Thursday, 16 July 2015

ĐƯỢC MẤT SAU CHUYẾN ĐI CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG (BS Hồ Hải)





Thursday, July 16, 2015

LỜI PHI LỘ

Sau chuyến đi của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ, có nhiều ý kiến khác nhau về từng cá nhân lãnh đạo Việt Nam, khi mà việc ông bộ trưởng quốc phòng đổ bệnh, cả 2 ông bí thư và phó bí thư quân ủy trung ương của nhà cầm quyền Việt Nam đều vắng mặt trong Đại hội toàn quân 5 năm diễn ra 1 lần vào ngày 01/7/2015 vừa qua, tôi thấy cần viết một bài về cái được, cái mất trong tương lai của nước Việt. Đặc biệt, được và mất của tổ quốc và dân tộc, chứ không bàn đến được, mất của nhà cầm quyền.

Nhìn nước Việt và chế độ đang cầm quyền nước Việt hôm nay phải nhìn bản chất của nó, thông qua lịch sử gần đây ít nhất 30 năm. Không nên hời hợt tách một vài con người chóp bu trong nhóm cầm quyền tập thể ở Việt Nam, cách nhìn sai lệch này sẽ đưa chúng ta vào một nhận xét cảm tính, và không khoa học.

CƠ CẤU QUYỀN LỰC NHÂN SỰ XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

Về mặt cơ cấu quyền lực cá nhân của xã hội đơn nguyên tập quyền tập thể của xã hội Việt Nam hiện nay, như tôi đã viết, nó là một xã hội phong kiến kiểu mới, khác với phong kiến kiểu cũ thời ông Lê Duẫn nắm quyền trở về trước. Nhưng, người đứng đầu chính quyền là tổng bí thư đảng cầm quyền chứ không phải là chủ tịch nước, hay chủ tịch quốc hội, hay thủ tướng.

Mỗi lời nói, phát biểu trước công chúng của tổng bí thư là không chỉ đại diện cho ông ta, mà là đại diện cho bộ chính trị, cho hơn 270 ủy viên dự khuyết và chính thức trung ương đảng, và tất cả hơn 3 triệu đảng viên của đảng cầm quyền tại Việt Nam. Các nhân vật của tứ trụ triều đình phát biểu không phải phát biểu cho riêng cá nhân họ, mà là phát biểu của chính tập thể hơn 3 triệu đảng viên của đảng cầm quyền. Chính vì thế, họ phải cầm giấy đọc, vì ý kiến này là của chung và là quyền lợi của đảng cầm quyền, chứ không phải của riêng cá nhân họ. 

Lược qua điều này để thấy, không nên trách cá nhân bất kỳ một vị lãnh đạo nào của cộng sản ở Việt Nam, mà cái cần thiết là, hãy làm sao để đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay phải thay đổi cơ chế chính trị của họ đang theo đuổi là không phải vì dân tộc và đất nước. Việc này không dễ trong 50 năm tới.

LỊCH SỬ QUAN HỆ NGOẠI GIAO NƯỚC VIỆT 40 NĂM QUA

Sau 30/4/1975, điều ắt phải đến là, Việt Nam phải xem Hoa Kỳ và khối đồng minh của Hoa Kỳ là kẻ thù. Việt Nam phải xem đồng minh và Liên Xô Trung Cộng là bạn. Đây là một sai lầm lớn nhất của hậu quả về cả tầm nhìn, và tâm đối với tổ quốc và dân tộc, khi cả người dân bị hậu quả chiến tranh chia đôi đất nước cũng bị vạ lây.

Nhưng vì hiểu dã tâm của Trung Cộng, nên ông cố tổng bí thư Lê Duẫn - người nắm toàn bộ quyền bính lúc bấy giờ - đã phải đưa ra quan hệ ngoại giao thiên về Liên Xô và Đông Âu cũ. Đây là một sách lược sai lầm trong binh pháp Tôn Tử về ngoại giao mà ông Hồ Chí Minh đã vạch ra khi còn chiến tranh - dĩ bất biến ứng vạn biến - ngoại giao đa phương. Đó là, một chiến lược sai lầm thời ông Duẫn, và nó đã để lại cuộc chiến biên giới phía Bắc và Tây Nam năm 1979. Hòa bình vẫn chưa đến với nước Việt cho mãi đến 1989, khi Việt Nam rút toàn bộ quân đội ra khỏi Cambodia.

Người đã khởi đầu ý tưởng quan hệ ngoại giao đa phương trở lại không ai khác là cố phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Thời điểm ông đưa ra ý tưởng này vào năm 1987, cũng là thời điểm ông phải bị từ bỏ chức vụ của mình vào ngay nhiệm kỳ mới của đại hội đảng cộng sản ở Việt Nam lần thứ VII vào tháng 6/1991. Năm 1987, khi ông Nguyễn Cơ Thạch đưa ra ý tưởng ngoại giao đa phương, trong đó, phải lập lại bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, cũng là thời điểm những dấu hiệu khối Đông Âu và Liên Xô cũ bắt đầu có sự sụp đổ, nhưng chưa ai thấy nó là mối nguy cho tổ quốc và dân tộc Việt. 

Ngay cả khi ông cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bị ông Gorbachev xem thường tại Đại hội Cộng sản toàn thế giới diễn ra tại Berlin của Đông Đức vào cuối năm 1989, ông vẫn chưa thấy cần phải ngoại giao đa phương để cứu tổ quốc và dân tộc, mà ông chỉ thấy cần phải cứu đảng của ông. Nên mới có Hội nghị Thành Đô 1990.

Ngay sau khi chữ ký của Hội nghị Thành Đô chưa ráo mực thì các lãnh đạo Việt Nam đã thấy ngay nước Việt sẽ bị đắm chìm trở lại ngàn năm Bắc thuộc. Nên một khởi động cho quan hệ ngoại giao đa phương, và ông Richard Holbrooke đã có mặt cho những chuyến đàm phán con thoi để 4 năm sau khi ký kết Hội nghị Thành Đô, ông tổng thống Bill Clinton xóa cấm vận kinh tế với Việt Nam vào ngay cái ngày thành lập đảng cộng sản ở Việt Nam 03/02/1994, thế mới thấy Hoa Kỳ quá hiểu Việt Nam như thế nào? Nhưng các đời cựu tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam trước ông Nguyễn Phú Trọng đều vẫn xem Hoa Kỳ là cựu thù, chưa phải là đối tác.

Bây giờ, khi mà kinh tế và chính trị Việt Nam hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng thì mới có chuyến viếng thăm của ông tổng bí thư của đảng cộng sản ở Việt Nam đến Hoa Kỳ. Qua đó, chúng ta phải thấy là, chuyến đi này không phải chỉ mới xuất hiện về ý tưởng gần đây, mà phải từ nhiều năm trước, song gần đây mới thực sự muốn có về phía Việt Nam, khi mà Trung Cộng ngày càng lấn tới về mọi mặt, xem thường Việt Nam như một chư hầu thực sự.

Đây là một bước ngoặt thực sự để thể hiện chiến lược ngoại giao đa phương, nhưng không thay đổi quan điểm chính trị chung của tập thể đảng cầm quyền tại Việt Nam, thông qua hiến pháp mới sửa đổi năm 2013. Chính vì thế, về chính trị trong tương lai của nước Việt là không đổi. Nó cũng được ông tổng bí thư phát biểu rõ ràng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ - CSIS: Center for Strategic International Studies.

[Video] Bài phát biểu quan trọng của TBT Nguyễn Phú Trọng tại CSIS
(VNnews07  Jul 12, 2015)
Tóm lược của VTV đã được cắt bỏ phần chính quan trọng nhất về bài phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại CSIS.

[Video] The Banyan Tree Leadership Forum with Nguyen Phu Trong
Toàn văn phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại CSIS được CSIS chuyển sang english. Ai có khả năng tiếng Anh, thì nên nghe toàn văn này. Nó thể hiện đầy đủ tuyên bố của nhà cầm quyền Việt Nam với Hoa Kỳ.

VIỆT MỸ AI CẦN AI?

Câu chuyện ai cần ai trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ thì nhiều người đã bàn, nhiều bài đã viết. Nhưng trong quan hệ ngoại giao, khi anh cần tôi, thì anh đến nhà tôi nói chuyện phải quấy.

Hoa Kỳ sẽ không vì một thị trường nhỏ 90 triệu dân Việt Nam mà bỏ đi miếng bánh to của Trung Hoa đến 1,4 tỷ dân.

Hoa Kỳ sẽ không vì Việt Nam mà phải bỏ sức người, sức của, kể cả máu xương để bảo vệ Việt Nam khi Trung Cộng xâm lăng Việt Nam, đặc biệt về kinh tế và chính trị của Việt Nam là của Trung Cộng và Việt Nam là đối tác chiến lược, là đồng minh của Trung Cộng.

Hoa Kỳ chỉ kiếm quyền lợi của Hoa Kỳ ở Việt Nam trong việc chuyển trục từ Trung Đông sang Thái Bình Dương, mà việc bao vây Trung Cộng chỉ còn hở sườn ở phía Đông!

ĐƯỢC VÀ MẤT CỦA TỔ QUỐC VÀ NHÂN DÂN VIỆT TRONG QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI

Những cái mất trong quá khứ đã quá rõ, máu xương và chia rẽ dân tộc không biết 100 năm tới có thể hàn gắn được không? Đó là chưa nói đến những cái mất khác như vị thế, văn hóa, giáo dục, etc của đất nước và dân tộc đối với thế giới, để một cái được duy nhất là đất nước thống nhất, trong cảnh người mình cai trị đồng bào mình, mà xem đồng bào như kẻ thù.

Tương lai cái được sẽ là, tình hình kinh tế trì trệ và đang sụp đổ sẽ được vực dậy, nếu Việt Nam được vào TPP. Đời sống chính trị của người dân sẽ dễ thở hơn, khi những tổ chức dân sự đứng ngoài đảng cầm quyền - nên nhớ là tổ chức dân sự đứng ngoài đảng cầm quyền, chứ không phải của đảng cầm quyền tạo ra để đứng ngoài đảng cầm quyền - ra đời và hoạt động độc lập, kiểm soát những sai trái do chính quyền của đảng cầm quyền tạo ra. Những điều này rất khó xảy ra ở Việt Nam, nếu không nói là phải 30 năm nữa, may ra, mới có, theo như quy luật xã hội học mà tôi đã viết trong bài: Thử nhìn tương lai nước Việt.

Tương lai của cái mất sẽ là, không có gì để mất, vì có còn gì nữa đâu để mà mất như bài viết gần đây của tôi với tựa đề: Nước Việt hôm nay cần gì?.

KẾT

Tôi xin lấy câu nói của ông tổ cộng sản thế giới để kết thúc bài viết này: "Không có giai cấp cầm quyền nào chịu từ bỏ vị trí thống trị của nó". Được hay mất của đất nước và dân tộc này không còn là vấn đề quan trọng, mà được mất của đảng cầm quyền quan trọng hơn trong 85 năm qua.

Posted by Hồ Hải at 1:49 PM 

Bài đọc liên quan:





No comments:

Post a Comment

View My Stats