Tuesday, 7 July 2015

TỰ DO BÁO CHÍ: XU THẾ KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC (Nguyễn Tường Thụy)





Tue, 07/07/2015 - 22:19 — nguyentuongthuy

Việt Nam – vùng trũng của tự do báo chí

Tự do báo chí là một nội dung của quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận là quyền mặc định của con người. Chỉ có khi quyền tự do ngôn luận bị xâm phạm thì mới có khái niệm tự do báo chí. Điều đó có nghĩa, khi nền dân chủ phát triển đến mức độ hoàn thiện, nhân quyền được hoàn toàn đảm bảo thì sẽ không còn khái niệm “tự do báo chí” vì khi đó, tự do báo chí trở thành lẽ đương nhiên. Và vì vậy, khái niệm tự do báo chí là một phạm trù lịch sử.
Việt Nam nằm ở vùng trũng của tự do báo chí. Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans Frontieres – RSF) thì Việt Nam đứng thứ hạng 174 trên 180 nước được chọn xếp hạng về tự do báo chí năm 2014. Còn trước đó, năm 2013, VN “vững vàng” ở vị trí 172 trong số 179 nước được tổ chức này xếp hạng.
Có một điều thú vị là, các nước cộng sản đều nằm trong top 10 nước kém tự do báo chí nhất thế giới, như Cu Ba (thứ 170), Trung quốc (175), Bắc Triều tiên (179) còn Việt Nam thứ hạng 174 như đã nhắc tới.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn ra sức ngụy biện, phủ nhận tình trạng bóp nghẹt tự do báo chí. Xin dẫn ra chỉ một ví dụ mới đây thôi, ngày 24/4/2015 khi tiếp xúc với cử tri, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông nói liều rằng: “Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ (tức Phương Tây) rất nhiều”.
Để minh chứng cho nhận định của mình, ông lôi ra con số: “cũng hiếm có nước nào có nhiều tờ báo và truyền hình như Việt Nam hiện nay với hơn 300 kênh phát thanh và truyền hình, 7 đài truyền hình, hơn 800 tờ báo, tạp chí. Rất nhiều hội, đoàn và hầu như địa phương cũng có báo riêng, phục vụ nhu cầu của độc giả đủ mọi lứa tuổi”.
Con số ông Bộ trưởng Son đưa ra không sai, nhưng ông lại thừa nhận “Báo chí là phương tiện truyền thông của Đảng, Nhà nước”. Tức là, con số đài, báo mà ông nêu ra chỉ nói lên hệ thống tuyên truyền khổng lồ của đảng CSVN mà thôi chứ đâu có liên quan gì đến tự do báo chí. Ngược lại, trong khi Việt Nam nói không với báo chí tư nhân thì con số trên càng lớn bao nhiêu thì càng nói lên tình trạng bóp nghẹt tự do báo chí bấy nhiêu. Lớn giọng (tức số lượng nhiều) để át đi tiếng nói kẻ khác mà lại cho là tự do báo chí ư? Đây quả là một điều khôi hài trong lối giải thích đầy mâu thuẫn của ông Nguyễn Bắc Son.

Tình trạng bế tắc của báo chí Nhà nước

Hiến pháp Việt Nam ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình".
Luật báo chí cũng quy định: “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí”, “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”.
Thế nhưng trên thực tế lại khác hẳn. Những ai đã từng làm báo đều phải hiểu, điều gì được phép viết, thông tin nào bị cấm, viết như thế nào thì được đăng. Nội dung tuyên truyền định kỳ hoặc không định kỳ đều được Ban tư tưởng văn hóa TW, Bộ Thông tin và truyền thông chỉ thị. Vì vậy, mới sinh ra chuyện khôi hài là xuất hiện cụm từ “nội dung (hay kế hoạch) tuyên truyền” (của tháng tới, tuần tới) chứ không phải là “nội dung thông tin”. Báo chí là phản ánh chứ đâu phải tuyên truyền? Chỉ thị 37/CP của Chính phủ còn thẳng thừng tuyên bố: "Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”
Để bài báo dễ dàng lọt qua khâu kiểm duyệt, các nhà báo đều phải tự kiểm duyệt ngay từ khi đặt bút. Tất nhiên đôi khi, có thể vô tình hay hữu ý, một vài sản phẩm báo chí “có vấn đề’ lọt ra công luận và tới tay người đọc. Trong những trường hợp này, đương nhiên là có chuyện kỷ luật. Việc kiểm duyệt chặt chẽ báo chí đã trói các nhà báo, biến những ngòi bút trở thành khô cứng, giả dối, làm thui chột tài năng của các nhà báo và làm tê liệt tinh thần những nhà báo có tâm huyết. 
Có lẽ, chưa bao giờ, nền báo chí Việt Nam bế tắc như hiện nay. Lượng bạn đọc giảm sút nhiều tới mức, các tờ báo phải đi khai thác những thông tin rẻ tiền, đánh vào thị hiếu tầm thường của bạn đọc. Những tin tức về cướp, hiếp, giết, khai thác đời tư ca sĩ, người mẫu, sao nghệ thuật… tràn ngập trên các mặt báo. Những tiếng rao bán báo trên các loa điện với các tin giật gân làm náo động cả khu phố khi vừa thức dậy chào đón một ngày mới.
Trong một cái lồng chật hẹp, có những nhà báo đã thử xé rào hoặc vô tình mà thành vi phạm nhưng lập tức bị trả giá. Tờ báo mà có nhiều lãnh đạo bị cách chức, kỷ luật nhất là Tuổi trẻ với hai tổng biên tập và hai phó tổng biên tập.
Có điều lạ là cùng một hành vi như nhau nhưng viết vào lúc này thị bị kỷ luật nhưng vào thời điểm khác thì lại không, trong khi luật pháp vẫn nguyên như thế. Điều này cho thấy tội của người cầm bút không phải căn cứ theo pháp luật hay theo qui định mà theo ý muốn của người lãnh đạo trong từng thời kỳ. Điều này là một minh chứng cho việc ở Việt Nam, có những thế lực đứng trên luật pháp. Ví dụ vụ ông Nguyễn Trung Dân bị cách chức phó tổng biên tập báo Du lịch và thu hồi thẻ nhà báo chỉ vì “can tội” cho đăng bài “Tản mạn cho đảo xa” của Trung Bảo. Vụ việc xảy ra từ năm 2009, nhưng nếu vào thời điểm bây giờ hẳn là ông vô tội.

Báo mạng – sự thách thức đối với báo chí Nhà nước

Sự ra đời và phát triển kỳ diệu của Internet đã sinh ra một hình thức báo chí mới là báo mạng. Phần này chỉ nói tới các trang mạng cá nhân chứ không đề cập tới các trang báo online do Nhà nước quản lý. Báo mạng dưới các hình thức website, blog, các trang Facebook… có những ưu điểm vượt trội như thông tin kịp thời, nhạy bén, độ tin cậy cao, luôn bám sát những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống.
Khi độc giả đang nhàm chán với thông tin một chiều của báo chí Nhà nước thì báo mạng ra đời đã đáp ứng nhu cầu của họ. Báo mạng trở thành đối trọng và là sự thách thức đối với báo chí Nhà nước, thúc đẩy yêu cầu phải đổi mới lối viết, cách đưa tin đã trở thành mòn xáo.
Mạng lưới blogger đã đưa tới người đọc những thông tin đa chiều, những vấn đề lý luận về tự do, dân chủ, nhân quyền. 
Do sự lợi hại của Internet, nhà cầm quyền đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của loại hình báo chí này. Nhiều trang mạng không thuận chiều bị chặn hoặc bị phá. Ông Vũ Hải Triều thứ trưởng công an đã từng “khoe” đánh sập hơn 300 trang mạng và blog cá nhân xấu mà Đài RFA gọi là “không khảo mà xưng”, còn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì “kinh tởm”
Ngày 15/7/2013, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định này lập tức bị dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Một nhóm 21 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức, cùng ra tuyên bố chỉ trích văn bản này, nói Nghị định 72 “sẽ áp đặt thêm những hạn chế đối với cách thức truy cập và sử dụng internet ở Việt Nam”.
Nếu số phóng viên nhà nước bị đi tù là một con số có thể đếm trên đầu ngón tay thì những người viết báo mạng bị trừng phạt hơn nhiều lần vì tính tự do, độc lập của họ cũng cao hơn. 
Theo Tổ chức phóng viên không biên giới, Việt Nam là “nhà tù lớn thứ hai trên thế giới của các blogger và các nhà bất đồng chính kiến trên mạng, sau Trung Quốc”. Tổ chức này thống kê đến ngày 15/6/2013 tức là ngày Đinh Nhật Uy bị bắt, Việt Nam đã có 35 blogger và cư dân mạng bị cầm tù (xem Ở ĐÂY ). 
Thời gian sau đó, có thể kể thêm Ba Sàm, Nguyễn Quang Lập, Người Lót Gạch (Giáo sư Hồng Lê Thọ), Nguyễn Ngọc Già (Nguyễn Đình Ngọc) và gần đây nhất là nhà báo tài năng, dũng cảm: Tổng Biên tập báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa.
Không phải những người cầm bút viết báo trên Intenetr không lường trước được những hình phạt có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Họ viết bởi sự thôi thúc của lương tri, mà điều gì xuất phát từ lương tri có thể bất chấp tất cả sức mạnh đàn áp. Những biện pháp trừng phạt, cấm đoán của nhà cầm quyền không thể hạn chế được sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và trang Việt Nam Thời báo

Năm 2014, có hai sự kiện quan trọng liên quan đến Tự do báo chí cho Việt Nam. Tháng 4/2014, một đoàn điều trần gồm 6 blogger sang Mỹ để vận động cho tự do báo chí ở Việt Nam. Tiếp theo, ngày 4/7/2014, tại Sài Gòn, 40 cây viết tự do ra tuyên bố thành lập Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam cổ vũ cho một nền báo chí tự do, cổ vũ cho tinh thần dân chủ và đa nguyên, Cho đến nay, Hội đã quy tụ được 81 hội viên, có 4 chi hội ở 3 miền đất nước và hải ngoại.
Mới tròn 1 năm ra đời, Hội đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực
Hội NBĐLVN được sự hỗ trợ liên tục và mật thiết của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF). Vào đầu năm 2015, RSF đã hỗ trợ trang web VNTB kỹ thuật vượt tường lửa rất có hiệu quả bằng cách nối kết VNTB với một số trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới, trở thành website tin tức thứ 2 tại Việt Nam nhận được sự hỗ trợ này. Hội cũng đã tiếp xúc với Liên minh báo chí Đông Nam Á (SEAPA) để tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của tổ chức này.
Ngoài ra, Hội còn nhận được sự hỗ trợ của một số cơ quan quốc tế như Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EEAS), các cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Canada, Thụy Điển, Đức… và những tổ chức quốc tế như Tổ chức bảo vệ ký giả quốc tế (CPJ)…
Về truyền thông, website Việt nam Thời Báo ra đời cùng với sự ra đời của Hội và hoạt động liên tục cho đến nay. Trang web đã đạt được số lượt truy cập trung bình 100 nghìn lượt/ngày. Ngoài ra, Việt Nam Thời Báo còn xây dựng các ấn phẩm điện tử khác như phát thanh, phát hình.
Hội Nhà Báo Độc Lập ra đời và hoạt động không hề suôn sẻ. Ngay từ đầu thành lập, một số hội viên bị ép rút tên ra khỏi Hội. Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng luôn bị sách nhiễu, bị cản trở quyền tự do đi lại, nhiều lần bị áp giải về đồn công an để làm việc. Việc đàn áp Ts Phạm Chí Dũng nhằm tạo sức ép để xóa sổ trang Việt Nam Thời Báo, chặn tiếng nói tự do của các nhà báo độc lập.

Xu thế không thể đảo ngược

Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, là quyền đương nhiên của mỗi con người sinh ra trên trái đất này. Tự do báo chí không phải do ai ban phát cho. 
Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị công nhận: “Mọi người đều có quyền giữ vững quan điểm mà không bị can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do thể hiện; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng của tất cả các loại, không kể biên giới, bằng miệng, bằng văn bản hoặc ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác của sự lựa chọn của mình”.
Cần phải giải phóng nhân loại ra khỏi mọi ràng buộc, trong đó có sự ràng buộc về tư tưởng, cấm đoán việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin. Lịch sử phát triển của loài người cho thấy rõ xu hướng thoát khỏi man rợ, hướng tới các giá trị văn minh. Xu hướng này không thể đảo ngược. Tự do báo chí cũng nằm trong xu hướng phát triển chung ấy. Mọi sự kìm hãm, bóp nghẹt, đàn áp dù tàn bao bao nhiêu cũng không thể làm cho loài người quay trở lại thời kỳ mông muội.

Hà Nội 7/7/2015
NTT





No comments:

Post a Comment

View My Stats