Tuesday, 1 September 2015

Bình luận về bài trả lời phỏng vấn trên báo chí gần đây của ông Nguyễn Trần Bạt (Hà Đăng Hiển)





01/09/2015
.
Bình luận về bài trả lời phỏng vấn trên báo chí gần đây của ông Nguyễn Trần Bạt

Hà Đăng Hiển
(Tác giả gửi Blog Hahien)

Tôi đọc bài “ Xã hội Việt Nam có những khát vọng cấp tiến ghê gớm”, ở đó ông Nguyễn Trần Bạt trả lời bốn câu phỏng vấn của báo Thanh Niên ngày 31 tháng Tám. Tôi cố gắng đọc kỹ câu hỏi và câu trả lời và thấy hình như câu trả lời chẳng ăn nhập gì với câu hỏi, hoặc là tránh né câu hỏi. Đành phải tìm cách diễn giải cho đơn giản, đồng thời cũng tưởng tượng là mình được phỏng vấn để thử trả lời xem thế nào.

Câu hỏi 1 : “…Ông nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng nếu như chúng ta có những cải cách, đột phá trong xây dựng nhà nước dân chủ (pháp quyền XHCN) một cách thực chất hơn thì đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nguồn nội lực của dân tộc được phát huy tốt nhất cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước ?”

Tóm tắt câu trả lời của ông Bạt ( xem toàn văn trên báo Thanh niên) : Không đồng ý với cách đặt vấn đề nếu cởi mở hơn, tự do hơn, cải cách nhiều hơn thì có xã hội tốt hơn hoặc có năng lực phát triển tốt hơn… Sự lựa chọn giữa cấp tiến và ổn định là vô cùng quan trọng. Cấp tiến nghe thì sướng, nhưng sự chịu đựng là vô cùng lớn… vì hầu như tất cả các khái niệm hiện nay đều không có chuẩn mực ( độc lập, tự do, hạnh phúc chẳng hạn…). Mọi khái niệm đều liên quan đến đặc điểm của mỗi quốc gia… và mọi cuộc cải cách lại có yếu tố quốc tế nữa vì VN đã hội nhập.

Bình luận : Theo ông Bạt, hầu như tất cả mọi thứ đều chưa có chuẩn mực. Vậy ông dựa vào đâu để khẳng định cấp tiến nghe thì sướng nhưng sức chịu đựng cần phải bỏ ra sẽ vô cùng lớn. Nếu ông đưa ra các ví dụ về Trung Đông hay Myanma (như những con ngáo ộp chỉ ra cái tồi tệ của sự cấp tiến) để chứng minh thì ông nghĩ sao về chính quan điểm của ông liền ngay dưới đó là mọi khái niệm đều liên quan đến đặc điểm của mỗi quốc gia…, tức là ông nhấn mạnh đến tính chất đặc thù của mỗi nước ? Như thế thì các sự kiện ở Trung Đông hay Myanma có gì liên quan đến Việt Nam mà ông cảnh báo rằng cần phải cẩn thận. Ông bảo mọi người (?) đều nhận ra là sự tình không đúng với những tuyên truyền trước đó, nhưng “mọi người” là ai hay đó chỉ là suy diễn của riêng ông? Đấy là chưa nói ví dụ về Myanma mà ông coi là tấm gương tiêu cực để tham chiếu chỉ xuất phát từ góc nhìn chủ quan của riêng ông trong khi trong thực tế nó hoàn toàn khác với những điều ông nghĩ. Nhưng bàn thêm vấn đề này ở đây e lạc đề.

Câu trả lời của tôi là : nếu cởi mở hơn, tự do hơn, cải cách nhiều hơn thì chắc chắn có xã hội tốt hơn hoặc có năng lực phát triển tốt hơn. Nếu bạn đề nghị tôi đưa ra ví dụ, thì chưa cần viện dẫn ở đâu xa như Trung Đông hay Myanma, mà lấy ví dụ của nước ta trước và sau thời kỳ đổi mới về kinh tế năm 1986 để thấy cởi mở hơn, tự do hơn và cải cách nhiều hơn thì xã hội chỉ có tốt hơn lên mà thôi.
.
Câu hỏi 2 : Ông nhìn nhận thế nào về quá trình xây dựng pháp luật trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi có Hiến pháp mới ?”

Bình luận : Câu trả lời của ông Bạt né tránh câu hỏi. Ông chỉ nói đến những khát vọng cấp tiến, mạnh bạo nhất, nhưng không nói ra đó là những gì. Tôi đoán đó là các quyền dân sự cơ bản như biểu tình, lập hội, tiếp cận thông tin hay những vấn đề lẻ như quyền im lặng khi bị bắt giữ, quyền điều tra của công an cấp xã v.v…lâu nay được tranh luận rộng rãi trên mọi diễn đàn. Ông kết luận rằng những đòi hỏi ấy quá sức chịu đựng ( của những người cộng sản – chữ của ông Bạt), và nếu như giới trí thức có thái độ hợp lý thì những người cộng sản sẽ yên tâm đẩy mạnh cải cách hơn. Với diễn giải tiếp theo, ông cho rằng những cá nhân, tập hợp những cá nhân, những tổ chức đòi hỏi cải cách mạnh bạo là còn ở trạng thái vị thành niên chưa trưởng thành, cũng tức là coi những người cộng sản là đã trưởng thành. Không biết ông Bạt lấy chuẩn mực nào để đo sức chịu đựng của một ai đó, một tổ chức nào đó ? Tại sao chỉ trông đợi vào sức chịu đựng của những người đang nắm quyền, tại sao không tính đến sức chịu đựng của người bị quản lý ? Và nếu những người bị quản lý không bày tỏ ý kiến, (cao hơn nữa là đòi hỏi) thì làm sao biết được sức chịu đựng của người nắm quyền. Chuẩn mực nào để biết thái độ của giới trí thức là hợp lý hay quá đáng ? Khi chẳng có lấy một tí sức ép nào thì người nắm quyền chịu đựng cái gì để phải thực thi cải cách ?

Câu trả lời của tôi là : những đòi hỏi ấy không có gì là ghê gớm, mạnh bạo và cấp tiến cả, là những nội dung đã từng xuất hiện trong Hiến pháp 1946, đến nay đã gần tròn 70 năm. Và những người mong muốn cải cách cần phải ôn hòa tạo ra sức ép, đồng thời cũng là tạo ra cơ sở xã hội vững chắc cho những cải cách.
.
Câu hỏi 3 : Vấn đề xây dựng được nhà nước pháp quyền đúng nghĩa phải bắt đầu từ gỡ nút thắt nào ?

Bình luận : Ông Bạt cho rằng nút thắt ở đây là sự kiên nhẫn. mọi người cần phải kiên nhẫn. Sau đó ông né tránh câu hỏi. Rồi ông đưa ra khái niệm “văn hóa pháp quyền”, đưa ra câu chuyện đức trị và pháp trị, đưa ra câu chuyện khế ước hôn nhân của nước ngoài để minh họa cho cái gọi là “văn hóa pháp quyền”.  Tôi thì thấy không cần thiết phải đưa thêm khái niệm “văn hóa pháp quyền” làm gì cho phức tạp hóa vấn đề một cách không cần thiết mà chỉ cần nghĩ đơn giản là xã hội được vận hành chủ yếu bởi hai thứ, đó là pháp luật và những quan hệ chưa được luật hóa như phong tục, tập quán, truyền thống, quan niệm đạo đức, đức tin v.v… Vi phạm pháp luật thì có luật để tòa án xử; vi phạm các quy tắc thuộc các phạm trù khác thì có tòa án dư luận xem xét, đánh giá, cũng là một cách xét xử mềm, và chính ở chỗ này có tồn tại khái niệm văn hóa, gắn bó chặt chẽ với đặc điểm của mỗi quốc gia.

Câu trả lời của tôi về nút thắt trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền là có nút thắt này. Tôi hiểu đơn giản nhà nước pháp quyền theo hai vấn đề cơ bản, đó là xây dựng pháp luật để nhà nước điều hành xã hội bằng pháp luật, và nhà nước cần được tổ chức để quyền lực được phân bổ, thực thi và kiểm soát tốt nhất. Những gì cản trở các điều trên đây đều là nút thắt cần phải gỡ bỏ của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
.
Câu hỏi 4 : Nhà nước nên đóng vai trò như thế nào trong xây dựng văn hóa pháp quyền ? Hay cứ để mặc xã hội tự hình thành nên văn hóa pháp quyền khi đến một mức phát triển nào đó ?

Bình luận : trừ câu trả lời trực tiếp là nhà nước đóng vai trò hướng dẫn vì nhà nước sinh ra để hướng dẫn (tôi nghĩ không chỉ đơn thuần là hướng dẫn), còn diễn giải sau đó lại quay về khái niệm “ văn hóa pháp quyền” có lẽ là chữ dùng có tính đặc thù riêng của ông nên tôi thấy không cần thiết phải bình luận gì thêm.

***

Tôi ngạc nhiên vì sự hiền lành của người đặt câu hỏi. Đành rằng “hỏi là việc của anh, trả lời là việc của tôi”, nhưng nếu xét thấy câu trả lời không đáp ứng câu hỏi, tại sao phóng viên không hỏi kỹ hơn cho ra nhẽ, ngõ hầu giúp cho bạn đọc khỏi bị “tẩu hỏa nhập ma” khi đụng chạm đến những khái niệm “cao siêu” được ông Bạt nêu ra . Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy Ban Biên tập Báo Thanh Niên không đòi hỏi cao hơn về chất lượng bài phỏng vấn mà vẫn cho đăng lên, hay là sợ rằng đòi hỏi như thế thì quá sức chịu đựng của người được phỏng vấn.
HĐH








No comments:

Post a Comment

View My Stats