thuộc hạ lưu vực) mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc liên thông, kết nối và gắn kết các nền văn hóa khác nhau. Những cộng đồng được hưởng lợi từ nước và các tài nguyên liên quan của một dòng sông vốn được người dân các nước Campuchia, Lào và Thái Lan trân trọng gọi là “Mẹ” (Me) này.

Trong suốt hàng ngàn năm qua, sông Mẹ đã cần mẫn chuyên chở phù sa bồi đắp nên một vùng châu thổ rộng lớn; là vựa cá của khu vực và trên thế giới.

Với chiều dài khoảng 4900 km (nguồn MRC), Mekong được xem là một trong số 10 con sông dài nhất thế giới. Bên cạnh việc cung cấp nước và các nguồn tài nguyên liên quan phục vụ hơn 60 triệu người  trong lưu vực, Mekong còn được xem là dòng sông có tiềm năng thủy điện vô cùng to lớn.

Sông Cửu Long. Ảnh: blogspot.com

Chính bởi tiềm năng này, hiện nay, lưu vực sông Mekong trên thượng nguồn đang bị các nước ven sông tàn phá nham nhở. Trong số đó có 8 con đập thủy điện trên thượng lưu do TQ đã và đang xây dựng, 70 con đập lớn nhỏ đã, đang và sẽ được dựng lên trên dòng nhánh Mekong thuộc lãnh thổ Lào (chưa kể đến Thailand và Việt Nam) và 11 con đập lớn trên dòng chính (9 thuộc Lào và 2 thuộc Campuchia) đang được gấp rút triển khai.

Kể từ năm 2012 – khi các quốc gia thành viên Ủy hội Sông Mekong (MRC) thất bại trong việc đàm phán với chính phủ Lào trì hoãn xây dựng đập thủy điện Xayaburi với lý do “cần có các nghiên cứu đánh giá sâu, rộng hơn về những tác động mà con đập có thể gây ra cho khu vực hạ lưu trên các Phương diện môi trường, kinh tế và xã hôị”.

Với định hướng đưa Lào trở thành “bình ắc quy” của Đông Nam Á, chính phủ nước này đã và đang có bước đi nhằm khai thác tối đa nguồn thủy năng dồi dào trên lãnh thổ. Tiềm năng to lớn của 9 (trên tổng số 11) con đập trên dòng chính, hạ lưu vực Mekong, vốn đã được các chuyên gia thuộc Ủy Ban Mekong (tiền thân của MRC) chỉ ra từ những năm 1960s không dễ gì bị bỏ qua.

Hiệp định Mekong (ký kết năm 1995 – nền tảng của MRC) đòi hỏi mỗi nước thành viên phải thông báo và tham vấn các nước còn lại khi có bất kỳ dự án hay kế hoạch nào can thiệp trên dòng chính của sông Mekong.

Nguyên tắc này được cụ thể hóa bởi một trong số năm thủ tục quản lý tài nguyên nước mà các nước thành viên của MRC cam kết – thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA).

Do chưa từng có tiền lệ nên có thể nói đập Xayaburi được xem như phép thử  đầu tiên của Lào đối với phản ứng của Chính phủ và người dân của 3 nước ven sông còn lại trên con đường ắc quy hóa của mình

Trước tiên, Thailand thực sự không bị ảnh hưởng đáng kể gì do tác động của con đập cộng với việc con đập này được công ty SEAN & Ch. Karnchang Public Co Ltd của nước này đầu tư xây dựng, nên phản ứng của nước này có chăng chỉ dừng lại ở hình thức “cần nghiên cứu thêm…”.

Campuchia tuy được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến chế độ thủy văn, phù sa, và nguồn cá, nhưng vì nước này cũng có kế hoạch xây dựng hai đập thủy điện trên dòng chính là Stung Treng và Sambor,  nên cuối cùng họ cũng chỉ phản ứng kiểu chiếu lệ.

Đầu xuôi, đuôi lọt?

Thông tin Quốc hội Lào chính thức phê chuẩn cho phép triển khai dự án thủy điện Don Sahong trên dòng chính Mekong – vốn đang có nhiều tranh cãi, đã củng cố thêm nhận định và lo ngai của nhiều người về tương lai dòng chảy Mekong sau phép thử Xayaburi.

Như vậy câu nói “đầu xuôi, đuôi lọt” đang được các nước thượng lưu vận dụng rất linh hoạt. Điều này có nghĩa rằng sẽ rất nhanh thôi, vì quyền lợi quốc gia của mình, nhiều nước ven sông đang đi ngược lại với tinh thần của “Hiệp định Mekong, 1995”-  “thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và an sinh của cộng đồng”.

Các nước đã cố tình lờ đi những tác động mang tính xâu chuỗi và cộng hưởng đối với khu vực hạ lưu.

Thay vào đó, các báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ được xây dựng cho từng con đập riêng lẻ.

Vấn đề sẽ trở nên rất khác nếu sau Don Sahong, có thêm nhiều con đập nữa được dựng lên trên dòng chính, và vào mùa khô, nếu mỗi con đập chỉ cần tích nước trong 3 ngày thì độ trễ thủy văn có thể lên đến cả tháng trời. Khi đó rất khó có thể lường hết các tác động tiêu cực cho khu vực ĐBSCL trên nhiều phương diện.

Vựa lúa của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chế  độ thủy văn làm thay đổ cơ cấu mùa vụ. Đói phù sa sẽ khiến cho các cù lao bị xói lở cũng như mất đi một nguồn dinh dưỡng quan trọng cho cây trồng do bị cắt lũ.

Đặc biệt vào mùa khô khi các đập thủy điện đồng loạt tích nước, ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt để có thể ém phèn hiệu quả như cách lâu nay chúng ta vẫn làm. Kết hợp với xâm nhập mặn gia tăng, một diện tích lớn đất nông nghiệp hiện nay có thể không còn sử dụng được nữa.

Ngoài ra, phù sa ít đi sẽ làm giảm dinh dưỡng, năng suất sinh học sơ cấp và qua đó làm  giảm sản lượng, chất lượng cá và các loại thủy sản khác. Chức năng cắt lũ của các con đập cũng làm giảm năng suất sinh trưởng của cá, do dòng lũ bị thấp đi và thời gian lũ ngắn lạ. Đặc biêt ngành nuôi trồng thủy sản và khai thác ven bờ trong khu vực sẽ bị giảm sút đáng kể do nguồn nước đổ về xanh hơn và cũng đói phù sa hơn.

Còn rất nhiều các tác động và ảnh hưởng khác trên phương diện môi trường, xã hội, và kinh tế phải cần đến những báo cáo chuyên môn mới có thể truyền tải hết.

Câu hỏi đặt ra ở đây là với vị trí địa lý nằm ở cuối nguồn và phải chịu nhiều thiệt thòi, liệu VN đã có những hành động cần thiết cũng như lên tiếng đủ mạnh để bảo vệ sông Mekong mà cụ thể là vựa lúa, vựa cá ĐBSCL của chúng ta hay chưa?

Thiết nghĩ, trong bất kỳ cuộc đàm phán thỏa thuận song phương hay đa phương nào, các tính toán mang tính ngoại giao là cần thiết, nhưng trên tất cả, quyền lợi quốc gia – ở đây là vận mệnh của khu vực ĐBSCL phải được đặt làm ưu tiên số một.

Trần Văn Tuấn





No comments:

Post a Comment

View My Stats