Friday, 10 July 2015

Việt-Mỹ: Cơ hội cho làn sóng dân chủ VN (Trinity Hồng Thuận, gửi tới BBC từ California)





Trinity Hồng Thuận
Gửi tới BBC từ California
9 tháng 7 2015

Đã có các cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc vào ngày Tổng thống Obama tiếp đón Tổng bí thư Trọng

Mấy ngày vừa qua trên facebook thấy nhiều người cho rằng Hoa Kỳ có vẻ "ghẻ lạnh" Cộng sản Việt Nam (CSVN) qua chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều thông tin đưa ra, từ việc ông Trọng được tiếp đón thế nào, có được vào Tòa Bạch Ốc hay không, được gặp gỡ những ai, được Hoa Kỳ gọi bằng danh xưng gì… .

Đối với tôi, việc quan trọng hơn những tiểu tiết này chính là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có những tiến triển gì qua chuyến viếng thăm kỳ này của ông Trọng.
Riêng cá nhân tôi vẫn mong muốn nhìn thấy sự thân thiết hơn của Hoa Kỳ đối với đất nước Việt Nam.
Trong công cuộc đấu tranh này, tôi vẫn luôn quan niệm là người Việt Nam phải lấy sức mình làm chính.

Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ, cho chúng ta những thuận lợi và cơ hội mà nếu nắm bắt được, có thể giúp cho phong trào ngày càng mạnh hơn.
Sáng hôm 07/07, ông Obama hứa là sẽ thăm Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Có lẽ vì quá mất niềm tin vào CSVN nên chúng ta đôi lúc cảm thấy có chút "bực mình" khi nhìn thấy thái độ thân thiện của Hoa Kỳ.
Nhưng nhìn xa hơn thì việc Hoa Kỳ càng gần Việt Nam chỉ có thể là một điều tốt cho phong trào đấu tranh.

Trước hết về mặt ngắn hạn thì từ đây đến khi Obama đến Việt Nam, CSVN sẽ phải chứng tỏ hình ảnh tốt nhất của họ, mở ra cơ hội cho phong trào tiến thêm những bước chiến lược cần thiết.
Obama đến Việt Nam cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhóm đấu tranh, xã hội dân sự trực tiếp tiếp xúc và vận động chính quyền Hoa Kỳ trong việc đặt ưu tiên vấn đề nhân quyền.
Xa hơn nữa, việc Hoa Kỳ càng gần Việt Nam sẽ giúp Việt Nam xa rời mối quan hệ bất bình đẳng với Trung Quốc, một mối quan hệ sẽ đưa đất nước Việt Nam đến sự lạc hậu và bị thế giới xa lánh.

Một điểm thuận lợi trong quan hệ Việt - Mỹ là đối với chính sách Hoa Kỳ chúng ta có sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khối công dân Mỹ gốc Việt sinh sống tại đây, trong khi công dân gốc Việt sống ở Trung Quốc thì không thể gây được ảnh hưởng như vậy.
Chính phủ Hoa Kỳ thường xuyên có những buổi tiếp xúc với các nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt để trao đổi về quan hệ hai nước, và tiếng nói cử tri Việt sẽ góp phần đẩy mạnh nguyện vọng về nhân quyền trong chính sách Hoa Kỳ.
Điển hình là vào cuối tuần này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Ted Osius sẽ đến thăm Little Saigon, thủ đô của người Việt hải ngoại, và có buổi gặp mặt với cộng đồng người Việt tại đây để lắng nghe ý kiến cộng đồng về sự bang giao Việt - Mỹ nhân 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước.

Buổi gặp gỡ sẽ chú tâm vào các vấn đề như đàm phán Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tình hình nhân quyền, và phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.

Tôi cũng như các bạn, bực bội khi không nhìn thấy sự cứng rắn của chính phủ Obama trong cuộc đối thoại với Hà Nội, đặc biệt trên vấn đề nhân quyền.
Điều đó nhắc tôi và những người Việt hải ngoại càng phải làm mạnh hơn và tốt hơn trách nhiệm của mình trong việc ảnh hưởng tới chính sách Hoa Kỳ. Bởi vì tôi tin với một quan hệ Việt - Mỹ càng gắn bó, con đường dân chủ hóa đất nước sẽ càng mở rộng ra.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà hoạt động nhân quyền trẻ tại California, Hoa Kỳ. Tác giả là thành viên của Đảng Việt Tân và và thường xuyên làm việc với chính giới Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế để vận động cho nhân quyền tại Việt Nam.









No comments:

Post a Comment

View My Stats