Tue, 09/22/2015 - 16:26 — VietTuSaiGon
Vài năm trở lại đây, đặc biệt là vài tháng giữa năm
nay, tình trạng mưa là ngập, ngập là úng đã diễn ra ở hầu hết các thành phố
trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt những thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn thì
chuyện ngập úng đã đến hồi cao trào. Ở Hà Nội chưa nghe nói gì chứ ở Sài Gòn,
có quan chống ngập đã tuyên bố Sài Gòn phải tốn 66,800 tỉ đồng để chống ngập.
Nhưng sau đó lại có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, 100,000 tỉ đồng để chống
ngập.
Người dân nghe đến những con số như cậy chỉ biết lắc
đầu ngao ngán. Có người còn nói đùa: “Thì Sài Gòn mới là hòn ngọc Viễn Đông, chứ
bây giờ thành cái hồ rồi, hồ Chí Minh đó, thành cái hồ thì phải nhiều nước chứ!
Có gì đâu mà bàn cho mệt!”.
Mức độ ngao ngán của cư dân sài Gòn hiện nay có thể
nói đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng cũng có cái hay là sức chịu đựng của người Việt
hiếm có dân nước nào bằng. Suốt bảy mươi năm ở miền Bắc và bốn mươi năm ở miền
Nam, đói khổ, mệt mỏi, bị chèn ép, bị coi thường, bị lừa phỉnh… Đủ các thứ khổ
nạn, vậy mà người dân vẫn cứ sống như chuyện đó rất ư bình thường, nước ngập
thì xắn quần mà lội, dân phòng, công an đổ hết trái cây thì mai sắm cái hác mà
bán lấy lãi…!
Có người lại ra chiều trầm ngâm, lắc đầu: “Chuyện ngập
úng ấy à? Thường thôi, vì cái quan trọng nhất là tâm hồn, trí tuệ, nó đã bị ngập
úng mấy mươi năm nay rồi thì nghĩa lý gì vài thành phố bị ngập! Trí tuệ ông nào
đỉnh cao kia mới không bị ngập, vì có đỉnh cao trí tuệ rồi thì sá gì ba cái trí
tuệ lèng phèng ở dưới!”.
Lời ta thán của người bạn khiến tôi giật mình, ông
nói đúng, chuyện Sài Gòn thành cái hồ gọi là hồ Chí Minh theo cách hiễu đầy chất
giễu nhại hoặc chuyện các thành phố lớn thi nhau mà ngập đều là hệ quả, cái đến
sau của sự ngập úng tư tưởng, ngập úng trí tuệ. Khi tư tưởng, trí tuệ bị ngập
úng, thối nát trong một hệ thống vốn dĩ sẽ đi đến kết cục như vậy thì mọi thứ
chẳng còn gì để bàn.
Chỉ riêng thành phố Sài Gòn và Hà Nội, hai thành phố
lớn và chưa bao giờ có “truyền thống” ngập úng như hiện nay lại trở thành tiêu
điểm của ngập úng và thiệt hại do ngập nước gây ra thì khỏi phải chê vào đâu được!
Trong khi đó, hai thành phố này nổi tiếng là có nhiều ao hồ và kênh rạch. Nếu
như Hà Nội có nhiều ao hồ thì Sài Gòn lại có rất nhiều kênh rạch và hệ thống
thoát nước ở đây cũng khá rộng lớn.
Ao hồ ở Sài Gòn trước đây cũng khá nhiều nhưng đã bị
san lấp thành khu dân cư. Mọi thứ xúm tụm vào một trung tâm chật chội, ngột ngạt,
hệ thống cấp thoát nước không có gì thay đổi mặc dù kinh phí hàng năm vẫn luôn
chiếm con số rất lớn, hệ thống cấp thoát nước đang sử dụng hiện nay tại Sài Gòn
đều dựa vào hệ thống do Pháp xây để lại.
Trong khi đó, với thiết kế của Pháp, hệ thống cống
rãnh, kênh rạch và các đầu cầu dẫn lưu là bất di bất dịch. Thời Việt Nam Cộng
Hòa cũng không có gì thay đổi về vấn đề cấp thoát nước. Khi Sài Gòn rơi vào tay
chính quyền Cộng sản Việt Nam, mọi thứ thay đổi. Ao hồ bị san lấp, kênh rạch bị
san lấp và ở các đầu cầu đều cho xây nhà kín mít, nhà gần đầu cầu thì người dân
tìm cách đắp nền cho cao ngang với dốc cầu, móng nhà trở thành đập ngăn nước
thoát từ đường xuống sông. Mọi xây dựng sau 1975 đều dẫn đến hệ quả là khi trời
mưa, nước không có đường thoát (đầu cầu dẫn lưu, kênh rạch) và cũng mất luôn chỗ
tạm thoát (ao hồ).
Dân số thì càng ngày càng đông, nhà cửa chen chúc
nhau xây dựng. Trong lúc cơ quan quản lý xây dựng của thành phố này vẫn đi soi
mói từng viên gạch khi nhân dân xây nhà để đóng thuế, để phạt. Và có bao nhiêu
nhà xây dựng hợp pháp ở thành phố? Đương nhiên phải là 100% nhà ở những điểm
quan trọng như đầu cầu, khu san lấp ao hồ. Vậy cơ quan quản lý kiến trúc, xây dựng
thành phố này tồn tại để làm gì?
Tiếp đến, đã có bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời
gian người dân chờ đợi các ngành liên quan đào dường, dựng lô cốt hằng năm trời
để xây dựng hệ thống thoát nước? Và đã bao nhiêu lần các quan chức tuyên bố sau
khi xây dựng hệ thống lô cốt thoát nước này thì Sài Gòn không bị ngập nước? Có
thể nói rằng lời hứa nhăng hứa cuội này đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần, nghe
riết thấy đầy lỗ tai!
Ở Hà Nội, hệ thống thoát nước cũng do thời Pháp để lại,
hệ thống mới hầu như không đáng kể, chỉ có ở những khu phố mới và hiệu năng của
chúng thì quá thấp. Trong khi đó, chi phí xây dựng hệ thống này cũng chẳng thấp
một chút nào. Sở dĩ các thành phố đều trở nên tệ hại như hiện thấy là do nạn
tham nhũng, rút ruột công trình quá nặng. Nặng đến độ một tay thầu công trình
thoát nước kể rằng anh ta chỉ nhận đúng 1km đường cống ở Hà Nội, tổng kinh phí
là ba tỉ đồng, anh phải chung chi cho quan chức bên A, tức chủ tịch, phó chủ tịch
và các nhân viên ủy ban quận hết một tỉ rưỡi đồng. Số tiền còn lại, xây dựng
xong hệ thống cống dài 1km này, anh lãi được chín trăm ba chục triệu.
Như vậy, sau khi trả hết tiền công lao động, tiền vật
liệu xây dựng, tiền chi phí cơ hội mỗi ngày của chủ thầu, anh ta chỉ mất đi năm
trăm bảy chục triệu đồng. Số tiền ngót nghét 18% so với số tiền phải trích ngân
sách bỏ ra. Thử hỏi, liệu có bao nhiêu km đường cống rãnh ở Sài Gòn và Hà Nội
đã không bị cắt xén, bòn rút như trường hợp trên? Và với mức độ bòn rút, cắt
xén kinh phí như vậy, liệu có mấy công trình có thể trụ qua được mùa mưa?
Tôi dám chắc rằng mọi hệ thống thoát nước do nhà nước
xây dựng trong thời gian qua ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội đều đã hư
hỏng. Nhưng vì nó nằm dưới lòng đất nên không ai nhìn thấy. Và khi không ai
nhìn thấy được, người ta dễ dàng nói phét để qua chuyện. Bởi lẽ, sự ngập úng hiện
tại không còn là chuyện của mưa, chuyện của thành phố hay cống rãnh mà là chuyện
ngập úng của cả một hệ thống tư tưởng mục ruộng, thối nát.
Khi tư tưởng, trí tuệ đã thối nát, thì mọi sự thối
nát, ngập úng khách chỉ là biểu hiện bên ngoài. Hiện trạng việt Nam đang là thảm
trạng của thối nát và ngập úng, càng ngập úng thì càng tự coi mình là đỉnh cao
trí tuệ!
No comments:
Post a Comment