17.09.2015
Ở Úc, những người đi ngủ sớm vào tối Thứ hai 14
tháng 6 vừa qua, sáng hôm sau, ngủ dậy, sẽ giật mình phát hiện ra là nước mình
vừa có Thủ tướng mới.
Cuộc “đảo chánh” diễn ra một cách nhẹ nhàng và nhanh
chóng chỉ trong một buổi tối. Xế chiều ngày Thứ hai, ông Malcolm Turnbull, Bộ
trưởng Bộ Truyền thông đến gặp Thủ tướng Tony Abbott để, một, tuyên bố từ chức
Bộ trưởng; và hai, thách thức chức vụ thủ lĩnh đảng Tự Do của Thủ tướng. Ông
Abbott đồng ý và cho triệu tập cuộc họp của các dân biểu và nghị sĩ Tự Do vào
lúc 9 giờ 15 tối để bỏ phiếu tín nhiệm. Cuộc bỏ phiếu kín chỉ kéo dài khoảng nửa
tiếng. Kết quả: Ông Turnbull được 54 phiếu còn ông Abbott chỉ được có 44 phiếu.
Với chiến thắng ấy, ông Turnbull trở thành lãnh tụ của đảng Tự Do và vì đảng Tự
Do đang cầm quyền nên lãnh tụ của đảng đương nhiên trở thành Thủ tướng.
Ông Tony Abbott được bầu làm thủ lĩnh đảng Tự Do
(lúc đó đang ở thế đối lập) vào năm 2009 sau khi đánh bại đương kim thủ lĩnh
Malcolm Turnbull. Trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 năm 2013, liên đảng Tự
Do - Quốc Gia thắng, Abbott trở thành Thủ tướng thứ 28 của Úc. Tuy nhiên, hầu
như ngay sau đó, uy tín của Abbott càng ngày càng giảm sút. Lý do chính là ông
không giữ được những lời đã hứa khi tranh cử, quan điểm của ông bị xem là quá bảo
thủ (như chống lại hôn nhân đồng giới và các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường
và ngăn chận hiện tượng biến đổi khí hậu), hơn nữa, ông còn bị phê phán là độc
đoán, không chịu lắng nghe ý kiến của các Bộ trưởng cũng như những dân biểu và
nghị sĩ trong đảng. Hậu quả là, theo các cuộc thăm dò dư luận, sự ủng hộ của
dân chúng đối với ông cũng như đối với đảng Tự Do do ông lãnh đạo xuống rất thấp.
Người ta dự đoán nếu căn cứ vào các cuộc thăm dò dư luận ấy, trong cuộc bầu cử
sắp tới, sẽ có ít nhất vài chục ghế dân biểu và nghị sĩ sẽ bị mất và Liên đảng
Tự Do - Quốc Gia sẽ không còn cầm quyền được nữa.
Lo sợ trước viễn tượng ấy, vào đầu năm nay, một số
dân biểu và nghị sĩ yêu cầu Tony Abbott cho bỏ phiếu tín nhiệm. Lúc ấy có gần
40 trên tổng số 102 người tỏ ý không tín nhiệm Thủ tướng. Con số ấy khá lớn,
nhưng dù sao cũng chưa quá bán nên ông Abbott vẫn giữ được ghế. Ông hứa với mọi
người cho ông 6 tháng để thay đổi cách làm việc nhằm nâng cao uy tín trong quần
chúng. Sáu tháng đã trôi qua. Tất cả vẫn như cũ. Sự ủng hộ của dân chúng vẫn rất
thấp, thua hẳn đảng Lao Động, phe đối lập. Nhiều người quay sang ủng hộ Malcolm
Turnbull và khuyến khích ông thách thức chức thủ lĩnh của Tony Abbott. Thấy cờ
đến tay, Turnbull làm theo những lời đề nghị ấy và trở thành Thủ tướng thứ 29 của
nước Úc.
Để hiểu sinh hoạt chính trị tại Úc, cần lưu ý là,
khác với các nước theo Tổng thống chế (như Mỹ và Pháp), ở Úc, dân chúng bầu cho
đảng chứ không cho cá nhân. Đảng nào được nhiều phiếu nhất thì được lên cầm quyền
và thủ lĩnh của đảng ấy trở thành Thủ tướng, người có nhiều quyền lực nhất nước.
Nhiệm kỳ của Thủ tướng là ba năm. Trong khoảng thời gian ba năm ấy, do những
tranh chấp trong nội bộ đảng, người ta có thể thay lãnh tụ, và do đó, thay luôn
cả thủ tướng.
Hiện tượng thay thủ tướng giữa nhiệm kỳ như vậy đã từng
xảy ra nhiều lần. Gần đây nhất, dưới thời đảng Lao Động, Thủ tướng Kevin Rudd bị
phó Thủ tướng Julia Gillard hạ bệ (2010), rồi ba năm sau, Julia Gillard lại bị
Kevin Rudd hạ bệ lại (2013).
Điều cần ghi nhận là tất cả các cuộc “đảo chính” như
thế đều không gây ra bất cứ sự bất ổn nào trong xã hội cả. Thủ tướng thay đổi
nhưng guồng máy chính phủ vẫn chạy tốt. Các cơ quan công quyền vẫn mở cửa và tiếp
tục làm những công việc họ thường làm. Không có ai gặp trở ngại hay rắc rối khi
cần tiếp xúc với chính phủ. Bởi vậy, dư luận trong xã hội nói chung vẫn bình thường.
Trừ những người thích thú với tin tức chính trị, phần lớn dân chúng không hề
quan tâm đến các sự thay đổi trong giới lãnh đạo. Điều đó cho thấy những luận
điệu giới cầm quyền Việt Nam thường dùng để doạ nạt dân chúng là dân chủ có thể
dẫn đến sự mất ổn định chỉ là một sự lừa gạt.
Nhưng vấn đề là: tại sao ở Úc những năm gần đây,
người ta hay thay đổi người lãnh đạo như thế?
Trong bài diễn văn cuối cùng với tư cách Thủ tướng,
ông Tony Abbott đổ lỗi cho giới
truyền thông. Ông cho bản chất của chính trị thay đổi một cách triệt để trong mấy
thập niên vừa qua. Các cuộc thăm dò dư luận được tổ chức thường xuyên và các
bài bình luận chính trị cũng được viết ra một cách dồn dập hơn trước. Bất cứ một
phản ứng nào của dân chúng cũng đều được ghi nhận. Điều đó gây ra hai hệ quả: Một
là chúng tác động mạnh mẽ đối với dư luận và hai là, chúng gây sức ép lên những
người làm chính trị. Trước nguy cơ mất phiếu trong kỳ bầu cử sắp tới, các dân
biểu và nghị sĩ thường có phản ứng quyết liệt với những người lãnh đạo chính phủ.
Họ đòi hỏi thay đổi chính sách, và nếu những thay đổi ấy không thành công, họ
đòi hỏi thay đổi những người lãnh đạo cao nhất, từ đó, dẫn đến các cuộc “ám
sát” chính trị biểu hiện qua các cuộc “đảo chánh” trong nội bộ đảng.
Việc phê phán giới truyền thông của Tony Abbott chưa chắc đã chính xác. Nhiều người không đồng ý với
ông, trong đó, có cả cựu Thủ tướng John Howard. Tuy nhiên, có một điều hầu như
không ai phủ nhận được: Càng ngày giới truyền thông, và gắn liền với truyền
thông, các cuộc thăm dò dư luận, càng gây áp lực mạnh mẽ lên các chính khách, từ
đó, ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt chính trị tại các quốc gia dân chủ. Có thể
xem các cuộc thăm dò dư luận là những cuộc bầu cử nho nhỏ được tổ chức hằng
tháng, thậm chí, hằng tuần. Qua các cuộc “bầu cử” nho nhỏ ấy, các nhà lãnh đạo
có thể biết được ý kiến của quần chúng, từ đó, có thể thay đổi các chính sách
hoặc đường lối quản trị của mình. Ở các quốc gia theo chế độ Đại nghị, đặc biệt
theo hệ thống Westminster, như ở Anh và Úc, những thay đổi ấy có thể đi xa hơn:
thay đổi Thủ tướng.
Có thể nói với sự phát triển và phổ cập của truyền
thông đại chúng, sinh hoạt chính trị cũng như công việc lãnh đạo quốc gia của
các chính khách, một mặt, dân chủ hơn; mặt khác, càng lúc càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, người ta không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận. Trong bài diễn
văn cuối cùng với tư cách Thủ tướng nhắc ở trên, Tony Abbott nói một câu rất
hay: “Khi tham gia một cuộc chơi, bạn phải chấp nhận các luật chơi” (when you
join the game, you accept the rules).
---------------------
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment